( Giới thiệu tập truyện ngắn “ TÀ ĐẠO THỬ MỘT LẦN “ của nhà văn Nguyễn Thị Thu Trân-NXB Văn Nghệ TP Hồ Chí Minh năm 2016 )
Truyện ngắn của nữ nhà văn Thu Trân mà bạn sắp đọc không phải là truyện cực ngắn, nhưng cũng không phải là kiểu truyện ngắn theo lẽ hiểu thông thường. Các tạp chí, các báo hàng ngày bây giờ không thích in các truyện ngắn mà lòng thòng, mà vân vi. Cả bạn đọc ở thời buổi nghe-nhìn này nữa cũng không còn đủ bình tâm mà đọc cho đến dòng cuối một truyện ngắn quá dài. Dường như nắm được thực tế này nên nữ nhà văn đã tìm cách “ứng phó” để thích nghi. Ngắn gọn, tiết tấu nhanh, súc tích là ưu điểm ngòi bút của nhà văn được ghi nhận trong tập sách này.
Dường như Thu Trân đành phải từ bỏ (ít nhất là trong mấy chục truyện in trong tập này) lối viết kể chuyện kỹ càng, những dòng ký thác tâm sự, những đoạn trữ tình ngoài lề… của các truyện ngắn vài ngàn chữ mà chị đã viết và xuất bản trước đây. Viết mà gom chặt chữ lại, viết mà không được thả cho bay tung đàn chim của trí tưởng tượng, viết mà luôn phải ý thức về số dòng số trang… quả là một sự “cần kiệm” thách đố nhà văn trong thời đại kỹ thuật số này! Nhưng chính từ cái khó, cái cực này lại hé lộ ra một bản lĩnh. Sự cứng cỏi, dày dặn về kinh nghiệm viết của nhà văn đã tha hồ được tung tẩy và đưa đẩy. Với Tà đạo thử một lần, nhà văn Thu Trân đã không lặp lại chính mình trong các tác phẩm trước đây như Hồ thiêng, Chông chênh ngọn gió trở về, Bốn người nhẹ như chiếc lá, Gia phả mùi rơm rạ…
Ngắn đấy, nhưng truyện nào của chị cũng có tích. Áp gần đề tài báo chí , ví như truyện Bờ sông có gốc cây gãy là nỗi đau của ông già bên chén rượu, đâu chỉ đơn giản vì diễn tiến của khúc sông đang bị san lấp ngay trước mắt. Chén rượu chát ông nâng lên đặt xuống mỗi ngày còn có vị đắng bởi sự vô cảm của người con trai lớn và cô con út. Còn có nỗi đau tận cùng hơn mà ông chưa biết, cô con gái rượu của ông mang thai với một gã “ngơ ngơ” trong làng mà chỉ có khúc sông đang bị lấp hiểu hết mọi điều.
Những truyện ngắn một vài ngàn chữ trong Tà đạo thử một lần còn nổi lên một điểm mạnh khác: tất cả đều có lớp lang, đều dẫn tới cái kết cục hết sức bất ngờ- chúng giống như giọt nước cuối cùng làm tràn đầy ly nước cảm xúc của độc giả. Ngay những truyện ngắn rất dễ sa đà thành một ghi chép như Ghiền thuốc, Cái tội cười… ngòi bút Thu Trân cũng biết dẫn dắt người đọc chúng ta đi qua những khúc khuỷu, gập ghềnh để mở ra một lối ngoặt không ngờ trước. Nhà thơ ghiền thuốc lại được yêu tình yêu của chính mình nhờ “bản lĩnh hồng hoang”, không mặc quần mà “hồn nhiên” để chiến thắng trong cuộc thi vừa tắm vừa hút thuốc. Anh chàng trẻ tuổi bị người yêu “xù độ” vì tội cười xun xoe vô cảm hàng ngày trên báo đài… Dù nội dung nhiều truyện vui lạ, cần mẫn chắt lọc từng con chữ, nhà văn vẫn diễn đạt các cấu trúc câu giản dị và dễ hiểu. Nhưng không vì vậy mà không bắt gặp những câu văn, đoạn văn giàu chất triết lý hoặc trữ tình . Đại loại như: “Sông không phải của tao, nhưng mà sông cũng không phải của riêng ai hết, lại càng không phải của tiền” (Bờ sông có gốc cây gãy); “Nhớ thuở hai mươi có hai người yêu nàng tha thiết. Mãi đến bây giờ, đã hai lần hai mươi mới biết, lúc đó nàng chẳng yêu ai cả” (Rồi hai mươi năm sau)…
Giải thích lý do vì sao đây, khi tôi phát hiện ra, nhiều truyện ngắn trong Tà đạo thử một lần hàm chứa nội dung của một cuốn tiểu thuyết. Ví như các truyện Thèm chết, Xe ôm, Xênh xang mùa vọng, Yêu cho biết đêm dài… Người viết không có thời gian ngồi vào bàn? Hay nhà văn đang bó tay trước thực trạng xuất bản hôm nay? Hoặc vả nhà văn tỏng tòng tong biết rõ văn hóa đọc đang bị soán ngôi bởi văn hóa nghe nhìn? Điều này nói ra, tôi chỉ muốn một lần nữa nhấn mạnh tới tính cô đọng, súc tích và cách nén chữ đến tận cùng trong những trang viết bạn đang có trong tay.
Hơn ba chục truyện in trong tập sách này đề cập tới nhiều mẫu người thời cuộc, những tình cảnh trớ trêu đau lòng, dở khóc dở cười mà chúng ta đang phải mang vác, ứng phó hàng ngày. Ấy thế nhưng văn chương của Thu Trân không nhằm phơi ra những ung nhọt thối tha của cuộc sống, những mẫu hình nửa người nửa ngợm; càng không phải lên giọng cao đạo, dạy bảo, bày vẽ…Văn chương của chị là nỗi buồn phải sẻ chia; là sự gạn lọc ra những mạch nước trong, những đốm lửa hồng… để nâng giúp bạn đọc vượt qua những thử thách, những khó khăn vây bủa hàng ngày. Thiết nghĩ tính nhân văn, giá trị lâu dài của Tà đạo thử một lần là ở đây!
Tôi vinh dự được tác giả cho đọc trước, xin giới thiệu với bạn đọc xa gần tác phẩm của nhà văn nữ- như một đốm lửa tình người ấm áp trong ngày đông tháng giá, như một mạch nước ngầm trong suốt khi bạn một mình trên sa mạc mênh mông…
TP. Hồ Chí Minh, một ngày đầu tháng 3.2016
TH