Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Tôi thích những đề tài hiếm người viết

Hoài Hương thực hiện
Thứ tư ngày 4 tháng 3 năm 2009 1:09 PM
 

 

 


Nhà văn Bùi Anh Tấn được giới văn chương VN biết đến với tiểu thuyết đầu tay “Một thế giới không có đàn bà”, mở đầu cho một “trào lưu” văn học đồng tính ở cây viết trẻ VN. Nhưng hình như anh quá nổi tiếng về đề tài đồng tính mà ít ai đề cập đến những tác phẩm lịch sử, tôn giáo của anh.

 Gặp anh đang lúc chuẩn bị cho đợt công tác dài ngày ở  Tây Nguyên vào tuần đầu tiên của năm 2009,nhưng cũng đủ trò chuyện về văn chương, về những dự định sắp hoàn thành và những dự tính mới cho một năm mới.
“Tôi không bao giờ nói gì trước, chỉ khi nào tác phẩm đã xong bản thảo hoặc chuẩn bị in, thì mới có thể nói dự tính đã hoàn thành”. Và anh cho biết tác phẩm mới nhất đã “hoàn thành” đó là tiểu thuyết Đàm đạo về Điều Ngự Giác Hoàng- Vua Trần Nhân Tông, nhân vật vừa của lịch sử hai lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông, vừa là vị tổ thiền phái Trúc Lâm Yên Tử của Phật giáo VN.

Tác phẩm đầu tiên “Một thế giới không có đàn bà” hình như đã mang đến anh “danh tiếng” để có một cái tên Bùi Anh Tấn?
Cũng chẳng biết nói thế nào, có lẽ là thế.

Khi được mang “danh” nhà văn chuyên về đề tài đồng tính, rồi báo chí phỏng vấn cũng xoáy quanh chủ đề này, bản thân anh có thấy hài lòng hay cảm thấy nhàm, chán…?
Tất nhiên là tôi cám ơn báo chí quan tâm phỏng vấn, giúp tôi được nhiều người biết đến hơn. Nhưng nói thật, hỏi hoài, hỏi đi hỏi lại xung quanh vấn đề đồng tính, nội dung gần gần giống nhau hoặc lặp lại nhiều lúc làm tôi cũng phát ngán, nhưng vì lịch sự nên vẫn cứ phải trả lời dù không thích, sao chẳng ai hỏi tôi điều gì khác nhỉ?

Vâng, thưa nhà văn Bùi Anh Tấn, đây sẽ là một loạt câu hỏi không làm anh phát ngán mà “phát hoảng”. Hình như anh rất có “năng khiếu” viết về đề tài tôn giáo, lịch sử, trong khi anh cũng có “sở trường” về những đề tài trinh thám, hình sự?
Nghiên cứu về lịch sử và tôn giáo là niềm yêu thích của tôi từ thời trẻ, tôi đã tích lũy cho mình một nguồn vốn “kha khá”, thế nên khi cầm bút viết, dĩ nhiên tôi sẽ chuyển tải niềm yêu thích ấy lên những tác phẩm của mình. Thế nên tôi không nghĩ đây là năng khiếu mà là điều tự nhiên từ bản thân mình khi cầm bút viết thôi. Còn viết về trinh thám, hình sự, xã hội hiện đại…là điều mà nhà văn nào cũng có thể viết được, không riêng gì tôi nên chả có gì gọi là sở trường cả.

Tác phẩm của anh rất đa dạng về đề tài, cả về thể loại. Vì sao anh không chọn cho mình một “sở trường” để có thể thành công dễ dàng?
Tôi không thích khu biệt mình vào một thể loại đề tài nhất định để được gọi là “sở trường”, nhưng tôi cũng hiểu rằng, mình không phải là thần thánh để múa bút, đề tài nào viết cũng được, đấy sẽ là “sở đoản” ngay. Tôi luôn mở rộng đề tài, đa dạng cách viết lẫn đề tài, tuy nhiên luôn hiểu rằng, chỉ viết những gì mình yêu thích và thật “hiểu” về nó. Nhất là đối với lịch sử và tôn giáo thì cái hiểu đó gần như là vô bờ bến, đành cố  nếu muốn viết, còn không tốt nhất đừng viết khi lơ mơ hiểu, bởi đấy là tự sát. Tôi quan niệm như vậy.

Người trẻ viết về lịch sử đã hiếm, viết về tôn giáo càng hiếm hơn. Thế nhưng anh đã viết mấy tiểu thuyết rất “hoành tráng” về đề tài này như “Không & Sắc”, “Ức Trai tâm thượng quang Khuê tảo”, và sắp sửa ra mắt 500 trang “Đàm đạo về Điều Ngự Giác Hoàng”… Anh thích, hay anh muốn thử sức, hay anh muốn mình nổi trội hơn người viết khác bằng đề tài “hóc”, “gai góc” này?
Khi viết về lịch sử tôi rất chú ý đến các tác giả Nguyễn Huy Tưởng, Hoàng Quốc Hải, Nguyễn Khác Phục….gần đây là nhà văn Nguyễn Xuân Khánh với tác phẩm viết về Hồ Quý Ly và Mẫu Thượng ngàn, đó là những tấm gương để tôi noi theo. Tiếc rằng người trẻ viết lịch sử thì hầu như…không thấy, trừ anh Lưu Sơn Minh với một tác phẩm về Trần Quốc Toản cùng một số truyện ngắn.
Còn về tôn giáo, thú thật, tôi không thấy ai, người trẻ càng không thấy. Tôi nhận thấy các tác phẩm viết về các tôn giáo, đa phần là giảng giải giáo lý hoặc thần thánh hóa quá mức đối tượng để tôn sùng, thành thử những tác phẩm này không có sức sống trong lòng đại da số bạn đọc, trừ những tín đồ của tôn giáo ấy. Đó là điểm yếu của rất nhiều tác phẩm viết về tôn giáo hiện nay.
Hồ Anh Thái có viết, nhưng anh Thái không chuyên viết về tôn giáo, mà đi qua như một lữ khách lãng du để lại “dấu ấn” với tác phẩm “Đức Phật, nàng Savitri và tôi” dù theo tôi nó không hẳn đi sâu vào tôn giáo này.
Viết về lịch sử hay tôn giáo, trước hết đó là sức nặng của kiến thức phải có, tiếp theo đó là sự ‘thận trọng” khi đặt bút viết. Rất nhiều chuyện nhạy cảm xảy sẽ ra khi viết, nhất là về tôn giáo, điều này không nói ra ắt ai cũng biết…do vậy, tôi không dại dột gì muốn “nổi trội” so với người khác để viết, còn thử sức thì không, giờ viết nhiều về lịch sử lẫn tôn giáo rồi, còn đâu gọi là thử sức nữa.

Đề tài lịch sử, tôn giáo không phải là loại “ăn khách”, hay có thể trở thành “best seller”,rất kén người đọc. Khi anh viết, anh có chắc được bao nhiêu % thành công?
Không nắm chắc % nào thành công cả. Viết về lịch sử hay tôn giáo vừa cực khổ về khối kiến thức khổng lồ phải có, sự thận trọng của ngòi bút, mà rồi, viết ra cũng rất ít được bạn đọc chú ý tán thưởng bởi đây là loại sách “khó đọc”, kén bạn đọc, chưa kể viết xong gửi cho NXB cũng hồi hộp bởi trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, các NXB cũng không mặn mà gì với các loại tác phẩm này. Tưởng tượng, khi viết cuốn “Không và Sắc”  tôi ngồi cởi trần, tay gạt mồ hôi, tay mổ cò lóc cóc, mắt căng ra, lâu lâu quay qua quay lại xem tư liệu chất chồng xung quanh. Tối ngủ, cũng tranh thủ ngốn ngấu dăm ba tác phẩm tư liệu, vừa viết vừa nguyển rủa “sự ngu dại” của mình khi lao đầu vào loại đề tài này. Thế rồi, khi viết xong, gửi đi, ít nhất là 5 NXB từ chối bản thảo. Cay đắng lắm, có một ông nhà văn (có chút danh) phụ trách một chi nhánh NXB phía Nam, gặp tôi lơ láo phê bình ỏm tỏi tác phẩm, nhưng nói một lúc tôi phát hiện té ra ông ta chả đọc  trang bản thảo nào, chỉ lướt qua. Khi tôi tuyệt vọng vì nghĩ không in được thì nó mới in được, sau này, ông bạn quen trưởng ban biên tập gặp “thì thào” bản thảo bị chuyển lên cấp cao nhất có thẩm quyền duyệt mới được in (nay tôi còn giữ lá thư tay của vị lãnh đạo đáng kính đó và tôi thật lòng biết ơn, nếu không có sự mạnh dạn của ông e rằng cuốn tiểu thuyết này mãi mãi chỉ là bản thảo). Tiểu thuyết viết về Nguyễn Trãi thì bị trôi qua 3 NXB, bị đưa đi thẩm định, cuối cùng trước khi in, NXB buộc tôi phải “xin” lời giới thiệu của một nhà văn danh tiếng để bảo chứng. Kinh khủng, người ta sợ thôi. Trong cuốn viết về Nguyễn Trãi, tôi chỉ “nói thật” vài điều về ông Lê Lợi . Còn cuốn “Không và Sắc” thì vì không hiểu nên sợ “đụng chạm”, đấy là những chuyện buồn mà tôi từng tự nhủ rằng, tránh xa viết về lịch sử và tôn giáo ra, nhưng rồi như định mệnh, đến nay tôi đã viết tiếp được 2 tác phẩm nữa về lịch sử và tôn giáo rồi (cười), thế nên làm sao mà có thể nói thành công hay không thành công đây?
Viết về lịch sử và tôn giáo là tình yêu, là niềm đam mê yêu thích và còn là “trả nghiệp” của đời người nữa.

Anh viết về lịch sử,về tôn giáo, anh tìm tư liệu từ nguồn nào? chính sử hay trong huyền thoại, truyền thuyết dân gian, Anh có chắc chắn nguồn tư liệu đó chính xác không  và quan điểm của anh khi viết tiểu thuyết về lịch sử có phải là “chép” lại chính sử hay có quyền hư cấu và hư cấu như thế nào để như thật?
Theo tôi, khi viết về một giai đoạn lịch sử, một vương triều, một dòng họ, một danh tướng cho đến một ông vua…thì, việc đầu tiên của người viết là đọc, đọc rất nhiều. Phải tìm tòi tất cả các nguồn tư liệu liên quan đến vấn đề của mình dự định viết, chính sử, giã sử, truyền kỳ, huyền thoại cho đến truyện cổ tích…kể cả những quan điểm phản bác, trái chiều chính thống… Nói dông dài là vậy, tóm gọn, đọc tất cả những điều cần đọc và cả những điều không liên quan, bởi tùy theo cách viết trong tác phẩm để xử lý nguồn tư liệu mình có, nên, đọc và đọc tất cả. Sau đó phải chắt lọc, lựa chọn những gì cần thiết phục vụ cho tác phẩm của mình và cũng bằng kiến thức, hiểu biết của mình để “đánh giá” sự chính xác các nguồn tự liệu của mình đang có, thậm chí, đôi lúc vẫn cần sử dụng truyền thuyết, dã sử, huyền thoại…để bổ sung vào chính sử khi mình viết. Nói chung, theo tôi, đây là cả một “công đoạn” dài, đòi hỏi sự kiên nhẫn vô bờ khi viết về lịch sử.
Tôi cũng quan niệm rằng, viết về lịch sử thì phải tôn trọng những sự thật của lịch sử đã từng diễn ra, tuy nhiên đây là viết một tiểu thuyết chứ không phải là “chép” sử. Bạn văn trẻ Đỗ Trí Dũng từng nói một câu chí lý với tôi, “bạn đọc muốn biết anh viết cái gì về nhân vật ấy và nó “mới” thế nào, thể hiện như thế nào dưới ngòi bút của anh chứ bạn đọc không muốn anh  chép sử”. Thế nên viết tiểu thuyết tức là hư cấu nhưng điều hư cấu ấy nằm trong “vòng cung sự thật” chứ không phải dành cho mình quyền hư cấu tức muốn đẩy nhân vật của mình đi đâu làm gì cũng được, hoặc mượn nhân vật của mình để “nói” điều khác, cũng có nhiều tiểu thuyết thuyết lịch sử viết như vậy và tôi tôn trọng sự lựa chọn của mỗi người viết. Riêng tôi thì không dự định theo cách này, nhưng….làm sao nói trước tương lai của mình nhỉ?

Cách xử lý ngôn ngữ trong tác phẩm đề tài lịch sử, tôn giáo của anh ra sao để không quá xa lạ với thời đương đại, nhưng cũng phù hợp với nhân vật vào thời điểm lịch sử đó? anh nghĩ bằng tư duy của thế kỷ 21 hay bằng tư duy của nhân vật? Anh có bao giờ “hiện đại hoá” nhân vật lịch sử ?
Đây là một sự “xáo trộn” trong tư duy khi viết. Vừa dùng tư duy của ngày hôm nay để đánh giá những sự việc của người xưa, để hiểu họ, phân tích đánh giá việc làm của họ…(ví dụ, tôi đã thể hiện điều này trong tiểu thuyết mới nhất “Đàm đạo về Điều Ngự Giác Hoàng”). Tôi cũng rất không đồng ý  khi chúng ta đứng ở vị trí ngày hôm nay để “lên án” những hành động của người xưa, cho là họ thế này thế kia…ta không sống trong những thời điểm năm tháng ấy, ta không là họ thì làm sao ta hiểu hết những khó khăn thuận lợi của họ trước khi họ quyết định làm điều gì, để ngày hôm nay, chúng ta ngồi trong phòng máy lạnh, rung đùi, phê phán cho rằng thế này thế kia? Chưa kể, lịch sử luôn là sự thật khách quan không thể chối từ hay xóa bỏ, nhưng khi viết….chúng ta đang ở đâu nhỉ?............khó lắm.
Và rõ ràng là đang viết về nhân vật lịch sử nên phải lồng vào bối cảnh, cuộc sống, đối thoại, ăn mặc kể cả suy nghĩ của họ cho phù hợp với khung cảnh thời điểm đó, điều này đòi hỏi sự dụng công rất nhiều như đã nói trên.Thật ra, sòng phẳng mà nói, tôi cũng không thể hòan tòan “xưa” hóa nhân vật của mình như họ đang sống trong thời điểm đó, vẫn có sự “hiện đại” hóa nào đó nhân vật qua những hành động, suy nghĩ của họ, sẽ đôi lúc quá đà này dẫn đến sự lố bịch cho nhân vật nếu không khéo sử dụng ngòi bút của mình.

Hơi tò mò chút ít, hình như cái nickname của anh có gì đó liên quan đến một triết lý Phật giáo:”Chân như”? Anh có thể chia sẻ với bạn đọc Văn nghệ Trẻ?
Tư tưởng Chân như bắt nguồn từ thời Nguyên thủy Phật giáo. Chân như (Tatha), nói một cách đại thể là chỉ tưởng chân thực, nghĩa là chân tướng bất biến của mọi hiện tượng, hoặc là nguyên tắc làm cho hiện tượng giới trở lại trạng thái như như bất động. Cũng còn là tình trạng chân thật, tính chất chân thật của sự vật. Nói nôm na: “Chân” nghĩa là chân thật và “Như” nghĩa là như thường. Thể tính của chư pháp rời khỏi hư vọng mà chân thực gọi là “Chân”, Thường trực mà không biến đổi gọi là “Như”. Chân như còn là chân lý vĩnh hằng bất biến, hoặc bản thể.
Chân Như vốn là bút danh của tôi viết tiểu thuyết “Không và Sắc” sau này tiện sử dụng làm nickname luôn, thú thật ngày đầu sử dụng bút danh này là vì yêu thích chứ chưa có thể hiểu nổi như giải thích trên đâu. Giờ đây, Chân Như với tôi còn là dòng đời vốn trôi trôi mãi, không có điểm mở đầu và điểm kết thúc nhưng cuộc sống của chúng ta lại hữu hạn. Mỗi ngày ta đang già đi một tí và tức đang tiến gần đến cái chết, hôm nay bạn mai đã trở thành kẻ thù, cuộc sống quanh ta đầy rẫy khổ ải, đói nghèo…thành thử còn sống được ngày nào cố mà sống tốt với nhau, cho nhau một nụ cười, niềm tin là tốt rồi.

Anh là một nhà quản lý, xuất thân từ một ngành mang tính “bảo vệ”… nhưng anh lại là một “công dân mạng” có blog riêng. Vậy anh quan niệm như thế nào về văn chương mạng và những gì viết trên blog, nếu tập hợp lại có thể gọi đó là văn chương không?
Trước hết phải khẳng định internet là một công cụ vô cùng tiện ích trong những thế kỷ tới, không thể thiếu được. Blog là một dạng nhật ký cá nhân trên mạng mà bạn có quyền chia sẻ thông tin với bạn bè, mọi người hay không, tùy bạn quyết định. Tuy nhiên cũng có sự “lợi dụng” blog nên Nhà nước mới phải ban hành nghị định quản lý, dù nói thật, tôi hoài nghi tính khả thi của nghị định này.
Hiện nay việc “sáng tác” trên mạng rất sôi nổi, cũng có nhiều tác phẩm từ mạng và internet đã trở thành tác phẩm in, phổ biến rộng rãi cho bạn đọc. Đó là điều rất đáng quan tâm bởi internet đáp ứng nhu cầu sáng tác phổ biến ngay của người viết, chỉ cần một tích tắc là “tác phẩm” của bạn đã xuất hiện trên mạng rồi, sẽ có người đọc, khen chê, không phải chờ đợi, bị biên tập hay từ chối…tuy nhiên xin nói thật, cũng chính vì sự nhanh nhạy dễ dãi quá khi đưa tác phẩm lên mạng nên sẽ tạo ảo tưởng cho người viết rằng tác phẩm của mình hay, mình đang là nhà này nhà kia…tôi đã đọc rất nhiều “tác phẩm” trên mạng, đa phần là nhảm nhí, viết linh tinh, chủ yếu thỏa mãn cái tôi của người viết hơn là hướng đến văn học. Câu chữ quá dễ dãi, bố cục nội dung lỏng lẻo… nên nếu một bạn nào thật sự có ý định nghiêm túc theo đuổi con đường văn chương thì sử dụng mạng cần cẩn thận, lưu ý điều này. Nên nghiêm khắc hơn khi viết và đừng tự mãn quá sớm khi thấy vài ba “tác phẩm” của mình được vỗ tay khen qua mấy comment vô danh nào đó.
Tôi vẫn nghĩ rằng có văn chương mạng và nếu tập hơn lại vẫn có thể xuất bản, tôi cũng đang viết “lăng nhăng” trên blog đó thôi.

Dự định trong năm 2009 anh còn ra tác phẩm nào và đề tài gì? Hay lại một đề tài mới hoàn toàn không như các tác phẩm trước?
Cầu mong cho tiểu thuyết “Đàm đạo về Điều Ngự Giác Hoàng” được in, tôi đã hoàn thành xong tập truyện ngắn và tạp văn viết trên blog, chắc sau tết âm lịch sẽ gửi đi in, cũng chưa biết chọn NXB nào.Đang gò lưng viết một tiểu thuyết mới, được dăm chục trang rồi, đề tài hiện đại.Thôi, trời còn cho mình cây bút viết được thì đành cố thôi, rồi cũng sẽ có một ngày ngồi trơ mắt trước màn vi tính. Tôi sợ ngày đó lắm nên cứ hối hả viết mặc cho bạn bè “mắng”, viết ít thôi, để người khác viết với chứ.

Một câu hỏi cuối, nếu không viết văn thì anh làm gì? Văn chương cho anh điều gì và có lấy mất gì ở anh?
Đôi lúc tôi cũng cứ lẩn thẩn tự hỏi, nếu không viết văn mình sẽ làm gì, phải chăng là một công chức nhà nước sống nhàn nhạt, không ước mơ hy vọng, sáng đi làm chiều về, một giáo Thứ mới của Nam Cao chăng. Lâu lâu nhảy tưng tưng vỗ tay gào thét khi đội Việt Nam vô địch Đông Nam Á, giành cúp vàng sau hơn 49 năm chờ đợi, quên béng ngòai kia vật giá đang tăng ầm ầm, kinh tế suy thoái, đời sống ngày càng khó khăn hơn. Đêm nằm bịt tai lờ đi khi nghe vợ nói, sao dạo này cái gì cũng tăng chỉ có một cái không tăng? May mà còn viết văn.

Hoài Hương thực hiện