Năm Đinh Mùi 1127, vua Nhân Tông băng hà, Thần Tông kế vị, nhà Lý bắt đầu thời kì suy yếu. Trải thêm mấy đời vua nữa, cuối cùng đến Chiêu hoàng đế thì mất ngôi vào tay nhà Trần.
Tượng vua Lý Thái Tổ
Thượng bất chính hạ tắc loạn
Thần Tông kế vị Nhân Tông khi 13 tuổi. Triều chính, việc cai trị đất nước vẫn ổn định vì đã được Nhân Tông gửi gắm cho các quan đại thần tin cẩn và giỏi giang nhưThái sư Lê Bá Ngọc, Thái phó Dương Anh Nhĩ, Thái úy Lý Công Bình, Gián nghị Đại phu Mâu Du Đô, Điện tiền Chỉ huy sứ Lý Sơn... Mặc dù vậy, Thần Tông vẫn là một vị vua ham chơi, thích vật hiếm lạ, càng trưởng thành càng đam mê cái thú này. Đó là cái cớ cho đám quan lại hèn mọn hùa theo mà xu nịnh, tâng bốc. Chỉ năm thứ hai ở ngôi (Kỉ Dậu, 1129) mà sử đã chép có đến 5 lần vua nhận cống vật hiếm lạ. “Mùa Xuân, tháng Giêng, Nhập nội điện trung là Lý An Dậu dâng hươu trắng. ho Dậu tước đại liêu ban”. “Tháng 2,…. Thân vương ban là Lý Lộc tâu nói trên núi Tản Viên có hươu trắng. Vua sai Thiếu úy Dương Anh Nhĩ đến bắt được. ho Lộc tước đại liêu ban”. “Tháng ba, Lý Tử Khắc tâu sớ rằng rừng ở sông Đáy có hươu trắng. Vua sai Thái úy Lưu Khánh Đàm đến bắt được. Thăng Tử Khắc làm khu mật sứ, theo trật Minh Tự, đội mũ bảy cầu”. “Mùa Hạ, tháng 6, nhập nội long đồ là Mâu Du Đô dâng ngựa trắng bờm đen bốn chân có cựa”. “Tháng 8 nhuận…. Ngày Giáp Thân người nung ngói ở cung Động Nhân dâng rùa mắt có 6 con ngươi, trên ức có hai chữ “Phả lạc”.
Chỉ vì một con vật lạ mà vua sai quan đại thần bỏ công việc triều chính đi tìm bắt và dễ dàng ban tước, ban chức cho người báo tin, người dâng!? Chưa tính đến các việc lớn khác, chỉ riêng cái thú chơi này kể cũng đã tốn kém bệ rạc đến mức nào rồi.
Lê Tung đời nhà Lê trong Đại Việt thông giám tổng luận nhận định:“Thần Tông sửa sang chính sự, nhậm dụng hiềm năng, đặt khoa Hoành từ, định lệnh binh nông, kể về chính trị thế là siêng năng. Song quá thích điềm lành, sùng thượng đạo Phật, thắng giặc cũng quy công cho Phật, dâng hươu cũng cho lạm tước quan. Sao mà ngu thế?”
Anh Tông là vị vua sáng hơn về trí tuệ, mạnh mẽ hơn về ý chí và trong sáng hơn về nhân cách nhưng tình hình trong triều ngoài nước vẫn hết sức rối ren. Loạn Thân Lợi rồi loạn Đỗ Anh Vũ, lại đến Thái tử làm càn phải phế bỏ… Đến thời Cao Tông thì lại càng tệ hại hơn. Ông vua này chỉ thích chơi bời, mua bán chức tước, khiến xã hội bất ổn, bọn bất tài cứ có nhiều tiền là làm quan gây phiền nhiễu cho dân chúng. Sách Toàn thư chép: “Bấy giờ vua xây dựng không ngớt, ngao du không chừng mực, hàng ngày cùng cung nữ dạo chơi làm vui, nghe ngoài thành có trộm cướp, giả cách không biết”. Đến nỗi Tăng phó Nguyễn Thường phải thốt lên rằng: “Nay dân loạn, nước nguy, chúa thượng thì chơi bời không điều độ, chính sự của triều đình thì rối lọan, lòng dân trái lìa, đó là triệu bại vong”.
"Tình hình tham nhũng đến nỗi vua thì ham thích tiền của, các quan thì phần nhiều bán quan buôn ngục”. Dân tình thì “Đói to, xác người chết đói nằm gối lên nhau”. (Toàn thư). Chính vì vậy mà nhiều kẻ nhân lúc triều đình trung ương suy yếu cũng ngầm xây dựng lực lượng nổi dậy, âm mưu cát cứ.
Đến Huệ Tông thì bạc nhược, đớn hèn, không lo nỗi triều chính, hết dựa vào thế lực này lại chạy theo thế lực khác để cuối cùng bị nhà Trần thâu tóm quyền lực rồi ép đến chết. Nếu không có việc Thái tử Sảm chạy về Hải Ấp nương nhờ thế lực Trần Lý rồi si tình mà lấy Trần Thị Dung thì khó có thể triều đình nhà Lý bị họ Trần thao túng quyền lực rồi lấy mất ngôi.
Tranh giành quyền lực
Tranh giành quyền lực là không tránh khỏi ở bất cứ thể chế nào, tình hình càng rối ren, khó khăn thì tranh giành càng căng thẳng, xảo quyệt và tàn bạo hơn. Ở các đời vua Lý, từ Thần Tông, Anh Tông, Cao Tông, Huệ Tông đến Chiêu hoàng đến cuộc chiến tranh giành quyền lực không bao giờ dứt và hết sức phức tạp.
Tranh giành trong nội bộ hoàng tộc, chủ yếu xuất phát từ các hoàng thái hậu khi họ bằng mọi âm mưu và thủ đoạn để giành ngôi cho con và quyền lực cho dòng họ của mình.
Thái tử của Long Xưởng là con trưởng của Anh Tông, vì tội có ý bất chính với cung phi của vua cha mà bị truất ngôi. Sau khi Anh tông mất, chính thất của Anh Tông là Chiêu Linh hoàng hậu Vũ thị muốn lập con mình là Long Xưởng làm vua và mua chuộc Thái sư Tô Hiến Thành song bà đã bị ông này thẳng thừng cự tuyệt.
Không mua chuộc được Tô Hiến Thành, Chiêu Linh thái hậu quyết định tạo binh biến, gây ly tán trong triều nhằm tạo phe cánh ủng hộ mình. Âm mưu binh biến thất bại nhưng tạo sự ly tán trong triều đình càng thêm sâu sắc.
Cùng thời với Chiêu Linh thái hậu là Chiêu Thiên Chí Lý hoàng thái hậu (Đỗ Thụy Châu), mẹ đẻ của vua Cao Tông, cũng tham nhũng quyền lực ghê gớm. Khi Tô Hiến Thành sắp mất, Đỗ thái hậu đến thăm và hỏi ai có thể thay ông, Tô Hiến Thành cho rằng chỉ có Trần Trung Tá là có thể thay mình. Thế nhưng khi Tô Hiến Thành mất, Đỗ thái hậu không nghe theo mà cho em trai mình là Đỗ Di An giữ quyền phụ chính. Đỗ Di An là người đã bất tài lại kém đức, khiến vua Cao Tông nghe theo Di An thì càng lớn cũng càng tỏ ra bất tài, lại chỉ lo hưởng lạc.
Năm Canh Ngọ (1210) vua Lý Cao Tông mất, Thái tử Lý Hạo Sảm lên ngôi hiệu là Huệ Tông, tôn mẹ mình làm thái hậu.
Đàm thái hậu (An Toàn Hoàng hậu Đàm thị - Hoàng hậu của Lý Cao Tông),mẹ sinh Lý Huệ Tông, là người cứng rắn, thích can dự vào việc chính sự, đích thân cùng vua nghe chuyện chính sự cùng triều đình. Bà phong cho em trai mình là Đàm Dĩ Mông làm Thái sư, cùng mình tham dự triều chính cùng triều thần, trong khi vua Huệ Tông không được can dự vào.Mọi việc đều do Đàm thái hậu quyết định. Bà chỉ lo cho quyền lợi của họ Đàm khiến triều chính bất ổn, xã tắc loạn lạc, các thế lực nổi lến khắp nơi, khiến triều đình nhà Lý ngày càng phải phụ thuộc thế lực họ Trần.
Tranh giành quyền lực giữa các triều thần nhà Lý cũng căng thẳng và phức tạp làm cho triều đình đình trệ, bệ rạc dẫn đến suy yếu.
Cảm Thánh phu nhân Lê thị trở thành Hoàng thái hậu, trọng dụng Đỗ Anh Vũ, là em ruột của Đỗ thái hậu và là cháu gọi Lý Thường Kiệt bằng cậu, cũng là con nuôi của Thái sư Trương Bá Ngọc, cho làm nhiếp chính. Thái Hậu chỉ tin tưởng Anh Vũ khiến nhiều đại thần, gồm Điện tiền Chỉ huy sứ Vũ Đái, Phò mã Dương Tự Minh cùng một số thân vương nhà Lý bất bình và làm binh biến bắt Anh Vũ. Anh Vũ chỉ bị đày; Thái hậu cố để phục hồi chức nhiệm cho Anh Vũ, nên nhiều lần mở hội lớn để xá cho tội nhân. Anh Vũ được mấy lần xá tội, lại được làm Thái úy Phụ chính như cũ, càng được yêu dùng hơn. Đỗ Anh Vũ tìm cách trả thù, những người tham gia binh biến đều bị giết hoặc đi đày.
Làm nước rối loạn nhất là các cuộc tranh giành giữa các thế lực cát cứ dòng họ. Cao điểm quyết liệt nhất là giữa họ Trần, đứng đầu là Trần Lý, Trần Tự Khánh, sau là Trần Thủ Độ với họ Đoàn đứng đầu là Đoàn Thượng. Cuối cùng, họ Trần thắng thế, đánh bại họ Đoàn và các thế lực khác, khuynh loát nhà Lý rồi giành ngôi.
Giải mã một bài học
Không có sự tồn tại vĩnh viễn của bất cứ thể chế, nhà nước nào. Sự tồn tại và phát triển của bất cứ thể chế nào cũng đến hồi phải thay đổi nếu không tự mình thay đổi, chuyển hóa theo hướng tiến bộ. Thế nhưng tại sao nhà Lý lại suy yếu để rồi sụp đổ thê thảm? Vì vua không tài, không sáng mà dẫn đến bê trễ triều chính, quan chức tranh giành quyền lực, dân cơ cực, kinh tế đình đốn, xã hội loạn lạc mà nên nỗi. Đúng!
Nước đến vận suy. Kinh tế, chính trị, xã hội đều suy yếu dần và càng ngày càng nhanh. Đúng.
Nhưng, nhìn một góc hẹp hơn, sâu xa hơn, phải chăng còn vì các vua đời sau nhà Lý đều tiếp ngôi khi còn quá trẻ. Thần Tông lúc 11 tuổi. Anh Tông lúc 3 tuổi. Cao tông lúc 3 tuổi. Huệ Tông lúc16 tuổi. Chiêu thánh hoàng đế lúc 7 tuổi. Mặc dù một số vua có phụ chính giỏi, tử tế kèm cặp nhưng nhìn chung đều thiếu một sự giáo dục có tính hệ thống, đặc biệt là thiếu sự rèn dạy của vua cha về kinh nghiệm trị vì, ý thức rõ ràng về trách nhiệm đối với nước, với dân; Tinh thần tự nhiệm, tự quyết không được vun đắp, ý thức tự tôn, tự trọng không được rèn luyện nên ý chí không mạnh mẽ, đầu óc không sáng suốt. Trong lúc đó lại phải tồn tại trong dòng xoáy quyền lực phức tạp, mà chính các hoàng thái hậu với tầm nhìn hạn hẹp, ích kỷ là một nguyên nhân cận kề, lúc nào cũng cuốn các nhà vua đi theo sự đam mê lạc lối của họ. Vua không sáng thì không thể có tôi hiền, và dân lành.
Họ Trần lấy ngôi nhà Lý có gì hao hao hồi Lý Công Uẩn đoạt ngôi nhà Lê, tuy phải tranh giành quyết liệt hơn, thủ đoạn tinh vi hơn; cũng phải phục sẵn trong triều, xây dựng thế lực trong thành ngoài quận rồi chớp thời cơ hành động.
Sự sụp đổ của nhà Lý còn do nhiều nguyên nhân khác.
Nhưng trước hết, cụ thể nhất, quyết định nhất là tài năng, nhân cách và bản lĩnh của nhà Vua - Người nắm quyền lực tuyệt đối của thể chế./.
Nguồn: vanhoanghean