Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Nhân năm Sửu đến với bài thơ Xuân mới ất Sửu của Trạng Trình

Cao Năm
Thứ bẩy ngày 17 tháng 1 năm 2009 9:22 PM


Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), quê làng Trung Am, xã Lý Học, huyện Vĩnh Lại, tỉnh Hải Dương (nay là huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng). Cụ là người đa tài, giỏi thơ văn, tinh thông triết học, có tâm hồn phóng khoáng, thích cuộc sống thanh nhàn. Nhưng sinh ra và lớn lên giữa lúc triều đại phong kiến nước ta đang chuyển sang tình trạng suy đồi trầm trọng, đất nước phân tranh, dân tình cực khổ, tài năng của Cụ không được cống hiến thoả đáng vào việc giúp dân, cứu nước. Mặc dù học cao, biết rộng, nhưng mãi năm ất Tỵ (1535), khi ở tuổi 44, Nguyễn Bỉnh Khiêm mới ra thi, đổ đầu cả ba khoa: thi huơng, thi hội, thi đình, được phong Trạng nguyên, được bổ nhiệm làm Thị lang Bộ lại kiêm Đông các Đại học sĩ. Nhưng Cụ cũng chỉ làm quan triều nhà Mạc hơn  bảy năm, sau khi dâng sớ lên nhà vua xin trị kẻ lộng thần không được chuẩn y, bèn cáo quan về quê mở trường dạy học vui thú thanh nhàn văn thơ đèn sách. Trong những năm dạy học ở quê nhà, Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm lấy đạo hiền để dạy trò, rèn người. Cụ nổi tiếng là nhà giáo dốc lòng dốc sức vào việc dạy dỗ học trò, rèn trí luyện đức cho con trẻ. Nhà giáo Nguyễn Bỉnh Khiêm được người đương thời gọi bằng cái tên tôn kính, mến yêu: Tuyết Giang Phu Tử (người thầy giáo bên dòng Tuyết Giang-con sông chảy kề làng Cụ). Từ mái trường Bạch Vân Am của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (đền thờ Cụ hiện nay được dựng chính nền nhà học xưa), nhiều học trò của Tuyết Giang Phu Tử trưởng thành đỗ đạt cao, như Phùng Khắc Khoan, Nguyễn Dữ...
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng là một nhà thơ đa tài, để lại cho hậu thế một khối lượng đáng kể thơ nôm, thơ Việt-Hán và những áng văn kiệt tác mà điển hình là "Bài bi ký quán Trung Tân", mà ngày nay có dịp đọc lại thấy những điều Cụ viết cách chúng ta hàng mấy trăm năm nhưng vẫn còn gần gũi lắm. Bởi thơ văn của Trạng Trình đầy tâm trạng, lắm suy tư về nhân tình thế thái, dẫu là thơ tức cảnh như bài "Thu phong" (Gió thu), "Nhân thôn" (Xóm làng), hay viết về loài vật như bài "Tăng thử" (Ghét chuột), "Anh vũ" (Con vẹt) cũng đều hàm chứa tâm trạng của Cụ (và cũng là của nhân dân) với người, với đời. Chuyện về Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và những giai thoại về Cụ là cả một câu chuyện "kể qua đêm còn muốn kể sang ngày". Nhưng nhân ngày xuân năm Con Trâu, chỉ muốn nói tới một trong nhiều bài thơ xuân của Cụ viết đúng vào năm Con Trâu "ất Sửu tân xuân hý tác" (Xuân mới năm ất Sửu vui đùa làm thơ), cách chúng ta hàng mấy trăm năm mà ngày nay đọc lại vẫn còn tươi rói ước vọng của muôn người "Dân thái hoà vui đời thái hoà"(*).
Ngay tên bài thơ có chữ "hý tác" (vui đùa) đã làm người đọc phải chú ý, và thực sự đã lột tả được tâm hồn phóng khoáng của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Với một tâm hồn phóng khoáng, không bận chút trần ai, nhà thơ đón một mùa xuân đến trong tiết trời ấm áp, ánh dương toả mượt mà đã gợi bao cảm xúc sâu lắng trong lòng người. Hai câu mở đầu không chỉ nói được thời khắc, thời tiết ngày đầu năm, mà còn nói được sự chuyển động của thời thế, hoặc ít ra là đời sống, mùa màng của dân tình nơi thôn dã quê Cụ đang có sự "ấm áp" lên, chứ không còn khắc nghiệt như vài xuân trước đó nữa:
  Ngày tốt, thiều quang ánh mượt mà,
  Xuân nay ấm áp khác xuân qua.
Chỉ hai câu thôi mà đã vẽ lên được khung cảnh đất trời và sự đổi thay của thời tiết, hay thời thế, mang đầy sức gợi cảm. Thơ viết cách đây mấy trăm năm, mà bây giờ đọc lại vẫn gần gũi, mới mẻ như đang thời hiện tại vậy. Và có lẽ còn lâu nữa, mỗi khi nhìn lại năm cũ, đánh giá công việc của một năm trôi qua, khẳng định những gì đã đạt được, và cả mừng vui gặp mặt ngày đầu xuân mới, cũng khó tìm được câu nào giản dị, gợi cảm hơn câu: "Xuân nay ấm áp khác xuân qua" của Trạng Trình trong bài "ất Sửu tân xuân hý tác". Liền sau hai câu mở đầu, là bốn câu chứa đầy tâm trạng của một ông già ẩn dật:
   Bạc đầu, người cũ, mấy khi gặp,
   Mồng một, đầu năm, tết với hoa.
   Vui cảnh nhàn, lời tranh, ý sách,
   Thân ngoài phận, say rượu, yêu thơ.
 Đúng là người già ít đi lại thì thì mấy khi gặp được bạn bè thân hữu, nhất là một người có nhiều bạn học, lại ở xa nhau lâu ngày như Trạng Trình thì càng ít khi gặp được nhau. Nhưng vẫn luôn nhớ tới nhau, nhất là khi xuân về, tết đến lại càng thêm nhớ. Nghĩ đến người mà ngẫm lại mình, dẫu tuổi đã cao, nhưng cái trí cùng nguyện ước sống cho thanh bạch thì vẫn không phai mờ. "Vui cảnh nhàn, lời tranh, ý sách" cũng chính là điều Nguyễn Bỉnh Khiêm luôn mơ ước. Trong thơ Nôm, Cụ từng viết: "Thấy dặm thanh vân, bước ngại chen/ Được nhàn, ta sá dưỡng thân nhàn". Xin hiểu "nhàn" theo quan niệm của Trạng Trình là nhàn tâm, không mưu mô hiểm độc, không bon chen danh lợi, chứ không phải là lười nhác, thích chơi bời, và càng không phải là trốn tránh trách nhiệm với đời: "ái ân vằng vặc: trăng in nước/ Danh lợi lâng lâng: gió thổi qua". Cụ không bận lòng vì bổng lộc, danh vọng, chức tước. Có lẽ cũng vì thế, mãi năm 44 tuổi, bạn bè thúc giục nhiều, Cụ không đành lòng "ở ẩn mãi" mới "xuất đầu lộ diện" ra thi, đỗ đầu ngay trong kỳ thi hương, và tiếp theo là thi hội, thi đình. Dẫu vậy, Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng chỉ làm quan hơn bảy năm, không chịu được cảnh nhiễu nhương chốn quan trường, liền cáo quan về "vui cảnh nhàn" ở chốn quê nhà. Hai câu kết của bài thơ như gửi gắm ước mơ cháy bỏng của một người luôn lấy cái tâm đức thanh bạch, nhàn tản nhưng cũng luôn "lo trước thiên hạ đến già chưa nguôi" làm lẽ sống ở đời:
   Ngày nào gặp lại thời bình trị,
   Dân thái hoà vui đời thái hoà.
 Quả là thơ Cụ đã nói được nỗi niềm không chỉ của riêng Cụ cả đời đeo đuổi, mà còn là của mọi người lương thiện ở thời Cụ, và cả thời chúng ta nữa, ước mong đến cháy lòng. Ai có chút từ tâm bác ái mà chẳng mong đất nước được sống yên ổn, mọi người đều đồng lòng nhất trí dựng xây cuộc sống ấm no trong trật tự kỷ cương. Nhưng ở vào thời Cụ Trạng, sự tranh giành quyền bính diễn ra khốc liệt, dân tình khổ ải trong cuộc sống mịt mù, thì dẫu Trạng Trình có ước mơ thế, chứ ước mơ nữa, cũng khó có thể có "Dân thái hoà vui đời thái hoà". Một lần nữa lại thấy tấm lòng "lo trước thiên hạ đến già chưa nguôi" của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm trước nhân tình thế thái.
 Đọc người xưa, ngẫm ngày nay càng thêm quý yêu đất nước này đã và đang bước sang "thời bình trị", mọi người dân đều được sống trong niềm hân hoan "đời thái hoà".
 Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm, theo các nhà nghiên cứu về Cụ, thì trong lời tựa do chính Trạng Trình viết cho "Bạch Vân thi tập" thì "tất cả là một nghìn bài", nhưng hiện nay còn lại không nhiều. Việc xuất bản thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm, và một mảng quan trọng mà người đời quen gọi là "Sấm ký Trạng Trình", cũng còn nhiều hạn hẹp. Người viết dòng này chỉ nhân năm Con Trâu đọc lại bài "ất Sửu tân xuân hý tác" cũng có mong muốn việc giới thiệu thơ văn của danh nhân văn hoá Nguyễn Bỉnh Khiêm, cũng như các nhà văn hoá tài danh khác của nước ta, đựơc chú ý đúng mức hơn nữa. Đó cũng là một việc làm khơi dậy truyền thống văn hoá của dân tộc trong thời kỳ mới, mà Nguyễn Bỉnh Khiêm là "cây đại thụ" của thế kỷ 16, có ảnh hưởng rất lớn trong dân gian.
Để bạn đọc tiện theo dõi, dưới đây xin chép hầu bài "ất Sửu tân xuân hý tác" (Xuân mới ất Sửu, vui đùa làm thơ) :
ất Sửu tân xuân hý tác
Thiều quang thục úc cáp giai thân,
   Tối ải, kim xuân thắng tích xuân.
   Hoa đán trùng lai tân tuế sóc,
   Bạch đầu ký kiến cựu thời nhân.
   Thư ngôn đồ ý nhàn trung lạc,
   Tửu sử thi cuồng phận ngoại thân.
   Hà nhật tái phùng Nghiêu Thuấn thế,
   Thái Bình thiên tử thái bình dân.
   Dịch thơ:
Ngày tốt, thiều quang ánh mượt mà,
    Xuân nay ấm áp khác xuân qua.
    Bạc đầu, người cũ, mấy khi gặp,
    Mồng một, đầu năm, tết với hoa.
    Vui cảnh nhàn, lời tranh, ý sách,
    Thân ngoài phận, say rượu, mê thơ.
    Ngày nào gặp lại thời bình trị,
    Dân thái hoà vui đời thái hoà.
      Đinh Gia Khánh dịch
 
 
     
 __________________________________________
 (*)Thơ dẫn trong bài rút từ "Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm"-NXB Văn học, 1983, tr. 286./