Ông nội là cụ cử tiếng tăm vang xa về học vấn và nhân cách, bố là cụ tú Dương Duy Hỗ được lưu danh là cụ tú làng Gồ, chàng Trưởng nam của gia tộc Dương Duy noi theo cha ông quyết chí học hành một lèo qua các cấp học bậc phổ thông. Nhưng đường học của Dương Duy Ngữ đang hanh thông bỗng bị chiến tranh chặn lại. Ngày 25 tháng 2 năm 1964, nghe theo tiếng gọi chống Mỹ cứu nước, chàng Trưởng nam gia tộc Dương Duy của quê hương Phượng Cách tình nguyện nhập ngũ, làm Pháo thủ số 5, khẩu đội 7 thuộc Lữ đoàn pháo cao xạ 234, mật danh Tam Đảo, của Quân chủng Phòng không - Không quân, sẵn sàng đối mặt với cuộc chiến tranh phá hoại bằng Không quân và Hải quân của đế quốc Mỹ. Sau hơn 3 tháng huấn luyện, ngày 4 tháng 6 năm 1964, chàng pháo thủ số 5 Dương Duy Ngữ cùng khẩu đội hành quân sang Lào, giúp nước bạn đánh trả không quân Mỹ. Chỉ nửa tháng sau ngày đặt chân lên đất nước Triệu Voi, ngày 29 tháng 6 năm 1964, Dương Duy Ngữ cùng khẩu đội đánh trận đầu tiên với máy bay Mỹ trên đất Noọng Hét. Mười lăm ngày sau, khẩu đội anh đối mặt với không quân Mỹ trận đánh thứ hai. Trận này, bom Mỹ đánh trúng trận địa khẩu đội 7, cỗ pháo và anh em trong khẩu đội bị bật văng đi, khẩu đội bị thương vong, may pháo thủ số 5 Dương Duy Ngữ chỉ bị xây xát. Qua những trận thử lửa ác liệt, chàng trai làng Phượng Cách trở nên dạn dĩ, không phân vân, ngần ngại với vị trí và trách nhiệm của người pháo thủ số 5, dù đó là một vị trí và trách nhiệm vừa nặng nề vừa rất nguy hiểm khi lâm trận.
Sau những trận đánh bên nước bạn Lào, Lữ đoàn pháo cao xạ 234 nhận lệnh về nước, vào Hàm Rồng chốt giữ để bảo vệ cây cầu sắt rất quan trọng này, giữ cho sức người, sức của từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam qua cầu thông suốt.
Bước sang năm 1965, đế quốc Mỹ càng mở rộng chiến tranh phá hoại miền Bắc, bắt đầu đánh phá Hà Nội. Để bảo vệ Thủ đô, Lữ đoàn 234 được lệnh rời cây cầu nổi tiếng xứ Thanh, hành quân ra Hà Nội lập trận địa phòng không. Khẩu đội 7 nhận lệnh lập trận địa ngay tại cuối đường băng sân bay Bạch Mai, canh giữ bầu trời phía Nam đất Rồng bay linh thiêng. Tại trận địa này, Dương Duy Ngữ và anh em trong khẩu đội bất ngờ được đón nhận một niềm hạnh phúc lớn lao cứ ngỡ trong mơ: Đúng vào ngày sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh, người cha kính yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, ngày 19 tháng 5 năm 1965, Bác Hồ đến thăm trận địa khẩu đội 7. Vì đang trực chiến, pháo thủ số 5 Dương Duy Ngữ vẫn phải ngồi nguyên trên vị trí cao nhất của mâm pháo, không được rời ghế đến bên Người, đón Người. Nhưng Bác vẫn không quên người pháo thủ số 5 khi Bác chia quà thuốc lá cho các chiến sĩ trong khẩu đội. Điếu thuốc lá đặc biệt Bác cho hôm ấy, đến những ngày đầu năm 2019 này, Đại tá Dương Duy Ngữ bước sang tuổi 78 Âm lịch vẫn nâng niu gìn giữ như một vật báu bên mình.
Đứng chân canh trời ở cuối đường băng sân bay một thời gian, sau đó khẩu đội 7 nhận lệnh di chuyển ra đất Nghĩa Dũng ngoài đê sông Hồng lập trận địa mới. Trận địa lập xong, thì Tết Nguyên Đán bước sang năm 1966 cũng vừa về. Sáng mồng Một Tết, Dương Duy Ngữ đang cùng anh em kéo cáp điện vào trận địa để khẩu đội sẵn sàng trực chiến đánh máy bay Mỹ bảo vệ nhà máy điện Yên Phụ, thì anh cùng khẩu đội lại bất ngờ được đón nhận một hạnh phúc mới: Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đến thăm Khẩu đội 7. Chao ôi, hạnh phúc bất ngờ khiến chàng pháo thủ trẻ Dương Duy Ngữ không kìm được tình cảm của mình, bước nhảo đến nắm chặt bàn tay Đại tướng, quên rằng hai bàn tay mình đen nhẻm dầu mỡ. Đại tướng tươi cười bắt tay người lính trẻ. Bức ảnh quý ấy cùng với bức ảnh Dương Duy Ngữ và anh em Khẩu đội 7 nhận quà thuốc lá Bác chia cho ở trận địa cuối đường băng sân bay Bạch Mai đến nay vẫn được Đại tá Dương Duy Ngữ và gia đình phóng to, treo nơi trang trọng nhất trong nhà mình.
Ký ức của chàng pháo thủ số 5 về trận địa Nghĩa Dũng không chỉ có niềm vui lớn lao, mà có cả niềm đau nhớ đời. Tại trận địa này, ngày 25 tháng 10 năm 1967, khẩu đội pháo cao xạ số 7 thân yêu của Dương Duy Ngữ bị tên lửa điều khiển của máy bay Mỹ bắn trúng. Pháo hỏng, anh em trong khẩu đội hi sinh hết, chỉ mình Dương Duy Ngữ bị ngất, sau đó sức khỏe hồi phục, tiếp tục chiến đấu ở khẩu đội mới.
Lăn lộn qua các trận thử lửa, chứng kiến bao mất mát, hi sinh của đồng chí, đồng đội và nhân dân, vào những lúc thư rỗi hiếm hoi giữa các trận đánh, chàng pháo thủ Dương Duy Ngữ ngẫm nghĩ về tất cả những gì anh đã tận mắt chứng kiến. Và, anh quyết định ghi lại. Cái gien chữ nghĩa của ông nội, của bố thức dậy trong anh, giúp anh viết những điều tai nghe, mắt thấy không mấy khó khăn, thành những tin, bài để gửi cho báo Quân chủng Phòng không - Không quân, báo Quân đội Nhân dân và một số báo khác. Những tin, bài ấy đã được các Thủ trưởng Quân chủng chú ý, lãnh đạo báo Quân chủng nhiều lần gọi Dương Duy Ngữ đi dự các lớp bồi dưỡng cộng tác viên. Và, đến đầu năm 1976, Dương Duy Ngữ được điều lên làm phóng viên báo Phòng không - Không quân. Đó chính là bước khởi đầu của một Nghiệp văn, để Văn học Việt Nam có thêm một Nhà văn mặc áo lính mang tên Dương Duy Ngữ.
Về làm báo Quân chủng Phòng không - Không quân, được học hỏi và có thời gian chuyên tâm, Dương Duy Ngữ không chỉ viết tin - bài ngắn, anh bắt đầu viết phóng sự, ký sự, bút ký và truyện ngắn. Truyện ngắn Sắc trời in trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội được coi như một dấu mốc sáng tạo văn học của cây bút mới Dương Duy Ngữ. Từ đó, tên tuổi Dương Duy Ngữ xuất hiện thường xuyên hơn trên Văn nghệ Quân đội và trên báo Văn nghệ của Hội Nhà văn. Sau đó, các tập truyện ngắn và tiểu thuyết viết về chiến tranh của Dương Duy Ngữ lần lượt đến tay bạn đọc.
Nhưng, đến cuối thập niên 70 thế kỷ trước, nhất là sau ba năm theo học và tốt nghiệp khóa Một trường Đại học viết văn Nguyễn Du (1980-1982), được điều về làm biên tập viên, sau đó được giao làm Trưởng phòng biên tập văn nghệ Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, nhà văn trẻ Dương Duy Ngữ tự nhận ra một điều: có vẻ như ngòi bút văn chương của anh viết về người lính và chiến tranh đã bị chững lại, thiếu sức khám phá, bay bổng. Trong khi, sau mỗi lần thăm quê, tận mắt chứng kiến và tận tai nghe những chuyển động của làng quê, từ sâu thẳm tâm hồn anh bừng thức dậy bao điều khiến anh trở trăn, xao động và muốn cầm bút ghi lại. Thế là những truyện: Lời cha, Giã hội, Lại mặt, Đạo nhà, rồi Vua bà, Mả tổ, Tích thiện, Giao thừa… nối nhau tuôn chảy dưới ngòi bút Dương Duy Ngữ, liên tiếp đến với bạn đọc. Có cảm giác người viết đầy hào hứng, viết nhanh, được in cũng nhanh và niềm cảm hứng ấy truyền sang người đọc. Bạn đọc dần nhận ra và ngày càng thêm yêu một Dương Duy Ngữ viết say sưa, viết hay những chuyện về văn hóa Làng Xã mà suốt bao năm đề tài này bị chìm lấp đi sau những chuyện về chiến tranh. Còn ông, Nhà văn Dương Duy Ngữ, sau loạt truyện đã viết, đã in, ông có cảm giác như người vừa bổ được nhát cuốc phá cái bờ ngăn lâu nay vẫn án ngữ một mạch nguồn văn chương của văn học nói chung và cả năng lực của chính mình. Thế là ông lại hào hứng viết tiếp. Vẫn chuyện Làng Xã, chuyện Người quê ăn ở với nhau trong chiến tranh và sau chiến tranh. Để rồi các tập truyện ngắn Rước chữ, Dải lụa, Ông Mạnh, Người giữ đình làng, Người hùng, Tiểu thuyết Làng Gồ được xuất bản, đến với bạn đọc. Rồi thêm một loạt truyện nữa thuộc vỉa khác của đề tài Văn hóa Làng Xã được nhà văn viết ra. Đó là các tập truyện về cây cỏ, hoa lá: Mặc Phúc Xuyên,Lộc giời, Người tầm lan, Người trồng địa lan, thêm truyện thiếu nhi Những ngôi mộ voi của ông được in ra, rất có sức lôi cuốn người đọc.
Bước sang tuổi 70, Nhà văn Dương Duy Ngữ vẫn không buông bút. Ông hăng hái tham dự các Trại sáng tác của Quân đội và của Hội Nhà văn để viết các tác phẩm giàu trải nghiệm. Cho đến một ngày, soát xét lại những tác phẩm đã viết, đã in, Nhà văn chợt thấy chừng như mình có phần quá mê say mạch vỉa Văn hóa Làng Xã mà nhãng quên trách nhiệm một Nhà văn mặc áo lính, nhất là từ sau ngày ông được thôi trách nhiệm Trưởng phòng biên tập văn nghệ của Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, về nghỉ hưu theo chế độ. Thế là ông nhận lời viết một tác phẩm mới về chiến tranh chống Mỹ, trở về với những năm tháng trên mâm pháo cùng đồng đội đánh máy bay Mỹ bảo vệ bầu trời Thủ đô. Nhờ thế, văn học chiến tranh cách mạng Việt Nam được bổ sung thêm một cuốn tiểu thuyết chững chạc mang tên Nóc nhà Hà Nội của Nhà văn Dương Duy Ngữ khi ông đã bước qua tuổi 70.
Mấy chục năm liên tục chiến đấu chống Mỹ và lao động sáng tạo văn chương, công sức cống hiến của Đại tá - Nhà văn Dương Duy Ngữ được Đảng, Nhà nước, Quân đội ghi nhận và tặng thưởng ông nhiều Huân - Huy chương cao quý. Cùng với đó, Bộ Quốc phòng đã ba lần trao tặng ông Giải thưởng Văn học vào các năm 1994, 1999 và 2004 cho các tác phẩm Người hùng, Lộc giời và Mặc Phúc Xuyên. Hội Nhà văn trao Giải thưởng cho ông vào các năm 1998, 2000 và 2001 cho các tác phẩm Rước chữ, Người trồng địa lan và Người giữ đình làng. Thêm tác phẩm Những ngôi mộ voi của ông được trao Giải thưởng Văn học Thiếu nhi nữa. Nhưng, còn có một ghi nhận làm cho ông rất vui và yên lòng, ấy là ghi nhận của bạn viết và bạn đọc về ông, rằng: ông là Nhà văn viết nhiều, viết hay về Con người và Văn hóa Làng Xã Việt Nam trong giai đoạn văn học từ sau năm 1975 đến ngày hôm nay.
Dũng cảm trong chiến đấu, say mê trong sáng tạo văn chương, Đại tá - Nhà văn Dương Duy Ngữ cũng là người rất chăm lo hạnh phúc gia đình. Ngày mồng 4 Tết năm 1969, anh lính trẻ Dương Duy Ngữ kết duyên với cô bạn gái yêu quý cùng xóm tên là Phùng Thị Chín, một nữ dân quân hăng hái, nhiệt thành của trung đội trực chiến phòng không quê hương Phượng Cách. Thời chiến, trăng mật của đôi vợ chồng trẻ qua nhanh, anh pháo thủ số 5 phải tạm biệt vợ trẻ để trở về khẩu đội, cô dâu Phùng Thị Chín sau đó cũng rời làng vào công tác trong ngành Lương thực. Hai người phải vượt qua mọi khó khăn đời thường để dựng xây tổ ấm, nay đã nên ông nên bà, ngày ngày vui cùng hai cháu nội. Ông Đại tá - Nhà văn dòng họ Dương Duy làng Phượng Cách ngắm hai cháu trai Đích tôn và Thứ tôn đều khỏe mạnh, thông minh và chăm ngoan học hành mà lòng yên ả, tin rằng hai cháu mai này sẽ nối được cái Tâm, cái Chí của ông và dòng tộc.
Nguồn Văn nghệ số 11/2019