Đinh Ngọc Diệp viết nhiều, tôi đọc thơ anh từ khi tôi còn làm thư ký biên tập của tờ báo Đảng (thập niên 90 của thế kỷ trước). Anh cứ thủng thẳng viết và xuất bản những tập "Hành trình" từ 1 đến 5. Không biết có còn thêm "Hành Trình" 6,7 nữa không? Nhưng với những tập đã ra mắt bạn đọc thì có cơ man những câu chuyện. Chả xa lạ gì,chỉ ở góc sân nhà anh,cái làng chài nhỏ bé, cái biển rộng ầm ào sóng vỗ trước sân nhà anh, những con người bên anh quanh năm lưng trần chân đất, ăn sóng nói gió mà nặng tình quê biển.Đề tài có vậy thôi mà thơ anh cứ cho ta nhìn ra một thế giới rộng vô biên, những vần thơ ấy cứ xoáy vào tim ta, cứ hiển hiện lên những khoảng trời bao la, những mạch nguồn sự sống. những nghĩa cử , văn hóa sống, và những tiếng kêu thảm thiết của trăm họ mất nhà mất đất...Hiên thực và thời đại , anh rung lên những hồi chuông cảnh tỉnh với những thế lực cường quyền ức hiếp kẻ yếu...
Một con người nhỏ thó, gầy gò, chậm chạp sống trong muôn vàn khó khăn ở cái xóm chài nghèo, nhà anh cũng nghèo mà sao trái tim thơ lại bao dung,lớn lao và hùng hồn thế?
Đọc thơ Đinh Ngọc Diệp tôi cứ mung lung trong đầu những câu hỏi về nhân tình thế thái, anh viết về tình yêu cũng không có mối tình nào đi qua thảm đỏ. Không viết cho mình mà anh viết cho làng, cho tỉnh, cho cả một thế hệ có một cái nhìn hiện thực.
Tình cờ tôi được đọc bài thơ VỚI BIỂN của anh , bao ký ức về biển lại hiện về . VỚI BIỂN như một bức tranh quê, bức tranh chỉ miêu tả một con ngõ nhỏ, nhỏ đến mức chỉ mình cha đi qua đã chật. chủ thể của bức tranh là em nhỏ cởi trần chơi đáo,là người mẹ đang thổi cơm chiều, là hình cha bê cái rổ đựng cá đầy vơi sau chuyến đi biển trở về:
" Tôi nghe rưng rưng mỗi bước cha về
Bước thậm thịch nhịp chày giã gạo
Em nhỏ cởi trần mải mê chơi đáo
Mẹ đang thổi cơm chiều rá gạo dở trên tay
Chỉ một mình cha đi vào mà lối ngõ cũng chật
Và:
“Khói cơm thơm, mùi cá nướng
Khói bếp thơm làm ấm cả mưa phùn "
Những khổ thơ ấy là bức tranh ấm áp của gia đình làng biển, nhưngđể có bữa cơm chiều bình yên với mùi cơm mùi cá thơm lừng và những ly rượu nhỏ, người cha phải vượt qua bao tầng bão tố, lớp sóng này chồm lên lớp sóng khác . Đọc những vần thơ này ta thấy quặn thắt về số phận mong manh của con người kiếm sống trong bão lũ mưa giông:
“Sự chuẩn bị đầy đủ nhất
Cũng nhỏ nhoi trước biển hiểm nghèo
Ai biết được những gì trong mầu trời đen đặc
Mầu xám ngắt gió mùa đông bắc
....
Và con sóng lừng kia bất ngờ chồm đến
Ào qua đầu, con sóng khác chồm theo”
Nhưng dù thế nào thì người cha ấy vẫn phải vượt qua, bởi vì:
" Chỉ lao động con người bắt được biển bình yên "
Con người chinh phục thiên nhiên , có trách nhiệm với thiên nhiên và trách nhiệm với cuộc sống gia đình:
"Chỉ trách nhiệm và tình thương của cha
Làm cho biển hiền hòa và lặng"
Từ bước chân của cha, Đinh Ngọc Diệp đã nhìn thấy một chân trời sóng biếc:
" Từ lối ngõ cha đi mở chân trời sóng biếc
Trong khát vọng của người tôi đã viết
Biển hát cùng tôi khúc hát thiêng "
Tôi yêu ĐINH NGỌC DIỆP bởi những vần thơ đầy tính nhân văn cao cả, nghệ thuật và nhân sinh. Anh còn viết tôi còn đọc anh./.
VỚI BIỂN
Đinh Ngọc Diệp
Tôi nghe rưng rưng mỗi bước cha về
Bước thậm thịch nhịp chày giã gạo
Bước chen vào nhịp sóng xanh chao
Em nhỏ cới trần mải mê chơi đáo
Mẹ đang thổi cơm chiều rá gạo dở trên tay
Chỉ một mình cha đi vào mà lối ngõ cũng chật
Nghe tiếng cha đặt rổ xuống sân biết rổ vơi đầy
Mở tràn đậy ra biết ngày thua, phạt
Em xách chai rượu nhỏ về, nồi cơm vừa kịp chín
Khói cơm thơm, mui cá nướng
Khói bếp thơm làm ấm cả mưa phùn…
Tôi nghe được tiếng chân về
Không theo được bước cha đi
Tôi ủ giữa chăn bông còn cài chặt cửa
Cha đã bước vào đêm hun hút gió
Cái lạnh gắt tê mím chặt môi ngỡ còn nếm được
Cơn gió nào chém ngược bước chân
Chiếc áo bạt nào cha mang theo
Cũng mỏng manh trước biển vắng ầm ào sóng lân tinh lóe trắng
Sự chuẩn bị đầy đủ nhất
Cũng nhỏ nhoi trước biển hiểm nghèo
Ai biết được những gì trong màu trời đen đặc
Màu xám ngắt gió mùa đông – bắc
Dự báo nào biết được
Từng sợi mây từng hạt mưa từng ngọn gió
Ai tin được trăm phần trăm dây buộc cọc chèo
Và sóng lừng kia bất ngờ chồm đến
Ào qua đầu. Con sóng khác chồm theo…
Trước biển kể ngại ngần cho hết, biết bao nhiêu
Bàn tay sinh ra để cầm chèo, không thể làm khác
Biển gầm lên. Biển là một nghìn cái thác
Đè lên nhau. Và con thuyền cưỡi lên đầu ngọn thác
Vàng lưới xanh rải ra, biển bạc kéo lên thuyền
Chỉ lao động con người bắt được biển bình yên
Tôi dừng lại ở bên bờ biển sóng
Dừng lại trước cả tờ giấy trắng
Cha đã bước lên thuyền
Chỉ trách nhiệm và tình thương của cha
Làm cho biển hiền và lặng
Cũng trách nhiệm và tình thương
Làm trang giấy nặng lên!
Mong sao thơ sẽ là một nghìn cái thác
Mong sao thơ đè lên thác mà đi
Để nghe được rưng rưng mỗi bước cha về
Để nhìn được vào cặp mắt cha đã quen nhìn im lặng
Để được ồn ào như trẻ con lần thấy biển đầu tiên…
Từ lối ngõ Cha đi mở chân trời sóng biếc
Trong khát vọng của Người, tôi đã viết
Biển hát cùng tôi khúc hát thiêng.
(Đăng trên tuần báo Văn Nghệ TP HCM số 527 ra ngày 6/12/2018)