Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Hư Thực, sự thể nghiệm của tiểu thuyết ảo giác

Đặng Văn Sinh
Thứ sáu ngày 16 tháng 1 năm 2009 7:44 PM

 

Đặng Văn Sinh 

 

"Hư thực" là cuốn tiểu thuyết hư cấu ở trình độ cao mà nhân vật trung tâm được trình bày như là sự phân thân nhằm thể nghiệm cho ý đồ nghệ thuật mổ xẻ những trạng thái tâm lý thông qua hàng loạt những giấc mơ. Khu rừng hoang vắng gần biên giới được tác giả chọn làm điểm xuất phát của hành trình đi tìm cảm hứng chỉ là không gian vật lý mang tính ước lệ. Không gian nghệ thuật mới là điều kiện cần thiết để hình thành chuỗi hư cấu. Nó là một thứ đại lượng không xác định, được mở rộng ra nhiều chiều, nhiều vùng miền trên cái nền suy tưởng do hiệu ứng của những ảo giác đem lại. Vậy có thể xem đây là loại không gian giả định, luôn biến hóa, hoán vị theo trạng thái tâm lý hoặc tính chất các sự kiện của dòng ý thức. Loại không gian ảo này luôn tiềm tàng năng lực dẫn dụ các ý tưởng, liên kết những chi tiết có vẻ như vô lý thành hợp lý, chỉ hình thành khi nhân vật chính của tác phẩm có danh xưng là Y sử dụng con mắt thứ ba, tức giác quan thứ sáu. Không gian nghệ thuật ở đây còn có những đặc trưng khác là tiếp nối, đan xen, chồng chéo, không gian nhỏ lồng trong không gian lớn, đẩy người đọc vào những tình thế bất khả kháng.

Cùng với không gian ảo là thời gian hai chiều được kết nối trong mối quan hệ khá phức tạp trên cái trục hiện tại, quá khứ và tương lai mà xương sống của nó là những hồi ức được hình thành qua những giấc mơ. Mỗi giấc mơ là một câu chuyện có kết cấu không hoàn chỉnh nhưng nội dung của nó lại hàm chứa một quan niệm nhân sinh, hay một triết lý về thế giới tự nhiên. Phần lớn những câu chuyện được dẫn ra trong tiểu thuyết đều là sản phẩm của ảo giác thuộc loại liêu trai nhưng không thể xem là vô lý trong cõi nhân gian. Có ít nhất 7 truyện cực kỳ gây ấn tượng. Trên cơ sở những sự tích kỳ lạ và hệ thống nhân vật đầy cá tính, thông qua từng mẩu hồi ức, tác giả dẫn người đọc vào một mê cung mà ở đó ở mỗi ngóc ngách đều tiềm tàng sự đột biến chẳng những của trực giác mà còn làm đảo lộn những nhận thức lý tính.

Trong cùng một nhân vật Y, luôn tồn tại song song hai trạng thái tâm lý. Khi tỉnh táo, Y nhìn họ Đào, người bạn đồng hành của mình như một nhân cách lớn, một tài năng hiếm hoi, không dễ tìm trong khi mà trong cuộc đời này đầy rẫy những loại văn chương giả trá. Tuy nhiên, trong các giấc mơ, họ Đào lại biến thành một loại dị nhân, thậm chí quái vật, mãnh thú hay linh trưởng, rồi tùy từng đặc điểm của chúng mà tha hồ phán xét với tất cả sự khâm phục cũng như lòng đố kỵ của một kẻ "trung bình chủ nghĩa" ở tất cả mọi lĩnh vực hoạt động. Như vậy, những giấc mơ, chính là môi trường cần thiết để Y bộc lộ bản chất con người đích thực. Anh ta đào bới đến tận cùng năng lực tư duy trên cơ sở những triết luận, phản biện, ngụy biện cùng những khái niệm khá lộn xộn về chủ nghĩa hư vô, chủ nghĩa vị lai cùng những hệ lụy của nó đối với cuộc sống cộng sinh. Ở một khía cạnh nào đó, có thể nói, đó là thứ ánh xạ hiện thực cuộc sống nhưng được che phủ bởi các tầng ảo giác. Có vẻ như, suy nghĩ và hành vi trong những cơn mê sảng của Y là thuộc về phần âm tính, u ám, huyền hoặc, phản ánh trạng thái tâm lý cực kỳ mâu thuẫn trong cách nhận thức thế giới khách quan. Thuật phân thân được sử dụng như một biện pháp nghệ thuật tách bản thể ra khỏi ý thức, tìm vào vùng tiềm thức, moi từ các góc khuất ra những ý nghĩ khác lạ về cái thiện, cái ác, minh định lại những giá trị mà trước đó người đời vẫn nghĩ là "dĩ thành bất biến", không cần xét lại. Không những tự mổ xẻ bản thân mình làm khảo nghiệm mà Y còn có khả năng suy diễn, phán đoán trạng thái tâm lý trong tầng vô thức của người khác. Mỗi một thử nghiệm như thế, Y cần một giấc mơ tương ứng với một cốt truyện thuộc loại ma mị. Dùng thế giới ảo giác để giải thích thế giới hiện thực là sở trường của người cầm bút như Y. Lúc tư tưởng nghệ thuật thăng hoa, anh ta bỗng chốc biến mình thành Thượng đế của muôn loài. Anh ta đứng trên tất cả để làm công việc vô cùng nhọc nhằn, ấy là sáng tạo.

Hệ thống nhân vật trong "Hư thực" phần lớn đều là những nhân vật bí hiểm, luôn tách khỏi cộng đồng, sống cô lập ở những nơi hẻo lánh trong tình trạng đầu óc rất không bình thường. Số khác thì như những quái nhân, suy nghĩ thường vượt ra khỏi những khuôn khổ đạo đức quy ước còn hành vi lại là một loạt những diễn biến phức tạp, bất ngờ hoàn toàn không thể giải thích theo logic thông thường.. Nhân vật cô gái Người Rừng được tác giả nhắc đi nhắc lại nhiều lần là điển hình cho loại hình trên. Như vậy là, Người Rừng có hẳn một triết lý. Bản năng nguyên thủy, tự do dưới tán rừng, không bị câu thúc bởi bất cứ thứ định chế nào, Người Rừng tạo ra sự tương phản ngầm với thế giới văn minh. Ở đấy, con người bị nhiễm nhiều thói hư tật xấu vốn là nguồn gốc của tội ác nhưng lại không có ai chịu trách nhiệm cho dù họ đã đặt ra không ít thứ luật lệ thành văn và bất thành văn. Từ cô gái dã nhân, tác giả tìm về bản chất nguyên thủy của con người, tìm lời giải cho sự yên tĩnh của tâm hồn, khám phá những bí mật còn đang tiềm ẩn trong vô thức qua những cơn mơ đầy ảo giác chính là sự sự trở lại với cội rễ xưa của ý thức bản ngã, tìm ra các mối liên hệ giữa hiện thực và ảo giác, giữa hành vi và nhận thức. Sự xuất hiện của cô gái luôn là một cái gì đó đột ngột tạo ra cơn sốc tâm lý với Y:"Bỗng có tiếng động từ phía lùm cây cao phía trước. Một bóng đen vụt lẫn vào các tán lá đang động đậy. Họ Đào bước sấn lên ngửa mặt nhìn vào chỗ ấy. Tất cả lại trở nên yên ắng. Cái bóng đen đã biến mất như một ảo giác. Họ Đào lầm bầm cái gì đó rồi gã đứng lại suy nghĩ. Tất cả đang phân vân không biết tiến hay dừng thì đột nhiên có tiếng hú ở phía trước vọng đến. Tiếng hú trầm khàn như tiếng rên vỡ ra từ cổ họng của một người đang bị thương". Và đây là mối tình quái lạ giữa cô Người Rừng và ông bạn họ Đào mà nhân vật chính tưởng tượng ra :"Tiếng thở dài lại vẳng lên phía ngoài ngạch cửa. Con mắt thứ ba của Y từ từ mở ra. Y thấy họ Đào như một làn sương mỏng chui qua khe cửa gỗ tiến về phía tiếng thở dài. Cô gái người rừng hai mắt long lanh đón nhận cái nhìn trìu mến của gã. Họ dắt nhau trôi ra phía bờ hồ nơi cây cầu gỗ và ngồi xuống. Đêm nay, cô gái vừa thút thít khóc vừa quàng cánh tay với những ngón hằn nhiều mấu đốt lên bờ vai nhỏ nhắn của gã. Chúng đã nói gì với nhau? Hình như chúng đang bàn nhau trốn vào rừng. Có lẽ chỉ riêng chúng mới biết được nguồn gốc và kết quả của cuộc bỏ trốn ấy. Y chỉ như kẻ bên đường tình cờ được đóng một vai phụ đầy thụ động mà chúng dẫn dắt. Một vết thương trỗi dậy ở trong Y, lớn dần, loang thấm. Họ Đào vừa gục gặc đầu vừa đưa bàn tay vuốt vuốt mái tóc xù xì bết bát của cô gái. Bỗng cô khẽ rùng mình, nép chặt vào gã, rướn người gắn cặp môi thấm sương lạnh lên đôi môi đang mở ra. Cả hai đang tan vào nhau, tiếng ú ớ đâu đó xen vào tiếng rên nho nhỏ của đôi tình nhân ma mị". Luôn có tham vọng muốn khám phá phần giấu kín trong tiềm thức con người nhưng thực chất Y chỉ có khả năng phỏng đoán mang tính tiệm cận được trình bày dưới dạng ảo giác. Anh ta triết lý :"Đó là những nỗi khổ và những bi kịch ngày càng gia tăng luôn không được báo trước của con người để con người lẩn tránh. Con người vẫn tồn tại một cách cẩu thả, tăm tối, đầy oán trách có không ít lúc đồi bại. Con người đang tụt xuống những con dốc miên man không dứt. Con người vĩnh viễn không tìm thấy mình trong suy nghĩ từ hàng ngàn hàng vạn năm. Trước cái lồng quản thúc hết sức kiên cố, không ai đập vỡ được, càng không ai thoát ra khỏi móng vuốt của nó".

Với Y, nhà văn họ Đào dường như là trung tâm kết nối của những mảnh đời thuộc đẳng cấp dưới đáy xã hội. Cái cách tả mối giao tình giữa họ Đào với các ả gái điếm trong buổi sinh nhật một nàng nhuốm màu ma quỷ thật sự gây ấn tượng. Các cô gái giang hồ ở đây hiện ra như những kẻ lạc loài, bị xã hội ghẻ lạnh chẳng khác mấy chàng văn sĩ nghèo trong khu nhà ổ chuột và làm bạn với chuột. Gái điếm ế khách, rủ nhau uống rượu giải sầu, còn văn sĩ thì gò mình bên chiếc máy tính cọc cạch viết những điều gan ruột về chính cái hiện thực u ám anh ta đang sống. Điều đáng buồn là những trang viết đầy tài năng ấy phần nhiều bị xếp xó. Tác giả miêu tả họ Đào như một ông thánh giữa bầy gái điếm xơ xác, tàn tạ nhưng vẫn ứng xử với nhau trên tình tương thân tương ái là một nét nhân văn đáng trọng: "Cuộc đời chúng em đây đã là bao nhiêu kho thực tế rồi cần gì phải đi tìm hiểu thêm ở đâu nữa. Chúng em sẽ kể về cuộc đời mình cho ông anh mà ghi chép lại cho đời sau, cho con cháu chúng nó biết, không mai kia chúng nó tưởng đời chúng mình sung sướng lắm, ăn không ngồi rồi, ăn trên ngồi trốc lắm phải không ông anh. Thôi, từ rày trở đi ông anh không phải đi làm ăn gì cả, cứ ở nhà viết lách, chúng em nuôi. Nhìn cái tạng ông anh, ăn uống mấy nả, cả cái chuyện kia nữa ông anh cứ yên trí, tha hồ thoải mái, muốn đứa nào cũng được. Chúng em thấy ông anh cũng là người có nghĩa khí nên mới mong muốn thế chứ thằng khác đừng hòng. Tẩn thì phải nôn ra. Như thế có được không hả các chị". Một gái điếm, trong lúc say cảm khái về họ Đào: "Đám chúng sinh tội nghiệp không ngờ có một ông thánh sống ở bên mình bao năm tháng mà không biết. Hóa ra ông ấy biết hết chuyện của chúng mình, đời sống và suy nghĩ của chị em ta, cả cái nghề mà người đời vẫn dè bỉu là bẩn thỉu, hèn hạ, rác rưởi kia ông ấy cũng biết. Ông ấy biết và ông ấy còn biết thông cảm cho chị em ta thì không cười khóc khóc cười làm sao được. Chị em ơi, cứ cười khóc cho thoải mái đi, ông ấy hiền lắm". Thỉnh thoảng, xen lẫn những cảnh buồn, bất chợt tác giả thay đổi game màu thê lương bằng tiếng cười tuy có phần chua chát. Chi tiết nhà văn có mái đầu tổ quạ đọc lời chúc mừng sinh nhật và tổ chức khu nhà trọ tồi tàn thành một điểm văn hóa vừa nghiêm trang vừa hài hước: "Họ Đào mỉm cười, gã biểu dương chị em ở đây có tinh thần đoàn kết nội bộ. Khu nhà này đã bao năm không có nạn trộm cắp. Đồ đạc của ai người ấy dùng, thiếu thì xin, xin thì cho chứ không có kiểu thó của nhau, càng không ai to tiếng với ai như thế là có văn hóa đấy". Tính chất hài hước còn được đẩy lên cao hơn nữa khi mà nhà văn lãng tử của chúng ta ra tay cứu giúp một gái bán hoa bị bọn ma cô hành hung đầy thương tích, cuối cùng chính ả lại khoắng toàn bộ những gì có thể bán ra tiền trong căn phòng trọ tồi tàn của nhà văn rồi lặng lẽ chuồn.

Vấn đề tác giả đặt ra thực chất thuộc về nhận thức lý tính nhưng lại được biểu đạt bằng ngôn ngữ cảm tính. Nó phản ảnh thiết chế xã hội có cái gì đó không ổn, môi trường văn hóa, đạo đức suy thoái bởi những quán tính mới được hình thành tạo nên những bi kịch thời đại.

Trong cái đầu óc trống rỗng của người đàn bà điên bên dòng sông thấp thoáng xuất hiện thứ tư duy đứt nối về chiến tranh. Hình ảnh hai đạo quân đen, vàng được trang bị thứ vũ khí trung cổ đánh nhau liên miên phản ánh một cách nhìn khác về những cuộc chém giết hàng triệu người nhân danh những chủ thuyết không tưởng hoặc ý thức hệ giai cấp. Trong cái đầu óc hoang tưởng của người đàn bà điên, ngay cả những lúc chị ta sục tay vào đống vỏ ốc thối hoăng tìm những con còn sót lại thỉnh thoảng vẫn lóe lên ánh sáng trí tuệ. Cho dù là hiện thực hay ảo giác thì trong trường hợp này, tác giả đã đẩy nhân vật đến tận cùng của hoàn cảnh, khai thác triệt để bản năng người điên: "Đã bao nhiêu năm chị vẫn ở bãi rác ấy, bới đống vỏ ốc của các nhà hàng đổ ra trong những đêm đông. Chị dường như không già đi, cũng không chết đi và đương nhiên không thể nào trẻ lại. Từ khi có đoạn cầu vượt, bỗng nhiên chị có chỗ che mưa che nắng ngay dưới đống rác chân gầm cầu, liệu có bớt cơ cực hơn chăng. Chắc là chị không nghĩ tới điều đó, chị chỉ nghĩ tới những con búp bê bện bằng ni lông, vụng về và bẩn thỉu. Chị âu yếm chúng rồi thả xuống dòng sông, muốn trôi đi đâu thì đi. Chị se sẽ hát ru chúng, lời lẽ ngây ngô, bí ẩn: “Sông Lăng trăng sáng trắng / trời xanh xanh mây xanh / gió mát sương lạnh lạnh/ con hiền lành hiền lành…”. Với tư cách chủ thể, dường như nhân vật Y đã tỏ ra khá trân trọng người đàn bà tâm thần phân liệt. Nhà nghệ sĩ phân tích, suy diễn trạng thái tâm lý đối tượng bằng "con mắt thứ ba" trong mỗi giấc mơ, từ đó rút ra những kết luận về mối liên hệ giữa người điên, lũ hồng cẩu quẩy, cô gái Người Rừng và nhà văn lập dị họ Đào.

Chuyện người con gái ông trưởng bản và tên trùm phỉ mang bóng dáng của loại sử thi nhưng lại được lồng trong cái vỏ hiện đại. Tên trùm phỉ, người đội phó, ông già và cô gái là những mảnh số phận nằm trong vở bi kịch cuộc đời. Ở đây, mọi ranh giới về giai cấp, hệ ý thức cũng như lòng thù hận chỉ mang tính ước lệ. Giá trị nhân đạo của nó chính là tình yêu cao cả đối lập với sự phản bội hèn hạ của gã đội trưởng sắt máu: " Hình ảnh tên phỉ bị bắn chết cứ liên tục quay về trong ký ức suốt những ngày dài. Tại sao con người lại rơi vào tình thế bi thảm ấy. Tại sao người đội trưởng kia lại lợi dụng những mối ràng buộc thực hiện hành vi của mình, khai thác triệt để những tình cảm ngây thơ trong trắng của người con gái. Sau bao nhiêu năm, cơn ác mộng vẫn ám theo những nhân vật như định mệnh. Không một ai giải thoát cho những người trong cuộc và sự đổ vỡ còn diễn ra đến bao giờ. Có những sự bất hạnh diễn ra dằng dặc và dường như không thể tự giải thoát". Chi tiết cô gái hóa điên chạy vào rừng tìm một người đã chết và ông già trưởng bản đi tìm con gái mình cũng như anh đội phó chờ cô gái đến hai mươi năm, thì không còn là ảo giác nữa, mà từ ảo giác đã biến thành huyền thoại.

Phải nói, những truyện được dẫn ra làm cứ liệu cho quan niệm thẩm mỹ của Y đều thuộc loại "ác chiến". Trong ấy có một số sự kiện xẩy ra ở làng Bái. Chuyện cô bé mồ côi nung nấu căm thù vì bị đánh đập, cưỡng hiếp đã dùng chiếc rìu bổ vỡ đầu gã chủ nhà thì tương đối dễ giải thích nhưng còn chuyện thằng bé chui vào đình làng ăn trộm đồ thờ rồi sau đó bị giết vùi xác dưới cầu ao thì thật sự là vụ án bí hiếm, mãi mãi không tìm ra nguyên nhân của cái chết. Nhưng vấn đề là ở chỗ, sau những cái chết ấy, người làng Bái dần dần bỏ đi mà không rõ nguyên do. Phải chăng  phong thủy làng đã đến lúc suy tàn, hay đây vốn là vùng đất nghịch mà tai ương thường xuất hiện sau mỗi chu kỳ, đến nỗi dân làng Bái tha hương lần lượt thay nhau vào tù rồi lại lần lượt ra tù, bổ sung cho đội quân đầu đường xó chợ nhung nhúc khắp chốn thị thành? Đằng sau những hiện tượng tưởng như vô lý ấy là một sự thật hiển nhiên. Nông dân mất đất thành thành thất nghiệp ngay trên quê hương mình sau khi nhận được số tiền đền bù rẻ mạt. Môi trường sống ô nhiễm nặng khi mà các khu công nghiệp đổ trực tiếp đủ thứ nước thải độc hại ra sông. Đạo thức suy thoái. Những giá trị văn hóa mai một. Người ta sống với nhau bằng đạo đức giả... Tất cả những thứ đó tạo thành áp lực ghê gớm lên mỗi cá thể, đến một lúc nào dó không thể chịu nổi, phải "khăn gói quả mướp" lên đường. Nhưng đi đâu? Kinh nghiệm cho hay, những cuộc thiên di bất đắc dĩ này thường là có kết cục chẳng mấy tốt đẹp. Không ít trường hợp trở thành lưu manh, tội phạm hoặc ma cô, đĩ điếm, để rồi cuối cùng lại vướng vòng lao lý.Chẳng phải hai nhà văn mạo hiểm của chúng ta cũng chỉ chịu đựng được ở vùng rừng biên ải ít ngày đó sao. Y kể : "Làng Bái những ngày ấy chìm trong đói nghèo, xơ xác và u ám. Từng rặng tre ken dày lớp lớp chạy vòng quanh làng luôn rũ xuống, ủ ê. Đêm đêm, những thân tre kẽo kẹt cọ vào nhau vọng ra thứ âm thanh ma quái. Trẻ con làng Bái, từ bao nhiêu năm lớn lên trong những âm thanh u ám quái đản ấy, lớn lên trong sự thì thào dọa dẫm tị nạnh đe loi của những kẻ góa chồng góa vợ tai ác đầy khó hiểu, những gã ma cô ma cậu lạc từ đâu đến và mấy ông cán bộ cán bèo quen đấu đá bị mất chức quyền suốt ngày hậm hực, chuyên xúi bẩy người nhẹ dạ và tự mình trộm cắp vặt".

Việc hình thành nhanh chóng giai tầng hữu sản qua cách làm giầu mờ ám cùng với sự gia tăng bất công đã phá vỡ thế cân bằng, đẩy một bộ phận dân nghèo vào tình cảnh dở khóc dở cười.Chuyện hai ông bà già trong căn hộ lụp sụp giữa khu cao ốc cùng với niềm hy vọng mong manh về đứa con trai bỏ nhà ra đi không phải là cá biệt. Người con trai bị bố đuổi đi trong khi ngôi nhà cứ lún dần xuống khiến mỗi năm khổ chủ phải xây thêm một bậc tam cấp là những chi tiết đắt cho một truyện ngắn giầu ý tưởng: "Người đàn ông cụt tay đã mấy năm ngồi lì ở trong nhà, công việc hàng ngày của ông là múc từng bát nước thối hoăng đang đọng thành vũng ở dưới nền nhà từ đâu đó đang rỉ vào hắt lên miệng cống vì nền căn nhà không hiểu sao ngày càng thụt xuống, phải xây nhiều cấp để leo lên. Năm nào hai người già cũng phải xây thêm một bậc. Tám năm thằng con bỏ nhà đi hai vợ chồng đã xây tám bậc cấp. Sang năm chắc cũng thế thôi, căn nhà vẫn ngày càng lún xuống. Mỗi khi người vợ ra khỏi nhà phải leo trên một cái thang sứt sẹo, nham nhở và bất trắc tám bậc". Câu chuyện được tái tạo từ rất nhiều hiện tượng phổ biến. Nó phản ánh tình trạng đổ vỡ niềm tin, con người chấp nhận chung sống với sự bất công đang ngang nhiên hoành hành nhưng không có một công lý đủ mạnh phán xử bởi cộng đồng xã hội đã gần như vô cảm.

Nhân vật ông già què ở gầm cầu cũng thường xuất hiện trong hồi ức của Y mỗi khi qua một giấc mơ. Hình ảnh của ông không đậm nét như cô gái Người Rừng nhưng  trạng thái tâm lý thì được miêu tả khá kỹ bằng những suy luận sắc sảo. Cùng với con chó hoang khá khôn ngoan, xem ra ông già là một công dân đáng kính của tầng lớp lưu manh thời hiện đại. Hãy gạt ra ngoài chuyện làm tình lăng nhăng với mụ bán hoa quả bợm bãi chuyên vạch quần đái bậy, người đàn ông tật nguyền này còn có  một tâm hồn nhạy cảm, một cách ứng xử với thế gian đầy bản lĩnh. Cũng bởi nhận ra phẩm chất đáng quý ấy mà nhà văn họ Đào chẳng những  mua cặp bánh mỳ biếu người bạn mới mà sau này còn thiết lập được mối quan hệ bằng hữu giữa ông ta với người bảo vệ cơ quan. Cũng như người đàn bà điên, ông lão thọt là một thân phận trong đám chúng sinh lạc loài, một cá thể thuộc về số đông không tên tuổi nhưng là biểu tượng nhân cách cộng đồng. Trong hoàn cảnh ấy, không hiểu Y triết lý về họ hay về chính mình: "Vẫn biết trong cuộc mưu sinh kẻ kiên cường thì tồn tại, kẻ ốm yếu bị diệt vong. Số phận của ông và con chó cũng không khác thế. Sự phân công vai trò giữa ông và nó cũng chỉ được tính đại khái, vấn đề là làm sao để ông và nó vui vẻ chìm đắm trong thế giới nhỏ bé của mình".

 Vẫn qua những dòng hồi ức đứt nối của Y, hình ảnh đám tù nhân được chở đi giải phóng mặt bằng ở những nơi tranh chấp mà chính quyền không tiện lộ mặt đã phần nào cho thấy sự bất lực của nền pháp chế nên phải thực thi công vụ bằng luật rừng . Tù nhân từ những chiếc xe bịt bùng được thả xuống một điểm dân cư lì lợm nào đấy vào ban đêm. Với đồ nghề chuyên dụng trong tay, họ phá trụi khu phố chẳng cần biết đến nỗi oan khuất của những người dân thấp cổ bé họng rồi lại trở về trại trước khi trời sáng. Sử dụng phạm nhân vào việc giải phóng mặt bằng quả là một sáng kiến, nhưng đằng sau nó là số phận của cả một cộng đồng dân cư. Hơn thế nữa, những người tù nghĩ gì về việc làm khuất tất trên trong khi các giám thị luôn răn dạy họ phải sống và làm việc theo pháp luật? ("Những bóng người lầm lũi nối nhau đi trong đêm. Tiếng búa âm i. Tiếng người khóc, tiếng trẻ con kêu ré. Tiếng người già nguyền rủa. Hỗn độn, ồn ào. Như những hung thần, vằn vện, đen đốm, đám người như những kẻ câm điếc không còn nghe thấy gì, nhìn thấy gì, họ đập phá, dỡ bỏ mọi thứ theo kế hoạch đã được vạch ra. Đến tảng sáng, những xe đóng hòm kín mịt mùng nối đuôi nhau chở họ đi. Chỗ đập phá là chỗ nào, những người trong xe không biết. Những người trong xe là ai, những người già, trẻ con ở khu phố không biết. Cứ thế đêm này qua đêm khác, tháng này qua tháng khác, khu phố bị san phẳng. Người ở khu phố ấy dần tản mát đi đằng nào? Người kiên nhẫn nhất cũng rời khỏi đó. Những người trong xe hòm có người bị mù mắt, cụt tay, thậm chí có người đã chết trong sau đận ấy. Câu chuyện kết thúc bằng một đám cháy").

Có thể nói, nghệ thuật xây dựng truyện của Phùng Văn Khai là hồi ức về những giấc mơ. Với "Hư thực", các chi tiết, hình ảnh luôn ở trạng thái phiếm định. Toàn bộ cuốn truyện được hình thành trên một chuối sự kiện của những ảo giác. Tác giả khai thác các sự kiện cùng với trạng thái tâm lý vào lúc mà vùng tiềm thức được kích hoạt với một năng lượng đủ mạnh, có khả năng tái tạo những hình ảnh nguyên thủy để giải thích cho những bí mật thời hiện tại. Có vẻ như, địa điểm khu rừng gần biên giới là nơi hội tụ của các điều kiện cần thiết để những kẻ thích phiêu lưu như họ Đào và Y tìm kiếm năng lượng tinh thần cho quá trình sáng tác. Chỉ có khu rừng nguyên sinh đó mới đủ sự tĩnh lặng tối đa cho khả năng sáng tạo.

Không ít các sự kiện trong "Hư thực" giống như những âm bản của đời sống giấu kín trong cái vỏ ảo giác được sử dụng như là một loại phương tiện để chuyển tải tư tưởng thẩm mỹ. Trong lúc phân tích trạng thái phiêu diêu họ Đào cũng như tự mố xẻ bản ngã, Phùng Văn Khai có những đoạn triết lý rất đáng đọc. Mỗi đoạn triết lý như vậy đều liên tưởng đến số phận từng con người cụ thể ở cái phần tối tăm, u uất: " Đừng tưởng đầu đường xó chợ là không còn nhân cách. Chúng ta phải có những suy nghĩ khác, ông bạn ạ. Phải biết cúi mình xuống. Phải nằm sát đất nghe giun dế than thở". Hoặc: " Xưa nay, chả trộm cướp nào đi cướp giật lừa gạt những suy tư nghĩ ngợi của nhà văn. Nghề văn và nghề trộm cướp không thù không oán gì nhau, chưa bao giờ tuyệt đường làm ăn của nhau và hoàn toàn chưa có một tiền lệ một vụ việc đáng buồn nào".Ở chỗ khác, tác giả viết : "Y đã bắt đầu lung lay cái ý nghĩ chống lại sự khám phá của gã. Cứ để cho gã tìm hiểu biết đâu chả đi đến một chân trời khác, một thế giới khác mới mẻ hơn, thanh bình hơn và ít bất trắc hơn. Một thế giới mà các tài năng văn chương luôn ao ước, tìm tòi, phấn đấu, giả định, bảo vệ đến nay không thấy". Có những lúc nhà văn hóa thân vào nhân vật nghĩ về cuộc đời như một kẻ đã ở ngoài vòng sinh tử: "Đời người có lúc như những sợi dây nối từ ác mộng nọ sang ác mộng kia, miên man, không dứt. Đến khi không còn sợi dây nào nữa cũng là lúc kết thúc".

"Hư thực" là cuốn tiểu thuyết có kết cấu lỏng với một bố cục tượng trưng bởi các sự kiện không phát triển theo logic thông thường. Những giấc mơ bị ảo giác chi phối luôn nhảy cóc không theo trình tự đoạn mạch quy ước, lại càng không tuân thủ không gian, thời gian vật lý mà theo quy luật tâm lý. Phong cách ngôn ngữ của "Hư thực" làm người đọc đặc biệt chú ý. Với vốn từ phong phú, lập luận chặt chẽ trên cái nền cảm hứng sáng tạo, câu văn của Phùng Văn Khai thiên về triết luận nhưng lại giầu sắc thái biểu cảm ghi nhận một bước đột phá trong hành trình tìm tòi hướng đi mới cho tiểu thuyết Việt Nam hiện đại.

                                                                        Chí Linh, 13 / 01 / 2008