Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CHUYỆN TRĂN GẤM HOA VÀNG VỚI NGƯỜI GIỮ ĐẤT VỊ XUYÊN

Nhà văn Trần Hữu Tòng
Thứ năm ngày 14 tháng 2 năm 2019 5:11 PM


Kết quả hình ảnh cho nhà văn Trần Hữu Tòng


Ngàn năm trăn gấm hoa vàng

Mùa xuân “ mở hội” non ngàn Vị Xuyên

Ngàn năm đá núi đường biên

Máu xương người lính xây nên cõi bờ.


Hoàng hôn lụi tàn sau giải Lão Sơn. Chân trời phía Bắc xám xỉn mây mù hắc ám dâng lên. Cơ man nào là giun dế từ bốn phương tám hướng rừng nơi biên viễn hoang vắng tấu lên khúc nhạc muôn đời thảm sầu rền rỉ. Giờ khắc đất trời giao hòa ấy như gọi những chú trăn gấm hoa vàng sinh trú trong các hang , hốc bò ra bờ suối làm việc sinh tồn muôn thuở - tìm mồi, tìm bạn. L oài thú quý hiếm hoang dã đó, người Tày, người Mông, người Kinh... ở vùng Vị Xuyên trập trùng núi non này truyền nhau rằng nó là cháu, chắt, là “hậu duệ” của tổ tiên loài trăn gấm hoa vàng trong chuyện cổ sử xuất xứ nơi này. Các cụ già ở bản Nà Cáy, Làng Pênh... thường kể chuyện đó cho con cháu nghe. Dù chuyện có pha màu huyền thoại, dã sử nhưng các cụ đều khẳng định rằng đó là chuyện của các bậc hùng tài đại lược xa xưa truyền lại. Chuyện rằng vào thời Lê – Trịnh cách nay hơn ba trăm năm rồi nơi đèo ải Vị Xuyên heo hút này đã có mốc giới bằng đá phân chia rạch ròi cương thổ hai nước, Theo sách “Biên giới lịch sử tư liệu Việt – Hoa” và sách “Khâm Định Việt sử thông giám Cương mục”. Năm 1728 Vua Mãn Thanh đã phải trả lại 80 dặm dất cho Nhà Lê và lập mốc giới hai bên dòng sông Đỗ Chú (một dòng sông nhỏ chảy sát vùng đất Tụ Long thuộc Châu Vị Xuyên). Nơi này có mỏ đồng nhưng đã bị ngoại bang xâm lấn. Trên bia đá mốc giới đặt tại bờ Nam sông ghi: “...Mốc giới Vị Xuyên, trấn Tuyên Quang nước An Nam lấy sông Đỗ Chú làm căn cứ. Ngày 6 tháng 9 năm Ung Chính thứ 6-1728. Chúng tôi là nguyễn Huy Nhuận, Tả Thị Lang Bộ binh và Nguyễn Công Thái Tế Tửu Quốc Tử Giám được Triều đình ủy sai vâng theo chỉ dụ lập bia mốc giới này..”. Trên bia đá mốc giới tại bờ Bắc sông ghi: “... Khai dương ở xa tận một góc trời, tiếp giáp đất Giao Chỉ...bọn Sĩ, Côn chúng tôi cùng bọn Nhuận, Thái quan Thái úy nước Giao Chỉ đặt mốc giới này bên bờ sông Đỗ Chú. Từ đây biên cương bền vững lâu dài, ức muôn năm không bao giờ mai một... Ngày 7 tháng 9 năm Ung Chính thứ 6 -1728...”.

Ấy vậy mà các quan tham Mãn Thanh luôn tìm mọi mánh khóe tạo cột mốc giả dời đến bên một dòng suối nhỏ để lấn đất Vị Xuyên. Có lần Nhà Thanh sai hai Đại quan mũ cao áo dài kéo lũ lính tráng gươm giáo sáng lòe sang đất ta. Họ hung hăng đòi ta phải trả đất cho họ, phải dời mốc giới lùi về phía đất ta 40 dặm Tàu (bằng 20 km). Chúa Trịnh Cương nước ta liền sai hai Đại quan đã từng “hội khám” đặt mốc giới năm trước lên nghênh tiếp. Người dân các bản vùng biên nước ta mở lòng thân thiện dựng nhà bên suối, lo việc ăn ở, lo cả việc hầu hát, hầu múa, hầu xôi ngũ sắc, rượu ngon Tùng Bá, thịt nai hun khói để các quan bàn thảo. Lúc Đại quan nhà Thanh đang vạch đất chỉ đồi tranh biện phun ra những lời kiêu láo thì bỗng có hai chú trăn gấm hoa vàng bò từ phía hang đá ra bờ suối. Hai chú trăn thân to bằng cột nhà sàn người Tày, dài hơn hai sải tay người Kinh, cổ có vằn đỏ như màu khăn đội đầu của người Dao, như trên tấm vạt đeo trước ngực của người Mông... Lưng trăn lốm đốm vằn hoa màu vàng giống màu hoa nghệ ở các đồi cây nghệ trên đất châu Vị Xuyên này. Hai chú trăn dừng lại nghiêng đầu nhìn vào lán mới dựng, Miệng trăn phát ra tiếng phì phì, khè khè... Vì ở đó lan tỏa ra mùi tanh tưởi của huyết, của thịt lợn, thịt trâu vừa mổ. Cái lưỡi chẻ thành hai nhánh của hai chú trăn hệt như những mũi mác nhọn thò thụt, thụt thò ra vẻ thèm thuồng... Hai Đại quan Nhà Thanh mặt mày tái mét, mắt tròn mắt dẹt, run rẩy nhảy cẫng lên. Một vị “tè” ướt quần, quẳng áo mũ chực bỏ chạy. Một vị nhảy tót lên bàn kéo thân áo che kín mặt.... Hai vị Đại quan nước ta vội nắm tay giữ họ lại, nói: “An tọa, An tọa. Xin các Đại quan an tọa. Con thú đi tìm mồi thôi mà. Ở nơi cương thổ nước Nam chúng tôi, con thú cũng như con người muốn nơi mình sinh trú được yên bình, Nó không ác với ai nếu họ không có dã tâm ám muội làm hại nó...”

Vùng cương thổ đất Vị Xuyên từ xa xưa đã từng chứng kiến biết bao phen tao loạn. Còn từ 17 tháng 2 năm 1979 họ đã xua 60 vạn lính sang tàn phá sáu tỉnh vùng biên giới nước ta, Theo sử sách Trung Hoa để lại từ thời Nhà Ân – năm 1218 trước Công nguyên đến nay, giặc phương Bắc đã có 14 lần xâm lăng nước Việt. Lần thứ 14 này giặc tràn sang ào ạt nhất. Thời Nguyên - Mông, giặc tràn sang nước ta nhiều nhất cũng chỉ có đến 50 vạn quân. Thế mà riêng vùng đất Vị Xuyên – rộng hơn 10km2 – lần này đã có gần 14 Sư đoàn của Quân đoàn 40 thuộc Quân khu Côn Minh tràn sang như một trận bão(!)

Chúng định tiến về Thị xã Hà Giang, cắt đứt vùng đất Đồng Văn, Quản Bạ.. phía trên và thọc sâu vào nội đại nước ta. Các sư đoàn 312, 316, 313, 356... của quân đội ta đã lên Vị Xuyên chặn đứng, đẩy lùi lũ giặc. Các chiến sĩ ta một tấc đất không lùi. Sống bám đá núi Vị Xuyên chết làm đá đắp cao đường biên Tổ quốc. Trên đất Vị Xuyên đã diễn ra những trận tử chiến bi hùng. Hơn bốn ngàn chiến sĩ đã hy sinh, hiện còn hai ngàn chưa tìm thấy hài cốt. (theo thông tin chiến sự Vị Xuyên và tài liệu chiến tranh biên giới những dấu mốc không thể nào quên – Truyền thông tháng 2 – 2017). Có ngày giặc dội hơn 30 ngàn quả đại pháo, chục ngàn quả đạn cối xuống các cao điểm 1509, Đồi Đài, Núi Đất, Hang Dơi, Đồi Không Tên, Hang Mán, Làng Lò... nơi chiến sĩ ta chốt giữ. Nhiều quả đồi đã bị bạt thấp đến bảy, tám mét. Sự tàn phá khủng khiếp ít thấy trong lịch sử chiến tranh. Cả vùng núi non ngút ngàn Vị Xuyên thành một bãi cháy hoang tàn. Cây cối thành than đen. Nhiều mỏm núi đá trở thành “lò vôi thế kỷ”. Một loạt đạn nổ, một ngọn gió lướt qua, bột vôi trắng xóa bay lên mù mịt đất trời. Nước suối Thanh Thủy đỏ ngầu như máu. Vùng đất Vị Xuyên ngày không còn tiếng chim, đêm không còn tiếng thú, không còn cả tiếng giun dế, côn trùng... Duy chỉ còn những chú trăn gấm hoa vàng tội nghiệp sống sót chúng chui vào ẩn náu trong các hang sâu. Đến khuya hoặc các buổi chiều yên tiếng súng chúng mới bò ra tìm mồi, tìm bạn.

... Ở cửa Hang Dơi, những người lính trẻ như Trịnh Huyến, Lê Hồng, Hữu Quân, Lê Văn Phương... nhìn chú trăn gấm hoa vàng đói, cái lưỡi thò, thụt đánh hơi tìm mồi mà thương hại. Các anh ném cho nó nắm bột mì vo tròn luộc chín, hoặc lát cơm chấm ruốc thịt đang ăn. Quen dần rồi trăn vàng trở nên “thân thiện”. Mỗi lần ngửi thấy mùi ruốc thịt, mùi lương khô là chú trăn lại từ trong hang đá bò ra chờ các anh cho ăn. Lúc vắng người trăn vàng bò quanh bếp nhặt hạt cơm rơi, mẩu thức ăn thừa. Các anh đặt chậu nước ở cửa hang cho trăn uống. Nhiều đêm chú trăn gấm hoa vàng bò vào khoanh tròn trong thùng đựng nước, trong chảo nấu cơm... ngủ ngon lành...

Qua sự cảm thụ tinh tế từ huyền bí và cả linh khiếu của người lính nơi trận mạc, Trịnh Huyến, Quân, Phương... đều có cảm nhận rằng sau những ngày lửa cháy, tiếng nổ rung núi chuyển đồi, con trăn như đã nhận thấy sự khủng khiếp đang diễn ra. Rừng cây, khe suối và cả không khí nữa cũng luôn phừng phừng, hun nóng. Nó chui vào hang sâu ẩn náu còn đồng loại nó tản đâu hết rồi. Những con tan xác thì bị hất lên bên bờ suối. Rồi nó thấy một loài sinh vật lạ lùng xuất hiện hàng ngày bên nó. Bằng những tín hiệu mà tổ tiên muôn đời của nó mách bảo, con trăn gấm hoa vàng như đã nhận ra rằng loài sinh vật lạ đó không làm hại nó, không xua đuổi nó mà còn cho nó ăn, cho nó chỗ dung thân, nhìn nó với ánh mắt thân thiện rồi cùng trú trong hang núi với nó. Ôi giữa cái sống và cái chết cận kề, bản năng của muôn loài sinh vật trong cõi đất trời này dù hoang dã đến đâu rồi cũng tìm đến với nhau để nương tựa vào nhau mà sống...

Trịnh Huyến, người lính quê xứ Thanh – nói với Quân với Phương rằng: “Các cụ ta từ xưa đã truyền lại rồi. Thiện sẽ thắng ác mà, nhân từ sẽ thắng cường bạo mà. Sống có tình thương thì thuồng luồng sẽ thành giun đất mà. Ta đã thu phục được con thú hoang dã này rồi đấy các cậu ạ!”

Một buổi chiều muộn, Phương nhìn thấy không phải một mà là hai chú trăn vàng từ bờ suối bò vào bên bếp lửa ở cửa hang. Chúng gạt tro than tìm những mẩu sắn nướng, đoạn xương gà: “Anh em ơi. Anh em ơi, trăn vàng rủ bạn về đây này”. Phương gọi to rồi anh bẻ đôi nắm bột mì luộc đang ăn chấm ruốc thịt ném về phía hai chú trăn. Con trăn đã từng sống ở Hang Dơi ngoảnh cổ nhìn Phương rồi nhìn nắm bột mì, nó ngúc ngắc đầu như biểu thị sự... “cảm ơn”. “Nhẹ thôi, nhẹ thôi Phương ơi, nó rủ bạn tình về đấy. Đừng làm nó sợ - cả tiểu đội nhìn ra, nhắc Phương - “Quý quá đấy, Trong lửa đạn thế này mà loài vật cũng còn biết tìm đến với nhau. Biết đâu nó là đôi “bạn tình đấy”. Ta bao dung chúng nó đi. Ta xem chúng như “bạn” cùng bám trụ Hang Dơi giữ đất Vị Xuyên này nhé” – Quân nói thêm vào. Những người lính chốt giữ điểm tựa nhìn nhau. Họ không nói ra lời nhưng ánh mắt họ đều chung ý nghĩ “ Ôi đến bao giờ, đến bao giờ con người, con thú ở vùng đất Vị Xuyên này được sống bình yên như bà con người Mông người Tày ở đây dặn dò nhau:” Chim đang làm tổ ấp trứng trên cây xin đừng đốn hạ. Cá đang đưa con bơi tìm mồi dưới suối xin chớ cạn dòng...” Vừa lúc ấy tổ thông tin từ phía sau chuyển sách báo, thư tín lên điểm tựa Đồi Đài, đồi Hang Cáo... dừng lại, các anh nói: “Mùa hội trăn” chúng đi tìm “bạn tình” đấy các cậu ạ. Các cụ già ở bản Nà Cáy, Làng Pênh đã kể chuyện ấy rồi. Vào tháng giêng, hai hàng năm là mùa “hội trăn” đấy. Các cụ kể rằng ( các tài liệu nghiên cứu về loài trăn cũng nói thế ) loài trăn gấm hoa vàng có tập tính sống rất “lãng tử, hào hoa”. Hàng năm vào độ đầu Xuân ngày cây rừng đơm lộc non lá mới, dịp thanh minh nắng vàng hoa nở, trăn gấm ở đất Vị Xuyên này lại vào “mùa hội”. Những ngày ấy từng nhóm chừng năm, bảy “chàng trăn” cụm nhau tìm một “nàng” non tơ. Rồi chúng rủ nhau bò ra bờ suối Thanh Thuỷ quần tụ trên một bãi đất bằng. Các “chàng trăn” vào cuộc đấu sức với nhau, vờn nhau, quấn riết nhau nô đùa nghịch ngợm. Còn “nàng trăn” nằm im “chiêm ngưỡng”. Miệng “nàng” luôn phát ra tiếng “phì phì, khè khè” như để “cổ vũ các chàng”. Vậy là tạo hoá đã ban cho các “chàng trăn” mùa thi thố sức lực, trình diễn các mảng miếng đánh bắt mồi để các “nàng” tuyển chọn “nhà vô định”. Tan hội, chỉ có một “chàng trăn” thắng cuộc. “Chàng ta” ung dung bò đến “nàng” với tư thế hiên ngang hãnh diện. “Chàng” đấu đầu, đấu lưỡi “âu yếm” “nàng” rồi quấn lấy nàng tình tự, ân ái! Những “chàng trăn” thua cuộc biết thân phận bò lùi ra xa cụm lại với nhau thành một bối như thể hiện niềm vui mừng đồng loại. Vậy là loài thú hoang dã muôn đời cũng có “luật chơi” riêng của nó.

Các tài liệu khoa học và trong Bách khoa toàn thư mở đã nói rõ về loài trăn gấm. Từ thưở hồng hoang, tạo hoá đã an bài định phận cho nó rồi. Nó là loài bò sát máu lạnh, da dày, cấu tạo địa sừng vảy như rắn, như cá sấu, kỳ đà… Loài trăn không có nọc độc như rắn. Nó là loài bò sát “đặc sinh” chỉ có một lỗ huyệt. Nơi bài tiết cũng là nơi sinh sản. Nó được sự dìu dắt của bản năng nòi giống hoang dã săn bắt trong thế giới nguyên thuỷ xa xưa nên rất tinh khôn và mạnh liệt. Đúng như các nhà nghiên cứu về loài trăn đã nói. Thực ra đó là cái khôn ranh của nòi giống nó. Khôn ranh của loài thú man rợ ăn thịt. Cái “thông minh” của nó cũng là cái “ thông minh” để sinh tồn nòi giống cộng với thói quen bản năng thu lượm “ mà ta gọi là kinh nghiệm” trong việc kiếm sống để tồn tại hàng ngày. Những điều đó biến nó thành một sinh vật ghê gớm như bất kỳ loài thú hoang dã ăn thịt nào. Nó nhận biết mọi vật xung quanh qua cái lưỡi chẻ thành hai nhánh để ngửi được và nghe được (trăn không có cơ quan thính giác và khứu giác riêng).

Loài trăn rất nhạy cảm, nó vừa nhận thức vừa quyết định vừa hành động gần như cùng một lúc. Các thớ thịt của con trăn luôn ứ thừa sinh lực nó sẵn sàng bật dậy nhạy như giây cao su. Bộ xương sống khủng khiếp của nó gồm có 400 đốt như chiếc lò xo thép bị nén bung ra sức mạnh quấn riết con mồi. Dù đó là nai, lợn, gấu, ngựa… cũng phải nát xương, nhũn thịt rồi nó nuốt chửng. Vậy là trăn giết con mồi không phải bằng răng cắn xé mà bằng “thủ thuật” của tổ tiên nó muôn đời truyền lại là quấn riết chặt con mồi nhiều vòng. Rồi cứ mỗi hơi thở ra của con mồi là nó lại xiết chặt thêm một nấc. Và cứ thế cho đến khi con mồi hắt ra hơi thở cuối cùng… Điều rất đặc biệt của loài trăn, là cấu tạo bộ hàm của chúng không có khớp hàm mà chỉ có giây chằng với độ đàn hồi rất lớn dính vào nhau. Nên trăn mở miệng rộng đến bao nhiêu là do yêu cầu nuốt con mồi (nai, ngựa, lợn rừng, hoẵng…) lớn hay bé. Và, khi trăn đã nuốt mồi rồi thì các bộ phận trong cơ thể nó phải tăng hoạt động lên tới ba mươi, bốn mươi lần để tiêu hoá. Bộ máy tiêu hoá của loài trăn có hệ thống “máy móc cực kỳ tinh xảo” hút cạn kiệt chất canxi trong xương con mồi để bồi bổ thêm dinh dưỡng cho nó. Nên loài động vật “đặc sinh” này kéo dài tuổi thọ được tới gần bốn mươi năm.

Trên thế giới có đến 26 loài trăn lưu trú và sinh sống khắp các châu lục. Có loài trăn đã trở thành quái vật. Ở nước Mianma có loài trăn dài sáu mét nặng tới 113 kg. Nó là nỗi kinh hoàng cho con người và các loài động vật khác. Nó có thể giết con báo chóng vánh trong vòng mấy phút. Và lúc đói, nó có thể nuốt phăng cả con cá sấu. Trăn đá màu da nâu xám sinh trú ở Châu Phi là loài trăn khoẻ nhất lục địa. Nó dài tới 7mét, nặng 150 kg sinh sống ở đồng cỏ, đầm lầy, suối cận rừng. Loài trăn này cực kỳ hung hãn. Nó tấn công bất kỳ con vật nào nó nhìn thấy. Nhưng nó “đoản thọ” chỉ “hưởng dương” được chỉ 12 năm. Ở Nam Mỹ có loài trăn xanh dài tới 9 mét. Loài trăn này có “vòng eo khiêm tốn” hơn 40 cm, nặng tới 250 kg, chúng sống ở rừng mưa nhiệt đới Amazon, Orinoco… Và rất thích thú các món ăn “nặng ký”: hươu, nai Bắc Cực, báo, trâu rừng… Loài trăn này có sức mạnh thần kỳ của tổ tiên nó truyền lại là quấn riết con mồi du to lớn hơn nhiều lần cũng phải nát nhừ xương rồi nuốt chửng. Loài trăn vua Anaconda (1) dài gần tới 15 mét nặng trên một tấn là loài trăn đáng sợ nhất trong các loài trăn trên trái đất. Nó được tôn là “Vua” của các loài trăn. Nó sống đơn độc và hung án cực độ. Loài trăn này di chuyển ung dung đĩnh đạc coi như sông núi đất trời này là của riêng nó. Cách rình rập bắt mồi của nó cũng rất “vua”. Mỗi lần ra đòn là nó tóm ngay được chú cá sấu cực lớn, hoặc con hươu rừng cực to. Loài trăn “vua” này sống rất “phong tình”, suốt ngày chỉ rong chơi đùa dỡn với “bạn tình”. Một sự kiện lịch sử về loài trăn đã khiến các nhà khoa học bất ngờ. Đó là vào năm 2009 họ đã tìm thấy dấu vết của loài trăn Titanoboa(2) trong các mỏ than tại miền Bắc Colombia. Loài trăn khổng lồ nhất lịch sử trái đất này đã tuyệt chủng từ 60 đến 58 triệu năm trước thì nay đã hiện diện 28 cá thể hoá thạch. Loài trăn này dài trên 15 mét, nặng đến gần một tấn hai, đường kính của thân mình nơi dày nhất gần một mét. Nó có thể nuốt gọn con bò tót lớn gần bằng trọng lượng cơ thể nó khi đã quấn xiết nát nhừ. Và mới đây, vào ngày 14 tháng 12 năm 2014 tại một khu đầm lầy phía Bắc nước Argentina, các nhà nghiên cứu đã ghi lại được khoảnh khắc trăn mẹ sinh con (chứ không phải đẻ trứng) chưa từng thấy trên hành tinh của loài trăn boa sống ở Nam Mỹ…

… Ở nước ta có ba loài trăn: trăn gấm (có nơi gọi là trăn hoa, trăn mắc vọng…); trăn đất, trăn cộc (có nơi gọi là trăn mốc, trăn cá, con luôm, tu lườn…) Ba loài trăn của nước ta đều được xếp vào loài động vật hoang dã quý hiếm nhóm II B trong Sách Đỏ Việt Nam; được đưa vào Danh Lục Thế Giới C.T.T.E.S; Liên minh quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thế giới. “Nghị Định số 18 HĐBT nước ta quy định loài trăn thuộc nhóm động vật nghiên cứu, cấm khai thác, sử dụng; cấm triệt để săn bắn và buôn bán bán trái phép. Cần thành lập các trại nuôi tập thể, khuyến khích nuôi ở gia đình nơi có nghề truyền thống... Tập tính các loài trăn ở nước ta không khác nhiều với trăn ở vùng Đông Nam Á và thế giới. Chúng ưa sống ở môi trường ẩm ướt, đầm lầy, ven sông suối, cây cối rậm rạp, có hang hốc ẩn náu. Trăn sinh trưởng và phát triển nhanh ở vùng biên giới, bưng biền Nam Bộ, vùng đất Quảng Nam, Hoà Bình, Hà Giang… Mùa đông trăn thường quần tụ từ hai đến năm, bảy con trong các hang hốc để tránh rét. Ban đêm chúng mới bò ra tìm mồi. Mùa hè trăn “rủ nhau” ngâm mình dưới suối mát… Thức ăn chủ yếu của loài động vật “đặc sinh” này là loài bò sát, ếch nhái, loài thú gậm nhấm như cầy hương, cầy mực, các loài linh trưởng, có lúc chúng bắt cả lợn, nai…

Con trăn gấm còn có miếng đánh “độc nhất vô nhị” để rình rập bắt mồi. Đó là sự kiên nhận đến lỳ lợm không biết mệt mỏi. Sự kiên nhận thuộc bản năng của tổ tiên nó truyền lại trong thế giới nguyên thuỷ săn bắt xa xưa. Nó tìm lối mòn nơi những con thú thường đi qua lại rồi leo lên quấn vào cành cây nằm im phăng phắc thòng cổ xuống với thời gian vô tận đề chờ mồi. Nó hơn hẳn cả con nhện nằm im giữa màng tơ; hơn hẳn con rắn cuộn tròn giấu mình sau lớp lá mục; và “bậc thầy” con hổ chỉ biết nằm mai phục sau gốc cây, trong bụi rậm… Điểm lại sự kiên nhận hoang dã trong cuộc sinh tồn muôn đời của các loài sinh vật thì xem ra con trăn gấm là “cao thủ” hơn cả. Miếng đánh hiểm độc, bất ngờ đó, làm cho con mồi chỉ còn cách chết đứng trong vòng quấn xiết của trăn. Có lẽ vì miếng đánh đó mà trăn gấm còn được gọi là trăn mắc vọng chăng? Loài trăn gấm sinh trú ở nước ta có con dài đến 4 mét nặng ngót trăm kg. Đầu trăn hình tam giác có sọc đen chạy dài từ mắt đến hai khoé miệng. Mặt lưng và hai bên lườn có những đốm đen trắng trên hoa văn màu be vàng hay màu nâu nhạt. Dưới bụng và cổ trăn có màu vàng nhẹ với những chấm màu nâu xám nối nhau thành dạng mặt lưới trên màu vàng sẫm rất giống màu hoa cây nghệ trên đồi núi Vị Xuyên. Những hoa văn độc đáo rất “ nghệ thuật” đó là thứ hóa trang khiến các loài thú khác khó nhận biết khi trăn di chuyển trên thảm rừng.

Điều thần kỳ nhất ở loài trăn gấm là chúng có bốn tấm vẩy ở vành môi trên. Mỗi tấm có một lỗ nhỏ, đó là cơ quan cảm giác nhiệt nhạy bén nhất của trăn. Và, các tấm vảy ở môi dưới, đến tấm thứ 18 cũng đều có một lỗ nhỏ. Đó là cơ quan điều hòa nhiệt độ của cơ thể và giúp nó biết trước được thời tiết nắng mưa, nóng lạnh của đất trời trong những ngày tới.

Sau mùa “ hội trăn” thì các “ nàng trăn” mang bầu, gần ba tháng thì sinh nở. Mỗi lứa “ nàng trăn” sinh hạ từ 60 đến 80 quả trứng. Trăn mẹ cuộn tròn thành cái tổ kín đáo, ấm áp, đảm bảo nhiệt độ từ 30 đến 32 để ấp trứng. Gần ba tháng sau thì đàn con chào đời. Con trăn non có thể dài đến 60cm, nặng đến 20kg. Sau hơn 10 ngày thì đàn trăn non “ thay áo” để thân hình nở nang rồi tỏa ra bốn hướng non ngàn đón nhận cuộc sống tự lập. Khác hẳn các loài sinh vật là trăn mẹ không hề nuôi nấng, ôm ấp, và cũng chẳng “ chuyền nghề” kiếm sống cho lũ trăn con. Nhưng chỉ ít ngày sau đó con trăn non đã có thể bắt sống và nuốt gọn con mồi dài bằng một phần tư chiều dài và khối lượng bằng nửa cơ thể nó.

Với tập tính của loài thú hoang dã quý hiếm, con trăn sống “ phóng khoáng”, “ thân thiện” với đồng loại, nhưng nó hung dữ khủng khiếp khi bị tranh cướp mất mồi, bị xâm lấn lãnh địa và nhất là khi nó đang ân ái với bạn tình mà bị quấy phá, đòi đuổi. Lúc ấy nó sẽ quăng mình đến, cắn ngập răng vào kẻ thù và quấn xiết đến nhừ xương nát thịt.

*

Cách điểm tựa Hang Dơi và dòng suối Thanh Thủy không xa là bản Nà Cáy, Làng Pênh. Ở đó có Thư viện mặt trận đặt trong một hang đá lớn. Thư viện có hơn bốn ngàn cuốn sách, có báo Nhân dân, báo Quân đội..., có các loại sách văn nghệ, sách khoa học... xếp ngay ngắn trên các hốc đá, các giá làm bằng tre. Ở cửa Thư viện luôn có hàng chục ba lô, túi đựng đầy sách báo. Những người lính ở đây gọi đó là: “ Thư viện ba lô”, “ Thư viện túi” lưu động, các chiến sĩ thông tin chuyển lên đến chiến hào hơn 40 điểm tựa phía trước. Thư viện mặt trận Vị Xuyên có hai “ thủ thư” là Hùng và Được cùng với hai chú trăn gấm hoa vàng trông coi. Theo tập tính sinh tồn, ban ngày hai chú trăn chui vào hang sâu ngủ. Đêm, trăn bò ra “tung hoành sục sạo, kiểm tra” trong từng hốc đá, chạn sách. Con chuột rúc rích, con thạch sùng chép miệng, bầy mối, lũ côn trùng và cả những con rắn vào ẩn trú, hai chú trăn gấm nhặt bằng hết. Trăn còn chộp được cả những con dơi sà xuống đớp muỗi. Cứ mỗi lần nghe tín hiệu “khẹc khẹc, phì phì” là các “thủ thư” biết được “hai chú bảo vệ” đang giệt “kẻ phá hoại..” trong các giá sách.

Hai chú trăn quấn quýt với hai người lính “thủ thư”. Đến bữa các anh “bồi dưỡng” nó, miếng lương khô, củ sắn nướng, nắm ruốc thịt hoặc khúc xương gà. Có ngày nắng ấm, mặt trận yên tiếng súng, hai chú trăn gấm hoa vàng rủ nhau ra nằm phơi nắng trên các tảng đá. Nó quấn vào tay các anh. Nó co kéo như thử sức lực với hai người lính “thủ thư”. Đã có nhiều lần hai người lính “thủ thư” kể cho đồng đội nghe về câu chuyện con trăn gấm “trừng trị” tên giặc ở vùng núi Quảng Nam ngày nào. Chuyện đó xảy ra vào năm 1967 thời đánh Mỹ. Năm ấy Lữ đoàn 196 thủy quân lục chiến Mỹ vừa vây ráp, tàn sát bà con ta ở miền duyên hải Quảng Nam kéo về đóng ở chân Núi Già. Một tên lính Mỹ xuống suối lấy nước đụng con trăn gấm phục sẵn trên cành cây. Con trăn lao xuống quấn riết tên lính nhiều vòng rồi nuốt chửng. Khi gần nửa Lữ đoàn lính Mỹ đi tìm thì đã thấy con trăn gấm nằm thảnh thơi ngâm giữa dòng suối mát. Trong cái bụng to kềnh càng của nó, tên giặc đã đền tội.

Người lính “thủ thư” nói rằng truyền thông đã nhiều lần đưa chuyện đó do ông Mai Xuân Hưởng nguyên phó bí thư Huyện ủy Quế Sơn – Quảng Nam chứng kiến, kể lại. Ông cũng rất lạ lùng, rừng Quảng Nam lắm trăn, nhiều thú, bộ đội và bà con ta gặp nó liên hồi nhưng không có ai bị trăn làm hại. Nó chỉ giết tên lính Mỹ mới đi càn gây tội ác. Hóa ra con thú hoang dã quý hiếm cửa rừng nước ta giúp ta đánh giặc.

Rồi những buổi hai người lính “thủ thư” ngồi ở cửa hang tỷ mẩn xếp lại các loại sách, báo quân bưu vừa chuyển lên vào các ba lô, túi xách để đêm đưa lên điểm tựa. Các anh đã ghép tên những tác phẩm của các nhà thơ, nhà văn chiến sĩ thành những câu thơ. Và không ngờ những câu thơ vui đó có sức cổ vũ đồng đội đã lan tỏa trong các chiến hào, ụ súng trên các điểm tựa Vị Xuyên như các tác giả đó cùng ra trận (3)

“ Gương mặt tôi yêu – Rừng lá đỏ

Bến quê – Đất trắng – Nắng Đồng bằng

Dấu chân người lính – Đường phía trước

Vào trận hôm nay – Đất ngọn nguồn.


Đầu súng trăng treo – Đường ra trận

Tình dân – Lòng mẹ - Hoa trong cây

Đất nước đứng lên – Thời xa vắng

Khúc hát anh hùng – Chim én bay.


Gặp gỡ cuối năm – Vùng biên ải

Thơ tình người lính – Chiếc lược ngà

Chiến hào biên giới – Màn sương lạnh

Lá rụng trong vườn – Những ngày xa.


Quần đảo san hô – Cơn gió lốc

Đường vào thành phố - Huế mùa mai

Đất Tổ Hùng Vương choàng áo trận

Ván bài lật ngửa -... Đất nhiều ma.


Mùa đông ấm áp – Hoa sim tím

Khoảng trống giữa rừng – Mảnh trăng non

Tín hiệu bình yên – Người Hà Nội

Cao điểm cuối cùng - ... Có chúng con...”

***

Một đêm trăng non cuối tháng mười năm 1987, những người lính Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 165 Sư đoàn 312 chốt giữ vùng Điểm tựa Hang Dơi đã viết lên đá núi những dòng chữ bằng máu của đồng đội, của Phương – Lê Văn Phương người Ngõ Thổ Quan – Phường Khâm Thiên – Hà Nội. Đêm đó Phương xuống suối Thanh Thủy lấy nước và đón tổ thông tin mang thư, mang sách báo lên thì đúng lúc giặc bắn pháo sang. Đạn nổ, lửa khói trùm kín cửa hang. Suối Thanh Thủy dựng lên hàng trăm cột nước. Đồng đội đưa Phương vào Hang Dơi, đặt anh nằm trên tảng đá. Nơi đó những buổi chiều Phương và đồng đội thường ngồi ăn lương khô, nắm mì luộc. Các anh bẻ nắm mì chấm ruốc thịt ném cho chú trăn gấm hoa vàng ngước cổ chờ. Nơi đó những lúc mặt trận yên tiếng súng, Phương ngồi đọc sách, viết thư cho Yến, người cùng phố, bạn học cùng trường. Phương và Yến đã hẹn ước với nhau, hai gia đình đã ngỏ lời, chạm ngõ chờ ngày Phương về làm lễ cưới. Quân, Huyến... cầm tấm áo thấm đẫm máu của Phương, của đồng đội viết lên tảng đá nơi các anh nằm:

“ Hang Dơi, Thanh Thủy vùng biên máu

Đồng đội nằm đây xin chớ quên...”

Thế rồi những hôm sau, lúc chiều tà sương xuống, gió núi gọi mây về, đôi trăn gấm hoa vàng từ hốc đá bò ra. Đôi trăn thẫn thờ bò quanh tảng đá. Chúng ngước cổ nhìn lên như trông ngóng, đợi chờ.

Giáp Tết Đinh Mão – 1987, Quân được về nghỉ phép. Xuống xe khách ở Bến Nứa, chân cầu Long Biên, Quân ghé vào chợ Đồng Xuân mua bó hương rồi đến Ngõ Thổ Quan, Phường Khâm Thiên thăm gia đình Phương và thắp nén hương tưởng nhớ người đồng đội. Lúc ấy Yến đang chăm sóc bố mẹ Phương. Nhìn Quân, Yến nghẹn ngào. Tiếng nói của Yến chìm trong nước mắt: “ Anh Quân. Anh Quân ơi. Có thật anh Phương đã hy sinh rồi không. Đêm nào em cũng gặp anh Phương về ...”.


7.2017

Trần Hữu Tòng







  1. Loài trăn anaconda

Sống ở lưu vực sông Amazon – Nam Mỹ

  1. Loài trăn titanoboa khổng lồ nhất trong lịch sử trái đất tuyệt chủng cách đây 60 đến 58 triệu năm. Năm 2009 phát hiện các tiêu bản hóa thạch của chúng trong các mỏ than vùng Bắc Colombia.

  2. Tác giả: Hữu Thỉnh, Trần Đăng Khoa, Nguyễn Trí Huân, Vương Trọng, Chu Lai, Vũ Quần Phương, Minh Châu, Chính Hữu, Hữu Mai, Cao Tiến Lê, Thao Trường…