Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa thừa ồn ào thiếu tư tưởng định hướng

Phạm Đình Trọng
Thứ ba ngày 20 tháng 1 năm 2009 6:53 PM
 
       Tư tưởng triết lí có vai trò định hướng cho một sự nghiệp, mang tính quyết định sự thành bại của sự nghiệp đó. Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta được nói đến khá ồn ào nhưng tư tưởng triết lí của sự nghiệp đó là gì dường như chưa được xác định.
 
       Từ hình thái kiếm sống bằng hái lượm, săn bắt hoàn toàn phụ thuộc vào tự nhiên, thụ động trông chờ miếng ăn só sẵn trong tự nhiên, đến hình thái tạo ra nguồn sống bằng trồng trọt, chăn nuôi, tác động vào tự nhiên, biến đổi tự nhiên, chủ động tạo ra sản phẩm nuôi sống con người. Đó thực sự là cuộc cách mạng lớn, cuộc cách mạng đầu tiên của loài người. Nhưng cuộc cách mạng đó diễn ra âm thầm, lặng lẽ, mò mẫm, tự phát, không có tư tưởng làm động lực thôi thúc, dẫn dắt, không được tổ chức để thành trào lưu xã hội. Vì thế, cuộc cách mạng lớn lao tạo ra bước ngoặt quan trọng trong tiến trình phát triển loài người đã diễn ra chậm chạp, rỉ rả, rời rạc, lẻ tẻ, kéo dài tới vài ngàn năm!
 
       Từ hình thái sản xuất thủ công, thô sơ, chuyển sang hình thái sản xuất công nghiệp cơ khí, điện khí là một bước sải dài thần kì, vượt một chặng đường rất xa trên con đường tiến hóa từ đêm dài trung cổ phong kiến đến ánh sáng huy hoàng của văn minh công nghiệp. Vượt chặng đường dài đó loài người chỉ mất vài trăm năm vì lần chuyển đổi hình thái sản xuất này, loài người không còn mò mẫm, tự phát, được chăng hay chớ nữa mà có lí luận của tư tưởng triết học mở đường, có ánh sáng trí tuệ dẫn dắt và cuộc chuyển đổi đã trở thành cuộc cách mạng cuốn hút cả loài người.
    
       Tư tưởng triết học mở ra thời kì công nghiệp phát triển là triết học Phục Hưng đề cao con người, đề cao vai trò cá nhân, coi con người là trung tâm, là chủ thể xã hội. Triết học Phục Hưng khởi nguồn ở ngay nước Ý trung tâm của giáo hội, trung tâm của thần quyền rồi lan rộng ra cả châu Âu suốt mấy thế kỉ XV, XVI. Trí tuệ dẫn dắt con người đi vào khám phá thế giới, tìm tòi phát minh khoa học và vận dụng ngay những phát minh đó tạo ra máy móc công nghiệp ngày càng hoàn thiện là trí tuệ được giải phóng khỏi sự trói buộc, bưng bít của cường quyền phong kiến và nhà thờ của thời kì Ánh Sáng thế kỉ XVII tiếp liền sau thời kì Phục Hưng.
  
       Đồng thời với cuộc cách mạng công nghiệp diễn ra trên phạm vi thế giới còn có dồn dập những cuộc cách mạng xã hội đẫm máu nổ ra trên khắp hành tinh. Việt Nam cũng phải trải qua hai cuộc cách mạng xã hội long trời lở đất, cuộc cách mạng nào cũng khốc liệt máu lửa: Cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của Việt Nam và Cuộc cách mạng vô sản của một hệ tư tưởng thế giới. Một dân tộc nô lệ đương nhiên phải làm cách mạng giải phóng dân tộc và thắng lợi của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc thì đã rõ. Nhưng còn cuộc cách mạng vô sản?
 
       Sau nhiều chục năm cùng cả hệ thống xã hội chủ nghĩa hăm hở, quyết liệt tiến hành cách mạng vô sản, xây dựng chủ nghĩa xã hội mà những nguyên tắc của cách mạng vô sản hầu như đều đối lập với những tư tưởng, những đòi hỏi của của cách mạng công nghiệp, vì thế cách mạng vô sản đã đối lập với phần còn lại của thế giới đang ào ạt phát triển trong cách mạng công nghiệp và trong nền kinh tế thị trường cũng quyết liệt cạnh tranh để phát triển. Đối lập với sự phát triển tất dẫn đến trì trệ, bế tắc, khủng hoảng mà con đường thoát duy nhất là thay đổi đường lối cũ và từ ngữ ta vẫn dùng là đổi mới, là trở lại kinh tế thị trường! Và công nghiệp hóa, hiện đại hóa thực tế chỉ là hòa nhập trở lại với thế giới đang ào ạt phát triển trong cuộc cách mạng công nghiệp diễn ra từ mấy trăm năm nay.
 
       Khi chúng ta hòa nhập với thế giới là khi cuộc cách mạng công nghiệp thế giới đã bước vào thời kì phát triển cao, thời kì điện tử, tin học vì thế phải hiện đại hóa. Hòa nhập vào cuộc cách mạng công nghiệp thế giới là chúng ta phải chấp nhận, phải tuân theo tư tưởng triết học của cuộc cách mạng công nghiệp, đó là tư tưởng đề cao con người, đề cao vai trò cá nhân, coi con người là trung tâm, là chủ thể xã hội. Cách mạng công nghiệp cũng đòi hỏi giải phóng trí tuệ, giải phóng sức lao động sáng tạo khỏi sự trói buộc, bưng bít của những tín điều u mê.
 
       Đây chính là một vấn đề lớn đang đặt ra với xã hội ta, một xã hội vừa còn trong nền sản xuất nông nghiệp thô sơ, vừa còn mang nặng tàn dư phong kiến, vừa còn dùng dằng duyên nợ xương máu với cuộc cách mạng vô sản thế giới! Đó là những giằng xé, những ẩn ức trong sâu thẳm tâm thức xã hội Việt Nam, là lịch sử tâm hồn, là chiều sâu tâm lí, tính cách con người Việt Nam thời bước vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa cần được ngòi bút nhà văn ghi nhận, soi rọi và lí giải.
 
       Chúng ta cũng không thể yên lòng trước thực tế công nghiệp hóa, hiện đại hóa đang diễn ra trên đất nước ta hơn chục năm qua. Xin nêu vài điều không yên lòng đó:
 
       Đã nhiều năm ồn ào, rầm rộ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhưng đến nay chúng ta vẫn hối hả, ồ ạt đưa sức lao động rẻ mạt ra bán khắp thế giới và bán ngay trên đất nước mình!
 
      Vương quốc Anh đã từng là nước có công nghiệp đóng tàu phát triển nhất thế giới, có đội tàu biển mạnh nhất thế giới, nay họ lại đang nhộn nhịp sang Việt Nam, đặt Việt Nam đóng tàu cho họ! Nhật Bản không những là nước có công nghiệp đóng tàu phát triển mà còn sản xuất động cơ tàu, thuyền xuất ra khắp thế giới. Nay họ cũng chỉ tập trung vào sản xuất động cơ thôi, không còn ham đóng tàu nữa và họ cũng sang đặt Việt Nam đóng tàu! Vì sao vậy? Vì thời công nghệ cao, thời kinh tế trí thức, họ tập trung vào những ngành công nghệ tinh vi, hoặc những ngành có hàm lượng trí tuệ cao và sạch như tạo dựng những trường học danh tiếng từ tiểu học đến đại học, dù học phí cao ngất trời nhưng người học khắp thế giới vẫn đổ dồn về trường của họ. Còn đóng tàu chỉ là xưởng cơ khí gò hàn đơn giản, vừa tốn quá nhiều nguyên liệu sắt thép, vừa chiếm mất không gian quá lớn ở cửa sông, cửa biển rất cần cho nhiều ngành kinh tế quan trọng khác, vừa tạo ra nhiều chất thải ô nhiễm tàn phá cảnh quan môi trường, họ không làm nữa!
 
       Cửa sông cửa biển Việt Nam đều là thiên nhiên huy hoàng, là kì quan lộng lẫy nhưng cửa sông cửa biển Việt Nam đã trở thành công trường cơ khí gò hàn vỏ tàu cho thế giới, ngập ngụa các loại phế thải: ngổn ngang sắt thép, lênh láng dầu mỡ, mịt mù bụi nặm, chát chúa tiếng ồn!
 
       Rồi nhà máy đường, nhà máy ciment công nghệ lạc hậu, nước ngoài thải ra, Việt Nam mua về!
 
       Một dân tộc sống bằng hạt lúa, tạo ra cả nền văn minh lúa nước lung linh hồn người nhưng những người sáng tạo ra cả nền văn minh làm nên bản sắc văn hóa Việt Nam ấy đang là những người khốn cùng nhất!
 
       Chỉ có một phần tư diện tích đất đai là đồng bằng nhưng ở khắp Việt Nam nhiều cánh đồng màu mỡ đang biến thành sân golf và người nông dân hay lam hay làm bỗng thành người thất cơ lỡ vận, lạc lõng bơ vơ ngay trên mảnh đất máu thịt của cha ông từ ngàn đời để lại! . . .
 
       Nhiều lắm những điều ngang trái của công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta! Những điều đó chứng tỏ rằng: Là một cuộc cách mạng vĩ đại, một sự nghiệp lớn lao, một cơ hội khát khao mong chờ để đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam cất mình bay lên sánh ngang bầu bạn thế giới nhưng công nghiệp hóa, hiện đại hóa dường như mới chỉ là khẩu hiệu hô hào, là ý chí mong muốn chứ chưa có triết lí, chưa có cơ sở lí luận tư tưởng, chưa có đường đi nước bước cụ thể, rõ ràng!
 
       Không có tư tưởng triết học dẫn dắt, cuộc chuyển đổi đơn giản từ hái lượm, săn bắt sang trồng trọt, chăn nuôi phải mò mẫm mất hàng ngàn năm! Công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngày nay mà cũng mò mẫm như vậy sao? Đây cũng là vấn đề đặt ra với nhà văn. Với trí tuệ sắc xảo, với mẫn cảm nghệ sĩ, bằng tác phẩm văn học, nhà văn cần góp tiếng nói làm sáng rõ tư tưởng triết học của công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở nước ta, đưa công nghiệp hoá, hiện đại hóa nhanh chóng thành công như trong lịch sử chiến tranh giữ nước chúng ta đã thành công với tư tưởng chiến tranh nhân dân.
Phạm Đình Trọng