Thật tình, với cái đời thơ chưa có gì gọi là đáng, nhưng kẻ viết bài vẫn liều đem nó ra bảo đảm điều này: Những ai đã làm thơ, dù ít dẫu nhiều, có thể không ưa mùa hè, chẳng ham mùa đông, thậm chí ái ngại mùa thu (mùa biểu tượng cho nỗi buồn mà nỗi buồn thường được xem là nguồn cơn của thi ca). Song, họ ắt phải viết về mùa xuân! Tức là, phàm đã làm thơ thì phải có xuân, ở đâu đó ngang dọc đường thơ của tác giả.
Cớ sao vậy? Dễ thôi... Bởi mùa xuân là mùa tình. Thơ ca là gì nếu không phải là tình cảm, tình ý, tình tứ của thi sĩ với người, với đời, với thiên nhiên?
•
Mùa xuân là tiếng chào tươi mới và rộn ràng, tình nghĩa và nhân bản.
Trung niên thi sĩ Bùi Giáng từng mở đầu và kết thúc thi phẩm Chào Nguyên Xuân (1962) bằng bốn câu hào sảng mà quyến rũ:
"Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau"
(...)
"Thưa rằng: ly biệt mai sau
Là trùng ngộ giữa hương màu Nguyên Xuân"
Đó là một bài thơ khó hiểu, nhiều ý lời không "ăn nhậu" với nhau về nghĩa lại cùng quyện quấn vào một trong những bài thơ nổi tiếng của một anh tài thi ca vào loại khó hiểu nhất và cũng lôi cuốn nhất nước Nam ta thời hiện đại. Thế nhưng bốn câu trên vẫn là ý bao trùm đề tài như lời chào, câu chúc mùa xuân nguyên thủy của nhân loại. Rằng cho dù quá khứ, và cả tương lai, có sao đi chăng nữa thì tương lai vĩnh cửu nơi con người vẫn là mùa xuân đang nảy lộc nhú mầm giữa mọi nẻo đường cái quan hạnh ngộ.
Mùa xuân là lời nhắc gọi của thời gian.
Một "định nghĩa" như thế đã đến từ thi nhân Vũ Đình Liên qua bài thơ bất hủ Ông Đồ (1936) với bốn câu kết:
"Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?
Hỏi đời người nào, thế hệ nào đọc lên mà không chảy nước mắt ngược từ tim lên óc?
Mùa xuân là tiếng lòng của người yêu đời, yêu sống.
Ông hoàng thơ tình Xuân Diệu làm ngây ngất bao tuổi xuân suốt thế kỷ qua vì đã nói thay vạn triệu con tim hấp hé. Ở sự tinh khôi, ở vẻ hồn nhiên, ở niềm đắm đuối, ở nỗi cuồng nhiệt - ấy là khi tình yêu và mùa xuân gặp nhau:
"Tháng giêng ngon như một cặp môi gần"
"- Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi!”
(Vội Vàng, 1938)
Mùa xuân là nỗi nuối tiếc của kẻ cô buồn.
Một đại diện của những kẻ đó, không ai khác chính là thi nhân Chế Lan Viên của thuở "Điêu tàn" chói sáng thi đàn thời Thơ mới:
"Ai đâu trở lại mùa thu trước
Nhặt lấy cho tôi những lá vàng?
Với của hoa tươi, muôn cánh rã
Về đây, đem chắn nẻo xuân sang!"
(Xuân, 1937)
Mùa xuân là mùa kết đôi tình ái.
"Tặng em quyển lịch làm quà
Tặng em hết thảy năm xa tháng dài
Bốn mùa cầm ở trong tay
Thẹn thùng chi, chọn một ngày đi em".
Đấy là trọn vẹn bài thơ Tặng Lịch của nhà thơ Vương Thừa Việt. Câu thơ khi thẳng tuột lúc rẽ ngang như lời ngỏ tình của một chàng trai vừa bạo dạn vừa ý vị trước cô gái mà chàng quyết chọn làm bạn đời. Mùa xuân nhộn nhịp, rộn ràng nhất trong năm. Cũng vì là mùa của lễ tết, quà tặng. Quyển lịch nhỏ bé về giá trị vật chất, còn giá trị sử dụng thì... vô giá. Trong trường hợp bài thơ, đó là giá trị tinh thần: trao tặng cả cuộc đời. Và người nhận dường như chỉ cần "sử dụng" một lần duy nhất. Một lần là trăm năm! Bài thơ được ra đời trong thời Bao cấp khi mà cuộc sống rất khó khăn, ai được tấm lịch đúng dịp Tết đến, kể như hên cả năm. Những người tình nhà nghèo, lãng mạn (lại có chút học) cũng thường có "mốt" tặng lịch. Mùa xuân quả là cây cầu thời gian nối kết duyên tình, luyến ái.
•
Đời có bao nhiêu thi sĩ, thi ca có bấy nhiêu mùa xuân. Phải vậy chăng, thưa bạn đọc...
Vancouver - xuân 2019
Đỗ Quyên