Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

SỨC LAN TỎA Của tiểu thuyết BẾN KHÔNG CHỒNG RA CUỘC SỐNG

Nguyễn Duy Liễm
Thứ ba ngày 26 tháng 3 năm 2019 9:22 AM

Nguyễn Duy Liễm




Ngày 20,21 tháng 3 vừa qua, xã Thụy Liên, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình quê hương của nhà văn Dương Hướng như có hội. Đường làng rực rỡ cờ hoa, trên gương mặt người thì bừng lên sáng ra những ánh mắt, nụ cười. Không chỉ có niềm hứng khởi của người dân trong xã mà còn thu hút theo tình cảm của người dân trong hàng huyện, hàng tỉnh đổ về để cùng chung vui đón nhận một sự kiện.

Lễ khánh thành khu bia lưu niệm "Bến không chồng".

Đêm 20 tháng 3 là cuộc giao lưu giữa dàn diễn viên của hai bộ phim: "Bến không chồng" và "Thương nhớ ở ai" của đạo diễn Lưu Trọng Ninh phóng tác từ nguyên bản tiểu thuyết "Bến không chồng" của nhà văn Dương Hướng. Anh là người con của quê hương Thụy Liên.

Khoảng đất rộng chừng trên hai ngàn mét vuông, nằm kế ngay khu hành chính xã, là quảng trường tổ chức những sự kiện sinh hoạt cộng đồng của địa phương. Vậy mà đêm 20 tháng 3 nó trở nên chật chội không chứa nổi lượng người xe về tụ hội giao lưu với đoàn làm phim của đạo diễn điện ảnh Lưu Trọng Ninh nên phải tràn ra đứng kín cả con đường liên xã.

Cuộc giao lưu ngẫu hứng không có kịch bản. Nhà văn Dương Hướng đang chuyện trò rôm rả với bạn văn ở quảng trường thì bất chợt anh được nhắc đến tên, rồi được mời lên sân khấu, và rồi phải ngẫu hứng nói lên cảm tưởng của mình.

Ngoài những ca khúc, điệu múa cũng do chính những diễn viên của đoàn ngẫu hứng biểu diễn, khán giả còn được nghe những câu chuyện nơi phía sau "bếp núc" màn bạc của nhà điện ảnh Lưu Trọng Ninh thủ vai Vạn. Nữ diễn viên Thúy Hà thủ vai Hạnh khi diễn, khi quay bộ phim truyện "Bến không chồng" từ hai mươi năm trước có một sự cố. Đó là phần "góc khuất" nhưng nó lại ... thật và ... đời buộc người diễn viên phải vượt qua để cống hiến cho môn nghệ thuật thứ bảy.

- Khi Vạn uống rượu say về, anh ta thấy Hạnh đang nằm trong ngôi lều vó của mình. Trong lúc tê mê, Vạn quỳ xuống xé toang áo của Hạnh. Khuôn ngực thiếu nữ bung ra, Vạn vục mặt vào bộ ngực thanh xuân ấy ... Đấy là chuyện của nhân vật. Còn. Đây, những người đang thể hiện cảnh phim ấy là nữ diễn viên Thúy Hà, cô mới mười tám tuổi, đang tập tững vào nghề và ... chưa lập gia đình còn Lưu Trọng Ninh anh đã là một gã đàn ông ... có tuổi đời dư hai lần bạn diễn.

Vậy rồi một diễn viên, một đạo diễn dày dặn từng sắp đặt nên mọi tình huống cho nhiều bộ phim đã không thể thực hiện "suôn sẻ" một lần cho cảnh quay mà phải quay, rồi dừng quay mấy lần mới hòan thành lớp diễn với những lý do mà đến hôm nay nhắc lại mà đạo diễn Lưu Trọng Ninh vẫn ngập ngừng không thể nói ra (?).

Còn bộ phim truyền hình nổi đình nổi đám "Thương nhớ ở ai" thì do một dàn diễn viên được chọn lọc khắp trong Nam ngoài Bắc, người có nghề, người chỉ nghiệp dư. Và một trong những diễn viên nghiệp dư sắm vai chủ tịch Đột là ZZô mi Khánh. Anh là chủ sở hữu của một cửa hàng kinh doanh đồ điện tử tại Hà Nội. Giờ bước ra giao lưu với khán giả, anh trở lại nguyên dạng hóm hỉnh với chiếc quần xà lỏn, áo phông cộc tay, đầu trọc lốc và cũn cớn với cái tướng mạo ngũ đoản "trời ban".

Sự háo hức của khán giả mong được gặp lại hai diễn viên đã tạo ra ấn tượng sâu sắc trong phim "Thương nhớ ở ai" là nam diễn viên Lâm vissay vào vài Vạn và nữ diễn viên Hồng Kim Hạnh sắm vai mụ Hơn. Họ là những diễn viên tài sắc vẹn toàn.

Sinh ra và lớn lên ở một nước có nền văn minh hàng đầu thế giới, chàng diễn viên Việt Kiều nói không sõi tiếng mẹ đẻ. Vậy mà về thủ vai một nhân vật nông dân, một nông dân mặc áo lính, rồi lại rời quân ngũ về sống với miền quê thuần nông nghèo đói, lạc hậu bần cùng nhất nhì thế giới ... Lạ? Sao anh có thể nhập vai để lột tả mọi cung bậc tình cảm và hành động của nhân vật đến thế.

Còn nữ diễn viên trẻ Hồng Kim Hạnh sinh ra và lớn lên giữa phồn hoa đô hội Sài Gòn lại nhận thủ vai Hơn người đàn bà sống cách xa mình hơn hai thế hệ. Sự diễn xuất của Hồng Kim Hạnh khó chọn ngôn từ để khen.

Thật đáng tiếc họ không thể có mặt trong cuộc giao lưu. Trong cuộc giao lưu này có một điều nữa cũng hơi lấy làm tiếc. Đoàn làm phim chỉ mới chú tâm đến sự tương tác giữa những diễn viên thể hiện nhân vật với khán giả mà lại quên đề cập nhiều đến cái phần quan trọng lớn là vai trò chủ đạo của văn học! Tức tác phẩm đã tạo nên cảm hứng để cho bộ phim thành công rồi bỏ qua phần giao lưu quan trọng lớn là những nguyên mẫu ngoài đời đã cho nhà văn Dương Hướng cảm tác nên "Bến không chồng".

Trong số họ, dù nhiều người đã qua đời (Chủ tịch Đột vừa về cõi lặng từ vài ba tháng trước), một số người đang sinh sống ở Sài Gòn và tản mạn ra những miền xa như Nghĩa .... Song, vẫn còn đó những nguyên mẫu như bà Phấn - nguyên mẫu nhân vật Thắm và ông Dân - nguyên mẫu "Gã thợ ảnh thọt chân" giờ thì vẫn đang sinh sống tại thị trấn Diêm Điền.

Với Dân. Tôi đã được nghe nhà văn Dương Hướng cho biết về hiện tại của ông. Nhưng vẫn quá bất ngờ khi thấy ông xuất hiện, vẫn đôi chân tật nguyền, vẫn bước đi sệch sạc, dặt dẹo. Nhưng cái dáng dong dỏng thanh mảnh và vành râu "quai nón" bao quanh khuôn mặt đẹp đầy nam tính nay biến dạng đi đâu. Thay vào đó là một ông già với ngoại hình đẫy đà đến vuông vức. Nhưng được cái vẫn linh hoạt, sống động. Ông đang điều hành cả một dàn camera. Ba cái đang hoạt động dưới mặt đất, một thì đang bay lượn trên không trung để ghi lại toàn bộ khung cảnh đêm giao lưu. Ông tài trợ mọi chi phí này cho việc truyền thông của địa phương.

Gặp lại Dân, tôi không khỏi nghi ngại về những gì tôi đã viết về ông rồi cho đăng trên hai tờ báo với hàng tít: "Bến không chồng vinh danh thành biểu tượng" đăng trên báo văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam, số 52 ra ngày 29/12/2018 và đăng trên báo Hạ Long số 575 ngày 05/3/2019. Trong bài viết, nói về nhân vật Dân trong "Bến không chồng" tôi đã hơi "đằm bút, nặng tay" viết:

D. Một gã trai phố thị. Anh ta bị tàn tật bẩm sinh, thọt mất một chân. D. không phải đi bộ đội nên ở nhà hành nghề chụp ảnh. Hiệu ảnh AH của D là một điểm nổi bật. Một đặc trưng của phố thị Diêm Điền lúc ấy.

Chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ đánh ra miền Bắc. D. đã sơ tán hiệu ảnh của mình về Chùa Lan (chùa Lan Ngoại) áp sát với làng An Lệnh của nhà văn Dương Hướng.

Thế là như "Chuột sa chĩnh gạo". Chiến tranh đã vét hết trai đinh của mỗi xóm làng xung ra mặt trận. Làng quê còn rặt một đám đàn bà đang hơ hớ tuổi xuân mà phải chịu cảnh "đói khát" vì hụt hẫng thành miếng mồi béo bở cho gã thợ ảnh phong tình. Cả hai bài báo đăng trên hai số báo khác nhau đều đã đến tay D. và ông đã đọc cả.

Nhắc lại chuyện này, thấy tôi lăn tăn, D. ôm choàng lấy tôi mà cười lên giòn giã, rồi ông bỗ bã: Không sao. Không sao mà. Thời thế nó tạo nên cuộc sống mà. Mà có thế thì cánh nhà văn các anh mới có cái mà viết nên tiểu thuyết chứ. Mà tiểu thuyết thì có nhiều loại nhân vật khác nhau. Tôi đã giúp nhà văn tạo ra cảm hứng sáng tác là góp phần thành công cho tác phẩm đấy. Mà thôi. Quá khứ đã trả về quá khứ. Nay cuộc sống của tôi đã khác. Mời các anh đến nhà chơi rồi sẽ rõ...

Tôi giới thiệu ông với các văn nghệ sĩ Quảng Ninh. Nhà báo Trần Thùy Liên - Tổng biên tạp báo Hạ Long; Nhà văn Trọng Khang; Nhà báo Tuấn Dương; Họa sĩ Nghiêm Vinh ... tất cả đều hào hứng. Họ kéo bằng được ông Dân ra chụp chung một tấm ảnh dưới chân bia lưu niệm "Bến không chồng".

Không chỉ có thế. Cuối năm 2018 vừa rồi, tiểu thuyết "Bến không chồng" được dịch ra tiếng Đức. Trước khi phát hành, nhà xuất bản đã cử người sang Việt Nam gặp nhà văn Dương Hướng. Yêu cầu nhà văn cho về tận nhìn quang cảnh quê hương của nhà văn "Bến không chồng" và xin được gặp mặt những nguyên mẫu nhân vật trong tác phẩm và Dương Hướng đã đưa họ xuống thị trấn Diêm Điền gặp mặt ông Dân. Một cuộc giao lưu văn học xuyên quốc gia rất thú vị đã xảy ra.

* *

*

Chín giờ ngày hai mươi mốt tháng ba, UBND xã Thụy Liên và Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Quảng Ninh chính thức vào buổi lễ khánh thành khu bia lưu niệm. Nhưng chiều ngày hai mươi tháng ba những khách sạn, nhà nghỉ của thị trấn Diêm Điền dã có lượng khách tăng lên gấp bội.

Nhà văn hóa xã Thụy Liên có sức chứa trên bốn trăm người mà tân khách còn phải tràn ra cả hành lang (Ban tổ chức dự trù lượng khách và phát đi giấy mời 300). Riêng đoàn của Hội VHNT thành phố Cẩm Phả đã được mời mươi hai nhưng số khách thực đến đã ngồi kín hết chỗ con xe hai mươi chín ghế ngồi. Bởi, ai cũng muốn được đến tận nơi, để được tận nhìn tấm bia, để được chụp một tấm ảnh, để được chứng kiến một sự kiện văn hóa có một không hai này (nắm trước được thực trạng của sự "quá tải" này, tôi vội điện báo cho Dương Hướng. Anh trả lời: Tôi sẽ thu xếp ổn thỏa. Đấy là tấm lòng, là tình cảm của mọi người dành cho mà ...

Và rồi quả thật, khó có thể nói ra hết được cái không khí tưng bừng của buổi lễ khánh thành hôm ấy.

Hai cơ quan hành chính cấp tỉnh của hai địa phương nơi nhà văn Dương Hướng được sinh ra, được nuôi dưỡng trưởng thành và là nơi anh công tác và đang sinh sống, vừa là sở tại vừa là chủ chương trình: Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình và Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đều cử các vị cán bộ chủ chốt tới dự. Rồi Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Văn học nghệ thuật hai địa phương chủ sự Thái Bình - Quảng Ninh, các hội Văn học nghệ thuật tỉnh bạn Hải Phòng, Nam Định ... Rồi các cơ quan liên đới của hai tỉnh nơi nhà văn Dương Hướng công tác và quan hệ cùng bạn bè thân hữu trong đó có dòng tộc họ Dương từ nhiều vùng miền đất nước đều cử người mang lẵng hoa về chúc mừng - Hoa của mọi miền đất nước đổ về hội trường xã Thụy Liên, cả trăm lẵng. Hoa và hoa. Ít thấy một sự kiện nào được vinh danh mà nhiều hoa đến thế.

Các đồng chí lãnh đạo địa phương: Chủ tịch UBND xã Vũ Thành Quang; Bí thư Đảng bộ Nguyễn Hải Lăng cùng nhà văn Dương Hướng đã ngập trong ngàn hoa rực rỡ sắc màu.

Phát biểu trong buổi lễ, ông Vũ Thành Quang thay mặt Đảng bộ và nhân dân xã Thụy Liên nói rằng:

Với tiểu thuyết "Bến không chồng", nhà văn Dương Hướng người con được sinh ra nơi làng Đông, làng Đoài xã Thụy Liên. Anh đã làm rạng danh cho quê hương. Tác phẩm của anh đã neo dấu vào lịch sử cho miền quê này đậm thêm những dòng bi tráng ...

Đại diện của Hội nhà văn Việt Nam, Đại tá Nhà văn Nguyễn Bình Phương đã khẳng định thêm cho vai trò và ý nghĩa của bia tưởng niệm:

Những cuộc chiến tranh đi qua đã để lại cho mỗi miền quê những "Bến không chồng". Với xã Thụy Liên của nhà văn Dương Hướng thì khu bia lưu niệm này được Đảng bộ, Ủy ban nhân dân xã Thụy Liên cho dựng nên không chỉ dành riêng cho địa phương mình mà là biểu tượng chung cho mọi miền quê của Đất nước Việt Nam!...

Nhà văn Dương Hướng đã xúc động đáp từ:

Viết "Bến không chồng", tôi đã vinh dự nhận được nhiều giải thưởng. Trong đó có cả giải thưởng cao quý của Nhà nước. Còn đây tuy không phải giải thưởng, nó là phần thưởng vô giá mà nhân dân và bạn bè ưu ái dành cho tôi...

* *

*

Cuộc chiến tranh kéo dài suốt hai mươi năm để giải phóng miền nam giành thống nhất đất nước là cuộc chia ly khủng khiếp. Để nhiều triệu người Việt Nam đã phải nằm xuống đôi bờ chiến tuyến - 1500 trai tráng làng Đông làng Đoài xã Thụy Liên ra đi làm cuộc trường chinh thì có gần ba trăm người không trở về - Đấy là cái giá phải trả cho cuộc sống hôm nay.

Trước sự kiện văn hóa đặc biệt này, xin chốt lại với mấy vần thơ tôi cảm tác dưới chân bia:

Chiến tranh nhát gươm chém ngang lịch sử

Làng Đông, làng Đoài đong nước mắt tiễn đưa

Trai làng đi tuổi xanh hóa thạch

Bến hẹn tình yêu thành "Bến không chồng".



Viết tại Thái Bình - Quảng Ninh, Ngày 21, 22-3-2019

NDL.

ĐT: 0984.053.771



C:\Users\Administrator\Desktop\PHÔT\SAM_4086.JPG