Ông vốn là gốc người Hà Nội, các cụ sinh ra ông lại về Hải Phòng lập nghiệp, từ những năm 1948 của thế kỷ trước, ông tốt nghiệp khoa Văn - Đại học Sư phạm Hà Nội 1965. Giảng dạy văn học nhiều năm là giáo viên giỏi. Sau đó về nhà xuất bản Hải Phòng kiêm phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Hải Phòng. Ông đã xuất bản 5 tập thơ “Hoa nắng” 1981. “Lời ru con của người yêu cũ” 1991 “Trầm tư” 1995, “Mảnh vỡ” 2001, “Đêm trở giấc” 2018. Hai trường ca “Đi dọc thời mình” 1986 và “Độc thoại mưa” 2010 và một tập lý luận phê bình có tựa đề “Một miền văn chương” 2008.
Phạm Ngà, ông là con người lịch lãm, chu đáo, cẩn trọng, nhường nhịn, chừng mực, trọng danh dự. Giữ gìn nhân cách của một nhà thơ. Chả thế mà khi ông làm giám đốc - tổng biên tập nhà xuất bản Hải Phòng. Chỉ vì cuốn sách “Làm người là khó” của ông Đoàn Duy Thành (cuốn sách của ông Thành để lưu hành nội bộ). Thế mà ông phải về hưu. Mọi người nể trọng ông. Vì ông bàn giao chức Giám đốc ngay tắp lự, không chần chừ đợi đủ thời gian mới rời gót ra đi. Có người bảo ông khôn, có người bảo ông dại. Có người khuyên nên gặp bề trên trình bày. Bởi cái lỗi ấy không phải ở nơi ông (vì có những đoạn, những chương Nhà xuất bản đã cắt sửa. Nhưng sách vẫn in. Có lẽ là bởi ông viết lời giới thiệu cho cuốn sách do đề nghị của tác giả. Ông ra về thanh thản. Cái dáng bề ngoài mảnh khảnh, chỉn chu, nhỏ nhẹ chỉ là dấu đi ngọn lửa trong ông. Những bài thơ được in vào tập thơ của những năm đầu đổi mới làm bạn đọc không khỏi giật mình. Thường là thơ ngày ấy người ta thi nhau ca ngợi chiến công, ca ngợi người tốt việc tốt. Một đề tài nhậy cảm thường hay né tránh. Vậy mà ông dám viết về hậu chiến tranh, nỗi đau tai ương trong bài “Hai tiếng khóc””
“Chị chờ anh suốt 14 năm ròng
14 mùa xuân héo nụ cười thiếu nữ
Đột nhiên anh trở về.
...
Người lính chiến trường bom đạn từng trải
Bỗng giật mình trước tiếng trẻ sơ sinh”
(Hai tiếng khóc)
Ngày ấy người ta tung hô phụ nữ 3 đảm đang, thanh niên 3 sẵn sàng. Vậy mà 14 năm người lính trở về, người lính dạn dầy bom đạn bàng hoàng trước tiếng khóc sơ sinh trong vòng tay người yêu cũ. Ông trăn trở dày vò tiếc cho tuổi trẻ cả tin, thơ ngây, mơ mộng, hồn nhiên trong sáng. Bài thơ đâu chỉ nói cho riêng ông.
... “Cả tuổi trẻ, ngày xưa thôi cũng chẳng cần
Những hăng hái lỗi thời, mộng mơ phù phiếm
Cuộc mưu sinh đâu chỉ bằng kỷ niệm
Ảo ảnh vật vờ, hành khất chẳng ai xin
Dần vơi đi bao tâm trạng nỗi niềm
Hết kỷ niệm, tôi sẽ thành trống rỗng
Chẳng trăn trở, chẳng buồn đau vui sướng
Cuộc đời chỉ còn chiếc bóng vu vơ”
(Kỷ niệm)
Từ những năm 1989 bài thơ này mà in được, kể ra cũng may cho ông. Nhà ông có phúc lớn.
Nhớ lại năm 1998 ông là Giám đốc và là Tổng biên tập, cho xuất bản cuốn “Về một hiện tượng phê bình” gồm các bài tranh luận trao đổi đã in trên khắp các báo lớn của các giáo sư với Trần Mạnh Hảo. Suýt nữa ông gặp nạn. Sau cuộc họp và giải trình của ông ở Trung ương.
Cuộc họp kết luận thu hồi cuốn sách. Trong đó cũng có những ý kiến công tâm đúng mực như ông Trần Hoàn, ông Tô Ngọc Thanh, nhà thơ Hữu Thỉnh... đề nghị không làm xáo trộn công việc và tổ chức của nhà xuất bản Hải Phòng. Ngày ấy đã có công văn của ông đồng nghiệp với ông Ngà nhưng ở cương vị cầm đầu tư tưởng là phải kỷ luật thật nghiêm Giám đốc - Tổng biên tập. Ấy vậy mà cuối năm ấy kỷ niệm 15 năm thành lập NXB và đón Huân chương lao động, ông kia về dự bắt tay ông Ngà, phát biểu chúc mừng tự nhiên như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Ông ấy rất thân với nhà thơ ĐĐB và về dự lễ tang ông bạn của ông tận một làng quê hẻo lánh ở Hải Phòng.
Vì vậy chương 2 với tựa đề “Hai nửa sáng tối” trong trường ca “Độc thoại mưa” ông đã viết ở trang 25:
... “Lắm cái bất ngờ, sao cứ đành chấp nhận
Bất ngờ nhận ra người quen là kẻ xấu
Bất ngờ chân tướng kẻ vẫn hằng tôn vinh
Bất ngờ tình yêu không còn như cổ tích
Bất ngờ lối xưa cũng khác lạ khi nào”
(Độc thoại mưa)
Và ông phẫn nộ:
“Niềm hoan lạc chính chuyên cứ như thể phụ tình
Lời rao giảng có khi thành hàng nhái
Ướp lạnh tư duy đóng gói cả ngôn từ
Nhìn người đẹp nghi ngờ bước ra từ mỹ viện
Mỹ viện dung nhan, mỹ viện nhân cách
Gặp người bạn xưa cứ như là dị bản
Đánh bóng hư danh bằng cấp trá hình”
(Trang 28 chương 2)
Ông tỉnh táo nhìn bằng con mắt căm giận, tự thú và nuối tiếc tuổi trẻ cả tin khờ dại, đâu chỉ riêng ông:
“Ta thà thành thân với một cô gái điếm
Hơn phải sống chung kẻ sách nhiễu tôi đòi”
(Chương 3 Cõi thực và hư vô, trang 62)
“Cội nguồn” là chương cuối cùng trường ca của ông. Ông đã ngộ ra và tổng kết một đời khờ dại, cả tin:
... “Ngày nào ta chỉ quen dõi nhìn những hào quang lấp lánh, thì nay ta biết thêm mặt khuất phía cao xa.
Ta cứ ngờ nơi chín tầng mây chỉ có không khí trong lành và ánh sáng; thì nay ta biết thêm sự vấy bẩn khí quyển đe dọa cả nhân gian”.
Phạm Ngà, cái mảnh khảnh bên ngoài để dấu đi cái sục sôi và lửa cháy bên trong. Thơ ông chắt lọc, ngôn ngữ kỹ lưỡng, cẩn trọng như chính phong cách sống của ông. Tôi trân trọng ông.
NHÀ THƠ NGUYỄN ĐÌNH KIÊN
Nói đến Nguyễn Đình Kiên, lại chợt nhớ đến bài thơ “Lời mẹ dặn” của cố thi sỹ Phùng Quán. Xin trích đoạn kết:
“Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêu
Tôi chỉ muốn là nhà văn chân thật
Chân thành trọn đời
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao
Viết văn lên đá.”
Kiên là người hiền lành, tử tế, yêu ghét sòng phẳng, đen trắng rõ ràng. Cuộc đời của Kiên đã được nhà biên kịch Nguyễn Long Khánh viết kỹ càng trong tập phê bình và chân dung văn học “Sống giữa đời thường” NXB Hải Phòng 2017. Ở Kiên đâu chỉ có thơ tình, trữ tình và có cả thơ chính luận.
Đời Kiên cũng buồn nhiều hơn vui, rời cây súng trở về làm thợ tiện, phụ lái xe, rồi về một cục, số tiền hưu non ấy như lá vàng vèo bay qua ô cửa. Không lương hưu khác nào xe đạp không chân chống. Hai lần tai biến, rồi vợ chồng chia tay. May 2 đứa con ở Mỹ tháng tháng gửi tiền về nuôi bố. Kiên tồn tại đến hôm nay, nhưng thơ không làm được nữa. Nhưng những bài thơ anh sáng tác trước kia thì thuộc lòng và bây giờ vẫn đọc lại vanh vách. Ngoài tập thơ in chung vào năm 1995 (tôi không nhớ), Kiên đã xuất bản được 3 tập thơ: “Vầng trăng của mẹ” in năm 2004; “Quả vỡ” 2007; “Những trang thơ còn sót lại” 2015. Đặc biệt ở Kiên với Kiên coi thơ là cõi thiêng. Ai mà có ý xúc phạm đến thơ là Kiên tỏ thái độ ngay. Bởi vậy trong bài “Nghĩ về thơ” mở đầu Kiên đã viết:
“Khi nhìn đời bằng cảm xúc mỗi trang thơ
Niềm vui lớn và nỗi đau cũng thế
Đời trung thực nặng lòng như sóng bể
Câu thơ ơi! Đừng theo gió ngả nghiêng lòng”
và thấu tỏ tận đáy tâm hồn. Kiên nhìn ra:
“Hạnh phúc bên ngoài, đau khổ phía bên trong
Thơ nằm giữa để chia phần quả ngọt”
Đời đã dậy Kiên nhìn ra loài ăn bám, bất tài mà leo cao và Kiên ví von:
“Cây tầm gửi bò lên cao chót vót”
Còn sự chân thật thì thật đắng cay:
“Đời âm thầm chẳng biết nói năng chi”
Kiên nhận định và khái quát:
“Thơ là nỗi khổ đau và hạnh phúc của con người
Là cái ở vô cùng giữa bao điều quen thuộc”
Thơ là thánh địa, là ngôi đền linh thiêng thật sự. Không thể mang thơ làm đồ trang sức, thơ là máu thịt với Kiên:
... “Lật trang thơ soi khuôn mặt cuộc đời
Ta soi cả tâm hồn mình vào đó
Máu người đổ trên trang thơ viết dở
Ta mang nợ cuộc đời, đời nợ mỗi câu thơ”
(Nghĩ về thơ)
Bài thơ này Kiên viết từ năm 1980 của thế kỷ trước.
Với lòng trắc ẩn và giằng xé trong tâm hồn. Kiên còn có một trái tim thơ ngây trong trẻo, trong trẻo đến sững sờ. Làm thơ về người lớn đã khó. Kiên còn hóa thân thành chú bé nhi đồng ngộ nghĩnh, tươi trẻ đến không ngờ. Đó là thơ trẻ con. Có thể nói thần đồng của tuổi 60, tập thơ “Vầng trăng của bé” 2004 với 46 bài (những bài Kiên viết khi chưa bị tai biến. Tập hợp lại mà in thành sách đã bị thất lạc nhiều). Tôi nghĩ thơ viết cho thiếu nhi đã khó, còn thơ viết cho tuổi mẫu giáo nhi đồng càng khó hơn. Cả Hải Phòng này duy nhất có Kiên. Kiên là số một. Không ai vượt qua Kiên cho đến hôm nay. Hãy đọc một vài bài trong tập “Vầng trăng của mẹ” để minh chứng cho điều tôi đã nói:
(1) Nhảy lách tách Là con tép sông Tép trong quả bòng Xếp hàng đi ngủ Mẹ bòng ấp ủ Một đàn tép thơm Đợi đêm trăng tròn Ùa ra phá cỗ. (Tép) | (2) Mây như bé lang thang Mải chơi không chịu học Có một lần mây khóc Chắc mây không thuộc bài. (Mây) |
(3) Mẹ ốm bé chẳng đi đâu Viên bi cũng nghỉ, quả cầu ngồi chơi Súng nhựa bé cất đi rồi Bé sợ tiếng động nó rơi vào nhà Mẹ ốm bé chẳng vòi quà Bé thương mẹ cứ đi ra, đi vào... (Mẹ ốm) | (4) Hai cộng ba thành bốn Bé làm toán sai rồi Hóa ra trên bàn học Bốn viên bi đợi chơi... (Làm toán) |
(5) Mẹ mở cửa vào nhà Chiếc thìa rơi xuống đất Bé vẫn còn ngon giấc Không thấy chiếc thìa rơi Mẹ bỗng hiểu ra rồi Bé cài thìa chống trộm Tuổi thơ chưa kịp lớn Đau nỗi đau con người. (Chiếc thìa) | (6) Bàn tay của mẹ Vẫy gió đều đều Chiếc quạt nghiêng theo Cánh cò mệt lả Lời ru của gió Từ cánh tay mềm Thương con suốt đêm Bàn tay không ngủ. (Không ngủ) |
46 bài thơ đều mang đậm chất nhân văn, tính giáo dục cao, ngắn gọn, súc tích, dễ nhớ, dễ thuộc.
Kiên là như thế đấy! Người bạn thân thiết của tôi. Một tín đồ trung thành với thơ ca.