Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐỌC SÁCH GIÁO KHOA “VIỆT SỬ” CỦA TỪ NGỌC

Nguyễn Hữu Đang
Thứ hai ngày 15 tháng 8 năm 2016 1:54 PM

(Viết cho lớp ba Tiểu học)
Lời dẫn của Kiều Mai Sơn: Trên số báo thứ 110 của tờ Sự thật ra ngày 25-4-1949, có đăng một bài viết với tiêu đề như trên của Nguyễn Hữu Đang. Bấy giờ ông đang công tác bên ngành Bình dân học vụ (đóng ở Thanh Hóa), và thường hay cộng tác với báo Sự thật, cơ quan của Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương mà thực chất là Đảng Cộng sản Việt Nam sau khi rút vào bí mật.
Đây là một tư liệu đặc biệt quý giúp cho sự nhận diện rõ hơn chân dung của Nguyễn Hữu Đang với tư cách là một nhà văn hóa - giáo dục. Đồng thời, chúng tôi cũng muốn coi đây là một sự tri ân đầy ý nghĩa đối với bậc tiền bối đáng kính nhân dịp kỷ niệm lần thứ 103 năm ngày sinh của ông. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Từ ngày kháng chiến toàn quốc đến nay, ông Từ Ngọc Nguyễn Lân là người soạn được nhiều sách giáo khoa nhất. Sự cố gắng của ông cần được giúp đỡ. Các cơ quan ngôn luận cơ bản nhận giới thiệu những sách ấy với công chúng và những người quan tâm đến việc học của thanh niên không nên bỏ cơ hội góp ý kiến với tác giả để việc soạn sách giáo khoa được ngày thêm hoàn hảo.
Viết cuốn Việt sử, ông Từ Ngọc chỉ nhằm một mục đích gần gũi, nho nhỏ, song cuốn sách tự nó nhắc đến hai vấn đề quan trọng: phương pháp viết sử phương pháp dạy sử.
Vấn đề trên, từ sau Cách mạng tháng Tám tới nay, chỉ mới có ông Đào Duy Anh nói qua đến một lần trên tạp chí Tiên phong và ông Trần Văn Giáp đề ra trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc hồi tháng bảy năm ngoái, mà chưa hề có một cuộc thảo luận đến nơi đến chốn nào. Tôi thắc mắc về sự thiếu sót đó nhưng không bàn trong bài này, xin nhường lời cho những nhà sử học đủ thẩm quyền. Tôi chỉ có một vài nhận xét về cuốn sách giáo khoa của ông Từ Ngọc nói riêng và vấn đề dạy sử ở trường học nói chung.
Ông Từ Ngọc vừa là một người nghiên cứu đã từng viết sử, vừa là một giáo sư lão thành, vừa là một nhà văn. Nên chi cuốn sách của ông dễ đạt được những đặc sắc có thể là rất khó khăn đối với một tác giả khác. Bốn mươi hai bài gọi là “truyện danh nhân” với những đầu đề bóng bẩy, ý nhị như “Thù chồng nợ nước”, “Anh hùng Dạ Trạch”, “Sóng Bạch Đằng”, “Cờ lau tập trận”, “Châu chấu đá voi”... nối tiếp nhau theo thứ tự thời gian như những cái mốc rải rác trên quá trình đấu tranh của dân tộc Việt Nam suốt từ Hồng Bàng kỷ đến nền Dân chủ Cộng hòa. Truyện nào viết cũng giản dị mà linh động khiến người đọc ham thích. Nhiều đoạn sẽ gây cho trẻ em cái cảm giác như cùng sống với người xưa trong những giờ phút đau khổ, hồi hộp hay quyết liệt, anh dũng. Em nào đọc truyện An Tiêm mà chẳng say sưa với những câu tả sự gặp gỡ đầu tiên của con người thượng cổ với quả dưa hấu:
“Ngoài là vỏ xanh đen, trong là cùi trắng, rồi đến ruột đỏ như tiết, vân nổi lên bên cạnh những hột đen nhánh; cái màu tươi thắm, như xui chàng thử nếm xem sao; chàng cắt một khoanh, đặt lên lưỡi thì cảm thấy một vị ngọt ngào, êm dịu, một hương thơm nhẹ nhàng...”
Còn gì phô diễn lòng hâm mộ và sốt sắng ủng hộ của những phụ nữ thôn quê đối với cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu bằng mấy lời ca dao:
Ru con con ngủ cho lành
Để mẹ gánh nước rửa bành con voi
Muốn coi, lên núi mà coi
Coi bà quan tượng cưỡi voi bành vàng.
Rồi những cảnh Trần Nhật Duật thi gan với địch, một mình một ngựa thản nhiên đi vào giữa rừng gươm giáo đầy sát khí, Trần Bình Trọng khảng khái trước Ô Mã Nhi, Nguyễn Biểu bị trói ba ngày ở chân cầu Lam luôn miệng chửi mắng Trương Phụ cũng như những trận Bạch Đằng, Đống Đa đều có thể khiến trẻ em nhảy nhót lên được.
Những bài sử ký vui, kích thích tâm trí học trò được như vậy, nếu chỉ đứng về mặt cách thức giảng dạy mà xét thì thực là một sự thành công đáng kể. Tiếc rằng nhiều lúc tác giả đi hơi xa nên sự cố gắng làm vui đã trở thành con dao hai lưỡi mà dưới kia chúng tôi sẽ nói rõ.
Dạy sử vui cốt cho học trò ham biết sử, nhưng không phải biết để mà biết, mà là biết để có một thái độ nào, những hành động nào. Bởi vậy nhiều bài sử của ông Từ Ngọc thường kết thúc bằng một bài học thực tiễn rút trong kinh nghiệm của người xưa: An Dương Vương “quá tin người mà không đề phòng ngoại xâm, không rèn luyện binh mã, đến khi giặc đến tất phải thua”; Triệu Quang Phục “đã áp dụng một chiến thuật giống hệt chiến thuật du kích của bộ đội ta ngày nay. Họ Triệu đã thắng quân Lương thì nhất định cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của chúng ta cũng sẽ được thắng lợi”; và “dưới chế độ vua quan” thì “một người ái quốc có tài như Nguyễn Trường Tộ cũng phải bó tay” v.v...
Trong một vài trường hợp tuy kể chuyện danh nhân ông cũng không quên hẳn dân chúng. Ông cho trẻ em biết khi hai Bà Trưng nổi lên “dân gian rủ nhau xung vào đội nghĩa binh để theo hai Bà đi trừ giặc”; khi Bà Triệu khởi nghĩa “phụ nữ hồi ấy, dù là những kẻ quê mùa cục mịch cũng tham gia nhiệt liệt vào công cuộc kháng chiến”; “Những người đứng lên cầm quân đuổi giặc Đường phần nhiều chỉ là những kẻ thường dân, thấy giặc tham ác, không chịu được, nổi lên đánh phá”.
Chắc chắn những ưu điểm nói trên sẽ làm vừa lòng các nhà giáo mặc dầu nội dung cuốn sách còn thiếu nhiều phần thiết yếu mà vì điều kiện vật chất eo hẹp tác giả đã phải hy sinh, như những câu hỏi thử thông minh, giải nghĩa chữ khó, bản đồ, tranh ảnh.
Nói vậy không phải là cuốn sách không có những khuyết điểm lớn.
Trước hết chúng tôi không hoàn toàn đồng ý với ông Từ Ngọc về mục đích việc dạy sử ở bậc tiểu học.
Trong “lời soạn giả”, ông nói: “khoa Việt sử ở bậc tiểu học chỉ có mục đích giáo dục chứ không có tính cách khoa học” dường như giáo dục có những trường hợp cần phải không khoa học! Thực ra, nếu ông Từ Ngọc đã ấn định nhiệm vụ giáo dục của khoa Việt sử ở trường tiểu học là dạy cho trẻ em biết gốc tích nước Việt Nam, biết yêu Tổ quốc và biết làm phận sự người công dân, mà ông không cho nó khoa học thì nó làm tròn nhiệm vụ kia thế nào?
Phân tách ý ông Từ Ngọc, ta thấy ba điều nhầm:
Một là cho rằng dạy sử cho trẻ em chỉ cốt rút ra những bài học xử thế thì không cần phải là sự thật, miễn có truyện để làm thí dụ, để làm gương là được rồi. Chỗ này, chúng tôi xin trả lời vắn tắt là truyện càng có nghĩa lý, càng khoa học, càng thật bao nhiêu thì càng ảnh hưởng mạnh mẽ đến tâm hồn trẻ em bấy nhiêu, và do đó bài học xử thế càng có giá trị.
Hai là đem truyện hoang đường, quái đản vào sử ký với ý định mở mang, trau dồi trí tưởng tượng của trẻ em. Chỗ này có sự lẫn lộn. Cố nhiên, hầu hết các nhà giáo dục đều nhận cần phải hướng dẫn cho trí tưởng tượng của trẻ em được nẩy nở, vẫy vùng trong những truyện kỳ ảo, thần tiên. Song người ta chỉ dùng truyện cổ tích, truyện giải trí thế nào cho trẻ em vẫn cảm, vẫn sống với các nhân vật trong truyện, mà không bao giờ tin như đinh đóng cột rằng đó là những sự thật về tổ tiên mình. Cưỡng bức sử ký làm việc ấy là thừa mà lại nguy hiểm. Bao nhiêu những “tục truyền rằng” rất phong phú, rất nên thơ, rất có ý nghĩa mà ta thừa hưởng được của tiền nhân, đáng cho ta quí báu nâng niu thật đấy, nhưng ta phải biết dùng cho đúng chỗ. Ta xếp nó vào cái ô cổ tích, giải trí, chứ nhất định không nên đem làm một thứ sử giả hiệu như trước nữa.
Ba là tin rằng dạy sử cho trẻ em lúc đầu có thể bịa đặt cho vui, rồi về sau sẽ đính chính cũng không muộn. Kể dạy cho vui thì toán pháp, địa lý, cách trí đều cần dạy cho vui, có lẽ ta cũng phải bịa đặt cả sao? Hơn ai hết, ông Từ Ngọc thừa biết không thiếu gì cách dạy vui mà mà vẫn đúng. Nếu mà muốn dạy vui mà đến nỗi những điều trẻ học năm sau lại đính chính những điều chúng học năm trước, thì trong cái năm sau ấy trẻ em hoặc sẽ rối trí, hoặc sẽ hoài nghi: những điều ta đang học đây chưa lấy gì làm chắc, rất có thể sang năm sẽ lại bị đính chính nữa!
Những cái nhầm trên đã làm cho tác giả nhiều khi nghiêng hẳn về dã sử và sử ký tiểu thuyết hóa. Dưới ngòi bút ông, một vài vị anh hùng dân tộc vốn rất thật đã phảng phất bóng dáng những Nam hải dị nhân: Nguyễn Biểu cầm đũa khoét đôi mắt ở một chiếc đầu lâu chấm dấm mà nuốt ngon lành. Khi nào tác giả cho là dã sử chưa đủ gây hứng thú thì nhà tiểu thuyết ở tác giả giúp sức: trăm trứng mà Âu Cơ đẻ ra đều “tròn trĩnh xinh xắn, trứng ấy nở ra thành 100 người con trai mặt mũi sáng sủa, khôi ngô”, và khi một bọn lên miền thượng du, một bọn xuống miền châu thổ thì “vợ chồng con cái gạt nước mắt chia tay”; đời Hùng Vương, các hoàng tử dâng lên vua cha những món ăn Tàu bây giờ, “nào nem công, nào tổ yến, nào bóng cá, nào gân nai” và, trong một xã hội bộ lạc, họ ngự trong những “nhà vàng, gác tía”!
Sau hết, tác giả cũng như một ông thầy, phải có một phương pháp nhận thức cho đúng. Nếu không dù dụng ý tốt mấy cũng dễ đưa học sinh đi lạc đường.
Đọc Việt sử, chúng ta lấy làm vui mừng mà nhận thấy tác giả đang đi theo một hướng tiến bộ, nhưng ít nhiều quan điểm cũ quá dai dẳng vẫn còn lẩn quất quanh ông. Như những sợi dây vô hình nó làm vướng chân ông trong khi ông bước mạnh. Ông chưa nắm vững phương pháp nhận thức mới.
Ông có nhớ đến dân chúng, nhưng ông chưa đánh giá được đúng mực vai trò trọng yếu của dân chúng trong lịch sử. Trong cuộc khởi nghĩa của hai Bà Trưng, trẻ em không thấy sự thức dậy ào ạt của tinh thần dân tộc, sự nhân dân tự động nổi lên hưởng ứng khắp nơi trước khi quân của hai Bà kéo đến. Sau Mai Hắc Đế và Bố cái Đại vương, cho đến tận Hoàng Hoa Thám, Việt sử chỉ có toàn những vua, quan, tướng. Tài năng, chí khí của họ định đoạt hết thảy. Bao nhiêu triệu dân chìm đâu mất. Nguyễn Huệ ở đây được trình bày dưới hình ảnh một vị hoàng đế oai phong lẫm liệt mà gốc tích thế nào trẻ em không biết (chín mươi phần trăm học sinh tiểu học bây giờ là con nông dân, ta hãy tưởng tượng các em sẽ sung sướng thế nào khi biết rằng Nguyễn Huệ là một nông dân khởi nghĩa!). Cả đến những cuộc kháng chiến vĩ đại như chống Mông Cổ, đánh quân Minh, trẻ em cũng không được biết nhân dân tham gia, ủng hộ, chịu đựng, chiến đấu ra sao. Trong tình trạng ấy, không những trí phán đoán của trẻ em bị đánh lừa, mà trẻ em còn khó lòng có một ý niệm rõ ràng về nghĩa vụ và năng lực người dân mà phụng sự và tự tin.
Đành rằng theo chương trình đã định của Bộ Giáo dục, cuốn Việt sử chỉ kể chuyện danh nhân. Nhưng kể truyện danh nhân mà ta tách họ ra khỏi dân chúng, ra khỏi những điều kiện xã hội đã tạo ra họ và đã góp phần quyết định vào sự thành công, thì hình ảnh họ dù được tô điểm thế nào, trước con mắt của trẻ em, cũng chỉ đẹp như hình ảnh những nhân vật tượng trưng trơ trọi trên sân khấu.
Vì không nắm vững phương pháp nhận thức mới, tác giả vẫn còn bị những thiên kiến của nhà nho về “ngụy triều”, về “quân giặc” ảnh hưởng. Cuốn Việt sử không có chỗ cho Lê Hoàn và Hồ Quý Ly, nhưng có chỗ cho cái ông hoàng Lang Liêu nào đó đời Hùng vương vì tục truyền rằng ông ta đã phát minh ra bánh chưng, bánh dầy. Khi nói đến Hồ Quý Ly, ông dùng lời khinh bỉ: “Người Minh bắt được cha con Quý Ly giải về Tàu”, cũng như khi nói đến một cuộc võ trang tranh đấu chống triều đình phong kiến của dân vùng núi, ông viết: “năm 1280 ở đạo Đà Giang bọn Mường Trịnh Dác Mật làm loạn”.
Những khuyết điểm mà cuốn Việt sử đã phạm phải có ba nguyên nhân sâu xa:
1- Những sử cũ chưa được đem duyệt lại;
2- Phương pháp viết sử khoa học chưa được phổ biến;
3- Nguyên tắc dạy sử ở trường học chưa hợp lý.
Trong kỳ đại hội nghị giáo dục vừa rồi ông Thứ trưởng Nguyễn Khánh Toàn, trong một bài thuyết trình, nhân nói đến dân tộc hóa giáo dục, có đề ra việc lập ngay một cơ quan nghiên cứu sử và biên soạn sách sử ký. Chúng tôi rất hoan nghênh sáng kiến đó và mong nó sẽ được thực hiện nhanh chóng.
Nhưng ròi đây, khi đã có sách sử ký giá trị rồi ta sẽ đem dạy thế nào? Trả lời câu hỏi này, ông Giăng-ba-bi (Jean Baby), giáo sư thạc sĩ, trên tạp chí Tư duy (La Pensée) đã có lần hô hào đưa sử ký lên địa vị một môn học căn bản và ông mạnh bạo chủ trương “trẻ em trước hết phải biết lịch sử cuộc tiến hóa kinh tế và chính trị của các thứ xã hội”.
Như vậy sử học là môn học căn bản soi sáng tất cả các môn học khác. Những kiến thức về văn nghệ và khoa học mà không có những kiến thức về sử học làm nền tảng thì chỉ tạo nên những trí thức cô độc, thiếu tinh thần nhân văn, mà cái biết chuyên môn càng cao lại càng làm cho lệch lạc. Rốt cuộc thường là nhiều năng lực không đem tiêu vào những hành động hoàn toàn ích lợi cho tiến bộ.
Môn học sử ở nhà trường quan niệm như thế tất phải được trình bày tổng quát, mạch lạc, từ nhân chủng, kinh tế, văn hóa rồi mới đến chính trị, quân sự. Chương trình bậc học nào cũng phải mở đầu bằng tiến hóa xã hội nói chung rồi mới đến tiến hóa riêng của dân tộc. Chỉ khác là ở bậc dưới sơ lược, ở bậc trên kỹ càng: một bức tranh thoạt tiên mới có vài nét chính dần dần được vẽ thêm chi tiết.
Tất sẽ có người lo như thế quá khó đối với học sinh tiểu học. Họ không ngờ rằng khó hay dễ hoàn toàn do chi tiết chương trình của mỗi lớp và cách thức giảng dạy của mỗi ông thầy. Còn đối với một học sinh bắt đầu học sử thì hiện tượng, sự việc xã hội cổ nào cũng mới lạ, trừu tượng, phức tạp ngang nhau. Không phải những vấn đề dân tộc (như nhà Hán đô hộ Giao Chỉ chẳng hạn) vì phạm vi hẹp hơn mà dễ nhớ, dễ hiểu hơn những vấn đề nhân loại (như đời sống bộ lạc chẳng hạn). Trái lại, khi đã có một ý niệm, một hình ảnh về tiến hóa nhân loại rồi thì nhìn vào tiến hóa dân tộc trẻ em sẽ thấy rõ ràng ngay.
Một mặt nữa, mỗi môn học khác phải được đặt nằm trong đường tiến hóa lịch sử mà trình bày. Giảng viên phải nhận rõ và cảm sâu sắc rằng sự phát triển của môn mình dạy có liên quan mật thiết với sự phát triển của kinh tế, chính trị.
Cả hai việc viết sử và dạy sử hiện thời có được chỉnh đốn lại, trường học mới thoát ra khỏi những cái nạn dã sử, sử hoang đường, sử biên niên, sử triều đại, sử danh nhân, sử một mặt (chính trị hay quân sự) rối ren, vụn vặt, rất ít hiệu quả trong việc rèn luyện thanh niên.
Ngày mà viện sử học đã có thành tích và việc dạy sử ở trường học đã xoay hướng hẳn lại thì một người có năng lực như ông Từ Ngọc sẽ cống hiến cho nền giáo dục những sách hay một cách dễ dàng.
NGUYỄN HỮU ĐANG
Kiều Mai Sơn sưu tầm và giới thiệu