Vật đầu tiên đập vào mắt khách du lịch vào thăm khu phố cổ Hà Nội là tấm biển hiệu “TƠ LỤA BẠCH TUYẾT” bằng ánh đèn ne-on xanh đỏ nhấp nhánh suốt ngày đêm ngay đầu phố Hàng Đào, bên Hồ Hoàn Kiếm. Không biết tấm biển hiệu này có tự bao giờ, nhưng thương hiệu tơ lụa Bạch Tuyết đã nổi tiếng đất Hà Thành từ đầu thế kỷ trước, khi Thủ đô còn thuộc quyền quản lý của người Pháp. Thương hiệu này nổi tiếng không chỉ bởi chất lượng hàng hóa có uy tín với người tiêu dùng trong và ngoài nước, mà còn bởi sắc đẹp “danh bất hư truyền” của “Nàng Bạch Tuyết”, chủ nhân cửa hiệu này. Nghe các cụ cao tuổi kể lại rằng sắc đẹp của ái nữ chủ tiệm tơ lụa phố Hàng Đào không kém gì nhân vật trong chuyện cổ tích “Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn”. Vì cô nữ sinh Trường Đồng Khánh này cũng có “da trắng như tuyết, môi đỏ như máu, tóc đen như gỗ mun”. Chả thế mà bây giờ ở cái tuổi xấp xỉ bách niên, tuy đã má hóp, da nhăn, nhưng nước da vẫn đỏ au, trông cụ thật vượng khí. Còn mái tóc thì trắng như cước, vẫn để suôn dài như kiểu tóc thề chờ đợi ai vậy. Cụ chính thức được kế thừa điều hành cái tiệm tơ lụa này đã bảy, tám chục năm rồi. Bây giờ đến cái tuổi gần đất xa trời, nên cụ vừa chuyển giao quyền sở hữu cho đứa chắt nội, một chàng “bạch diện thư sinh” đúng với cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Cậu là đứa con lai, bố người Hà Nội du học ở Cộng hòa Dân chủ Đức đã bén duyên cùng một “nàng Bạch Tuyết” phía trời Âu “da trắng như tuyết, mắt xanh như hồ nước mùa thu, tóc nâu bồng bềnh như mây”. Cả bố và mẹ cậu đều là nghiên cứu sinh tại Mỹ, khi lấy được bằng tiến sĩ, họ ở lại làm việc tại Thung lũng Sillicon, bang Califorrnia. Cậu thanh niên quốc tịch Hoa kỳ này được bố mẹ phái về tiếp quản tiệm tơ lụa và chăm sóc cụ nội. Danh nghĩa là cậu chủ của tiệm, nhưng bởi lẽ cậu mới từ nước ngoài về đây, hàng ngày buổi sáng còn đi học, nên mọi công việc của tiệm vẫn do cụ Bạch Tuyết quán xuyến, cậu chỉ đá gà đá vịt mở máy tính ở quầy hàng liếc qua các bảng thống kê hàng nhập vào, bán ra mỗi ngày cho biết doanh số, chứ cũng chưa có chỉ đạo gì về kinh doanh cả. Đã gần tuần lễ nay, đi học về là cậu lại chui tọt vào phòng riêng trên gác, nằm vật ra buồn bã, đến cơm cũng chẳng buồn ăn, thì còn tâm trí đâu để ý đến buôn bán nữa. Thấy vậy cụ Bạch Tuyết vồn vã hỏi lý do, nhưng cậu cứ lặng thinh không hé răng. Cuối cùng cụ hỏi:
• Có phải cháu vừa bị trúng mũi tên của Thần ái tình rồi không?
Thì cậu mới lí nhí “yes!” (vâng) một từ cộc lốc. Cụ liền nhẹ nhàng hỏi: “How I can help you?” (Cụ có thể giúp gì cho cháu được không?). Thì cậu liền bảo : “Perhaps you can do nothing, I think” (Con thấy có lẽ cụ chẳng giúp được gì cho con đâu), rồi lại nằm thừ ra. Cụ Bạch Tuyết liền dỗ dành: “Có điều gì buồn bực cứ nói ra với cụ cho nhẹ bớt lòng, biết đâu cụ có thể giúp được thì sao?”. Lúc đó cậu ta mới miễn cưỡng kể cho cụ nghe nỗi buồn của mình bằng thứ ngôn ngữ tiếng ta xen lẫn tiếng tây rằng cậu đã “falt in love”(yêu) một cô nữ sinh cùng lớp, nhưng điều kiện
cô ta đưa ra có lẽ cậu không đáp ứng được. Cụ liền hỏi:
• Điều kiện gì mà cháu không đáp ứng được?
Cậu kể “Cô ấy rất mê sưu tầm tem thư, cô ấy bảo ai kiếm được chiếc tem thư cổ nhất, quí nhất của Việt Nam thì sẽ là bạn trai của cô ấy. Mà cụ biết đấy, cháu chỉ viết thư điện tử, chứ đã bao giờ viết thư cho ai dùng tem để gửi đâu. Cô ấy lại yêu cầu tem thư cổ nhất của Việt Nam, thì cháu làm sao mà kiếm được?”
• Cô ấy tên gì? Có xinh đẹp không?
• Dạ, tên cô ấy cũng giống tên Cụ, nhưng trẻ trung và xinh đẹp tuyệt vời cụ ạ.
• Xinh đẹp đếm mức nào mà cháu cho là “tuyệt vời”?
• Dạ, như nàng Bạch Tuyết trong truyện cổ tích, “Da trắng như tuyết, môi đỏ như máu, tóc đen như gỗ mun” ạ!
Nghe vậy cụ Bạch Tuyết liền mỉn cười, cho rằng thằng chắt muốn bịa chuyện cho cụ vui mà thôi, nên cũng trêu lại nó:
- Nếu quả có người đẹp như nàng Bạch Tuyết trong chuyện cổ tích, thì cụ ra lệnh cho cháu phải yêu và cưới bằng được nàng về đây làm bà chủ tiệm tơ lụa này.
• It’s an impossible mission! (Đó là một nhiệm bất khả thi, cụ ơi!)
• Không có gì là không thể cả, đi theo cụ lên gác cụ kể cho cháu nghe chuyện này.
Thế là chàng thanh niên dìu bà cụ Bạch Tuyết chậm rãi dò từng bậc cầu thang gỗ cổ kính lên gác trên. Khi đã vào một căn phòng rất cổ kính chỉ kê một chiếc giường trải ga trắng muốt, cùng hai chiếc gối cũng trắng muốt. Bà cụ liền chậm rãi lấy từ ruột chiếc gối ra một bức thư đã cũ đến mức đã ngả mầu nâu vàng đưa cho chàng trai và bảo:
• Cháu xem kỹ đi!
Chàng trai đón bức thư từ đôi tay run run của cụ, rồi ngắm nghía. Nhưng cậu không hiểu gì cả, mà chỉ nhìn thấy con tem có hình vẽ người đàn ông ôm vật gì đó lao vào chiếc xe tăng. Biết là thằng chắt không đọc được chữ tiếng Việt, nên cụ giảng giải:
• Đây là lá thư đầu tiên của một người con trai gửi cho cụ đã 70 năm rồi đó. Hình vẽ trên tem là một chiến sĩ cảm tử quân ôm bom ba càng lao vào xe tăng của quân đội Pháp.
• Thư này của ai gửi mà cụ giữ lâu vậy ạ?
• Của một chiến sĩ cảm tử quân Hà Nội cháu ạ – Bà cụ ngồi xuống giường, kéo đứa chắt nội vào sát mình, rồi chậm rãi kể - Một chiều mùa thu năm 1946, khi cụ từ Trường Nữ sinh Đồng Khánh (Bây giờ là Trường PTCS Trưng Vương ở phố Hàng Bài) trở về nhà. Hôm đó nhà trường cho nghỉ sớm, vì cả Hà Nội lính Pháp và Việt Minh đánh nhau ác liệt. Khi về đến gần nhà mình, cụ từ xe điện bước xuống thì thấy một người thanh niên người bê bết máu cố lết từ xe điện xuống đường. Cụ liền chạy lại hỏi “tôi có thể giúp gì cho anh được không?”, thì người đó thều thào đáp “tôi bị thương ở cánh tay và bắp đùi, nếu có thể nhờ cô…” Mới nghe được vậy thì cơn mưa ngâu tháng bảy ào ào đổ xuống, cụ chỉ kịp giương chiếc ô ra che cho anh ta, rồi dìu vào nhà mình. May mà hôm đó ba, me của cụ sang nhà ông bà Tham bên phố Hàng Lọng chơi tổ tôm, gặp trời mưa chưa về. Cụ liền dìu anh ta lên giấu ở căn phòng này, rồi băng bó vết thương cho anh ta. Viết thương không quá nặng, khi bị đối phương dượt đuổi, bắn theo ở khoảng cách còn xa chỉ gây thương tích ở đùi và cánh tay, chảy nhiều máu nên mệt lử. Khi được cụ băng bó cầm máu rồi, đến sáng ngày hôm sau anh ta đã hoàn toàn tỉnh táo.
• Rồi sao nữa hả cụ? – Chàng trai sốt sắng hỏi.
• Anh ta có thể lợi dụng đêm tối, cải trang đi ra phố rồi tìm về đơn vị, nhưng do quân Pháp đã chiếm lại được Hà Nội, lực lượng Việt Minh và tự vệ nội thành phải tạm thời rút lui lên vùng ATK từ đêm hôm trước, nên anh ta bị kẹt lại ở đây.
• ATK là gì? ở đâu hả cụ?
• ATK là viết tắt của ba chữ “An toàn khu”, là khu vực an toàn do lực lượng cách mạng Việt Minh kiểm soát, gồm các khu vực từ Trung Giã lên đến Đại Từ, Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, chỉ cách Hà Nội vài chục cây số thôi.
• Thế sau đó người chiến sĩ biệt động đó có rút lên được ATK không ạ?
• Có, nhưng khi quân Pháp chiếm lại được Hà Nội, thì chúng canh phòng rất nghiêm ngặt khắp nơi, hơn nữa năm đó mưa ngâu liên miên nước lũ sông Hồng lên cao mấp mé mặt đê, phải chờ mười ngày sau cho nước rút xuống lòng sông, ban đêm cụ mới đưa người chiến sĩ đó ra bãi bồi Nghĩa Dũng chặt một cây cuối làm phao mảng để vượt sông lên chiến khu.
Nói đến đây thì cụ Bạch Tuyết rơm rớm nước mắt, thấy vậy người chắt nội vội ôm chầm lấy cụ và hỏi:
• Người chiến sĩ đã hy sinh không trở về nữa sao mà cụ đau buồn vậy ạ?
- Không. Người chiến sĩ đó không bao giờ chết trong lòng cụ, cụ vẫn đang chờ người đó trở về đấy! Chỉ có điều…
- Chỉ có điều gì hả cụ?
- Sau cái đêm mùa thu tháng tám không trăng sao ấy, cụ tiễn người đó vượt sông đi rồi, trở về nhà và không bao giờ được đến trường học nữa.
- Sao lại không đi học nữa ạ?
- Vì… vì cụ đã có thai với người chiến sĩ đó – Nó đến đây cụ ngừng một lát lấy khăn tay lau nước mắt, uống ngụm nước, rồi chậm rãi nói tiếp – Cháu có biết không? Thời đó con gái chửa hoang là một điều kinh khủng lắm, người ta coi chuyện này còn đáng hổ thẹn, xấu xa hơn cả trộm cướp, lừa đảo, thậm chí ngang với tội phản quốc hay giết người vậy. Mà gia đình nhà mình lại là một gia đình danh giá, gia giáo bậc nhất ở đất Kinh Thành này, nên các cụ nhà mình có con gái như vậy thì cảm thấy xấu hổ không sao chịu nổi đã uống thuốc độc tự vẫn.
Nghe đến đây chàng trai rùng mình sợ hãi, càng ôm lấy cụ chặt hơn, nghẹn ngào hỏi trong tiếng nấc chưa thành câu: “Rồi sau …”
• Cụ phải nói dối rằng ba, me tôi không may bị cảm gió đột ngột qua đời. May
mà khi đó cái thai trong bụng cụ mới được một tháng, nên chẳng ai biết. Sau khi lo
đám tang cho ba, mẹ xong là cụ đóng cửa tiệm tơ lụa hai năm liền không buôn bán gì, chỉ ở trong nhà, không dám bước chân ra đường phố nữa.
• Những chuyện xảy ra lớn như vậy cụ có báo tin cho người chiến sĩ kia không ạ?
• Cụ muốn lắm, nhưng từ khi chia tay thì bặt vô âm tín. Vả lại những năm tháng
sau đó, cụ là một người phụ nữ đơn thân chỉ lầm lũi nuôi con, chẳng muốn tiếp xúc với ai. Khi ông nội của cháu vừa trưởng thành, lấy vợ sinh ra bố cháu vừa đầy tháng, cụ lại phải nhận 2 cái tin quá nghiệt ngã: bà nội cháu bị bom Mỹ chết ở nơi sơ tán, ông nội cháu hy sinh trong 81 ngày đêm giành giật thành Quảng Trị năm 1972, nên cụ cũng không còn thời gian, tâm trí đâu để đi kiếm tìm người đó nữa.
• Người đó cũng không viết thư cho cụ ạ?
• Có. Đúng vào ngày sinh ông nội cháu, thì cụ nhận được lá thư này của người ấy
từ chiến khu gửi về địa chỉ “Cửa hàng tơ lụa, 150 Phố Hàng Đào”.
Nghe vậy, chàng trai liền dán mắt vào lá thư bà cụ đang cầm trên tay, thấy dấu bưu điện đóng trên con tem “20 Octobre 1947”. Chàng liền hỏi:
• Thư này viết những gì hả cụ?
• Thư viết vội có 86 chữ thế này – Bà cụ như đã thuộc lòng bức thư, chẳng cần
giở ra cũng đọc rành rọt cho thằng chắt nghe từng câu từng chữ:
“ATK ngày 10 tháng 10 năm 1947,
Em thân yêu,
Từ đêm chia tay nhau, anh lên chiến khu đã tròn một năm rồi đó. Do chiến dịch phản công quân địch mở ra liên miên, anh không có thời gian viết thư cho em được, nhưng anh tin em vẫn mạnh khỏe, vui vẻ đi học. Sắp tới chắc còn đánh lớn và thắng lợi càng to. Anh viết vội vài dòng để em yên tâm, nếu còn sống anh sẽ viết tiếp em nhé!”
• Thế cụ có nhận được những lá thư tiếp theo nữa không?- Người chắt hỏi.
• Có chứ, nhưng thư chưa tới, cụ vẫn đang chờ đây. Còn bây giờ thì cháu xem
con tem dán trên thư này đã là “cổ nhất chưa” thì bóc lấy mà mang đến tặng nàng Bạch Tuyết của cháu đi.
Nghe vậy chàng trai sướng rơn, liền bóc lấy chiếc tem trên bì thư và vội vàng đến trường. Hôm đó chàng đã đưa chiếc tem thư cho cô gái thích sưu tầm tem và kể hết lai lịch chiếc tem cho nàng nghe. Cô gái đón nhận chiếc tem chỉ mỉm cười, nói “Thank you! Nhưng để em nhờ giám định đã, xem có phải là tem cổ nhất của Việt Nam không”?
Những buổi học tiếp theo chàng nhìn cô gái hồi hộp chỉ chờ đợi cô nói lời xác nhận. Nhưng không, nàng chỉ nhìn cậu mỉm cười rồi quay đi chứ không nói gì. Chàng biết tem đó nhất định không phải cổ nhất Việt Nam rồi, nên tỏ ra thất vọng buồn bã vô cùng.
Trong thời gian đó cửa hàng tơ lụa 150 Hàng Đào, Hà Nội đang hối hả trang trí để làm lễ mừng thọ cụ Bạch Tuyết, thì nhận được một lá thư không đề người gửi cũng dán con tem người chiến sĩ ôm bom ba càng lao vào xe tăng. Cụ mừng vui xiết kể, bảo mọi người “Người đó còn sống, người đó còn sống! Người đó đã giữ đúng lời hứa viết tiếp thư cho ta đây!” Cụ vui quá cứ nhắc đi nhắc lại câu nói đó không biết bao nhiêu lần, đến mức mặt cụ đỏ phừng phừng do huyết áp tăng đột biến làm cụ tắt thở, đúng vào ngày sinh nhật lần thư 100 của mình.
Trong đám tang cụ, cũng có mặt nàng Bạch Tuyết sinh viên, bạn cùng lớp chắt nội cụ, nhưng nàng không muốn mình là khách đến viếng, mà nàng mặc bộ đồ tang trắng đứng vào hàng gia chủ người đã khuất. Nàng ngước nhìn lên bài vị cạnh di ảnh cụ Bạch Tuyết, rồi đột ngột hỏi chàng trai:
• Sao thư em gửi cho anh lại để lên đây?
• Thư nào? Anh có biết gì đâu.- Chàng trai trả lời.
Bạch Tuyết vội lấy bức thư mình gửi cho chàng đang để trên bàn thờ, thì thầm vào tai chàng “ ra ngoài em bảo!”. Chàng trai liền dắt cô gái lên gác, mở cửa vào căn phòng của cụ Bạch Tuyết. Khi hai người đã ngồi lên chiếc giường mà đã 70 năm nay lúc nào cụ cũng đặt 2 chiếc gối, cô gái liền giục:
• Anh bóc thư ra đọc đi!
Chàng trai liền bóc thư ra đọc mấy hàng chữ như sau:
“ Anh thân yêu!
Tem này quí giá vô cùng vì là con tem đầu tiên của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa. Em chấp nhận yêu anh!”
Chàng trai ôm choàng lấy người yêu, nàng cũng ôm chặt lấy chàng. Họ lăn lộn với nhau trên chiếc giường của cụ Bạch Tuyết. Chẳng biết rằng họ đau khổ thương tiếc cụ hay sung sướng vì có con tem?
Đào Phong Lưu
Viết tại Hà Nội, một ngày tháng Bảy mưa ngâu, 2016.