Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

30 năm trước, tự sự của một người từng là lính

Huy Đức
Thứ tư ngày 4 tháng 3 năm 2009 1:19 PM

Năm 2009, có những ngày kỷ niệm đáng suy ngẫm, nhắc nhau. Bốn mươi năm chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời (1969). Ba mươi năm cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung (1979). Ba mươi năm bản đề dẫn của Nguyên Ngọc và bài viết chủ nghĩa hiện thực phải đạo của Hoàng Ngọc Hiến trong văn học Việt Nam (1979). Hai mươi năm sự kiện quảng trường Thiên An Môn (1989). Hai mươi năm bức tường Berlin sụp đổ (1989). Hơn một tháng nữa là đến ngày kỷ niệm ba mươi năm tiếng súng lại vang trên bầu trời biên giới / giục toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới, mà mọi sự đang như bị chìm lấp, chìm khuất, tức tưởi cho những người đã đổ máu và nằm xuống vì từng tấc đất lãnh thổ nước nhà, đau buồn cho những người biết nhớ lịch sử. Hôm nay, đọc bài của Huy Đức, tôi chia sẻ nỗi đau xót và uất nghẹn của một người dân nước Việt, của một người lính nước Việt, của một nhà báo nước Việt, ở nơi tác giả. Và tôi muốn chia sẻ nỗi đau uất này đến với mọi người, qua bài viết của Huy Đức.
 
Thác Bản Giốc nửa này nửa kia?
 
Ngày 17 tháng 2 năm 1979, khi vừa vào đến cổng trường, chúng tôi nhận được tin: Vào lúc mờ sáng, “ Trung Quốc đã đem quân bắn giết dọc theo Biên giới 6 tỉnh phía Bắc nước ta ”. Sáng ấy, nhiều đứa trong chúng tôi đi thẳng từ trường phổ thông đến uỷ ban nhân dân xã. Chúng tôi đăng ký nhập ngũ mà không kịp nói một câu với chính cha mẹ của mình.
“ Quân bành trước Bắc Kinh ” đã kéo chúng tôi từ lớp học ra thẳng chiến trường. Nhưng, không hiểu sao nhà trường hôm nay, lại không nói gì về cuộc chiến tranh kéo dài thế giằng co hơn 10 năm ấy. Ba mươi năm trước, những “ đàn trẻ nhỏ ”, chạy “ từ Biên giới về ”. Ba mươi năm sau, những đứa trẻ ấy lớn lên và biết : Tháng 4/1956 nhân khi quân Pháp vừa rút khỏi Việt Nam, Trung Quốc, lúc này đã trở thành “ xã hội chủ nghĩa anh em ”, chiếm đảo lớn nhất thuộc Hoàng Sa. Ngày 19-1-1974, sau khi Trung Quốc ký Thông cáo chung Thượng Hải với Mỹ và sau Hiệp định Paris 1973, Mỹ rút lui khỏi Việt Nam, Trung Quốc, vẫn đang là “ xã hội chủ nghĩa anh em ”, đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, giết 58 chiến sỹ Hải Quân Sài Gòn, chiếm đảo. Ngày 14-3-1988, Trung Quốc lại tấn công một số đảo đá của Trường Sa giết hại 74 người lính Hải quân Việt Nam và, từ đó, chiếm luôn những hòn đảo ấy.
Rồi. Ngày 12-11-2008, Trung Quốc tuyên bố đầu tư 29 tỷ USD cho một dự án “ khảo sát và khai thác Biển Đông ”. Trong đó, bao gồm cả những biển đảo của Việt Nam mà Trung Quốc vẫn còn chiếm giữ. Bốn tháng trước, 7-2008, khi hãng dầu khí Mỹ, ExxonMobil, hợp tác với Việt Nam trong một dự án thăm dò ở Nam Côn Sơn, Trung Quốc đã gây áp lực với ExxonMobil để họ phải rút lui. Năm 2007, Trung Quốc đã gây áp lực buộc BP ngưng hoạt động trong dự án dầu khí có vốn đầu tư 2 tỷ USD với Việt Nam ở hai vùng Mộc Tinh, Hải Thạch. Năm 1994, Trung Quốc phản đối hợp đồng dầu khí giữa Việt Nam và Mobil ở vùng Thanh Long. Chỉ hai năm sau khi họ ký hợp đồng thăm dò dầu khí với công ty Crestone ở vùng Vũng Mây - Tư Chính. Tàu Trung Quốc “ đi lại nghênh ngang ” ngoài Biển Đông, trong khi, các dự án của Việt Nam thì phải cay đắng rút lui mà không làm gì được.
Thế hệ chúng tôi, lớn lên “ dưới mái trường xã hội chủ nghĩa ”, có nhiều sự kiện xảy ra ở thủ đô, ở biên giới và ngoài biển mà chúng tôi không hề được biết. Chúng tôi vẫn hát về Mao Trạch Đông như “ mặt trời lên ” khi mà “ Bác Mao ” lần lượt đem quân chiếm Hoàng Sa, rồi Trường Sa. Chúng tôi hát, “ núi liền núi, sông liền sông ” khi mà nhiều ngọn núi, khúc sông đã không còn nữa. Cho đến ngày 17-2… Được cầm súng, được “ vạch mặt, chỉ tên ” quân xâm lược cũng là hạnh phúc. Cho dù, nhiều khi ngẫm lại, sự thật chỉ được thông tin vừa lúc, đủ để chúng tôi tất tả lên đường.
Không như chúng tôi, các bạn trẻ hôm nay không ngồi chờ nhà trường “ mớm ” cho gì thì biết nấy. Nhưng bi kịch của họ lớn hơn… Thật không dễ dàng gì khi biết một kẻ đang rình rập bên ta mà vẫn phải nghe họ xưng là “ láng giềng tốt ”; một kẻ đem tàu chiến sang giết người giữ đảo của ta vẫn xưng là “ đồng chí tốt ”; một kẻ dùng áp lực để đuổi đối tác tìm dầu của ta mà vẫn nhận là “ bạn bè tốt ”; một kẻ ngang nhiên hút dầu ngoài biển của ta mà vẫn phải gọi là “ đối tác tốt ”.
Khi tôi đang viết entry này thì đọc được trên blog Nông Dân Gió Lào, người Trung Quốc sẽ tổ chức một lễ hội hoa đăng ở Hà Nội, dự kiện bế mạc vào ngày 17-2 năm nay. Nông Dân Gió Lào cũng dẫn tin trên Vietnamnet nói rằng, năm 2004, người Trung Quốc cũng đã tổ chức một lễ hội hoa đăng ở Đà Nẵng, khai mạc đúng vào ngày 19-1. Năm ấy, họ kết 30 cụm hoa đăng, theo Nông Dân Gió Lào, ứng với 30 năm ngày Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, một huyện đảo thuộc về Đà Nẵng (19/1/1974- 19/1/2004). Có thể bởi “ tình đồng chí ” mà khi cấp phép, chính quyền địa phương đã không quan tâm lắm đến sự trùng hợp này. Nhưng, Nông Dân Gió Lào cho rằng các “ chú Tàu ” thì không làm gì “ngẫu nhiên”, kể cả việc, hồi cuối tháng 11, họ cho tàu mang tên Trịnh Hoà, người mà họ nói là đã phát hiện ra Hoàng Sa và Trường Sa, cập vào Đà Nẵng.
Năm 1988, Trung Quốc đánh chiếm mấy đảo đá ở Trường Sa. Việt Nam chuyển sang đường lối quan hệ “ đa phương ”. Thật may mắn là Việt Nam đã không rơi vào tình thế “ đơn phương ” với một gã khổng lồ vừa đánh trộm vừa xưng là “ anh em, đồng chí ”.
Nhà nước có những lý do để cư xử với lân bang chín chắn. Nhưng, sự “ bồng bột ” của dân cũng cần thiết để sự thật, đôi khi, có cơ hội phơi bày. Người dân không bao giờ muốn chiến tranh, vì nếu nó xảy ra, chỉ có họ mới là người ra trận. Tôi đã nói chuyện với nhiều người dân ở Biên giới hồi tháng 3-1979. Tôi có nhiều người bạn là lính ở sư đoàn đóng quân tại Lạng Sơn trong ngày 17 tháng 2. Cái mà chúng ta nói là “ chiến thắng ” cũng đã phải trả bằng đầu rơi máu chảy.
Tôi có hơn 3 năm ở Campuchia trong giai đoạn chiến tranh, biết câu chuyện Khmer Đỏ chống lại Việt Nam chỉ 2 tuần sau khi nhờ Việt Nam mà có trong tay quyền bính. Biết, sau lưng Pol Pot có bàn tay của ai. Nhưng, tôi cũng đã gặp nhiều người Việt-Gốc-Hoa, trong số hơn 675 nghìn người Việt-Gốc-Hoa phải ra đi trong những năm sau 75, 78. Nhiều người lúc ấy không biết tiếng Hoa, nhiều người đã từ lâu coi mình là dân Việt. Nhiều người khi rời Việt Nam đã không chọn Trung Quốc như là tổ quốc. Vận nước, phải chăng đã không tránh được thế đối đầu? Trung Quốc năm nào cũng nhắc lại cuộc chiến 17-2-1979, tại sao Việt Nam lại không bàn về nó một cách công khai và rút ra bài học cho mình.
Tôi có mặt ở Hồ Gươm vào cái đêm bóng đá Việt Nam thắng Thái Lan ở lượt đi (24-12). Có mặt trên đường phố Sài Gòn ngay sau khi bóng đá Việt Nam vô địch (28-12). Đi trong thác lũ người tràn ra đường hôm ấy, nghĩ, chỉ bóng đá thôi ư mới có được sức mạnh thế này. Ngay từ thế kỷ 19, khi mà lãnh thổ của một quốc gia vẫn còn có thể mở rộng bằng chinh phục, Định ước Berlin 1885 và Tuyên bố Lausanne 1888, đã nói : “ Dùng vũ lực để chiếm giữ một vùng lãnh thổ đã có chủ là một hành động phi pháp ”. Công ước của Liên hiệp quốc về luật biển (1982) cũng tái khẳng định tinh thần này. Chúng ta chưa có bom hạt nhân, chúng ta chưa có tàu to súng lớn. Đất nước ta rất nhỏ. Dân ta không nhiều. Sức mạnh của chúng ta chính là chủ quyền pháp lý.
Ba mươi năm đã trôi qua kể từ khi chúng tôi sục sôi tiến về biên giới, đảo vẫn mất mà đất nước lặng im. Thầy giáo dạy sử ở trường lặng im. Báo chí văn chương lặng im… Tôi không rõ không khí ở trong các phòng họp căng thẳng ra sao. Chỉ biết, nếu ngồi đó, tôi sẽ lạnh lưng khi bên ngoài im lặng. Chỉ có sát cánh với nhân dân mới có thêm sức mạnh, đừng để cho từng chiếc đũa bị tách ra và bẻ gãy từ từ.
NGUỒN : blog Ôsin