Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐỌC TIỂU THUYẾT KIM KỔ KỲ KUẶC KÝ

Nguyễn Duy Liễm
Thứ ba ngày 16 tháng 8 năm 2016 9:17 PM







 

(Đọc tiểu thuyết Kim Kổ Kỳ Kuặc Ký của Trần Nhương)

Hư mà thực! Thực mà hư!

Nhà văn Trần Nhương vừa cống kiến cho người đọc một tập sách với cái tên nghe thấy kỳ kục: "Kim Kổ Kỳ Kuặc Ký"

Nhìn đến cái tên tập sách đã kích họat cho sự tò mò để phải tìm hiểu. Và quả thật, đọc nó làm ta phải "Chấn động tâm can".

Chuyện xẩy ra xoay quanh "Trần Nhương Quán": Cái quán văn của gã văn nhân Trần Nhương mở tại Hà Thành, cho đám văn nhân đã nghèo kiết nhưng lại hay rách chuyện kéo đến luận đàm.

Thế là chuyện hay chuyện dở trong thiên hạ rồi đến cả những chuyện tày đình nơi chính sự chốn thâm nghiêm thu thập rồi cũng theo hơi rượu từ mồm mũi những gã văn nhân phả ra mà đến tai thiên hạ. Trần Nhương Quán bị xem như cái loa không kiểm soát được công suất và tần suất nữa.

- Phải bịt mồm đám văn nhân lại và đóng cửa ngay Trần Nhương Quán.

Lệnh của ai thì không thấy nói rõ, nhưng do đích thị vị quan mặc áo tía nghênh ngang bước vào quán làm lũ văn nhân phải:

"Đứng dậy cúi rạp đồng thanh xướng to:Cung chúc Trưởng Thượng Văn Hào an khang" Quán bị dẹp lên dẹp xuống mấy đận mà không dẹp nổi vì đôi nhẽ: Kẻ đi dẹp ăn của "đút" rồi nấn ná ngơ đi. Lẽ thứ hai như câu người đời vẫn nói: Bịt được miệng chum miệng vại chứ bịt sao được miệng thế gian, mà cái bọn văn nhân ấy hình như lại là những kẻ thay mặt và đại diện của thế gian để ghi nhận và phát ngôn.

Chuyện xẩy ra trong "Kim Kổ Kỳ Kuặc Ký" đã xẩy ra hôm nay hay của ngày xưa?

Tác giả Trần Nhương bị lẫn lộn hay người đọc mơ hồ nhận thức?!

Đọc lên nó cứ gờn rợn chập chờn gợi ta vào ký ức để nhớ đến những: "Cây táo của Ông Lành" hay "Linh Nghiệm" của mấy nhà văn tên tuổi đã viết cách nay đến vài thập niên, làm ta không khỏi ngậm ngùi nhớ đến một cảnh trong vở chèo nổi tiếng "Bài ca dựng nước" của cố nghệ sỹ nhân dân Tào Mạt. Khi cụ viết về hề họan - Người lưu giữ tinh hoa văn hóa kim cổ của dân tộc bị triều đình sai bọn đầu trâu mặt ngựa đem chôn sống cụ.

- Đừng bảo họ diễn! Sự cười cợt trên đôi mắt ngấn lệ ấy là một trách nhiệm lớn lao của người cầm bút, của người nghệ sỹ. Điều mà nhà văn ngộ ra trong khi mọi người còn đang hăm hở hay chỉ vì tính bảo thủ cực đoan: Biết là sai là vô vọng nhưng "Buộc" họ vẫn cứ nhùng nhằng trong cái sự tiến lên đi mà không biết tiến đến đâu.

Không chỉ dừng lại ở đấy: Cười cợt và rưng rưng. Kim Kổ Kỳ Kuặc Ký còn chỉ ra mưu ma chước quỷ của bọn ngoại bang đang lợi dụng trong mọi chiêu bài, trong nhiều vỏ bọc để lâu dài nhằm thôn tính quốc gia Đại Việt.

Chất hài hước hóm hỉnh cười cợt trong văn chương được chuyển tải những vấn đề lớn trong tiểu thuyết còn ít, hiếm, nay nhà văn Trần Nhương đã làm được. Xin sao chép lại những lời "Bạt" của cụ Ma* in trang 4 của bìa sách để gửi đến bạn đọc không có điều kiện trực tiếp đọc "Kim Kổ Kỳ Kuặc Ký".

... Hài hước, hóm hỉnh, đôi khi còn pha chút suồng sã của chất châm biếm là những phẩm chất hiếm hoi độc đáo gần như bẩm sinh của nghệ sỹ, mừng thay lại thấy đậm đà ở thơ văn của nhà văn Trần Nhương. Đặc biệt là trong tập "Tản Mạn MoNgo" và bây giờ ở Kim Kổ Kỳ Kuặc Ký vừa tủm tỉm cười thú vị vừa sảng khoái cười sung sướng vì cái nhìn thông minh đầy chất trí tuệ, với các kiểu tu từ chữ nghĩa biến huyền và cái ngồ ngộ đầy tình thân ái của nhà văn: Thì ra hóm hỉnh hài hước là một trong những hình thức sống động thực chất đáng tin cậy để nhận thức cuộc sống, để yêu thêm cuộc đời của mỗi con người...


TP.Cẩm Phả, ngày 13 tháng 8 năm 2016

Nguyễn Duy Liễm
-----------
* Nhà Văn: Ma Văn Kháng