Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐẶNG ĐÌNH HƯNG - ĐỜI CỦA THƠ…

Đỗ Quyên
Thứ sáu ngày 2 tháng 10 năm 2020 9:02 AM



"Thuở trời đất nổi cơn gió bụi

Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên."

(Chinh Phụ Ngâm)

*

Chữ tài liền với chữ tai một vần”... Một câu Kiều đã có biết bao nhiêu minh họa bằng văn nhân đông tây cổ kim. Khổ nạn họ gánh chịu, về số mệnh cá nhân cũng đúng, nhưng đúng hơn cả đó là bởi tâm thức thời đại khi mà tự do sáng tạo bị rớt khỏi những đôi tay vàng.

Đời thơ Đặng Đình Hưng chỉ là một ví dụ đẹp của quy luật muôn đời. Trong cái đẹp thường có cái đau. Hay ngược lại, cái đau cưu mang cái đẹp, thì cũng vậy thôi.

Một đoạn đời gập ghềnh

Sinh năm 1924 tại tỉnh Hà Đông, nhà thơ tài cao phận thấp của thi đàn Việt đã mất vào năm 1990 tại Hà Nội. Đặng Đình Hưng từng tục hôn với nghệ sĩ Thái Thị Liên mà “tác phẩm chung” của cặp đôi hiếm có này là cậu con trai Đặng Thái Sơn. Năm 1958, cuộc sống riêng của họ đã có nhiều trắc trở.

Bản tính Đặng Đình Hưng thích sống thầm lặng, có thể nói là bí hiểm. Là nhân vật tài danh của lớp văn nghệ sĩ từ lò kháng chiến chống Pháp, lại bị mắc kẹt trong một “tai nạn văn học” lớn, ông ít xuất hiện giữa dư luận, cho dù dư luận ngoài luồng. Cùng trong thi cảnh thời cuộc éo le, đây là điều khác hẳn giữa Đặng Đình Hưng với các "VIP" khác; như Lê Đạt, Hoàng Cầm, Nguyễn Hữu Đang...

Người bình thường sẽ không thể biết một Đặng Đình Hưng ngồi lặng thinh, nhiều giờ nhiều buổi bên chén rượu, ngoài chợ, trong quán để cảm nhận xã hội và tự cảm nhận mình. Hàng xóm của thi sĩ tài hoa hàng đầu Hà Thành thời đó thường chỉ thấy một ông già ngồi lặng bên cửa sổ, nhìn ra đường xá, tay giữ im chén rượu...

Văn nghiệp truân chuyên mà dần dần tỏa sáng

Chính thức làm thơ từ cuối những năm 1950 cho đến khi qua đời, ba thập niên sáng tạo nghệ thuật của Đặng Đình Hưng về chữ nghĩa gồm 6 tập thơ. Dù về kiến văn, tiên sinh là bậc cao thủ, không chỉ thi ca mà - trước tiên - nhạc, rồi họa, kiến trúc... Văn hóa Đông-Tây ăn ở chung tình trong con người đó!

Một bất hạnh cho Đặng Đình Hưng, và thường thấy ở các tài năng lỗi nhịp, là sinh thời tất cả các thi phẩm của ông đều chưa được phổ biến rộng rãi trong công chúng, ngoài sự lưu truyền giữa vòng văn nghệ hợp gu. Chỉ đến khi có vài trích đoạn được in trên báo chí vào dịp ông qua đời, thì văn giới và công chúng mới được/bị kinh ngạc trước một tính cách thơ lôi cuốn với thi pháp có một không hai, đúng như lời giới thiệu của Hoàng Cầm và Hoàng Hưng cho tập Bến Lạ.

Nhưng rồi, ngay cả đến kỳ đã hiển lộ và gần như hết còn bị ngăn cách bởi thời thế, thơ Đặng Đình Hưng vẫn như thi sơn cô lập. “Cái quan” chưa hẳn “định mệnh”.

Nói về phong cách, sáng tác văn học của Đặng Đình Hưng rất kỳ khôi, rất khó hiểu, ngay cả trong giới trong nghề. Một không gian thi ca, một thời gian thi ca mang vẻ đẹp siêu thực sao mà thô ráp gần gụi, vừa hiện đại ở lề lối thể hiện vừa đau đớn ở cảm xúc muôn thuở. Tất cả, sóng sánh các niềm tin cuối cùng vào chân - thiện - mỹ. Như một dị phái lành lặn mà lẻ loi.

Chúng ta thử nhìn lại một thoáng về hai tác phẩm quan trọng nhất đã được xuất bản của Đặng Đình Hưng. Mà đến nay, sau 30 năm, vẫn còn đó uốn lượn những dấu hỏi đầy hứng thú cho văn đàn và độc giả.

"Bến Lạ" và "Ô Mai"

Tập di cảo mang tên Bến Lạ, năm 1991 - ngay sau khi thi sĩ qua đời một năm - được nhà xuất bản Văn Nghệ thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu “như là thể nghiệm thơ của Đặng Đình Hưng”. Thực vậy, lúc đó lối viết của Bến Lạ hoàn toàn chưa quen thuộc với bạn đọc. Nếu không nói là lần đầu tiên thi đàn Việt Nam hiện đại và đương đại xuất hiện một “thứ thơ” kỳ cục mà sang trọng đến vậy!

Với thời gian và với quy luật sáng tạo chân chính, tập thơ Bến Lạ dần hé một tâm tư chân thành không hề xa cách với những ai biết rung động.

Thế rồi sau đó, như những tiếng gà gáy gọi báo bình minh, cùng hình thức thể nghiệm tương tự Bến Lạ của Đặng Đình Hưng, công chúng thi ca lại được biết thêm một số tập thơ cũng cực kỳ khó hiểu mà lại vẫn sang cả của Trần Dần, như tập Mùa Sạch xuất bản năm 1998.

Đến hôm nay, có tới cả dăm chục tác giả thành danh và đang thành danh ở trong và ngoài Việt Nam đã là chủ nhân ở các sáng tác thi ca theo những khuynh hướng - tạm gọi chung là Hậu hiện đại - đồng điệu đồng cảm với Đặng Đình Hưng và Trần Dần; ít nhất về tâm thức sáng tạo. Tuy thế, nói cho ngay, chỉ riêng về mặt ngôn ngữ thơ nói riêng và sử dụng tiếng Việt nói chung cũng chưa thấy một ai qua mặt hai vị tiền bối.

Bến Lạ được thai nghén chắc hẳn từ đã lâu và bản thảo ra đời khi tác giả qua tuổi 60 trên giường bệnh. Từ khung cảnh chật chội cầm tù thân xác, thi sĩ thủng thẳng bước vào thế giới nội tâm vô tận. Về thể loại, có thể gọi cả tập thơ mỏng đó là một bài thơ dài. Thơ chảy một mạch trong không gian nghệ thuật như vậy rất hợp tạng Đặng Đình Hưng, vì toàn bộ thi liệu nơi ông là chuỗi độc thoại trong sự cô độc bất di san bằng, bất khả san sẻ. Nói nôm, người thơ ở thế chân tường. Tường của thơ ca. Tường của đời thường. Bên kia tường là… bến lạ. Tất nhiên thôi, “quay đầu là bờ” là bến. Bến của riêng Đặng thi nhân. Nó luôn là lạ với chính chủ. Càng lạ với nhân quần bá tánh.

Đây, các câu thơ bảng hiệu Đặng Đình Hưng vẫn nằm lòng những người yêu thơ từ đó tới nay:

“Vâng, tôi chán Bến Lạ

Tôi già rồi

Tôi không làm jì được quyển lịch”.

Tứ không lạ lắm. Thể hiện tự nhiên. Diễn ngôn trực tiếp. Lặp ba chữ “tôi” trong ba câu ngắn tí. Lối nói đặc trưng người già Bắc Kỳ, dề dà ca cẩm chì chiết... Tất cả bình thường. Ngay cái lối viết lạ “jì” là điểm nhấn của đoạn thơ (cũng là thủ pháp ngôn ngữ trong toàn tác phẩm), nếu trở về “gì” cũng vẫn không làm mất đi tâm thế dễ thấy ở thơ Đặng Đình Hưng: bất lực trong mộng tưởng. Từ khóa của ba câu thơ là “Bến Lạ”, tất nhiên rồi. Một cách thơ hóa sự lực bất tòng tâm trước ông lão Thời gian.

Cảm xúc ở phút cuối cùng bên bến bờ sinh tử. Ông già có tên Hưng không hề thấy cái chết đón chờ thân xác mình. Mà thấy đang có Một Bến Lạ đợi chờ một thi sĩ họ Đặng, dù thi sĩ họ Đặng đâu có ham.

Với thi-bệnh-nhân kỳ lạ mang hồ sơ Đặng Đình Hưng, nếu 3 câu thơ trên thuộc về cực trầm cảm thì 6 câu thơ sau ở cực hưng phấn của chứng cảm xúc lưỡng cực/ bipolar (mà bất kỳ nhà thơ thứ thiệt nào cũng mắc dính ít nhiều).

Họ Đặng là nhà thơ thứ thiệt và “thứ dữ”:

“Bến lạ ngay gầm jường

mưa to ngay ở gầm bàn

và trong hòm mọi con người chở một con tàu navir trọng tải

những hình thù Hồng hải căng lên

những cái yếm mùi nồng của đám cưới năm ngoái hong ra

khoe và đã đi – những cột đèn đứng lại.”

Bốn câu đầu quả là xuất sắc, không ít thi sĩ thứ thiệt có thể làm đồng tác giả. Song 2 câu cuối chỉ có nơi Đặng Đình Hưng. Thi bá, thi hữu cùng hoạn nạn - Hoàng Cầm lãng mạn hơn, dân gian hơn, viết về “yếm” ắt là “nồng” hơn nhưng chắc không thể cho nó “hong ra” để “khoe và đã đi – những cột đèn đứng lại.” Chỉ ở Đặng Đình Hưng.

Ấy thế, một thi bá khác cũng bạn thơ, bạn hoạn nạn là Trần Dần - người có lưỡng cực cảm xúc đồng điệu đồng hành với Đặng Đình Hưng - vẫn có thể là tác giả các câu thơ trên. Cùng ở cực hưng phấn này Đặng Đình Hưng cũng có thể đồng sáng tác các lời thơ bảng hiệu Trần Dần:

“Hãy sống như / những con tàu / phải lòng / muôn hải lý / Mỗi ngày / bỏ / sau lưng / nghìn - hải - cảng - mưa - buồn!”

*

Thi phẩm thứ hai đã được ra mắt với đời của Đặng Đình Hưng là Ô Mai, do nhà xuất bản Hội Nhà văn phát hành tại Hà Nội năm 1993. Đó cũng là sáng tác cuối cùng của ông, hoàn thành sau không lâu sau Bến Lạ. Chính người bạn tri âm tri kỷ là Hoàng Cầm đã viết bài giới thiệu có nhan đề Thư Gửi Người Âm.

Tập Ô Mai, như tác giả tự gọi là Roman poem, về hình thức thể loại có thể hiểu là tiểu-thuyết-thơ; và đúng như đánh giá của Hoàng Hưng - một thi sĩ thời đó thuộc về “thế hệ đổi gác” với ý thức tự do sáng tạo và cách tân phương pháp.

Rằng Ô Mai “mang một hình thức đặc biệt, có lẽ chỉ có riêng ở tác giả và cũng chỉ xuất hiện một lần: trên nền một độc thoại nửa thơ nửa văn xuôi, hiện lên câu chuyện tình hư hư thực thực với những đoạn hát đôi của nhạc kịch, xen kẽ là những tùy bút đầy không khí và những đối đáp lý thú về công việc sáng tạo mà ông gọi là “thể ngiệm”” (Lời giới thiệu sách Ô Mai).

Người ta đã bàn cãi nhiều. Tất nhiên. Và thi giới Việt Nam còn cần trở lại tranh biện thêm về “hiện tượng Ô Mai” sao cho học thuật hơn nữa, thi ca hơn nữa, thay cho chủ yếu đọc Ô Mai vì Đặng Đình Hưng. Cần phải đọc Ô Mai Ô Mai. Trả tác phẩm về văn bản của nó. Có thể tham chiếu bằng lai lịch tác giả, chứ không phải theo lý lịch tác giả.

Nếu lấy các chuẩn mẫu nhận định thông thường, về nội dung, tư tưởng, đề tài, thể loại... với sáng tác thơ này khó có thể trích ra một câu, một đoạn để minh họa. Chúng sẽ “vô nghĩa toàn phần” trong con mắt, cảm nhận và lý trí phê bình khi so đo với các tác phẩm thơ thông thường. Tức là Ô Mai phá hủy chuẩn mực trên gần hết tiêu chí văn học từng có.

Có cái gì không thơ và cái gì thơ trong trích đoạn sau, mở đầu chương 1 tiểu-thuyết-thơ của Đặng Đình Hưng?

“Lần này không ngồi ở jữa chợ, ồn. Anh lui vào một quán không nhìn thấy, mà từ quán nhìn thấy các dòng đi - xe - người - những cái rổ rá - mớ rau - như thể một fông động. Thú, cực thú! có lúc mải ngắm và nếm (nếm là đích) anh quên khuấy một cái chén trên tay.

Nếm cả một cái chợ không fải là chuyện dễ. Fải có một động cơ cực mạnh: Thèm. Có thèm mới ăn được. Kiểu nhà thơ, người ta ăn tái.

ăn tái bình minh

ăn tái buổi chiều

ăn (ràu rạu) cả mặt trời”

Đấy vẫn còn là một trích đoạn hiểu được, có nghĩa. Nhiều câu, đoạn, trường đoạn trong Ô Mai rất “quái”, tưởng như vô ý tứ, thậm chí lệch ngữ nghĩa tiếng Việt, nếu đọc theo kiểu nhảy dù, tách chúng ra khỏi khung cảnh tác phẩm. Khó nhận thể biết các câu, đoạn, trường đoạn đó có ẩn dụ nghệ thuật gì.

Thế nhưng, tổng thể tác phẩm vẫn đủ đầy 3 tiêu chí thường được xem là bản chất thi ca: cảm xúc mãnh liệt; tưởng tượng phong phú và chữ nghĩa chảy theo nhịp điệu riêng. Đa số các nhà phê bình chuyên nghiệp cho rằng thơ Đặng Đình Hưng góp phần làm đa dạng tiếng Việt, bằng hình thức ngôn từ trữ tình mang dáng vẻ nửa dân dã nửa trí thức.

Về tâm lý sáng tạo, Ô Mai là “thể ngiệm cuối cùng” cho nỗi “cô đơn toàn phần“ của thế giới Đặng Đình Hưng. Mang nặng nỗi niềm nhân bản khao khát tình thương giữa hai đối tượng nam nữ mỗi người một thân phận cô độc khác nhau, dòng thơ lạ lùng ấy đã hướng người đọc đến lối siêu thoát mà nhà thơ may mắn rẽ vào ở cuối đoạn đời bi thương. Cả thơ lẫn người - tác giả và nhân vật trữ tình. Kết thúc đẹp và đau.

May sao, nhìn và đọc đoạn chót của Ô Mai vẫn thấy… thơ:

“Mùa hương đi tóc xanh

mắt xanh

tình xanh

đi nơi xanh

rừng xanh

tìm xanh

tìm anh!”

“Đặng Đình Hưng là cha của Đặng Thái Sơn!”

Nếu thi ca gần với đời thường nhất thì chúng ta đang có ví dụ rõ ràng nhất! Đọc những “đứa con tinh thần” của Đặng Đình Hưng mà không hiểu biết về một “đứa con máu thịt” của ông, e sẽ không thấu. (Có thể coi đây như một loại “liên văn bản”, ít nhất ở trường hợp Đặng Đình Hưng - Đặng Thái Sơn?)

“Cha của Đặng Thái Sơn” - Là cách nhận diện nhanh nhất cho nhà thơ Đặng Đình Hưng trước dư luận xã hội. Danh này không chỉ nói lên niềm tự hào của người Việt Nam về các gia đình có cha mẹ. con cái cùng thành đạt, theo truyền thống “hổ phụ sinh hổ tử”. Với người nghệ sĩ từng bị dư luận hắt hủi, xã hội cô lập, văn giới xa lánh như Đặng Đình Hưng, cách gọi này mang ý nghĩa sinh tử.

Cũng cần nhắc lại đôi chút về người con trai của Đặng Đình Hưng. Đó là Đặng Thái Sơn, nghệ sĩ dương cầm nổi tiếng cho đến tận bây giờ, kể từ khi thắng giải nhất Cuộc thi piano quốc tế lần thứ X mang tên Frédéric Chopin vào tháng Mười năm 1980 tại thủ đô Warszawa, Ba Lan. Sau đó, ở tuổi 26, Đặng Thái Sơn đã là một trong những nghệ sĩ đầu tiên được tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân của Việt Nam.

Theo các giai thoại nhỏ to trong làng văn nghệ Hà Thành, do cha đẻ bị “tai nạn nghề nghiệp” nên Đặng Thái Sơn gặp khó khi chuẩn bị tham dự Cuộc thi Chopin. Nghệ sĩ Trần Thu Hà, chị cùng mẹ khác cha với Sơn, phải cậy nhờ cha nuôi của mình là Thủ tướng Phạm Văn Đồng xem xét; thế rồi chàng trai trẻ đã được mang tài ra thi thố cùng thiên hạ…

Có một quan hệ nhân quả trớ trêu và thú vị về vấn đề cha con của hai nhân tài Việt này. Nếu nghệ sĩ xuất chúng Đặng Thái Sơn không là con của thi sĩ “tai nạn nghề nghiệp” lừng danh Đặng Đình Hưng, thì ắt sự thành tài của anh sẽ dễ dàng hơn nhiều. Nhưng cũng có thể sẽ ít danh tiếng hơn chăng? Có nghĩa là người con được “nổi tiếng” thêm một phần cũng nhờ người cha bị “tai tiếng”. Ngược lại, nếu không là cha của Đặng Thái Sơn - người mang lại giải thưởng huy hoàng và hiếm hoi cho nước nhà, thì chắc đoạn cuối đời của nhà hoạt động văn hóa tài hoa Đặng Đình Hưng sẽ còn cơ cực hơn, mà các thi phẩm kỳ khôi, quái chiêu của ông - những Bến Lạ, Ô Mai - dễ gì được ra mắt sớm vậy?

Không chỉ hồi sinh một phần đời sống tinh thần cho cha, Đặng Thái Sơn từ nước Nga - Xô Viết, thường gửi về “các thùng hàng tiếp tế”. Với cuộc sống khó khăn chung thời đó, ai mà chẳng biết đời người cha bất hạnh đã được thăng hoa ra sao! Quần áo, thuốc men, xà phòng bột... không nói làm gì, Sơn còn không quên những cuộn toan, các tuýp sơn dầu Liên Xô để cha giải sầu bằng hội họa. Khi mà họa phẩm ngoại cực kỳ khan hiếm, đến các họa sĩ chuyên nghiệp nằm mơ cũng không có các thứ đó để hành nghề.

Về đoạn sau cùng của đời Đặng Đình Hưng, dư luận Hà Thành hay nhắc tới “căn hộ đầu hồi, tầng 2 nhà C4 khu tập thể Giảng Võ” – nơi người thơ của chúng ta sống và sáng tác cho đến phút chót. Vâng, ấy là một căn hộ rộng chừng 50 mét vuông, có cả điện thoại! Và nó cũng liên quan đến người con là Đặng Thái Sơn.

Khu tập thể Giảng Võ thời ấy chỉ dành cho cán bộ trung cấp có ít nhiều tên tuổi và không ít cán bộ cao cấp của nhà nước. Sau khi Đặng Thái Sơn đoạt giải nhất Chopin 1980, chính phủ đã phân phối (cũng có thể hiểu là bán với giá “hữu nghị”) căn hộ này cho Đặng Đình Hưng. Cái may về hậu cho người tài bạc phận!

Thế là Đặng thi nhân đã có được 10 năm để viết lách và vẽ vời, để nhắm rượu và tiếp khách, để tung tẩy và xả láng... ở một nơi sang cả so với người bình thường, chứ chưa nói đến loại “công dân đội sổ” như ông.

Hồi ký Chiều Chiều của văn nhân hàng đầu là Tô Hoài đã hé ra rằng hậu vận của thi sĩ còn có “tửu sắc vẹn toàn” bên thú vui văn hữu. Họa sĩ tài danh sau này là Lê Thiết Cương từng kể về người thày hội họa của mình: “Nhà thơ chỉ ngồi đúng chỗ đó, không bàn ghế, chiếu trải trên sàn nhà. Xung quanh ngổn ngang các loại chai, vò bằng thủy tinh cao, thấp, to, bé, đầy vơi khác nhau nhưng bên trong đều là rượu trắng.”

Vâng, quanh vuông chiếu có được nhờ lộc của người con thành danh, người cha đã tụ tập những VIP của làng văn nghệ với “đủ các loại hình”: từ những Trần Dần, Hoàng Cầm, Lê Đạt... đến những Dương Tường, Phan Đan... Rồi Thái Bá Vân, Trọng Kiệm... Và lên đến các vị như Tô Hoài, Huy Du, Trọng Bằng...

Cả một khối vàng ròng ngàn năm văn vật đương thời quây bên chiếu thơ Đặng Đình Hưng! Xưa nay hỏi được mấy ai?

*

Đặng Đình Hưng từng có 2 câu thơ quá đỗi tân kỳ, bạt mạng phong thái Âu châu mà rất chi là bình dị, chân chỉ dân Việt nước Nam:

“Tôi đi xa ra phố nửa giờ

Tìm một cái ao ngồi giặt áo cả ngày…”

Nghịch lý đến mức giản đơn. Hai cái hiện thực tầm thường, ghép lại nhau, vụt trở nên “thoát thực”. Chỉ có thi ca mới có thể. Chỉ có thi ca Đặng Đình Hưng mới có thể.

Không thơ-ca chút nào mà thơ-ngây tột cùng. Ngay với những người không sính thơ thẩn, có lẽ cũng cảm thấy ở 2 câu thơ có gì đó nếu không ngồ ngộ thì cũng hay hay, và… tội nghiệp?

Chúng ta cứ nhẩn nha đọc chậm, đọc khẽ; rồi sẽ thấy ánh lên một tín hiệu nghệ thuật chân xác về tư chất của tác giả, và cũng như của các văn hữu khác từng mong vọng về một nền "văn nghệ cho văn nghệ sĩ" - những người chỉ thích “đi xa ra phố nửa giờ/ Tìm một cái ao ngồi giặt áo cả ngày”.

Không còn là Thi Sơn cô lập với bạn đọc thơ tiếng Việt - Đặng Đình Hưng, thi sĩ hãy ở nơi bến lạ!

Vancouver, 1/2009 - 9/2020

Đỗ Quyên
Ảnh: Đặng Dình Hưng năm 1988 tại Hà Nội

=-=