Trang chủ » Tin văn và...

Ý KIẾN ĐÁNG NGHĨ NGỢI NHẤT TRONG TUẦN

Ts Ngô Tự Lập
Thứ tư ngày 28 tháng 4 năm 2010 6:29 AM
 Nhưng ví dụ rõ nhất và cũng đáng suy ngẫm nhất cho chúng ta hiện nay là quan điểm của Hồ Chủ tịch về Đảng và nhà nước. Hồ Chí Minh chủ trương Đảng là đảng của mọi người Việt Nam yêu nước và nhà nước Việt Nam phải là nhà nước của dân, do dân và vì dân. Theo ông Vũ Đình Hòe, vị bộ trưởng Tư Pháp đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, trong một cuộc họp báo đầu năm 1946, Hồ Chủ tịch nói: Chúng ta, chúng tôi chỉ có một Ðảng, Ðảng Việt Nam[10]. Hồ Chủ tịch cũng nhận viết lời nói đầu cho Hiến pháp 1946, trong đó khẳng định: linh hồn của Hiến pháp sẽ là: Ðoàn kết toàn dân không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo[11]. Đồng thời, trong thư gửi quốc dân đồng bào, Chủ tịch Mặt trận Việt Minh nêu rõ sự cần thiết phải thành lập ngay một cơ cấu đại biểu cho toàn dân để có đủ sức mạnh đoàn kết dân tộc đấu tranh giành độc lập, tự do. Cơ cấu tổ chức đó gồm tất cả các đảng phái cách mạng và các đoàn thể ái quốc trong nước bầu cử ra thì mới đủ lực lượng và oai tín, trong thì lãnh đạo công việc cứu quốc, kiến quốc, ngoài thì giao thiệp với các hữu bang.[12] Trước đó, ngày 11 tháng Mười một năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Hồ Chủ tịch, Đảng Cộng Sản Đông Dương đã đưa ra một quyết định cực kỳ dũng cảm: tự giải tán và đổi thành Hội nghiên cứu chủ nghĩa Marx ở Đông Dương. Sau này, năm 1951, khi xuất hiện trở lại, Đảng lấy tên là Đảng Lao Động Việt Nam.
.....

Tên Đảng và tên nước hiện nay được lựa chọn sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ kết thúc và Tổ quốc thống nhất về một mối. Đó là sự lựa chọn của một giai đoạn lịch sử nhất định mà tôi không có ý định và cũng không có thẩm quyền để bàn. Nhưng theo tôi, do những nguyên nhân lịch sử, tên Đảng và tên nước hiện nay gây cho chúng ta một số bất lợi. Tôi cho rằng trong bối cảnh Việt Nam và quốc tế hiện nay, chúng ta nên trở về với tên Đảng Lao Động Việt Nam và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đó là hai cái tên thể hiện tốt hơn các mục tiêu của toàn dân tộc, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc hội nhập quốc tế và hoà hợp dân tộc.
Bất kỳ ai thực sự đọc Marx đều nhận thấy rằng Chủ nghĩa cộng sản là một chủ nghĩa nhân đạo. Mục đích xây dựng một xã hội dân chủ của những con người tự do, bình đẳng, dựa trên nền tảng công nghệ phát triển và sự hợp tác giữa người với người, một xã hội không còn sự chiến tranh, hận thù giai cấp, tôn giáo và dân tộc, là một mục đích cao đẹp và chính vì thế nó có sức cuốn rũ đối với hàng triệu con người có lương tri trên toàn thế giới. Mục đích đó được cụ thể hoá trong khẩu hiệu của Đảng hiện nay: dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Mục đích đó chúng ta không bao giờ từ bỏ, và chắc chắn bất kỳ người Việt Nam nào, trong nước cũng như ở hải ngoại, cũng đều hướng tới, cho dù họ có gọi là Chủ nghĩa Cộng sản hay không

 Trích bài:
VỀ THỰC TIỄN LUẬN NHÂN ĐẠO HỒ CHÍ MINH 
VÀ NHIỆM VỤ ĐỔI MỚI ĐẢNG HIỆN NAY 
của TS. Ngô Tự Lập
(Khoa Quốc tế - ĐHQGHN)
 Nguồn:
http://www.viet-studies.info/NgoTuLap_ThucTienLuanHoChiMinh.htm

Chú thích 

[10] Vũ Đình Hòe: Hiến pháp 1946, công cụ màu nhiệm để đoàn kết toàn dân, http://www.nhandan.com.vn/>

[11] Vũ Đình Hòe, ibidem.

[12] Trích theo Vũ Đình Hòe, ibidem.