Mười lăm năm trở lại đây, trên địa bàn Tây Bắc, Việt Bắc. Trung du Bắc Bộ, du lịch đang được hình thành, khởi động, và có nơi đã làm nên thương hiệu của ngành công nghiệp không khói Việt Nam non trẻ.
Nói tới địa bàn du lịch, thường người ta nghĩ đến nơi ấy có lợi thế về khí hậu, danh thắng, và văn hóa độc đáo. Bởi thế, địa phương ra sức quảng bá, tân trang, và đầu tư trong khuôn khổ điều kiện cho phép để thu hút khách trong và ngoài nước. Về phía du khách thì đa số cũng nhắm đến các mục đích thưởng ngoạn hoặc dưỡng sức, dưỡng trí trong môi trường trên: Khí hậu, danh thắng, và văn hóa - nhất là văn hóa tộc người. Điều này, ở cả hai phía, chủ và khách, đều thấy đúng. Rất đúng. Vì thế, cả hai để tâm thực hiện mục đích và phương thức làm du lịch của mình.
Khí hậu và danh thắng tự nhiên là của trời cho, con người có chăng tạo thêm dáng cho lạ mắt nhằm thay đổi cảm giác khách đường xa. Nhưng còn văn hóa? Đã là văn hóa thì đấy là những gì được kết tinh, được chắt lọc qua thời gian mới có. Sự tạo dáng vội vàng trên không phải là văn hóa. Văn hóa tộc người làm cho khách mê mẩn mà tăng thời gian lưu trú hoặc quay trở lại tìm hiểu, là bởi sự điêu luyện của lớp nghệ nhân và những học trò thông minh của họ. và chính những gì nghệ nhân thể hiện ấy dễ dàng trở thành địa chỉ du lịch. Điều này hoàn toàn được khẳng định.
Tuy nhiên, khi một khách hay nhóm khách đến một địa phương không mấy ai bóc tách các môi trường trên, mà còn tìm hiểu thêm, phát hiện và khai thác thêm những điều mới lạ, những gì chưa thể cắt nghĩa, thậm trí khoanh nhiều dấu hỏi đỏ cùng một vấn đề và sổ tay, chờ thời gian dày công lý giải. Điều này dễ thấy ở các du khách say mê tìm hiểu những gì về lịch sử và văn học.
Lịch sử và văn học được xem như nằm trong không gian văn hóa - xã hội, nhưng khác văn hóa phi vật thể ở chỗ hàm chứa tính khoa học nhân văn và yếu tố sáng tạo rất cao so với sự điêu luyện thành kỹ sảo mà nghệ nhân thể hiện. Vì thể, lịch sử và văn học phải được các nhà quản lý du lịch xem là một yếu tố, một môi trường, và là một "điểm đến" hấp dẫn đối với du khách.
Nhưng vì sao khu vực Sông Hồng, Sông Chảy, Sông Đà chúng ta, du lịch đã và đang phát triển mà lịch sử và văn học vẫn đang bị du khách quay lưng lại? Họ đến các di tích là để biết, không có động tác đóng góp tu bổ? Họ đến đền chùa đặt lễ nhằm cầu may cầu lộc chứ đâu để tìm hiểu lịch sử và góp sức bảo tồn? Nhìn sang văn học, lại càng lạnh nhạt hơn. Điều này do ai, tổ chức lữ hành, khách du lịch, tác giả tác phẩm, hay do người làm quản lý?
Văn học.
Văn học dân gian bao gồm rất nhiều thể loại: Truyện cổ, truyện ngụ ngôn, truyện cười, ca dao dân ca, tực ngữ, thành ngữ gắn liền với phong tục tập quán, địa phương nào cũng có. Rất đậm đặc và sâu sắc. Chỉ riêng vùng trung lưu, hạ lưu sông Chảy (vùng hồ Thác Bà), và vùng Mường Lò, Trạm Tấu, Mù Cang Chải của Yên Bái, đã sưu tầm được hơn 200 truyện cổ, truyện nào cũng hay, nhân văn và sâu sa. Nhưng khách du lịch đến nơi đây, rồi đi, có lẽ họ chưa biết một truyện nào, không nhớ một câu ca dao, một câu thành ngữ nào của dân tộc địa phương. Mỗi cổ tích, mỗi giai thoại, mỗi câu ca, phương ngữ đều gắn với sự việc, sự kiện, dấu tích hay lẽ đời khác nhau. Du khách không được nghe, không hiểu nó, tức là mất đi 50% sự hiểu biết về vùng địa danh trong một chuyến đi. Điều này do ai, khách du lịch, tổ chức lữ hành, tác giả dân gian, hay người quản lý?
Khu vực tây Bắc có những tác giả mà tác phẩm đặt nền móng cho dòng văn học Cách mạng - Văn học Việt Nam hiện đại. Tố Hữu với Việt Bắc, Tô Hoài với Truyện Tây Bắc, Vợ chồng A Phủ; Ma Văn Kháng với Gặp gỡ ở La Pán Tẩn, Đồng bạc trắng hoa xòe, Hoàng Hạc với Ké Nàm, Sông gọi. Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh với hai thời gian trước và sau cách mạng tháng Tám, Người ở Tân Trào, có cả loạt tác phẩm văn học được viết tại nơi chiến khu. Ấy vậy mà hàng trăm đoàn khách tham quan, khách du lịch, nghỉ dưỡng, gần như không ai biết tung tích những tác phẩm nổi tiếng xuất xứ thế nào, vùng đất, nhân vật trong tác phẩm và ngoài đời ra sao.
Rồi nữa.
Những năm 80, 90 của thế kỷ trước, biết bao biến cố trên dải đất sông Hồng, sông Chảy đã đi vào tác phẩm, dù tác phẩm ấy viết về quá khứ, về lịch sử, về dòng sử thi hay tác phẩm tư liệu: Bút ký Hồ Kiều làm chứng của Liệt sỹ nhà văn Bùi Nguyên Khiết; ký Bên dòng Nậm mơ của Mã A Lềnh; Tiểu thuyết Bụi Hồ của Hoàng Thế Sinh, tiểu thuyết Trần Nhật Duật của Phù Ninh, truyện dài Kỷ vật cuối cùng của Hà Lâm Kỳ.
Hai thập kỷ đầu của thế kỷ XXI, tác giả tác phẩm văn học Việt Nam hiện đại của các nhà văn khu vực sông Chảy càng phong phú. Lữ hành, du khách từng bước lên thềm hiện vật mà vẫn không hay biết, ngay bên cạnh chúng là một tác phẩm có tiếng, từng đoạt giải thưởng Trung ương, địa phương. Trường ca Lời cất lên từ đất, và tiểu thuyết Ngang trời mây đỏ viết về các liệt sỹ yêu nước trong khởi nghĩa Yên Bái của Ngọc Bái; Tiểu thuyết Chúa Bầu viết về Gia quốc công Vũ Văn Mật vùng sông Chảy Thác bà của Vũ Xuân Tửu; Tiểu thuyết Chủ đất xoay quanh gia tộc họ ở Mèo Vạc Hà Giang của Chu Thị Minh Huệ; các tiểu thuyết Ma làng, Đồng làng đom đóm của Trịnh Thanh Phong viết về nông thôn miền núi lấy chất liệu ngay nơi quê hương Sơn Dương của ông. Tiểu thuyết Thạch trụ huyết lấy cốt truyện từ trụ đá tương tàn vùng người Mông của Nguyễn Trần Bé. Tiểu thuyết sử thi Cánh cung đỏ viết về vùng Chiến khu Vần - Hiền Lương - Văn Chấn của Hà Lâm Kỳ. và nhiều bài thơ, tập thơ của Đặng Quang Vượng, Pờ Sào Mìn, Ngọc Bái viết về cuộc chiến biên giới đầy máu lửa thời gian 1979 - 1985 v.v… Nhìn về một số địa phương, ngôi nhà của Bá Kiến ở làng Vũ Đại đang được quy hoạch làm nơi hút khách, chắc hẳn phải lấy ý tưởng từ tác phẩm Chí Phèo của Nhà văn Nam Cao, Xã Gia Điền, huyện hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ đang quy hoạch nơi nhà thơ Tố hữu ở và viết các bài thơ: Bầm ơi, Bà Bủ, Mưa rơi, Cá nước, Lên Tây Bắc… nhằm bảo tồn di sản và phục vụ du lịch. Gần đây, nhân dân xã Thụy Liên, Thái Thụy, Thái Bình, quê hương nhà văn Dương Hướng; đã dựng tấm bia bằng phiến đá lớn mang tên tác phẩm của ông - tiểu thuyết Bến không chồng.Huyện Cẩm Khê, Phú Thọ xây dựng nhà lưu niệm nhà thơ Bút Tre… Một ngày nào đó, nơi đây sẽ là địa chỉ du lịch văn học nghệ thuật hấp dẫn của huyện Thái Thụy và Cẩm Khê.
Từ cuộc sống, từ lịch sử văn hóa, từ cả những góc khuất của xã hội, cùng với nhà văn sông Chảy, các tác giả văn chương Yên Bái đã ghi đậm dấu tích vào trang viết, vào tập bút ký. Tiểu thuyết Xóm chợ của Nguyễn Hiền Lương viết về mảnh đất Bảo Hà (Văn Bàn) những ngày đầu kháng chiến. Tiểu thuyết Âu Lâu Bến lửa, Đất mường thời dông lũ của Trần Cao Đàm khắc họa một thời lịch sử. Rồi đậm đặc văn hóa Tày sông Chảy trong tập truyện Trên đỉnh Pu Cài của Nông Quang Khiêm, đến cả Địa danh Yên Bái của Hoàng Việt Quân v.v… nếu khách du lịch có trong tay, hay chỉ nghe hướng dẫn viên du lịch giới thiệu trong cuộc hành trình chắc chắn sẽ thấy thú vị, bổ ích và ấn tượng. Biết đâu đây sẽ là những thu hoạch hiệu quả ngoài mong đợi trong chuyến đi của du khách? Vậy thì sao tác phẩm văn học và tác giả của nó không được vào cuộc để đồng hành cùng du lịch? Nếu có lỗi, thì lỗi ở ai, du khách, nhà tổ chức lữ hành, tác phẩm, hay người quản lý du lịch? Câu hỏi này xin để ngỏ.
Du lịch đang được nhà nước ta rất chú trọng, không chỉ là nguồn thu nhập phát triển kinh tế xã hội, mà quan trọng hơn là sự quảng bá hình ảnh đất nước con người Việt Nam, quảng bá nền văn hóa và chiều sâu lịch sử của nước Việt. Sự quảng bá này nếu thiếu đi "binh chủng" Văn học nghệ thuật thì khác nào người nước ngoài lần đầu đến Việt Nam không có phiên dịch, với họ, trở về, chỉ biết đường đất mà chưa hiểu gì về người Việt, lịch sử và văn hóa Việt. và đương nhiên, người làm quản lý du lịch không làm tròn chức năng nhiệm vụ trước trọng trách đất nước.
Cần. Rất cần đưa văn học Việt Nam lên bàn lữ hành của các nhà quản lý du lịch. Và, hơn ai hết, các nhà văn, và những người yêu mến, trân trọng nền văn học đất nước cần công khai làm điều đó. Tôi tin, rất tin, một ngày nào đấy, những tác giả tác phẩm văn học nổi tiếng xưa và nay, sẽ đồng hành cùng du lịch, mang lại lợi ích cho đất nước, cho mỗi địa phương.
Tháng 8/2018
HLK