Bài viết này của tôi đã bị ông Lê Thọ Bình thuổng nhiều đoạn quan trọng từ mấy năm trước, và cho tới nay là ba năm liền ông Bình vẫn trắng trợn để nguyên những chỗ đạo văn của tôi trong bài viết cũ về ông Nguyễn Hữu Đang trên trang: (https://xuandienhannom.blogspot.com/2014/08/tuong-nho-nguyen-huu-ang-mot-cuoc-oi.html); về chuyện này, bạn bè tôi trong hai năm liền cũng đã hai lần lên tiếng phê phán: (http://www.vandanviet.com/2014/08/the-nay-co-goi-la-ao-van-uoc-chang.html & http://www.vandanviet.com/2015/08/tap-bao-nhieu-roi-cua-chuyen-ao-van-vu.html). Nhưng ông Bình vẫn Măckênô, ngang nhiên bất chấp tất cả! Cực chẳng đã, tôi mới phải viết những dòng này và xin gửi đăng lại bài viết cũ của tôi, nhân dịp 103 năm ngày sinh của cụ Đang, và cũng để giới cầm bút nhận rõ thêm...
.
Lục lọi tủ băng tư liệu cá nhân để tìm hình ảnh cho một phim tài liệu sắp
thực hiện, tôi chợt tìm thấy cuốn băng DVC đề "Nguyễn Hữu Đang- 2004". Gần 10 năm qua, kể từ khi quay xong tư liệu đó, lần đầu tiên bây giờ tôi mới bật lên xem lại. Và những cảm xúc nghẹn ngào vẫn còn nguyên vẹn như buổi tối ấy...
Qua một người bạn chung biết được địa chỉ của ông Nguyễn Hữu Đang và được ông cho phép, nhà nghiên cứu sân khấu Nguyễn Văn Thành cùng tôi đến thăm ông tại một khu tập thể cũ kỹ ở Nghĩa Đô - huyện Từ Liêm (nay là quận Cầu Giấy). Đó cũng là thời gian tôi bắt đầu thực hiện cái công việc đã ấp ủ từ lâu- tức là đi tìm những nhà văn, nhà văn hóa cao tuổi để ghi lại tư liệu hình ảnh, ghi xong rồi cứ dành để đó, đợi khi có điều kiện sẽ làm phim chân dung...
Thoạt tiên, ông Đang thấy đồ lề quay phim cồng kềnh đi theo các vị khách thì có vẻ hơi khó chịu, và đề phòng. Chúng tôi đều biết rõ điều này: sau thời kỳ quản thúc ở Thái Bình, được về sống tại ngoại ô Hà Nội, ông bị kiểm soát như các thành viên cựu Nhân Văn, nhưng riêng ông thì không được phục hồi quyền phát biểu tự do như một công dân, không được quyền trả lời phỏng vấn công khai như những người khác. Điện thoại của ông thường chỉ nói được vài câu là đã lại u u u u... Ông giơ chiếc máy nghe cũ kỹ lên để cho chúng tôi biết ông bị nặng tai, và cầm cây bút ra hiệu là sẽ bút đàm. Trước khi đến với ông, qua một số tài liệu và được nghe kể lại không ít chuyện về ông, chúng tôi đã hằng ngưỡng mộ, kính phục và biết ơn ông- một nhà cách mạng chân chính có tinh thần độc lập, một người làm chính trị biết tôn trọng văn hoá như một sản phẩm tinh thần đặc biệt và đòi hỏi phải có không gian tự do để nó được phát triển...
Khi chúng tôi đến, bên cạnh những bát đĩa bẩn của bữa ăn trước lẫn với cà-mèn đựng xôi chưa ăn hết là mấy cuốn sách để trên bàn, chắc là ông đang đọc dở, như: "Retour de l' U.R.S.S"- A.Gide ( Trở về từ Liên Xô), "Histoire de la bombe atomique"( Lịch sử bom nguyên tử), v.v. Ông đã bước sang tuổi 90, cơm nước phải nhờ đến các cháu thay phiên tới giúp, song những hoạt động trí tuệ thì ai có thể thay thế được cho con người vốn có tinh thần độc lập từ xưa- kể từ khi ông bị thực dân Pháp bắt tra tấn và suýt đưa ra tòa lúc còn là vị thành niên?
Ngồi ở chiếc bàn vừa để ăn vừa để đọc sách của ông, nhìn quanh là mấy tấm ảnh kỷ niệm treo trên tường và bày trên bàn; và đập ngay vào mắt ta là tấm ảnh lịch sử: Lễ đài Ba Đình 2-9-1945 được ép plastic cẩn thận kê ngay ngắn trên một chiếc vỏ hộp bánh. Cuộc đời có thể tước đoạt của ông nhiều thứ song không thể tước đi quyền tự hào là người đã được chủ tịch Hồ Chí Minh trao cho trọng trách tổ chức ngày lễ Độc Lập ở Ba Đình, và tới năm 1947, ông vẫn còn được coi là nhân vật quan trọng nhất nhì bên cạnh chủ tịch Hồ Chí Minh... Đứng trước ông- một trong những anh hùng lỗi lạc của văn hóa-giáo dục VN thời hiện đại, con người đã dám làm dám nói tất cả những gì mà ông từng suy ngẫm và cho là đúng, chúng tôi thấy mình thật bé nhỏ! Song tài bút chiến tựa huyền thoại của ông vốn dành cho một nền văn hóa đúng nghĩa, cho một xã hội pháp trị - xã hội công dân, giờ đây chỉ để dùng để bút đàm một cách vui vẻ với những kẻ vô danh tiểu tốt như chúng tôi!
Mái đầu húi cua bạc cháy tựa nương cằn miền núi sau trận cháy rừng giờ không còn ngẩng cao kiêu hãnh mà hơi cúi gằm bởi năm tháng, nhưng cái vóc dáng cồng kềnh và chắc chắn của ông vẫn cho thấy một nghị lực sống được nén lại, và đôi lúc ánh mắt ông vô tình vẫn lóe lên những luồng ánh sáng trí tuệ khiến chúng tôi như bị thôi miên. Nhìn ông, ai có thể tin rằng: sau mười lăm năm tù đầy, ở tuổi 63 ông đã từng phải sống nhờ vào côn trùng và cóc nhái chuột rắn trong suốt hơn mười lăm năm vất vưởng bên lề xã hội ở một làng quê Thái Bình... Trải qua quá nhiều nỗi đớn đau thử thách, và ở giai đoạn cuối cuộc đời vẫn phải lo tránh cạm bẫy, ông phải tự giữ gìn và giữ cho cả người đang đối thoại với mình mà bằng trực giác ông biết là lòng lành, song dường như ông vẫn không bị mất đi sự sắc sảo pha chút hóm hỉnh...
Khi chúng tôi viết hỏi ông: "Bác hiện đang sống thế nào, thu nhập có đủ sống không?" Ông viết trả lời: "Chưa kể trợ cấp được lĩnh của BAN QUẢN TRỊ TW ĐẢNG mỗi tháng 600.000đ thì riêng lương hưu của tôi cũng đã trên 1 triệu đồng". ( Viết hoa và gạch dưới trong nguyên văn). Hỏi: "Bác kể cho nghe vài chuyện về ông Trần Thiếu Bảo nhé ?" (Nguyên giám đốc nhà xuất bản Minh Đức, và ông Đang đã từng giúp ông Bảo điều hành nhà xuất bản này, tổ chức in lại những sách giá trị thời tiền chiến của Vũ Trọng Phụng, Khái Hưng, v.v.). Trả lời: "Nếu Thiếu bảo còn sống đến bây giờ thì văn nghệ Việt Nam vui hơn, ông ta biết bày trò và có khả năng." Khi chúng tôi mon men hỏi đến những vấn đề "nhạy cảm"- như về "Văn Hóa", hay động đến hai chữ "Nhân Văn", thì những lúc đó ông tìm cách lảng xa, hoặc vờ lơ đễnh trả lời sang chuyện khác. Ông Đang có thể nói là một trong những ông tổ của nền văn hóa cách mạng- với loạt bài viết về văn hóa trong năm 1945 đã xác định lập trường văn hoá và đường lối hoạt động của Hội Văn Hoá Cứu Quốc, coi việc xây dựng văn hoá là xây dựng đời sống tinh thần của con người, đi đôi với công cuộc đấu tranh chống áp bức, nô lệ. Còn vì hai chữ "Nhân Văn", ông đã bị giới lãnh đạo văn nghệ miền Bắc thời đó trù dập và không ít nhà văn nhà thơ đã gọi ông là "hắn", "y", bởi "đã trở thành một thứ lãnh tụ của một bọn người cơ hội, có âm mưu chính trị..."(Sách "Bọn Nhân văn Giai phẩm trước tòa án dư luận"). Vì vậy, chúng tôi chuyển hướng, cho ông đỡ mệt mỏi và sợ hãi, bằng những câu hỏi vô thưởng vô phạt, kiểu như: "Bác đánh giá về Lão Tử thế nào?", "Bác thích nhà văn nước ngoài nào hơn cả", v.v. rồi chúng tôi cũng mau chóng tự thấy mình vô duyên mà không hỏi gì thêm.
Nhưng chính lúc đó thì ông lại chủ động. Ông không bút đàm nữa, ông trút bỏ nỗi sợ cố hữu, cũng bởi ông thừa biết chúng tôi là vô hại, hơn nữa, là những kẻ khờ dại đã bị lầm lạc quá lâu trong quỹ đạo tuyên truyền chung mà ông thấy tội nghiệp, xót thương... Ông nói: "Các cậu chờ chút!" Ông bước vào giá sách góc nhà lục tìm cái gì đó. Ngay lúc ông vừa quay đi, trước mắt chúng tôi là những mảng lưng hở qua chiếc áo bở tã đến thê thảm! Bóng ông lúi húi bên cạnh tấm ảnh Dostoievski chợt nhòe đi. Bên dưới tấm ảnh văn hào Nga được nhiều thế hệ độc giả Việt yêu quý là chiếc tủ lạnh cũ. Bất giác tôi đứng lên, bước tới chiếc tủ lạnh, tự động mở ra: cả hai ngăn trên và dưới đều trống rỗng!... Chiếc bàn nhỏ kê sát giá sách để chiếc điện thoại bàn, chiếc kính lúp, cái đèn pin, mấy cục pin con thỏ, v.v.
Ông Đang dường không chú ý tới việc tôi mở tủ lạnh và quan sát đồ dùng sinh hoạt trong phòng ông, chắc bởi lúc đó ông muốn thông báo với chúng tôi điều gì hệ trọng qua một một cuốn sách lớn dày cộp đang ôm trên tay. Thì ra là điều này: ông chỉ tay vào bìa cuốn tiểu từ điển Bách khoa "Petit Larousse" in năm 2000, trên đó ông dán một mẩu giấy có chữ nắn nót của ông: "Mất từ tr. 865 đến tr. 968". Rồi ông háo hức mở cuốn sách ra để chứng minh điều mình đã thông báo. "Ai đã xé nó đi? Gần 100 trang đó gồm những mục gì hở bác?"- chúng tôi nóng ruột hỏi. Ông thở dài, lắc đầu khẽ và ngơ ngác như vẫn không tin nổi đó là sự thật giữa cái thời buổi thông tin toàn cầu, giữa một xã hội Dân chủ... Ông khẽ trả lời: "Những người có trách nhiệm kiểm soát và chuyển nó đến cho người nhận, chứ còn ai vào đây nữa?! Còn những mục gì ư? Chỉ là những thứ mà theo người ta, sẽ đầu độc một lão già vô hại là tôi!"- Câu cuối ông nói vừa có gì diễu cợt lại vừa đượm nước mắt... Một công trình văn hóa hoàn hảo, một trong những biểu tượng của trí tuệ nhân loại bị phá hoại bởi những người quen thói bao cấp tư tưởng, quen hăng hái săn sóc tâm hồn và tri thức cho người khác- kể cả những người đương nhiên là bậc thầy về văn hóa của họ! Thực là một tấn bi hài kịch không đáng có vậy mà đã diễn ra không chỉ một lần!
Chúng tôi chia tay ông Đang, kịp lưu giữ lại ấn tượng về một cụ già quen sống cô độc nhiều năm ròng, ít có khả năng tự phục vụ được mình trong sinh hoạt đời thường song lại rất minh mẫn, chưa mất khả năng hài hước, và nhất là vẫn lao động trí óc một cách căng thẳng...
Chúng tôi hy vọng và tin tưởng rằng: rồi sẽ tới ngày mà những bài viết của ông sẽ được sưu tầm lại một cách đầy đủ, công trình lao động trí óc của người từng đi trước xã hội hàng mấy chục năm đó sẽ được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, hệ thống (kể cả gần trăm trang sách mang tên học giả P. Larousse bị xé đi) phản ánh những ưu tư trăn trở của ông Đang suốt hàng chục năm ròng, chứa đựng những thao thức tìm tòi các giải pháp cứu vớt xã hội của một trái tim ưu thời mẫn thế có tầm nhìn được sự hỗ trợ bằng nền tảng tri thức nhiều thế kỷ!
Ba năm sau, khi chúng tôi bố trí được thời gian, hẹn hò với nhau định đến thăm ông lần nữa thì được tin ông qua đời...
Hà Nội, đầu tháng 9-2012
Đạo diễn, nhà văn Mai An Nguyễn Anh Tuấn
TNc: Chúng tôi tôn trọng ý kiến của tác giả bài viết và tác giả chịu trách nhiệm về những gì đã viết.