Dương Nghiễm Mậu là một tác giả độc đáo. Độc đáo thì quí; nhưng lắm khi cũng là cái rắc rối cho mình. Chẳng hạn nó làm cho mình không được chấp nhận dễ dàng. Thiên truyện ngắn đầu tay ông gửi đến một tòa soạn ở Sài Gòn bị vứt vào sọt rác. Tinh cờ Mai Thảo bắt gặp, nhặt lên, đọc thử, và phát giác ra một tài năng. Mai Thào thuật lại câu chuyện này (Tạp chí Văn, California, số tháng 12-1984) mà không nói rõ chuyện xảy ra vào năm nào.
Một thời gian sau — chắc là khá lâu — sau khi truyện ông đã dược đăng trên các tạp chí danh tiếng, đã đủ nhiều để có thể gom thành tập, Dương Nghiễm Mậu cho xuất bản cuốn Cũng đành. Bấy giờ là năm 1963. Cả tháng trời sách chỉ bán được hai chục cuốn: vẫn chưa được độc giả chấp nhận (Tạp chí Đời, Sài Gòn, số 57, ngày 5-11-1970).
Dương Nghiễm Mậu không nhượng bộ. Ồng cứ giữ nguyên các nét độc đáo. Ồng phát triển nó thêm lên để thỉnh thoáng nó thành ra một sự kỳ cục hẳn hoi. Và bấy giờ độc giả lại nhượng bộ ông, lại chấp nhận ông mỗi ngày một đông đảo. Năm 1963 và 1964, mỗi năm ông có một tác phẩm xuất bản (Cũng đành, Gia tài người mẹ). Năm 1965, hai tác phẩm (Đêm, Đôi mắt trên trời). Năm 1966, ba tác phẩm (Tuổi nước độc, Đêm tóc rối, Sợi tóc tìm thấy). Năm 1967, hai tác phẩm (Phấn đấu, Nhan sắc). Năm 1968, ba tác phẩm (Kinh cầu nguyện, Ngày lạ, Gào thét). Sau Mậu Thân, việc xuất bản sách sáng tác nói chung bị ngưng trệ. Mặc dù vậy, sách Dương Nghiễm Mậu vẫn tiếp tục xuất hiện trên thị trường, lai rai, gần như năm nào cũng có cuốn mới.
Dần dà, lắm người như không còn để ý, như sắp quên rằng Dương Nghiễm Mậu vẫn cứ là một tác giả độc đáo, trước sau không giống ai.
Mai Thảo còn nhận thây Dương Nghiễm Mậu không đi với ai. Tức là đi một mình. Là ưa độc lập.
Viết truyện, bắt đầu đăng trên Sáng Tạo của Mai Thảo; rồi làm báo Văn Nghệ cùng với Lý Hoàng Phong, xuất bản sách ở nhà Văn Xã cùng với Lý Hoàng Phong v.v..., nhưng ông không thuộc về nhóm nào, cánh nào cả. Mai Thảo bảo đó là “một người viết mới, tuy cùng một lên đường với bằng hữu nhưng độc lập, tách biệt, như đi một mình trên một đường riêng” (Tạp chí đã dẫn).
Đi một mình có thể là chuyện bản tính mỗi người, dù bản tính ấy không khỏi phản ảnh trong văn chương. Biết được thì hay; chưa biết, hãy hượm, không vội gì. Còn cái viết không giống ai, về cái ấy Dương Nghiễm Mậu đặt vấn đề với chúng ta.
Trước, hãy xem ý định viết văn của ông là thế nào. Ông bào: “Cố gắng của tôi là ghi lại những gì đã thấy, đã cảm, đã nghĩ. Tôi viết ra những điều đó và gửi tới người cùng thời.” (Gia tài người mẹ. Thay lời bạt).
“Ghi lại những gì đã thấy": Chứng nhân thời đại đây. “Những gì tôi đã cảm đã nghĩ, gửi tới người cùng thời.” Sứ điệp văn nghệ rồi đấy.
Nói một cách tổng quát, ông đã thấy những gì nào?
“Tôi cũng như anh, những người mới hơn hai mươi tuổi, trong hơn hai mươi năm trời ấy chúng ta đã sống như thế nào trong hoàn cảnh của lịch sử mà dân tộc ta đã trải qua từ nô lệ, cách mạng, tương tranh, chia cắt... cả một cơn lốc bi thảm đã xoáy lấy cuộc sống với lửa đạn, đói khát, chết chóc...” (Sđd).
Ồ, thế thì đã rõ: Ông không thấy, và cảm, và nghĩ về những đêm ngà ngọc, về vòng tay học trò, về những cái có thể làm ta tạm lãng quên đời. Ông chuyên về cái bi thảm.
Một người bạn thắc mắc: “Sao lại viết những điều ấy ra cho mệt mình, mệt người. Sao không viết những gì vui tươi êm ấm hạnh phúc.” (Sđd) — Ơ hay, khéo hỏi kỳ cục. Bộ muốn viết gì thì viết sao? Mỗi người có một xu hướng cảm nghĩ. Đối với ông, “những điều trông thấy” chỉ toàn là những điều “làm đau đớn lòng”. Chỉ có những cái ấy nó ám ảnh ông. Những trang sách viết về những cái ấy gần như không phải là truyện của ai khác mà “đã trở thành những trang tâm bút” của chính ông.
Đến đây tưởng chừng chưa thấy xuất lộ ở đâu một nét riêng của Dương Nghiễm Mậu. Xung quanh ông không thiếu các chứng nhân lịch sử tự nguyện? không thiếu sự hăm hở gửi thông điệp. Và thái độ nghiêng về sự đau thương, về các thành phần thấp, kém may mắn trong xã hội cũng đâu có hiếm?
Tuy vậy, một người tinh tế như Đặng Tiến đã vượt quá lời tự phán của tác giả để bắt gặp cái độc đáo mà ông rất tán thưởng ở Dương Nghiễm Mậu. Đặng Tiến cho rằng Dương Nghiễm Mậu có thể cùng viết về những điều người khác viết, mà vẫn không giống người khác. “Tất cả các nhân vật của Dương Nghiễm Mậu đều nghèo túng. Xã hội của Dương Nghiễm Mậu là một xã hội bị chiến tranh tàn phá, ở đâu cũng còn vết tích của rạn vỡ: trong thành phố, trên cơ thể, trong tâm hồn. Một xã hội con lạc cha, vợ lạc chồng, anh em hằm hè nhau như hổ đói, người với người xem nhau như súc vật. Nhưng truyện của Dương Nghiễm Mậu không phải là truyện xã hội.”
Ông Đặng nhắc đi nhắc lại: “Vấn đề đặt ra ở đây, không phải là làm thế nào mang lại cơm áo cho những người đói rách (như thế, Cũng đành sẽ trở thành một tác phẩm xã hội) nhưng vấn đề là tạo ra trong mỗi người đang đói rách một ý thức về những giá trị siêu việt trầm tích trong tâm hồn họ”. Rồi “Vấn đề ở đây là một vấn đề siêu hình, thuộc về định mệnh.”
Bài viết này đăng trên tạp chí Bách khoa số 154 ra ngày 1-6-1963, khi Cũng đành vừa xuất bản và bán suốt tháng chỉ vài chục cuốn. Ngay lúc Dương Nghiễm Mậu chưa thu phục được quần chúng, ông Đặng đã quả quyết: “Cũng đành là một tập truyện ngắn nghiêm trang, một tác phẩm nhất trí, một việc làm đứng đắn.”
Người đời thường nói về giới nghèo khổ là đế tố cáo sự bất công, để kêu gọi giành quyền lợi cho giới nghèo, cải cách xã hội v.v... Dương Nghiễm Mậu không làm như người ta thường làm. Ông khác biệt về ý hướng. Đó là sự khác biệt trong nội dung tác phẩm.
Về kỹ thuật sáng tác, Dương Nghiễm Mậu cũng tự tìm cho mình những điều mới mẻ.
Chẳng hạn về vấn đề nhân vật, địa danh, thời điểm v.v... trong truyện. Thiên truyện đầu tiên mà Mai Thảo bắt được trong sọt rác, ấy là truyện “Rượu, chưa đủ!” Chuyện xảy ra ở một thành phố; thành phố nào vậy? Nhân vật chính thường ngày đến công viên, gặp người này người nọ, làm chuyện này chuyện kia v.v...; công viên nào vậy? Tác giả không thèm đặt cho những nơi chốn đó lấy một cái tên.
“Cũng dành” là tên thiên truyện quan trọng, mà tác giả đã lấy làm cái tên chung cho cuốn sách đầu tay của mình. Trong đó có cô gái, nhân vật thân cận duy nhất của “tôi”, cô đã ăn nằm với “tôi” trong một thời gian; cô gái ấy tên gì vậy? Cũng không có tên nữa.
Lúc bấy giờ là buổi đầu của Dương Nghiễm Mậu, ông có thái độ dè dặt. Về sau có thời kỳ ông quả quyết, ông triệt để hẳn. Trong cuốn Gia tài người mẹ, thì người mẹ là chính. Bà tên gì vậy? Không biết. Thế bà con, hàng xóm láng giềng, kẻ thân người sơ gọi bà là bà gì? Bà Năm? mợ Bảy? thím Mười? Không có ai gọi gì cả. Quê bà ở nơi nào? đại khái tỉnh nào? miền nào? Không biết. Bà mẹ có hai đời chồng, đời chồng đầu không tên mà đời chồng cuối cũng không có tên luôn! Ấy là chỉ nói về những nhân vật then chốt, còn bao nhiêu nhân vật phụ thì... căn vặn làm chi cho rắc rối.
Quê người là một lập truyện gồm năm truyện. Trong tất cả các truyện, hầu hết nhân vật đều không có tên, chuyện xảy ra đều không biết ở nơi nào, không biết ở thời gian nào.
Lại chẳng hạn vấn đề kỹ thuật kể truyện. Thường thường là các chuyện đều do “tôi” kể. Tôi là nhân vật này, rồi tôi lại là nhân vật khác. Trong truyện có bà mẹ, có anh con lớn, có cậu con bé, có cô con út v.v... Tất cả đều là tôi. Mẹ là tôi xong, đến con lớn là tôi, cô út là tôi, cậu bé là tôi..., cứ thế xen nhau rào rào. Trong truyện có năm người bạn; người nào cũng là tôi cả.
Lại chẳng hạn...
Nhưng có lẽ không nên kể mãi như thế. Nếu cứ liệt kê các chỗ “kỳ quặc” ra, nếu vậy sẽ gây cảm tường là ta tố khổ, ta kể xấu Dương Nghiễm Mậu, ta muốn mô tả ông như một kẻ lập dị lố lăng. Muốn thế không phải cách. Chắc chắn mỗi điều ông làm đều có lý do của nó.
Hãy thử tìm hiểu.
Chủ đích trước tác của Dương Nghiễm Mậu là gửi tới người cùng thời những gì mình cảm và nghĩ về cuộc sống trong hoàn cảnh của lịch sử mà dân tộc đã và đang trải qua.
Vậy đại khái ông muốn phát biểu về ý nghĩa cuộc sống và ý nghĩa cuộc chiến.
Cảm nghĩ về cuộc sống chung chung đã là vất vả rồi, huống hồ còn đi vào hoàn cành lịch sử của một thời đặc biệt rối rắm. Yếu tố quan trọng nhất của hoàn cành này là một cuộc chiến dai dẳng và dữ dội.
Trong cuốn Cũng đành cùa Dương Nghiễm Mậu, ông Đặng Tiến nhận thấy tất cả các nhân vật đều mồ côi, “từ nhân vật chính tới nhân vật phụ, từ truyện dầu đến truyện cuối.” Ông Đặng kêu: “Chúng ta bắt gặp một thời đại mồ côi.” (Bài báo dã dẫn). Thời đại, hoàn cảnh lịch sử: tệ quá. Ngay ở thiên truyện đầu tay của ông Dương, các nhân vật đã bơ vơ tuyệt vọng: “Cuộc sống ngày nay mất đi những tham dự của sức mạnh siêu hình mà người trước tin cẩn để sống. Nhưng có lẽ thái độ can đảm liều lĩnh ấy khiến cho chúng tôi đau đớn hơn. Chúng tôi không thể đổ lỗi cho ai được khi chúng tôi tự cho mình là Thượng đế” (“Rượu, chưa đủ”). Và “Có nhiều người tạo ra những ràng buộc với mình để sống, như ràng buộc với Thượng đế, với quê hương, với bổn phận, với tình yêu và máu mủ, nhưng tôi thì mất đi gần hết những thứ ấy, dù có muốn tạo ra cũng không sao có được” (“Rượu, chưa đủ”). Nhiều năm sau, trong cuốn Con sâu, nhân vật Quảng kêu: “vì đâu tại sao tôi như con thú bị tên độc tê liệt trong đời sống, vô vọng trong thực tại, tiêu tan những mộng tưởng” (trang 24); nhân vật Ngưỡng đứng im đôi mắt mở lớn hiền lành nói với Quảng: “Tao hiểu mày, tao hiểu mày, tao hiểu nỗi vô vọng trong đời sống bọn mình.” (trang 199).
Lý do vì đâu “bọn mình” chịu thân phận vô vọng đó, các nhân vật Gia tài người mẹ có “hiểu”: Cha ông làm ra.
Bắt đầu, người mẹ là một nạn nhân lớn. Lớp ông của bà mẹ làm mất nước; cha của bà mẹ yêu nước nhưng không dám làm gì chỉ ngồi nhà dạy học. Trong đám học trò có kẻ dám làm, bà mẹ yêu kẻ sĩ khí phách ấy, bỏ nhà trốn theo chàng. Chàng thất bại trốn lánh, đổi tên họ, đáp lại mối tình người mẹ bằng cách cho người mẹ hai đứa con và một gia sản. Rồi bỏ vợ con, chàng cặp một nữ đồng chí, lại đi làm việc nước. Lại thất bại, chết trong tù. Người mẹ bơ vơ ôm con về quê. Ông ngoại chết đã lâu, bà ngoại khuyên người mẹ tái giá để nuôi mấy đứa con của chị. Chị của người mẹ cũng yêu và làm vợ một chàng yêu nước. Chàng làm cách mạng, hoạt động ở chiến khu, rồi cũng thất bại, bị Việt minh săn đuổi, trốn về sống im lặng như câm như điếc, rồi nghiện ngập, lấy vợ kế, ngày ngày nằm hút, sinh con sinh cái (1). Giặc Pháp nó đánh tới, mọi người chạy tung chạy tóe, người nghiện ngại chạy. Thế là một tên lính tây đen xông vào nhà, nó giết phăng người cách mạng, nó hiếp người mẹ.
“Hoàn cảnh lịch sử” để lại xung quanh người mẹ một tập thể đại loạn đại náo: bao nhiêu con cái ấy đủ gây nên một cuộc chiến tranh thảm khốc. Con đời chồng trước gầm gừ với con đời chồng sau, con người mẹ thù hận con người chị của mẹ, con nhà cách mạng căm thù con rơi của giặc, con người cha bị giết không thể tha thứ đứa con của kẻ giết cha mình... Trong đám con chất chứa oán hờn đau khổ ấy, có kẻ hằn học bỏ nhà bỏ quê, có đứa biệt tích trong hoạt động vì tổ quốc, có đứa trốn dưới nách mẹ. Trong thực tế đã có những anh em huơ dao đòi giết nhau, có đứa đã treo cổ lên xà nhà tự tử. Đấy là con.
Còn chồng, thì anh chồng mất mạng trong tù cũng như anh chồng mất mạng tại nhà đều lần lượt trách mắng, oán hờn người mẹ “phản bội”.
Duy còn người mẹ. Người mẹ thì thương tất cả: chồng nào cũng thương, con nào cũng thương. Người mẹ là một khối tình thương tinh ròng. Ngôi nhà của mẹ, người ta đã kéo tới bủa vây tranh giành. Còn lại làm gia tài, họa chỉ còn khối tình thương.
Một người trong các người con có một lối nói ngộ nghĩnh về số phận mình: “Tôi tự ý cho tôi như một con vật đã bị cạo sạch lông lá, tay chân bị trói chặt, được xiên vào một cây tre hơ vào đống lửa đỏ dâng lên trong một cuộc tế thần. Tôi im lặng hứng chịu. Số phận tôi đã được nướng chín lên vàng nghệch thơm phức ngon lành. Đó là cuộc thiêu đốt hạnh phúc cho đau khổ ngự trị. Bao nhiêu hạnh phúc đã bị đốt cháy hun lửa.” (trang 89). Người đó không phải là người con bi quan nhất, tích tụ nhiều oán hận nhất đâu. Họ vậy vậy cả, khó phân biệt thấp cao.
Ý nghĩa cuộc chiến, cái đó cũng không hay ho gì hơn ý nghĩa cuộc sống.
Trong truyện “Ngày đốn cây vú sữa” một cặp vợ chồng già có hai người con trai. Thằng hai làm lính ở quận, thằng tư đi theo “Giải phóng”. Thằng hai mời cha mẹ lên quận ở với mình, cha mẹ lo mất liên lạc với thằng tư. Trước sự phân vân của cha mẹ, thằng hai bảo hãy quên thằng tư đi, thời buổi này "anh em phải bịt mặt mà giết nhau” thôi. Giặc giã kiểu này, kinh quá.
Trong Con sâu, một người lính nghĩ: “Nhập ngũ, đánh giặc, người ta nói tới những bổn phận, tôi vác súng ra trận và bắn như người ta nhắm tôi bắn vậy.” (trang 92). Một người lính khác bảo: “Tại sao nó đầu quân? Gặp Lực, tôi hỏi nó. Lực nói không biết, nó bỏ Di Linh về đây long rong, nằm với tao nhiều đêm trằn trọc không ngủ. Nó buồn chuyện gì mà không nói. Tới một hôm nó nói nó đầu quân. Tao ngạc nhiên nói: điên sao. Nó nói tao phải làm một việc gì.” (trang 111). Rồi một người lính khác nữa: “Thạnh nói ở dưới quê bây giờ không còn thanh niên nữa... phần đi lính, phần bị bắt đi bộ đội, ai cũng phải ở một bên, không muốn đi cũng không được, ở lại còn toàn đàn bà trẻ con, người già, ruộng vườn bỏ cả...” (trang 141).
Nhân vật này nói, nhân vật kia nói v.v... Xong, đến lượt tác giả “cảm nghĩ”: “Có dân tộc nào phải đau khổ đến chừng đó không?” và “Tại sao bắn giết nhau mãi? Tại sao không ngừng tay súng? Những câu hỏi làm tôi lả đi, tôi ở trong đó, những câu trả lời không đến, có lẽ chỉ còn cái chết?” Những lời dồn dập này thốt lên vào đầu năm 1975, vào giai đoạn chót của chế độ Miền Nam, vào lúc tay đã với sờ tới cuộc sụp đổ của Sài Gòn. Bài báo “Quanh bàn viết” này của Dương Nghiễm Mậu xuất hiện trên số xuân tạp chí Thời Tập.
Như thế từ nhân vật đến tác giả cùng một giọng: Cuộc chiến này có nghĩa gì? Không biết. Chỉ biết nó đang có đó, nó đang hoành hành ráo riết, và bất tận. Nó đang lôi cuốn mọi người vào cái chết. Vua kêu phải lính thì đi. Đi tất. Bên này hay bên kia, như nhau. Thượng đế không còn, thế hệ mồ côi này không tin vào đâu được, không biết hướng về đâu. Và thế hệ này của dân tộc này được tuyển để dẫn đầu tất cả thế gian về sự gánh chịu đau khổ.
Trước hoàn cảnh như vậy, Dương Nghiễm Mậu viết không phải viết chơi. Trone bài “Quanh bàn viết” vừa nói, ông có câu: “Văn chương có làm được gì không?” Nói thế tức ngầm ý cho rằng văn chương sinh ra có mục đích, không phải để chơi. Nó phải “làm”. Làm được gì hay không, sẽ xét sau. Nói thế tức là ông viết văn để chở ý, viết truyện có luận đề.
Truyện luận đề thì Nhất Linh thuở đầu xanh tuổi trẻ cũng từng viết. Về sau kiểm điểm lại, ông cho vì đó ông phạm cái lầm lớn nhất trong đời văn sĩ của mình. Lầm không phải ở chỗ viết có luận đề, ở chỗ dùng tiểu thuyết để làm một việc gì, nhưng lầm là không biết rằng trước khi muốn dùng nó làm việc gì, trước hết nó phải là cuốn tiểu thuyết hay đã. Muốn nó hay (vẫn theo Nhất Linh) thì phải tìm kiếm chi tiết cho hay, phải cố viết cho đúng tâm lý, phải cho nhân vật được linh hoạt. (Xem Viết và đọc tiểu thuyết.)
Nhưng ơ hay, việc gì Dương Nghiễm Mậu phải theo các qui luật Nhất Linh? Ông có chủ trương riêng có đường lối riêng, có cá tính riêng của ông chứ. Tính ông nóng nảy, sôi nổi. Ông cần nói gấp cảm nghĩ. Trước hết là cảm nghĩ, không phải là cái “hay”. Chi tiết chi tiết cái gì? Tên của nhân vật của địa điểm ông còn không kịp chú ý đến, hơi đâu tẩn mẩn mằn mó từng cái chi tiết chứ hả? Tâm lý tâm lý cái gì? Nhân vật cần gì tâm lý, cần gì linh hoạt? Mỗi nhân vật tiêu biểu cho một cảnh huống, mỗi nhân vật là một biểu trưng. Người mẹ tức thị là tình thương. Tên của người mẹ là tình thương. Tâm lý của người mẹ là thương người. Con bé út của người mẹ là biểu trưng cho đế quốc, cho kẻ thù. Như thế không đủ sao? Tại sao nó cần phải linh hoạt? Nó không cần cá tính riêng: một màu da đen của nó, đủ rồi. Thêm thắt cho lắm vào, không khéo lại hỏng. Chẳng hạn cho con bé một khuôn mặt đầy vết rỗ đậu mùa, cho nó một cánh tay gãy vì tai nạn ấu thời v.v..., như thế có thể gây sự hiểu lầm rằng nó bị anh em và xóm giềng ghét bỏ vì nó xấu xí, chứ không phải chỉ vì tư cách biểu tượng đế quốc ác ôn.
Con gái út lên tiếng là nhân danh một tư cách, cậu trai đầu nhân danh một tư cách khác, cậu trai thứ một cảnh huống khác; mỗi người một nghịch cảnh, một oan khiên. Mỗi người cất cái liếng nói thích hợp với vị thế, với tình huống của mình. Đừng thêm thắt, đừng cá biệt hóa họ, làm họ mất tư cách đại diện. Họ không cần có đời tư, không cần có diện mạo riêng, cá tính riêng, sở thích riêng, thậm chí một cái tên riêng lắm khi xét ra cũng chẳng cần thiết.
Những nhân vật ấy tất nhiên cực kỳ thảm não (nếu không thế, làm sao dân tộc chiếm được ngôi vị thứ nhất về đau khổ?). Dương Nghiễm Mậu là người sôi nổi, không ngại lời lẽ cực đoan; ông mà kể về đời sống, về tâm sự của đám nhân vật, tất phải nên chuyện gay cấn dữ dội. Nhưng lắm lần ông còn không chịu làm việc ấy. Như thế xét về kỹ thuật là chưa xứng đáng, là kém ép-phê. Ông trao lời cho nhân vật. Thế mới là diệu kế. Cũng giả sử như Lỗ Tấn không tự mình chép chính truyện mà nhường lời cho A Q. Như Vũ Trọng Phụng mời Xuân Tóc Đỏ chấp bút. Như Nam Cao thỉnh Chí Phèo với Thị Nở lên sân khấu, đưa máy vi âm tận mồm.
Kỹ thuật độc đáo ấy làm cho không khí trong tác phẩm Dương Nghiễm Mậu thật náo nhiệt. Mọi nhân vật đều lần lượt là “tôi”. Tôi này xỉ vả tôi nọ tưng bừng, các tôi nguyền rủa hoàn cảnh lịch sử, nguyền rủa xã hội, nguyền rủa thời đại inh ỏi. Không có tác giả nào theo kịp nhân vật mình. Dương Nghiễm Mậu khôn ngoan lánh mặt, đứng phía sau, cười cười, hiền lành.
Kỹ thuật ấy, kể ra không khỏi có chỗ bất lợi. Nhân vật đứng đầu về đau khổ tất có khi không giữ được bình tĩnh, có khi khác đâm mất cả quân bình tâm trí. Trong Con sâu chẳng hạn, nhiều lúc một nhân vật nói làm xàm dông dài không ra lý lẽ chuyện trò gì. Thành thử lúc bấy giờ khi truyện còn đăng từng kỳ trên báo, có những độc giả bảo con sâu của ông Dương thuộc về loài sâu dài nhất thế giới. Kỳ thực, lúc in ra thành sách, sách chỉ được vài trăm trang chứ bao nhiêu. Dài là do cái cảm tưởng của người độc giả mệt mỏi.
Sống ở Sài Gòn từ ngày di cư vào Nam cho đến khi hoàn tất sự nghiệp văn nghệ bề bộn của mình, Dương Nghiễm Mậu sống như một hiền giả thuộc các thế kỷ trước ở nông thôn. Giới chỉ đạo văn hóa Miền Bắc mô tả Sài Gòn như một thế giới sa đọa, ngập ngụa tội lỗi. Dương Nghiễm Mậu chưa hề được hướng dẫn để biết về cái Sài Gòn ấy.
Miền Nam sụp đổ, Dương Nghiễm Mậu bị bắt vào tù. Ngày được thả ra từ trại Phan Đăng Lưu, buổi sáng, ông Dương không có đồng tiền nào trong túi, Nhã Ca còn được năm đồng. Bà Nhã có người nhà đến đón về, ông Dương không có ai. Bà Nhã đưa cả năm đồng cho ông để đi xe. Óng cười lớn: “Anh là ông vua đi bộ ở Sài Gòn, cần gì xe cộ nữa.” Và ông ung dung vào quán gần đó, dùng năm đồng bạc của Nhã Ca uống một cốc cà-phê trước khi lên đường.
“Vua đi bộ”? Thật chăng? Ông Dương được phong “Vua đi bộ”? Thật chăng? Ông Dương được phong vương hồi nào vậy cà? Hay ông nói giỡn cho vui? — Không phải giỡn. Câu chuyện trước trại Phan Đăng Lưu là do Mai Thảo thuật lại trên số báo Văn đã dẫn. Trước đó, trước ngày sụp đổ Miền Nam không bao lâu, trong một bài “Quanh bàn viết” trên báo Thời Tập, Dương Nghiễm Mậu xác nhận mình không biết đi một thứ xe nào cả. Ông tóm tắt cuộc sống của mình: “Như đời sống một nông dân, buổi sáng thức dậy sớm, nấu cơm ăn trước khi đi làm. Tôi không biết đi một thứ xe gì, tôi di chuyển bằng những phương tiện chuyên chở công cộng và đi bộ... Mỗi ngày tới nơi làm việc, thỉnh thoảng di thăm một người bạn, uống một chai bia, ghé một phòng triển lãm nào đó, lang thang trong những tiệm sách, nơi lề đường... Những buổi chiều cơn mưa ập xuống tự pha cho mình một ly cà-phê nóng, những trang sách... đời sống của tôi thu hẹp lại trong những giới hạn ấy cùng với bàn viết mở ra những giấy, nơi tôi tìm thấy một niềm vui riêng...”
Trích dẫn như vậy, tôi định tò mò xía vào đời tư của ông đạo họ Phí chăng? — Không phải đâu. Vẫn chỉ là chuyện văn chương thôi. Từ Dương Nghiễm Mậu, chúng ta muốn có nhận xét tổng quát về đám người cùng huyết thống với ông, tức các nhân vật tiểu thuyết của ông. Đa số, họ thanh bạch, sống đời trong sạch, đều an bần lạc “đạo” như ông cả. Họ không sâm-banh sữa bò, không xe cộ xa hoa, không ăn chơi đàng điếm. Trong đời họ chỉ có lao khổ, trong đầu họ chỉ có chuyện nước non.
Trong truyện Dương Nghiễm Mậu thỉnh thoảng cũng có nhưng bữa nhậu tới bò lê bò càng; nhưng là giữa bạn lính cùng sinh tử với nhau, là la-de, là quán nghèo vậy thôi. Trong truyện ông dĩ nhiên có vợ có chồng, có sinh con đẻ cái theo lẽ tạo hóa; nhưng mê ly đú đởn thì không có đâu. Những cô cậu nhân vật của Khái Hưng Nhất Linh trước kia, cùa Nguyễn Đình Toàn Mai Thảo sau này, mà bị bắt bỏ vào trong thế giới tiểu thuyết của Dương Nghiễm Mậu kể như bị đày ra Côn Lôn, bị vất vào sa mạc.
Đã không có ái tình ướt át thơ mộng, cái khung cảnh làm nền cho các hoạt động của nhân vật nó cũng khô khan nghèo nàn. Trong truyện Dương Nghiễm Mậu thiên nhiên vắng bóng luôn. Trong sách ông Dương không bông hoa, gió trăng, không có chiều trên sông, rạng đông ngoài bãi, nắng ửng bìa rừng v.v... Cảnh vật không được như trong sách Thanh Tâm Tuyền, sách Nguyễn Đình Toàn, thậm chí còn thua cả trong sách thiền sư Nhất Hạnh. Tam quốc chí là chuyện giặc giã đánh giết nhau liên miên, vậy mà còn có đêm trăng đẹp đẽ cho Tào Tháo mần thơ để đời, còn có gái đẹp cho trai hùng ve vãn, có Lã Bố hí Điêu Thuyền. Nhân vật Dương Nghiễm Mậu không ai “hí” ai cả. Không hú không hí gì ráo trọi.
Trong một thời đại mồ côi. những nhân vật khắc khổ loay hoay giữa khung cảnh trống trơ, tuyệt vọng trong sự tìm kiếm một lối thoát. Trong thế giới Vũ Khắc Khoan có rượu ngon gái đẹp, có lời lẽ hoa hòe, cái khốc liệt sao bằng ở Dương Nghiễm Mậu, mặc dù họ Vũ chuộng người khốc liệt.
Đọc Dương Nghiễm Mậu trước 1975, kẻ ưu thời mẫn thế không sao tránh được sự lo lắng. E rằng tin tức cả đài truyền thanh lẫn đài truyền hình chính phủ cũng không sao an ủi nổi người độc giả Dương Nghiễm Mậu.
Nghe nói Nguyễn Hiến Lê đọc xong Má hồng của Đỗ Tiến Đức thì cho rằng Miền Nam sẽ đổ vỡ trong vòng mười năm. Ông Nguyễn mà chạm mặt các nhân vật Dương Nghiễm Mậu chắc chắn ông sẽ rút thời hạn đổ vỡ ngắn hơn nhiều.
Lỗi không ở Dương Nghiễm Mậu: Người dân và người lính đều tơi bời khổ sở mà không biết do đâu, đều tuyệt vọng vì chết chóc liên miên mà không biết vì sao phải bắn giết nhau; như thế đâu phải lỗi của một nhà văn gửi lầm sứ điệp! Chẳng qua là cái khó của thứ chiến tranh “ý thức hệ”. Làm sao quần chúng có thể sốt sắng tham gia vào cái thứ chiến tranh kỳ cục như vậy? Rủ nhau đi đánh cộng sàn vì tụi nó độc tài lắm, tụi nó mà kéo tới dây được thì tha hồ độc tài khát máu, tha hồ mất tự do, dân chủ v.v... Nói thế làm sao rủ rê ai được? Phàm người ta có liều chết chống độc tài là chống đối cái độc tài hiện đang đè lên đầu mình, hiện đang áp chế mình; chứ có ai lại liều chết đi chống một chế độ “sẽ” độc tài, một chế độ nó chỉ mới đe dọa từ xa thôi! Mất dân chủ, tước đoạt tự do thì ức thật. Nhưng ngay lúc bấy giờ người dân chỉ thấy chính nhà cầm quyền đang hạn chế tự do dân chủ của mình chứ còn ai nữa? Muốn tranh đấu dòi tự do dân chủ thì kéo nhau lên Sài Gòn biểu tình đòi thôi. Còn cộng sản thì còn xa. Nó có thể “sẽ” chuyên chính; nhưng đó là chuyện “hạ hồi”, tại sao phải tức khắc xông vào nó lúc này cho toi mạng? đâu phải dễ như đi biểu tình?
Dương Nghiễm Mậu là cây bút có lương tâm. Quyết nói lên trung thực những gì mình nghe thấy, tức là những oan khiên cùa thời đại. Việc ông làm, ngay lúc bấy giờ, không khỏi có người kêu: “Biết rồi. Khổ lắm. Nói mãi. Nhưng không tiếp tục đánh nhau thì bó tay chịu mất nước à?” Rồi sau khi mất nước, nhìn lại việc ông làm, không khỏi lại có kẻ kêu: “Thấy chưa? Than vãn, kêu ca cho lắm vào. Khiến dân mất cả tinh thần, làm sao tránh khỏi nông nỗi này?”
Kẻ nói qua người nói lại, oan cho ông Dương. Ông đâu muốn vậy? Nhưng sự thể đã vậy thì... “cũng đành” thôi. Ông đã hòa đồng với dân chúng, phản ảnh trung thực đời sống và cảm nghĩ quanh mình. Lại phản ảnh cách độc đáo nữa, thì... bất diệc lạc hồ!
8- 1996