Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Nơi đầu nguồn Ngàn Sâu

Phạm Vân Anh
Thứ tư ngày 14 tháng 1 năm 2009 8:06 PM
 
 
                                 Bút ký
 
Từ Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Tĩnh, chúng tôi vượt gần 100km đường để đến với Rào Tre, nơi có tộc người Mã Liềng, một trong năm nhóm địa phương của cộng đồng dân tộc thiểu số người Chứt. Xe chạy giữa những vạt rừng cao su đứng ken dày thành hành như một tiểu đoàn bộ đội đang duyệt đội ngũ, mùi cỏ cây, mùi tinh dầu trầm tỏa ra từ những rừng dó bầu đang vươn cành, đẻ nhánh khiến không gian nơi biên viễn tinh khiết và nồng ngái đến rưng rưng xúc cảm. Tựa một tấm khăn đũi hiền hòa, sông Ngàn Sâu xé toang đá núi, xẻ dọc đất đồi, uốn lượn giữa hai bờ bồi lở để rồi chợt òa xanh mướt mát những bãi ngô đương thì. Lúc ẩn lúc hiện sau mây ngàn, đá núi, dòng Ngàn Sâu đã đồng hành cùng chúng tôi lên tới Rào Tre, vùng đất có dòng Rào Tre, nghĩa là dòng nước bắt nguồn từ rừng tre trong núi, một trong những chi lưu hợp thành Ngàn Sâu trầm lặng mà cũng không kém phần khốc liệt, dữ dằn.
Câu chuyện về dân tộc Chứt, trong đó có tộc người Mã Liềng sống rải rác, lang bạt nơi đầu rừng xó núi trên dãy Trường Sơn hùng vĩ được mở ra. Đồng chí  trung tá Đoàn Hải Nam - phó chủ nhiệm chính trị BĐBP Hà tĩnh kể rằng: Tộc người Mã Liềng sống trên địa bàn huyện Hương Khê đã từng được biết tới từ năm 1958 trong một chuyến băng rừng tiễu phỉ của các chiến sỹ an ninh vũ trang của tỉnh Hà Tĩnh, nay là Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh. Do chưa xác định được đây là bộ tộc nào, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh đã quyết định cử một đoàn cán bộ lên cắm bản để tìm hiểu và tìm cách giúp đỡ bà con ra khỏi hang sâu, xây dựng cuộc sống mới.
Trước đây, dưới thời thực dân Pháp, họ bị gọi một cách miệt thị là Xá lá vàng. Xá là từ chung để chỉ các dân tộc lạc hậu, mông muội, còn Lá vàng là từ phản ánh cuộc sống di cư nay đây mai đó của họ, nơi nào họ cũng chỉ dừng chân dưới những túp lều lợp bằng lá rừng chừng bốn năm ngày, đến khi mái lá chuyển sang màu vàng thì họ lại bỏ đi nơi khác. Theo mô tả của các nhà nghiên cứu người Pháp, thì “ người Chứt rất nhút nhát, hẽ thấy người lạ là lập tức lẩn trốn. Họ không có quần áo, nam nữ che thân mình bằng vỏ cây sui. Đến đêm, họ ngủ chung lẫn lộn trong hang hoặc lều. Cả nam và nữ đều búi tóc. Người Chứt sống tách biệt trong rừng sâu, thiếu thốn đủ bề, lại thêm các hủ tục lạc hậu, hoang dã khiến cho họ từng chịu cảnh thoái hóa nghiêm trọng, thậm chí đứng trước nguy cơ diệt vong.” Như các chuyên gia nhận định thì người Chứt là đối tượng hội nhiều yếu tố để có thể nghiên cứu thêm về người Việt cổ, tiếng Việt cổ và những dấu ấn về lịch sử phát triển của người Việt cổ mà các dân tộc khác đã bị mai một qua nhiều giai đoạn. Nói như thế để bạn đọc có thêm hình dung về đời sống và kết cấu tổ chức xã hội của dân tộc Chứt thô sơ và nguyên thủy đến độ nào.
Nhưng đó đã là câu chuyện của ngày hôm qua, còn giờ đây, những con người nhút nhát, chậm phát triển nằm trong chiếc bọc trăm trứng của mẹ Âu Cơ đã hòa chung nhịp sống của mình vào lòng dân tộc.
Rồi thì Rào Tre cũng hiện ra trước mắt chúng tôi yên bình và mộc mạc như bất cứ những bản làng khác trên dải đất biên cương của Tổ quốc thân yêu. Dưới chân ngọn núi Kađay, những con người vốn chỉ quen sống trong hang đá, phương thức lao động chủ yếu là: chặt, đốt, cốt, trỉa đã biết trồng cây ngô, cây đậu, nuôi con bò để bữa ăn thêm no, đêm ngủ thêm ấm và nhất là trẻ con được đến trường. Tôi thầm nghĩ, để có được điều đó hẳn cần đến sự đầu tư, quan tâm không nhỏ của chính quyền các cấp và không biết bao nhiêu tình cảm, công sức, tâm huyết của những người lính mang quân hàm xanh của Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh. Những cái tên như Thiếu tướng Vũ Trọng Việt, đại tá Từ Ngọc Thanh, đại tá Nguyễn Trọng Thường, thiếu tá Nguyễn Bá Ngọc, đại úy Nguyễn Văn Thiên, trung úy Nguyễn Bá Sơn, trung úy Phan Trung Nghĩa cùng biết bao người khác đã trở thành người của trời cử xuống giúp dân đối với bà con Mã Liềng, mang đến cơm ăn, áo mặc, mang đến cái chữ Bác Hồ và gợi lại những nét văn hóa đặc trưng của người Mã Liềng đã bị rừng sâu, núi cao cuốn đi vào nơi mù mịt, chả để lại gì nhiều.
Công cuộc bảo tồn và phát triển dân tộc Chứt đối với Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh nói chung và đồn Biên phòng Bản Giàng nói riêng có thể coi như một cuộc cải cách trường kỳ. Những ngày đầu xuống dân là những chuỗi ngày bộ đội lăn xả vào dọn dẹp nhà cửa, làm vệ sinh chuồng trại và phát quang bụi rậm, dân tập trung lại dửng dưng ngồi nhìn bộ đội hoặc nằm dài trong nhà, ai dọn kệ ai, không thèm nhòm ngó tới. Khổ nhất là cái sự tắm của đồng bào, đưa được một người đi tắm còn khó hơn bắt họ làm. Sáng sáng, các anh đành kẻng giục bà con ra đồng, chiều về lại thúc bà con dọn dẹp nhà cửa. Có được thóc lúa đầy bồ rồi thì lại lo giữ thóc gạo không để cho bà con mang đi đổi rượu. Đại tá Từ Ngọc Thanh – chính ủy Bộ đội Biên Phòng Hà Tĩnh bảo lắm lúc giận sôi người, nghĩ thầm: “ Mi mà là em ta thì ta lấy chổi quật cho một trận”. Nghĩ thì nghĩ vậy, nhưng rồi lại thương, lại không nỡ bỏ bà con. Từ chỉ huy đến anh em chiến sỹ đành động viên nhau làm, hi vọng mưa dầm thấm lâu, khi hiểu ra ắt bà con sẽ không phụ công mình.
Và quả thật, ông trời và người Mã liềng đã không phụ công họ. Dường như Rào Tre đang có một cuộc hồi sinh mãnh liệt để nối tiếp giấc mơ “ vượt núi” truyền đời qua bao thế hệ Mã Liềng. Giờ đây, bà con đã biết đến khám tại phòng khám quân dân y kết hợp của Bộ đội Biên Phòng, đã biết uống thuốc thay cho lá rừng, biết ăn chín uống sôi, biết tắm giặt, gội đầu bằng xà phòng. Vào nhà nào cũng đã thấy có tivi,  quạt điện. Trẻ em Mã Liềng có năm em đang học mầm non, 29 em theo học trường nội trú và hai em Hồ Thị Định Xuân, Hồ Xuân Kham đang theo học tại trường Đại học văn hóa nghệ thuật quân đội. Các em chính là những hạt giống Mã Liềng đã được đôi tay của cộng đồng xã hội và trên hết là của các cán bộ chiến sỹ Biên phòng Hà Tĩnh vun xới, ươm trồng để  tộc Mã Liềng nói riêng và dân tộc Chứt nói chung gặt được nhiều mùa vàng tương lai.
Năm vừa qua, Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh phối hợp với Sở văn hóa, thể thao và du lịch tổ chức nghiên cứu, sưu tầm và phục dựng lại cho bà con Tết Chăm Cha Bới, nghĩa là lễ hội mừng cơm mới. Nói tiếng Kinh còn nhấm nhẳng, anh Hồ Nề bảo với tôi rằng: “ Vui lắm chứ, bộ đội đã cho người Mã Liềng một cái tết riêng của mình rồi. Người mã Liềng rồi đây sẽ cố gắng để năm nào cũng có tết Chăm Cha Bới.” Còn bà Hồ Cước, một nhạc công dân gian của Rào Tre chuyên kéo đàn trơ bon thì hỏi gì cũng chỉ trả lời một câu: “ Cảm ơn Bộ đội Biên phòng” rồi bỏm bẻm nhai trầu.
Nhìn những người lính cắm bản tại Tổ công tác Rào Tre, tôi thật không hình dung được các anh lấy đâu ra sức lực và tâm huyết để có thể hoàn thành được những công việc đòi hỏi sức chịu đựng gian khó và sự kiên định, bền bỉ đến thế. Đối mặt với những thiếu thốn cả về tinh thần lẫn vật chất nơi biên giới đã đành, các anh còn phải đối mặt với những rào cản không nhỏ để đến với đồng bào như phong tục tập quán, bản tính và cả sự ỷ lại, thờ ơ với tất thảy của họ. Liệu có phải chăng chính sự tận tụy, yêu thương đồng bào hết mực của những người lính đứng chân tại miền biên viễn này đã khiến cho cây trái nở hoa, con trâu, con bò thêm béo tốt, ruộng lúa trĩu nặng bông vàng và người Mã Liềng cũng dần trở nên hiểu biết, tự tạo lập cuộc sống cho mình để bản làng luôn ấm nồng bếp lửa, để tiếng đàn trơbon và tiếng kèn py cùng hòa ca lời yêu thương. Bài ca dưới chân núi Kaday là một bài ca của núi rừng miền Trung, bài ca của tình quân dân chia ngọt sẻ bùi, chung lưng sát vai vượt qua lầm than, gian khó.
Vào nghỉ chân tại nơi đóng quân của tổ công tác bản Rào Tre chưa đầy 15 phút đã thấy bà con Rào Tre xôn xao rủ nhau đi xem hát. Số là cùng đi với đoàn làm phim chúng tôi còn có các cán bộ chiến sỹ thuộc đội tuyên truyền văn hóa của Bộ đội Biên phòng Hà Tĩnh. Họ đều còn rất trẻ và trần đầy lòng yêu quê hương biên giới. Đến với Rào Tre lần này, họ đã hát bằng lòng nhiệt tình và trách nhiệm đối với đồng bào các dân tộc nơi biên cương Tổ quốc. Tiếng hát vút cao khiến chòm bản như sáng bừng lên trong xuân sớm.
  Rào Tre giờ đây tràn đầy sinh khí. Tuy chưa thực sự trù phú, nhưng với hơn hai chục nóc nhà vừa được hỗ trợ mái ngói đỏ tương, đàn trâu nha nhẩn gặm cỏ ven sườn núi cùng với hệ thống nước sạch, đường bê tông, hệ thống điện sinh hoạt được dẫn đến từng nhà đã mang lại cho chúng tôi nhiều dự cảm tốt đẹp về một thời kỳ mới đang mở ra trước mắt người dân Rào Tre. Dân bản không còn muốn quay về cuộc sống hoang dã trong rừng sâu, hang động như xưa, đã biết lam làm để lá trầu không lên xanh tốt, con lợn, con gà chóng lớn và biết chắt chiu, dành dụm để có tiền cho con cháu đi học nơi xa, học hộ cho bao đời người Mã Liềng thất học. Học để về kể cho dân bản biết về thủ đô Hà Nội, biết nơi Cụ Hồ, người mà dân tộc Chứt đã nguyện xin mang họ đã khai sinh ra nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Và, điều đọng lại trong mắt tôi trước khi rời Rào Tre là hình ảnh những học sinh Mã Liềng đang theo học tại các trường học thuộc xã Hương Liên đang trên đường từ trường về bản. Vẳng lại trong tôi những câu thơ mà một cán bộ hưu trí cảu xã Hương Liên đã tặng cho cán bộ chiến sỹ đồn Biên phòng bản Giàng: “ Trẻ đến trường, nơi đó lớp biên cương. Đồn của bản, của em, của Mã Liềng yêu dấu. Đồn Biên phòng về dựng xây bản mới. Gái Mã Liềng về yêu núi yêu sông. Em rung gùi chở gạo, chở lòng anh. Vút đèo cao cùng tuần tra biên giới”.
 Dường như mùa xuân đang ở trước mặt rồi đấy thôi, phải không những cô bé, cậu bé Mã Liềng đang ươm giấc mơ vượt núi trong đôi mắt sáng!?
Hà Tĩnh, tháng 9/2008 - Hà Nội, tháng 12/2008