Vừa qua, Hội Văn học Nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam đã trao Giải A, Giải thưởng VHNT các DTTS, năm 2018 (18 triệu đồng) cho tiểu thuyết lịch sử Đinh Tiên Hoàng của Nhà văn Vũ Xuân Tửu; đồng thời, Ủy ban toàn quốc các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam cũng trao Giải thưởng LH VHNT, năm 2018 (20 triệu đồng) cho tiểu thuyết này.
Trong bài trả lời phỏng vấn bán nguyệt san Tinh hoa Việt (báo Đại đoàn kết), 10/2018, với tựa đề Thành công vì tận hiến, tác giả có nhắc đến ý kiến đánh giá của Nhà văn Hoàng Quốc Hải về tiểu thuyết Đinh Tiên Hoàng (đăng kèm theo).
Tinh hoa Việt (Đại đoàn kết)
08:10:48 - Thứ bảy, 13/10/2018
Thành công vì tận hiến
Trước khi sắp ra đời một tác phẩm nào đó, tôi thường cảm thấy trong người bứt rứt, lắm lúc bồn chồn, lo lắng một cái gì đó không đâu. Thậm chí còn dễ cáu gắt, nổi nóng vô cớ... Thế là, tôi lại tắm gội kĩ lưỡng, ngồi quay hướng nam và viết. Bây giờ, tôi đã xuất bản hai mươi bảy tập sách, in chung với các tác giả khác bốn mươi tập sách và còn chừng hai chục tập bản thảo chưa in sách- Nhà văn Vũ Xuân Tửu.
Nhà văn Vũ Xuân Tửu quê ở Ninh Giang, Hoa Lư, Ninh Bình. Hiện nay, ông đang sống và làm việc tại thành phố Tuyên Quang. Các tác phẩm đáng chú ý: Chúa Bầu,(2006- Nxb Quân đội nhân dân) Yếm thắm ( 2003- Nxb Văn nghệ). Chuyện ở bản Piát, (2007- Nxb Văn nghệ) Bí mật cuốn gia phả (2005- Nxb Văn nghệ). Chuyện trong làng ngoài xã (2007- Nxb Thanh niên; tái bản 2012, đổi tên Chuyện làng). Cõi mê, tiểu thuyết, (2011- Nxb Thanh niên) Cửa Đá, tiểu thuyết, (2011- Nxb Hội Nhà văn) Giải nhất cuộc thi truyện ngắn tạp chí Văn Nghệ Quân Đội (2005-2006). |
- Tại sao ông viết văn?
- Năm học lớp 4, các bài tập làm văn của tôi đều được thầy giáo đọc trước lớp. Học hết lớp 8, phải nghỉ học một năm và tôi đã đọc cuốn Triết học cổ điển Đức, tuy chỉ hiểu lơ mơ, nhưng rất ám ảnh. Điều đó, thể hiện phần nào trong tiểu thuyết Cửa Đá, tôi viết năm 2011.
Tôi cầm bút viết văn, rồi thành văn lúc nào chẳng biết, chứ ban đầu không có chủ định gì. Nhưng từ tuổi 45, thì tôi cầm bút viết văn là mang tâm sự gửi gắm, kí thác.
- Nhà văn Ma Văn Kháng viết về ông:“Truyện của anh hồn nhiên, bản năng và tốn nguyên liệu”. Ông hiểu bộc lộ ấy của bậc trưởng thượng văn xuôi như thế nào? Và ông có điều chỉnh cách viết sau khi nhận được thông điệp ấy không? Ngoài Ma Văn Kháng, thì những đóng góp của các nhà văn, nhà phê bình, biên tập nào có sự ảnh hưởng tới ông nữa?
- Ý kiến của Nhà văn Ma Văn Kháng, về tác phẩm đoạt giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ quân đội, năm 2005-2006, như sau: "Truyện ngắn của Vũ Xuân Tửu, điều đắc ý trước hết là thuộc về giọng kể, hơi văn - một trong những bí kíp trời cho tác giả văn xuôi". Mỗi khi tác phẩm ra đời, nhiều người đón nhận và góp ý chân tình; trong đó, Nhà văn Sương Nguyệt Minh có kiểu góp ý rất hay, là chỉ gợi ý chứ không cầm tay chỉ việc. Nhà lí luận phê bình Nguyễn Hòa, xem qua bản thảo truyện này và nhẹ nhàng bảo, hình như câu nào đó có hai từ "có" đấy. Điều đó khiến tôi giật mình, xem lại, chỉnh lại câu chữ cho chỉn chu, tránh trùng lặp. Nhà văn Hoàng Quốc Hải đã viết nhiều cuốn tiểu thuyết lịch sử đồ sộ. Vừa rồi, ông đọc tiểu thuyết Đinh Tiên Hoàng của tôi và khen, trội hơn cả so với hàng chục cuốn tiểu thuyết lịch sử xuất bản thời gian qua.
- Thưa ông, người ta bảo rằng viết tác phẩm mới, Vũ Xuân Tửu cũng lựa ngày đẹp, giờ lành, tắm gội thơm nức mới mở chữ, mỗi bản thảo xuất bản lại đặt lên bàn thờ lễ tổ tiên. Chẳng hay điều đó xác thực? Ông thường viết khi nào trong ngày? Mùa nào trong năm ông thích ngồi vào bàn viết nhất. Trước mỗi con chữ, ông có cảm giác phiêu lưu hay sợ hãi bảo giờ không?
- Thông thường, mỗi ngày tắm rửa ba lần vào buổi sáng, trưa và tối nhưng ít dùng xà phòng. Tôi cảm thấy mình là người ưa sạch sẽ, nhưng mỗi năm chỉ là ủi quần áo một lần vào dịp trước Tết Nguyên đán.
Trước khi sắp ra đời một tác phẩm nào đó, tôi thường cảm thấy trong người bứt rứt, lắm lúc bồn chồn, lo lắng một cái gì đó không đâu. Thậm chí còn dễ cáu gắt, nổi nóng vô cớ... Thế là, tôi lại tắm gội kĩ lưỡng, ngồi quay hướng nam và viết. Bây giờ, tôi đã xuất bản hai mươi bảy tập sách, in chung với các tác giả khác bốn mươi tập sách và còn chừng hai chục tập bản thảo chưa in sách.
Và, tôi coi mỗi khi viết tác phẩm mới cũng như một chuyến du hành khám phá vậy.
- Sống ở Tuyên thời gian đã đủ để coi ông là người Tuyên. “Trà Thái, Gái Tuyên” đã bao giờ ông tìm cách lý giải, các cô gái Tuyên lại xinh đẹp, giỏi giang nức nước như thế? Do gen hay yếu tố lịch sử hoặc thổ ngơi?
- So với mặt bằng cả nước thì con gái Tuyên Quang cũng thuộc loại ưa nhìn. Có người cho rằng, bởi ngày xưa Vua Mạc, Chúa Bầu mang thê thiếp, cung nữ đến xứ Tuyên, nên con gái đời nay thừa hưởng cái đẹp cung đình. Nhưng tôi nghĩ, chuyện này gán vào đất "Cao Bằng tuy thiểu" thì đúng hơn.
Còn qua mấy cuộc thi Hoa hậu, Người đẹp trong nước và quốc tế, có mấy cô ăn giải. Tôi tò mò tìm hiểu trong số này, thấy đều là con lai hai dòng máu dân tộc ở địa phương. Điều này thì tôi không lí giải được và cũng chưa đưa cô nào như vậy vào tác phẩm của mình, kể cả Chuyện tình người đẹp Thành Tuyên. Truyện này, tôi không lí giải về cái đẹp, mà chỉ nói về thân phận người đẹp ba chìm bảy nổi mà thôi.
- Ông đọc lại Lan Khai chứ?
- Tôi đặc biệt kính trọng Nhà văn Lan Khai (Nguyễn Đình Khải). Ông là nhà văn hàng đầu của Xứ Tuyên. Năm 2006, Hội Nhà văn Việt Nam kỉ niệm 100 năm ngày sinh Lan Khai, tại trụ sở Hội, số 9, Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội, tôi có về dự. Khi viết tiểu thuyết lịch sử Chúa Bầu, tôi đã lên thị xã Hà Giang đến nhà ông Lan Phương là con trai cả của cụ, để mượn đọc tại chỗ cuốn Ai lên Phố Cát; đọc và trả sách ngay trong đêm.
- Dấu vết văn hóa dân gian Ninh Bình và Tuyên Quang đã phổ vào các tác phẩm của ông một cách tự nhiên. Ống có vốn văn hóa dân gian trao truyền tự nhiên từ truyền thống gia đình hay do nghiên cứu chú tâm? Thân mẫu ông là người đầu tiên đọc bản thảo của ông phải không ạ?
- Ở Ninh Bình, nhà tôi nằm ven sông Hoàng Long, gần ngã ba sông Đáy, chỗ Cầu Gián, phía bên kia có bốt Hoàng Đàn. Thuở ấu thơ, tôi thường cõng các em chạy dọc bờ sông, xem tàu thuyền xuôi ngược và nghe cánh chân sào hò hát trên sông. Những chi tiết này, tôi đưa vào truyện ngắn Người sông nước (Cánh chân sào, Yếm thắm, Chim lửa) và tiểu thuyết Chuyện trong làng ngoài xã (Chuyện làng) và Cái sự bến Gián Khẩu.
Vốn văn hóa dân gian qua hấp thụ lời ru của bà ngoại và mẹ tôi lúc nằm nôi. Làng khai hoang Khánh Hùng của tôi được mang tên ghép bởi tên huyện Gia Khánh (Ninh Bình) và xã Hùng Đức (Tuyên Quang). Làng khai hoang lập hẳn một đội chèo cho thanh thiếu niên sinh hoạt cũng là gìn giữ truyền thống văn hóa quê hương dưới xuôi. Làng lại nằm giữa các bản Quần Trắng, Cao Lan, nên giao lưu văn hóa gần gũi lắm. Sau này đi công tác, tôi có dịp sống với người Tày (Nà Hang-Tuyên Quang), Mông (Mèo Vạc-Hà Giang). Tôi có sử dụng việc này trong truyện ngắn Chuyện ở bản Piát, Tiếng kèn lá trên đỉnh Mã Pì Lèng và trường ca Tiếng hát Khau Vai, Pây Nà Hang, nhất là trong tiểu thuyết Chuyện trong làng ngoài xã thì giao lưu văn hóa giữ các dân tộc được sử dụng đậm đặc.
Tôi có thói quen, sau khi tác phẩm được xuất bản, thường lễ tạ tổ tiên, đận túng bấn thì bày hoa quả, lúc có đồng ra đồng vào thì biện đĩa xôi, thủ lợn. Trân trọng đề tặng mẹ một cuốn đầu tiên, sau đó tặng anh em trong gia đình, bạn bè gần xa.
- Với truyện ngắn, ông chú ý đến khâu nào nhất? Tìm kiếm một câu chuyện lạ trong đời sống? tổ chức câu chuyện từ những yếu tố hợp thành qua ghi chép, tạo tình thế, khoảnh khắc giao thoa sự kiện, ngôn ngữ, tính cách nhân vật hay cấu trú?
- Tôi đọc truyện ngắn của Sê-khốp, Lỗ Tấn, Nam Cao, Nguyễn Thành Long, Nguyễn Huy Thiệp và mấy Tuyển tập truyện ngắn các tác giả đoạt giải Nobel... rồi nó ngấm vào người, lúc cầm bút viết nó tạo ra truyện ngắn của mình. Thực ra, việc tổng hợp thành lý thuyết truyện ngắn thì các bậc cao thủ đã làm cả rồi. Nhưng trong rừng lý thuyết ấy thì chỉ cần nhớ mỗi câu: "Truyện ngắn là lát cắt cuộc sống".
Với tôi, xác định tình huống từng truyện dễ hơn. Ví dụ: Chuyện ở bản Piát xuất phát từ sổ tay ghi chép về di vật quân tư trang đơn sơ của liệt sĩ Đinh Công Tiệp (em trai nhà văn Đinh Công Diệp). Truyện ngắn Bí mật cuốn gia phả thì tổ chức phức tạp hơn, tôi dùng thủ thuật sử dụng các loại giấy viết gia phả khác nhau, thời gian loa phát thanh công cộng, thay cho thời gian cụ thể. Mỗi một đoạn gia phả là một tình huống phải xử lý tạo nên thân phận và tâm lý nhân vật.
- Còn tiểu thuyết lịch sử thì sao?
- Tiểu thuyết lịch sử thì tôi xây dựng kì công hơn. Trước khi viết Chúa Bầu (về hai anh em Vũ Văn Uyên và Vũ Công Mật), tôi đã đi khắp các địa bàn đóng quân xưa ở Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai, về quê hương bản quán của các ông ở Ba Đông Thượng Trang (Hải Dương), nơi đặt lăng mộ ông Mật ở Nghệ An. Khi viết Đinh Tiên Hoàng cũng vậy, tôi phải đi xe máy khoảng 1000 cây số, khắp vùng 13 sứ quân cát cứ, các địa danh mà Đinh Bộ Lĩnh đánh dẹp, thu phục 12 sứ quân kia. Nhưng đến viết Võ Nguyên Giáp càng công phu hơn.
Viết tiểu thuyết lịch sử nói được nhiều điều hơn truyện ngắn, không phải vì dung lượng mà là đặc điểm của thể loại cho phép ngòi bút tung tẩy.
- Ông còn làm nhiều thơ. Xuất bản cả trường ca? Với thơ thì ông gặt hái được những gì?
- Trường ca tôi đã xuất bản 4 tập. Trường ca Pây Nà Hang (tiếng Tày "Pây" là đi), nghĩa là Đi Nà Hang để xem vùng đất và con người đẫm chất huyền thoại, cổ tích khu vực Thượng Lâm. Từ khi có hồ thủy điện Tuyên Quang thì cuộc sống đầy biến động.
Những trường ca viết về nông dân châu thổ, hay người dân tộc thiểu số miền núi, tôi muốn thông qua văn hóa, phong tục, tập quán để phản ánh sức sống mãnh liệt và trường tồn của người dân, dù sống trong bất kì hoàn cảnh nào.
- Ông công tác trong ngành công an là chính, có gì khác với công việc viết văn trong cách lý giải đời sống và con người không?
- Từ khi bước chân vào giảng đường đại học đến lúc nghỉ hưu là 34 năm. Trong công tác tôi cũng có được các tấm huân, huy chương. Nhưng đối với tôi, văn chương mới là lĩnh vực tôi tận tâm, tận lực cống hiến. Cách đây 12 năm, Nhà thơ Đinh Công Thủy đã viết: "Tôi cứ hình dung Vũ Xuân Tửu như thể một họa sĩ và con người ấy đang dựng lên một bức tranh có ý nghĩa nhất trong cuộc đời một nhà văn. Đó là "chân dung văn chương của chính mình".
Tôi viết văn như là để chiêm nghiệm và thám hiểm cuộc sống. Có người bảo, viết văn là để bày tỏ lòng mình. Chứ văn chương lí giải, hoặc cải tạo cuộc sống là khó lắm thay.
- Trong các tác phẩm của ông, hình như các nhân vật phụ nữ luôn luôn được ông chăm chắm đưa vào khuôn phép với một sự cảnh giác nào đó. Bây giờ nếu có một nhà văn nữ trẻ đẹp, hết lòng yêu thương ông, mà ông cũng yêu thương họ, thì ông sẽ hành sử thế nào? Ông có định đưa người ta vào khuôn phép không?
- Phụ nữ vốn sinh ra đã được ông Trời đưa vào khuôn phép rồi. Nếu có cô nào "phá cách" thì cũng nằm trong "khuôn phép mở rộng" mà thôi. Tôi biết mình chỉ là một nhà văn quèn tỉnh lẻ, nên không dám và cũng không thể bày đặt ra khuôn phép cho "một nửa thế giới". Tôi là người bình thường, chẳng có gì bắc bậc cành cao, nhưng nhớ nằm lòng câu nói nổi tiếng của Phu-xích, trong tác phẩm Viết dưới giá treo cổ: "Hỡi loài người, tôi yêu mọi người. Hãy cảnh giác".
- Ông bình luận sao, khi tôi phát biểu thành công văn chương của Vũ Xuân Tửu ngoài tài năng còn là sự tận hiến thể xác và kiệt cùng tâm hồn cho sự nghiệp?
- Đúng! Cám ơn câu hỏi thú vị! Bạn quả là tinh đời và đồng cảm chuyện sáng tác văn chương.
Quá trình viết văn, tôi rút ra hai điều: một là, ngòi bút luôn hướng về dân và sau một thời gian dài, bổ sung điều hai là, viết văn phải có văn. Năm 2007, theo học lớp Bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du, khóa I, tại Hà Nội, tôi trao đổi điều thứ nhất với một số anh em. Còn điều thứ hai, tôi coi như một thuộc tính văn chương. Nhà văn nào mà chẳng mong muốn tác phẩm của mình đạt tới tính tư tưởng, triết học và tầm nghệ thuật.
Nguyễn Tham Thiện Kế phỏng vấn nhà văn Vũ Xuân Tửu