V ừa qua báo Hồng Kông South China Morning Star Post có đăng bài bình luận về kết quả cuộc điều tra của các phóng viên tạp chí Reader’s Digest (Mỹ) coi thử thành phố nào “lịch sự” nhất trên thế giới. Họ đã tiến hành khoảng 2000 cuộc trắc nghiệm tại nhiều thành phố lớn ở 35 nước khác nhau. Có 3 hình thức “thử” như sau:
_ Thả một tờ giấy xuống đường phố lúc đông người qua lại nhất coi thử có ai “lịch sự” cúi xuống lượm dùm để bỏ vô thùng rác không.
_ Coi thử những người bán hàng có biết cách “lịch sự”ngỏ lời cám ơn các khách hàng khi giao dịch không.
_ Coi thử ở nơi công cộng có nhiều người “lịch sự” biết đỡ dùm cánh cửa tự động cho người đi sau ra vào an toàn không.
Theo suy nghĩ của nhiều người ắt các thành phố lịch sự nhất phải thuộc về các nước có truyền thống văn minh lâu đời ở phương Tây như Anh, Pháp, Đức… Thế nhưng kết quả thật bất ngờ: thành phố được xếp dẫn đầu “lịch sự nhất thế giới” lại là New York của Hoa Kỳ. Tiếp liền sau, là các thành phố Zurich (Thụy Sĩ), rồi Toronto (Canada), xếp hạng 4 là các thành phố Berlin (Đức), Sao Paulo (Brasil) và Zagreb (Croatia). Hạng thứ 7 là các thành phố Auckland (New Zealand) và Warsaw (Ba Lan), hạng 9 là Mexico City, hạng 10 là Stockholm (Thụy Điển), hạng 11 có 3 thành phố là Budapest (Hungary) và Vienna (áo), xếp thứ 15 mới là các thành phố London (Anh), Paris (Pháp), Lisbon (Bồ Đào Nha) và Buenos Aires (Argentina) và Johannesburg (Nam Phi)…
Còn các thành phố bất lịch sự nhất thế giới thì dẫn đầu là Bombay (Ân độ), tiếp đó là Bucarest (Romania). Trong số 11 thành phố tồi tệ nhất thế giới có tới 8 thành phố nổi tiếng ở châu A được coi là những trung tâm thu hút đông đảo khách du lịch như Bangkok, Hongkong, Taipei, Seoul, Singapore và Kuala Lumpur...
Một người dân ở thủ đô của nước Nga là thành phố Mát-xcơ-va nổi tiếng khi được hỏi vì sao bạn không giữ dùm cánh cửa tự động khỏi bật vào người đi sau mình đã thản nhiên trả lời : “Tôi đâu phải là người giữ cửa! Nếu không muốn cánh cửa táng vào mặt thì tốt nhất là hãy bước nhanh chân lên!”. Còn ở London hay Paris ngay trong các siêu thị nổi tiếng nhân viên bán hàng vẫn quên cất tiếng “cám ơn” các Thượng đế của mình và thậm chí còn liệng gói hàng rớt bịch trên quầy ngay trước mặt khách mà chẳng biết một lời xin lỗi.
Được hỏi vì sao người New York lại lịch sự nhiều như vậy, Thị trưởng thành phố này cho rằng: “ Từ sau vụ máy bay của bọn khủng bố lao vào Tòa tháp đôi nổi tiếng của Trung Tâm Thương mại thế giới, gây ra cú sốc kinh hoàng cho dân Hoa Kỳ dường như dân thành phố này biết xích lại gần nhau hơn, trân trọng nhau hơn và biết đối xử với nhau tử tế hơn. Có lẽ chính nhờ sự đối phó với tệ khủng bố, con người càng biết sống lịch sự…”
Không biết nếu tiến hành trắc nghiệm như thế ở các thành phố của ta thì kết quả sẽ như thế nào khi các phóng viên sẽ rơi vào các cảnh phải đi “xe dù”, ăn “cơm tù” trong “quán nhốt” hoặc phải xếp hàng dài trong các quán bán hàng điểm tâm nổi tiếng như “phở quát”, “miến chửi” nổi tiếng từng trừng mắt mắng khách xin thêm tí ớt hay miếng chanh : “xin đ…gì lắm thế!” hoặc “sao lúc nãy không hỏi lấy luôn một lần, bây giờ có bà cũng đ…cho, không ăn thì bước ngay nhé!”
Viết tới dòng này, tôi lại nhớ tới cái giai thoại về nhạc sĩ tài danh nổi tiếng Nguyễn Xuân Khoát sống tại Hà Nội. Lúc cụ nghệ sĩ tóc bạc trắng này đi bộ dưới lòng đường (vì vỉa hè ngưới ta bán hàng và để xe chật cứng không còn chỗ chen chân) thì bị hai thanh niên chạy xe máy quá nhanh hất ngã. Hai thanh niên dừng xe lại không phải để nâng đỡ cụ già mà là để chửi “ thằng già kia mù hay sao mà đi như thế! Có muốn các ông mày cho về chầu cụ tổ sớm không?”. Và thế là cụ nhạc sĩ tài danh này đã lập cập quỳ ngay xuống đất vái dài: “ Thôi cụ già xin vái lậy các ông trẻ, cụ già biết lỗi nhiều lắm ạ!”
Chính người viết này cũng đã từng trót lỡ lời chê một tấm áo sơmi mua tại thương xá Tax ở góc đường Nguyễn Huệ (TP.HCM) là chất liệu vải không tốt và bị cô bán hàng nguýt dài đầy khinh thị : “Này, tiền nào của nấy! Muốn tốt muốn sang thì mua áo Pierre Cardin hay Louis Vouillton hàng hiệu kia kìa! Khéo không lại khóc thét lên vì giá của nó nha!”
Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh của chúng tôi còn biết bao nơi nổi tiếng bán hàng kiểu “chặt chém” và biết bao điểm dịch vụ “trời thần” sao các nhân viên trắc nghiệm của Reader’s Digest không đặt chân tới nhỉ?! Dám các thành phố của chúng tôi cũng chẳng thua kém gì Bombay, Bucarest, Bangkok, Hongkong hoặc Seoul, Taipei hay Singapore và Kuala Lumpur đâu, bởi lẽ dân chúng tôi cũng có tới “bốn ngàn năm văn hiến” chớ bộ!
ĐINH KỲ THANH