Trang chủ » Tin văn và...

GIỚI THIẸU SÁCH PHI CÔNG MỸ Ở VIỆT NAM

Lucbat.com
Chủ nhật ngày 9 tháng 5 năm 2010 5:01 AM

TNc: Sáng 8-5, tại cà phê bán đảo Hoàng Cầu đã có buổi họp mặt giới thiệu tâp Phi công Mỹ ở Việt Nam của nhà thơ Đặng Vương Hưng. Rất nhiều bạn bè, văn nhân và các người hâm mộ đã đến dự. TNc xin giới thiệu bài viết về tập sách đó.

 

Vấn đề “Tù binh Phi công Mỹ ở Việt Nam” từ lâu đã được dư luận Mỹ và cả thế giới đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, bởi nhiều lý do liên quan đến bí mật quân sự, đến công tác ngoại giao và an ninh quốc gia… mà đề tài này trong suốt một thời gian dài khi đất nước có chiến tranh, nhất là trong Kháng chiến chống Mỹ, luôn được các tác giả Việt Nam coi là “nhạy cảm” và rất ít được nói đến trong các tác phẩm phát hành công khai.

Theo tinh thần của Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại Hòa bình ở Việt Nam, đầu năm 1973, tất cả số tù binh Phi công Mỹ đã được Chính phủ Việt Nam trao trả cho Chính phủ Hoa Kỳ.

 

vspace=3

Ngay sau khi chiến tranh kết thúc, cùng với việc xây dựng đất nước trong hoà bình, với truyền thống nhân đạo, Chính phủ và Nhân dân Việt Nam đã tích cực hợp tác với phía Hoa Kỳ để tổ chức các cuộc tìm kiếm những người Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam. Nhiều bộ hài cốt Phi công Mỹ đã được tìm thấy, xác định rõ danh tính và bàn giao cho phía Hoa Kỳ.

Nhu cầu của bạn đọc luôn mong muốn được tìm hiểu sự thật và khám phá những bí mật của lịch sử, trong đó có vấn đề Tù binh Phi công Mỹ. Ví dụ: Viên Phi công Mỹ nào bị bắn rơi đầu tiên ở Việt Nam? Lãnh tụ Hồ Chí Minh đã quan tâm chỉ đạo việc này ra sao? Trong thời gian chiến tranh, Phi công Mỹ bị bắn rơi ở Việt Nam, bị bắt làm tù binh đã được giam giữ ở những đâu? Họ được ăn ở và sinh hoạt và đối xử như thế nào? Đặc biệt, phía Mỹ đã tổ chức một cuộc tập kích đường không quy mô và rất kỳ công để giải cứu tù binh, nhưng bất thành ra sao? Còn những điều bí mật nào chưa nói đến, cần làm sáng tỏ?...

Nhà văn Đng Vương Hưng, tác giả của cuốn sách này, từng là một nhà báo chuyên viết phóng sự và tư liệu về đề tài chiến tranh - là người khởi xướng việc xuất bản bộ sách “Những lá thư và nhật ký thời chiến Việt Nam”, tạo tiền đề cho sự ra đời của sự kiện “Mãi mãi tuổi 20” với hai nhân vật Nguyễn Văn Thạc và Đặng Thuỳ Trâm nổi tiếng năm 2005; đồng thời, cũng là tác giả ý tưởng của Cuộc vận động Sưu tầm và giới thiệu những kỷ vật kháng chiến Việt Nam (Tổng Cục Chính trị Quân đội, Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Trung ương đoàn TNCS Hồ Chí Minh chỉ đạo thực hiện; Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, Báo Quân đội Nhân dân, Báo Tiền Phong, Đài Truyền hình Việt Nam, Nhà xuất bản Công an Nhân dân, Thời báo Ngân hàng và Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bắc Á đồng tổ chức, 2007 – 2010). Do yêu cầu công việc, tác giả đã có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với nhiều nhân chứng, tài liệu lưu trữ của cả phía Việt Nam và phía Mỹ.

Với mong muốn cung cấp cho bạn đọc một số thông tin “hậu trường chính trị”, nhưng lại mang tính “bên lề sân cỏ”, góp phần “giải mã” cho những bí mật nêu trên, nhà văn Đặng Vương Hưng đã dành tâm huyết nhiều năm để hoàn thành cuốn sách này. Có rất nhiều những chuyện còn ít biết về Tù binh Phi công Mỹ, những chi tiết đời thường thú vị, nhưng mang tính nhân đạo và nhân văn sâu sắc.

Ví dụ, phần tác giả viết về Nhà tù Hỏa Lò, được tóm tắt giới thiệu như sau: Trong kháng chiến chống Mỹ, hàng chục năm liên tục, nơi đây được coi là một trong những địa chỉ được bảo vệ nghiêm ngặt và bí mật nhất ở Hà Nội. Lý do thật đơn giản: Đó là nơi đã từng giam giữ hàng trăm Phi công Mỹ bị bắt trong chiến tranh Việt Nam. Đến bây giờ thì điều bí mật trên không còn nữa. Nhưng không phải ai cũng hiểu được “sự thật đằng sau bức tường đá” một thời: Cơ cấu tổ chức của trại Tù binh Phi công Mỹ ở Hỏa Lò hồi ấy như thế nào? Có phải tù binh Phi công Mỹ tại Hỏa Lò được ăn uống theo chế độ “đặc táo”? Họ được tạo điều kiện chơi thể thao, thưởng thức văn nghệ, tham qua danh lam thắng cảnh của Thủ đô ra sao? Những tù binh Phi Mỹ nào đã được mời tham gia đóng phim cho Việt Nam? Và cả chuyện một nữ tù binh duy nhất ở Hoả Lò, xinh đẹp, đỏng đảnh với bức thư gửi ông Trưởng trại để xin… nuôi một con mèo!

Trên tinh thần tôn trọng sự thật của lịch sử, tác giả cố gắng cung cấp cho bạn đọc cái nhìn trung thực và khách quan từ nhiều phía.

Trong cuốn sách này, ngoài phần nội dung chính là những bài viết của Nhà văn Đặng Vương Hưng: Bác Hồ với những Phi công Mỹ đầu tiên ở Việt Nam; Sự thật về cuộc tập kích cứu Phi công Mỹ tại Sơn Tây năm 1970; Cuộc trao đổi tư liệu Việt – Mỹ xung quanh “Vụ tập kích Sơn Tây”; Cuộc quyết đấu lịch sử “Điện Biên Phủ trên không” đã diễn ra như thế nào?; Tù binh Mỹ ở Hỏa Lò, chuyện bây giờ mới kể; chúng tôi có đưa thêm phần “phụ lục” Một góc nhìn từ nhiều phía, khi kẻ thù trở thành bè bạn… gồm một số bài viết về Phi công Mỹ ở Việt Nam đã đăng tải trên các báo chí, và phần ảnh tư liệu minh họa do Đại tá Trần Trọng Duyệt, cựu Trại trưởng Tù binh Hỏa Lò, cùng một số đồng nghiệp cung cấp.

Trân trọng cảm ơn các cơ quan chức năng, các nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu và đồng nghiệp đã ủng hộ tư liệu, đóng góp nhiều ý kiến quý báu, để cuốn sách này ra mắt độc giả đúng dịp kỷ niệm 35 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam và kết thúc Cuộc chiến tranh Việt Nam của Mỹ.

Tuy nhiên, Tù binh Phi công Mỹ ở Việt Nam là một vấn đề lớn, mà lại được gói gọn trong một cuốn sách nhỏ, nên mặc dù tác giả và Nhà xuất bản đã cố gắng hết mức, nhưng chắc chắn vẫn không tránh khỏi những khiếm khuyết.

Chúng tôi rất mong được quý độc giả góp ý, bổ sung thêm để lần tái bản tới, cuốn sách sẽ phục vụ bạn đọc tốt hơn nữa.

 

            Theo NHÀ XUẤT BẢN CAND