Trang chủ » Tin văn và...

TRẮNG TAY SAU MỖI LẦN BỊ TRUNG QUỐC BẮT

Sỹ Phượng
Thứ ba ngày 4 tháng 5 năm 2010 5:52 AM
TNc: Với những hành động cướp biển như thế này lặp lại nhiều lần khiến chúng ta nghi ngờ 16 chữ vàng của các đồng chí Trung Quốc. Họ nói một đường làm một nẻo...

 - Trung Quốc nhiều lần thực hiện hành động bắt bớ ngư dân Quảng Ngãi sau đó đòi tiền chuộc hoặc tịch thu tàu cá và ngư lưới cụ đã khiến nhiều ngư dân của tỉnh này dở khóc dở mếu vì bí đường mưu sinh.

Trở về trắng tay

Sau khi có sự can thiệp quyết liệt của Chính phủ Việt Nam yêu cầu phía Trung Quốc thả ngay và thả vô điều kiện những ngư dân bị Trung Quốc bắt giữ trái phép tại quần đảo Hoàng Sa trong tháng 3 và tháng 4, đến ngày 28/4, toàn bộ 23 ngư dân Quảng Ngãi đã được Trung Quốc thả về đến quê nhà. Tuy nhiên, cũng như mọi lần mà Trung Quốc bắt giữ ngư dân Quảng Ngãi, cuộc trở về của ngư dân lần này  không trọn vẹn.

Tàu cá QNg-50362 của ông Tiêu Viết Là, ở thôn Châu Thuận, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi), tàu cá QNg-66478 của ông Mai Phụng Lưu, ở xã An Hải, huyện Lý Sơn tuy “may mắn” theo chủ về lại quê hương nhưng cũng chỉ còn là một con tàu trống rỗng, mọi vật dụng giá trị, cần thiết với ngư dân đi biển đều bị Trung Quốc thu giữ.

Ông Là và con trai Tiêu Viết Linh về đoàn tụ cùng gia đình nhưng trắng tay sau phiên biển bị Trung Quốc bắt giữ


Ngư dân Tiêu Viết Là – người chèo lái con tàu của mình đưa 11 ngư dân là những anh em bạn biển trong chuyến hải trình vượt biển ra vùng Hoàng Sa – lãnh hải của quê hương khai thác hải sản đúng luật lại gặp phải “nhân tai”: Bỗng dưng bị Trung Quốc bắt giữ cả tháng trời, rồi lại đòi tiền phạt phi lý với mức giá đưa ra khoảng 180 triệu đồng mới thả người, tàu và cũng bỗng dưng mất hết tài sản hành nghề trên biển.

5 ngày sau khi trở về, ngư dân Tiêu Viết Là vẫn chưa xua được nỗi bức xúc của mình. “Trung Quốc cố tình gây khó dễ cho ngư dân chúng tôi. Chúng tôi ra đánh bắt hải sản trên lãnh hải của quê hương thì hà cớ gì lại bắt bớ chúng tôi phi lý như vậy”.

Gia cảnh của ngư dân Là rất cơ cực, cái nghèo vẫn còn bám riết gia đình của người một đời bám biển như ông.

“Toàn bộ tàu và ngư lưới cụ trị giá tới vài trăm triệu đồng đã bị Trung Quốc lấy. Nợ cũ chưa trả giờ lại gánh thêm đống nợ cả trăm triệu đồng. Biết bao giờ mới trả nổi để có động lực tiếp tục làm ăn đây…” – ngư dân Là thở dài.
 
Hoàn cảnh của ông Mai Phụng Lưu, chủ tàu cá QNg-66478 cũng không khá hơn. Cả gia đình của ông sống nhờ vào chiếc tàu cá này, giờ thì ngư lưới cụ, thiết bị đi biển đều không còn, chuyện tiếp tục hành nghề sẽ rất khó khăn….

Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc thực hiện hành vi bắt giữ trái phép ngư dân Quảng Ngãi. Vào tháng 8/2009, chỉ trong thời gian ngắn, phía Trung Quốc đã bắt giữ 3 tàu cá QNg-95031 của ông Nguyễn Tấn Lự, thôn Định Tân, xã Bình Châu (huyện Bình Sơn), tàu QNg-6364 của ông Bùi Văn Thế, xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn và tàu QNg-6517 của ông Nguyễn Chí Thạnh, xã An Hải, huyện Lý Sơn với tổng cộng 25 ngư dân.

Chỉ ít lâu sau, Trung Quốc phải thả tự do cho 25 ngư dân này. Tuy nhiên, hai tàu cá QNg-6364 và QNg-6517 cùng toàn bộ ngư lưới cụ trên tàu đều bị Trung Quốc lấy, chỉ cho ngư dân trên hai tàu này về chung với tàu của ông Lự (tàu ông Lự cũng bị thu giữ toàn bộ ngư lưới cụ và mọi thứ có giá trị trên tàu).

Quyết không bỏ biển

11 ngư dân trên tàu cá của ông Mai Phụng Lưu vừa được thả về lại tất bật chèo thúng ra biển đánh bắt cá.

Anh Lê Văn Ngãi –  đi bạn trên tàu QNg-66478 của ông Mai Phụng Lưu bộc bạch: “Tàu của anh Lưu bị thu giữ hết ngư lưới cụ và thiết bị có trên tàu nên tàu phải neo bờ. Anh em tụi tôi cũng muốn đi ra khơi đánh bắt nhưng anh Lưu làm gì đủ tiền để mua sắm ngư lưới cụ mới. Chúng tôi chỉ đi bạn và gia cảnh ai cũng khốn khó nên chỉ biết an ủi, động viên gia đình anh ấy. Tạm thời chúng tôi đánh bắt gần bờ, đợi khi nào có tàu đi bạn ngoài Hoàng Sa, Trường Sa sẽ xin đi tiếp…”.
 

Trước những bí quẫn của ngư dân, ông Võ Xuân Huyện, chủ tịch UBND huyện Lý Sơn bày tỏ “Hầu hết ngư dân khi bị Trung Quốc bắt giữ thả về đều rơi vào túng thiếu, không đủ khả năng để ra khơi trở lại. Huyện thì không có nguồn kinh phí nào để hỗ trợ cho họ. Mọi chuyện chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của tỉnh, của Trung ương. Nhưng phải giúp đỡ họ sớm để họ có điều kiện bám biển”.

Sỹ Phượng
 
Nguồn: Bee.net