Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Tháo gỡ khó khăn cho nhà văn

Nguyễn Vũ Tiềm
Thứ tư ngày 14 tháng 1 năm 2009 6:18 PM
 
Ngày 8-1-2009 tại thành phố Biên Hòa – Đồng Nai, Hội nhà văn VN đã tổ chức Hội thảo “Nhà văn với sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước”. Theo góc nhìn ngẫu hứng của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo thì hội thảo này khá buồn tẻ và có nhiều đại biểu ngủ gật. Tuy nhiên, qua vài tham luận đã gửi về cho lethieunhon.com thì không ít vấn đề đã được đặt ra một cách thẳng thắn. Xin trân trọng giới thiệu ưu tư “vẫn có nhiều rào cản bảo thủ, nhiều vùng cấm vô hình quá khắt khe” của nhà thơ Nguyễn Vũ Tiềm
 
                    THÁO GỠ KHÓ KHĂN CHO NHÀ VĂN
                                                                         
      Sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đang mở ra kỷ nguyên phát triển mới rực rỡ trên đất nước ta. Mỗi người VN đều mong muốn đóng góp công sức vào sự nghiệp chung này. Là nhà văn, càng nung nấu khát vọng cháy bỏng.
      Tôi hoan nghênh chủ đề cuộc hội thảo, nhưng tôi có chút băn khoăn: một là chữ dùng mang dáng dấp như cuộc vận động sáng tác theo khẩu hiệu “Nhà văn với sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước” làm cho ta dễ liên tưởng đến cái thời “văn học khẩu hiệu”, “văn học minh họa” chưa xa lắm, nó làm cho văn học chúng ta bị đơn điệu, nghèo nàn, giảm giá trị không ít. Chả lẽ hơn 20 năm đổi mới, văn học chúng ta vẫn chưa dứt khỏi con đường mòn cũ ấy hay sao? Thứ hai, Dễ bó hẹp vào đề tài khô cứng. Mà đề tài khô cứng chỉ có thể cho ra đời những tác phẩm giản đơn sơ lược mà thôi; hay nói cách khác, những tác phẩm minh họa chủ trương đường lối, ca ngợi xuôi chiều, khó có thể sản sinh ra tác phẩm sâu sắc và đỉnh cao, tác phẩm tiêu biểu cho nhân cách và tư tưởng triết học của thời đại.
      Bản chất văn học là nhân học, mọi tìm tòi sáng tạo đều nhằm tới cái đích vì con người. Con người với những quan hệ phức tạp trong đời sống; với những hệ lụy trầm luân của kiếp người.
      Công nghiệp hóa hiện đại hóa mang lại phồn vinh cho đất nước, hạnh phúc cho con người, điều này không một ai nghi ngờ gì. Nhưng sự vật nào cũng có mặt trái của nó. Ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội, tội phạm, tệ tham nhũng, chạy chức, sự cách biệt giàu nghèo ngày càng lớn, con người bị tha hóa…là những hệ lụy nặng nề vẫn cứ diễn ra hàng ngày mặc dù chúng ta đã và đang nỗ lực ngăn chặn. Nhà văn không được thờ ơ, phải có cái nhìn sâu sắc hơn người khác về thực trạng này, bởi muốn viết được văn, anh phải thâm nhập đời sống, gần gũi nhân dân, hiểu tâm tư nguyện vọng của các tầng lớp xã hội. Nhìn ra được xu thế của thời đại không khó lắm, nhưng để nhìn vào được tâm thế thời đại, tâm thế của các tầng lớp xã hội thì không phải đơn giản chút nào. Dẫu khó, nhưng do đặc thù công việc sáng tác, nhà văn không thể không tìm hiểu, nghiên cứu; không thể chỉ thấy bề nổi mà không thấy được phần chìm của tảng băng trôi.
      Bước vào công cuộc đổi mới, văn học không chỉ phản ánh, mà còn phản biện xã hôi; không chỉ đông viên cổ vũ mà còn dự báo tương lai; không chỉ nhận thức mà còn phải thức tỉnh lương tri con người. Đây là đòi hỏi mới mẻ và rất cao.
      Để làm được chứ năng phản biện, dự báo, thức tỉnh, nhà văn phải tự nâng mình lên. Có tài, có tâm như cổ nhân dạy chưa đủ, ngày nay còn phải có tầm, tầm cao, tầm xa, thêm nữa phải có dũng, dũng cảm, dũng khí.
      Mới đây Đảng đã có Nghị quyết, về phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới, về đội ngũ trí thức, khuyến khích dân chủ, trong đó có nhấn mạnh phương pháp phản biện. Đây là điểm mới mà trước đó hầu như không có. Điều này đã mở rộng cánh cửa sáng tạo cho nhà văn.
      Nhưng dường như nói đến chữ phản biện nhiều người vẫn còn… run, người cầm bút đối mặt trước trang giấy trắng lại càng run, phải cân nhắc đắn đo từng chữ. Đụng đến những điều nhạy cảm, nhiều khi nhà văn vẫn phải  mượn tây tàu để nói ta, mượn xưa đẻ nói nay. Sách in ra được gọt đẽo tròn như viên bi, làm sao có tác phẩm hay được.
      Vừa rồi ở TP HCM có lệnh cấm lưu hành tập truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Thúy Ái vì trong đó có truyện ngắn “Trở về Lệ chi viên”. Truyện bị quy là “bôi bác danh nhân Nguyễn Trãi”. Đọc truyện ngắn ấy, tôi thấy hoàn toàn ngược lại, chả có gì là bôi bác hạ thấp danh nhân cả. Nguyễn Trãi yêu Nguyễn Thị Lộ, người con gái trẻ đẹp, tài hoa, thông minh là điều có thật. Vị vua trẻ mê Nguyễn Thị Lộ, chuyện vua chết ở vườn Lệ Chi, chuyện chu di vô cùng đau xót… cũng đều là có thật cả, lịch sử đã chép ghi. Những tình tiết tả thực về chuyện chiếu giường cũng vừa phải, không sa đà vào dung tục. Một số chi tiết, nhân vật hư cấu không hề phương hại gì đến chính sử mà càng làm cho câu chuyện thêm sinh động, hấp dẫn. Đọc truyện thấy Nguyễn Trãi thật hơn, người hơn, và do đó vĩ đai hơn, càng cảm phục, yêu thương ông hơn. Vậy mà lệnh cấm lưu hành ban ra, tiếp theo là hàng loạt bài báo lên án rất nặng nề dữ dội.
      Lẽ ra Ban Lý luận Hội Nhà Văn TP mở cuộc hội thảo, tranh luận công khai, công bằng dân chủ, tác giả có mặt và có quyền phản biện. Hoặc HNV lập một hội đồng thẩm định rồi đưa ra kết luận khoa học có tính học thuật, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người cầm bút giống như đối với cuốn tiểu thuyết “Thời của thánh thần” của Hoàng Minh Tường ở Hà Nội cùng thời gian đó.
      Đảng và Nhà Nước đã cởi trói cho văn nghệ và tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện, sâu sắc trên hai mươi năm. Đất nước hội nhập với toàn cầu, xã hội nhiều đổi thay mới mẻ, gần đây Đảng lại mở rộng dân chủ, khuyến khích phản biên xã hội. Nhưng trên thực tế, vẫn có nhiều rào cản bảo thủ, nhiều vùng cấm vô hình quá khắt khe.
      Là nhà văn có lương tâm và trách nhiệm, không thể dừng lại ở đề tài, sự kiện, mà phải đi sâu vào những cảnh ngộ, những số phận con người với những hệ lụy của cơ chế thị trường, của cuộc sống công nghiệp hiện đại. Tác phẩm sâu sắc lại thường là khai thác cái bi, diễn tả nỗi đau buồn, bất hạnh, phanh phui tiêu cực, phê phán cái ác, cảnh báo xã hội v.v… Điều này thì nhiều nhà lãnh đạo có tầm nhìn hạn chế không được vừa lòng, các vị cho là không thấy thành tích, thành tựu mà chỉ nhìn vào mảng tối đen của cuộc sồng đang lên. Truyện ngắn “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư gặp phản ứng của địa phương là một ví dụ. Một cây bút nữ trẻ tuổi nhỏ nhắn bị búa dìu dư luận nện những đòn tơi tả. Rất may mà Hội NV “giữa đường thấy sự bất bình” đã chẳng làm ngơ, đứng ra bênh vực Nguyễn Ngọc Tư. Việc đó mang lại cho các đội ngũ nhà văn niềm tin vào chân lý nghệ thuật, vững tin hơn trong lao động sáng tạo. Nhưng còn không ít những trường hợp khác nữa, như tập truyện ngắn của Nguyễn Thúy Ái nêu trên chẳng hạn.
      Trong hoàn cảnh như thế, chúng tôi rất cần sự cảm thông và hỗ trợ của Hội Nhà Văn trung ương cũng như các địa phương, đặc biệt là rất cần tiếng nói khoa học, khách quan của các nhà lý luận phê bình tài năng uyên bác mà bấy lâu nay đa số các bác vẫn cứ mũ ni che tai.