Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

TINH THẦN YÊU NƯỚC TRONG THƠ NGUYỄN KHẮC NHU

Trần Vân Hạc
Thứ ba ngày 9 tháng 2 năm 2010 6:52 AM
 
(Kỷ niệm 80 năm cuộc khởi nghĩa Yên Bái, 9/2/1030 – 9/2/2010)

Ông sinh năm 1881, tại làng Song Khê, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Xuất thân trong một gia đình Nho học, thuở nhỏ ông theo học khoa cử, năm 1912 đi thi Hương đứng đầu cả xứ Bắc Kỳ nên đương thời gọi là Đầu Xứ Nhu, gọi tắt là Xứ Nhu. Ông không chỉ là một lãnh tụ của Việt Nam Quốc Dân đảng, với chức vụ trưởng ban lập pháp, người có vai trò quan trọng trong đường lối đấu tranh vũ trang của Việt Nam Quốc Dân đảng, mà còn là một nhà thơ chân chính. Mỗi trang, mỗi dòng như chính cuộc đời bi hùng của ông, chứa chan tinh thần yêu nước, thương nòi.
Là một nhà nho chân chính, hết lòng yêu quê hương đất nước, ông chủ trương đấu tranh vũ trang chống thực dân cướp nước dành chính quyền, vì vậy thơ ông khác hẳn với những nhà nho đương thời: Đó là hơi thở của dân gian, mang cái hồn trí tuệ và tầm cao thời đại. Nơi ông sinh ra là cái nôi của nhiều làn điệu dân ca và văn học dân gian. Ngay từ nhỏ ông đã từng theo một phương chèo đi khắp miền Bắc Giang, Bắc Ninh, Lạng Sơn. Những làn điệu dân ca đầy chất trí tuệ, nhưng không kém phần lạc quan thấm vào ông từ lúc nào. Chí lớn, hoài bão của ông được thể hiện rõ nét trong thơ. Đây là câu đối treo trên tường lớp học, cùng bản đồ thế giới: “Bích quải địa dư đồ, Tổ quốc giang sơn hà xứ tại?/ Đường tôn nho giáo học, Nam cương tử đệ kiếp tông dư?”, có nghĩa là: Trên vách treo bản đồ, Tổ quốc non sông đâu đó nhỉ?/ Trong nhà tôn nho học, cháu con đất nước nối dòng chăng? Ôi! Tình yêu đất nước, ý chí tự tôn dân tộc cùng ý thức với thế hệ mai sau đau đáu trong lòng, để rồi sau này thể hiện ra bằng hành động cụ thể: Đấu tranh cách mạng. Khi dạy học, vừa dạy chữ Quốc ngữ, vừa dạy chữ Nho, trước thế và lực hơn hẳn của thực dân Pháp, ông đã âm thầm tập hợp bạn bè cùng chí hướng, khéo léo khơi dậy tinh thần yêu nước trong nhân dân, đặc biệt chú ý đến sự nghiệp đào tạo thế hệ trẻ, ươm những hạt mầm cho đất nước mai sau: “Thầy xứ, hỡi thầy xứ!/ Một thầy một lũ trò con/ Khi ngồi lúc đứng đã chồn/ Hết bài Quốc ngữ lại dồn chữ Nho/ Miệng giảng nghĩa to to nhỏ nhỏ/ Tay xếp bài sổ sổ khuyên khuyên/ Ngoài trông ra vẻ tự nhiên/ Trong thì ắt hẳn có phen chẳng thường”. Hai câu cuối của bài thơ chứa đầy ẩn ý, chí lớn được diễn đạt tinh tế và sâu sắc. Cái chí vẫy vùng cứ nước cứu dân ấy còn được gửi gắm qua một bài thơ trả lời một người bạn đồng học ở Bắc Giang mới được đổi đi làm thừa phái ở Hải Dương năm 1916: “Canh tàn rót chén biệt ly/ Xét mình mà lại thương vì cho ai/ Tấm thân lưu lạc quê người/ Trên đầu ngày lại sương phơi dần dần/ Nước trôi e những sảy chân/ Lòng son còn có cổ nhân biết cùng/ Cũng nên vùng vẫy vẫy vùng/ Đương khi Mỹ vũ Âu phong thấm nhuần”. Ông khuyên con người hãy chú ý đến việc giữ gìn nhân cách, hơn là chỉ chú ý đến bề ngoài: “Tạo hóa sinh ra vốn ở truồng/ Áo quần che để khác cầm muông/ Rách lành cốt giữ mầu thơm, sạch/ Đơn, kép tùy che lúc nắng sương/ Nết tốt vẫn thường nhiều kẻ chuộng/ Tài hèn, mặc gấm chẳng ai màng/ Người Tây kia những mang gai vải/ Sao vẫn văn minh vẫn vẻ vang”. Bài thơ đầy phong vị dân gian, trào lộng mà thâm thúy, đặc biệt, tuy căm ghét giặc Tây cướp nước, nhưng ông vẫn đánh giá đúng mức những thành tựu của họ. Với bạn, ông chân tình, sâu nặng, luôn mong cho bạn gặp những điều tốt lành, nhắc nhở các bạn vận động thanh niên theo Âu học, hy vọng có ngày đất nước ta có thể theo kịp những nước văn minh. Song ông không tha thứ cho kẻ bất nhân bạc ác. Khi biết tên tri huyện Thụ Ngọc Lương của huyện Võ Giảng, Bắc Ninh cũ tham lam, tàn ác, ông làm bài thơ cho dán trước cổng huyện đường, cảnh cáo hắn: “Gớm ghiếc huyện quan Thụ Ngọc Lương/ Mồm thì lảm nhảm, mắt thì giương/ Mẹ cha tổng lý lòng không nể/ Bè bạn chân tình dạ chẳng thương/ Xử kiện lèm nhèm như tổ đỉa/ Nã tiền đòn đánh tựa đầu lươn/ Văn nhân sỹ tử nào đâu cả/ Xỏ khố khiêng lên trả tỉnh đường”. Dân gian truyền miệng rằng, đọc bài thơ, tuy miệng nói cứng, như Thụ cũng e sợ và phải giảm bớt những hành động đàn áp bóc lột nhân dân trong huyện. Bài thơ của ông vừa răn đe kẻ bạc ác, vừa làm thức tỉnh sức mạnh trong mỗi người dân. Tư tưởng và chủ trương của ông được khẳng định trong bài thơ viết sau khi Ba Danh - tên mộ phu khét tiếng tham tàn của thực dân Pháp bị trừng trị đích đáng: “Nặng lòng ưu ái khó làm thinh/ Dội máu nam nhi rửa bất bình/ Cướp nước, chém cha quân Phú – Lãng/ Cháy thành chết mẹ chú Ba Danh/ Gian nan những xót người trong hội/ Tâm sự nào ai kể với mình/ Hỡi hỡi anh em cùng gắng sức/ Phen này quét sạch lũ hôi tanh!”. Trong khi vận nước đang lúc khó khăn, nhưng Nguyễn Khắc Nhu vẫn tin tưởng vào tương lai của dân tộc, của con đường đấu tranh cách mạng mình đã lựa chọn. Ngay khi còn dạy học, ông đã cho dán câu đối: “Thế giới văn minh vô chỉ cảnh/ Nhân quần tiến hóa hữu cơ quan”, có nghĩa là: Văn minh thế giới không dừng bước/ Tiến hóa loài người có chốt then”. Thực ra vế đầu của câu đối mang ẩn ý sâu xa: “Văn minh Nam Việt không dừng bước”.
Thơ của Nguyễn Khắc Nhu thể hiện rõ tình yêu với dân, với nước, yêu ghét phân minh, đầy suy tư trăn trở, nhưng những trăn trở suy tư ấy không bi quan yếm thế như một số nhà nho đương thời. Mà cái phần tích cực, năng động của nho giáo được ông tiếp thu, biến thành hành động cụ thể.
Năm 1909, sau khi cả phong trào Đông du và Đông Kinh nghĩa thục đều bị tan vỡ, thực dân Pháp truy nã và bắt giam nhiều nhà chí sĩ, có cả Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh. Nguyễn Khắc Nhu trốn sang Trung Quốc, tham gia vào cuộc vận động cứu nước. Từ đó, ông chuyển dần xu sang hướng đấu tranh bạo động. Năm 1927, ông về nước cùng với các đồng chí thành lập Hội Việt Nam Dân Quốc, tổ chức nhiều cuộc tập kích một số đồn Pháp ở Bắc Ninh, Đáp Cầu, Phả Lại... với ý định vũ trang khởi nghĩa. Năm 1928, ông sáp nhập hội Việt Nam Dân Quốc vào Việt Nam Quốc Dân Đảng và ông được cử tham gia với vai trò là trưởng ban Lập pháp của đảng. Ngày 9 tháng 2 năm 1930, ông trực tiếp chỉ huy trận đánh tập kích đồn binh Hưng Hoá và phủ lị Lâm Thao. Cuộc tập kích bất thành, bản thân ông bị trúng đạn nhưng vẫn tìm đường trốn thoát. Giữa đường ông dùng lựu đạn tự tử nhưng không chết và bị quân Pháp bắt được. Trên đường giải về trại giam, ông nhảy xuống sông tự trầm, nhưng lại bị quân Pháp vớt được và đem về giam ông tại Hưng Hóa. Tại đây, ngày 11 tháng 2 năm 1930, ông đập đầu vào tường giam tự tử để bảo toàn khí tiết, hưởng dương 49 tuổi.
Nhân dân vô cùng thương tiếc và cảm phục, nhiều người lập bài vị thờ cúng và làm nhiều bài thơ, câu đối tưởng nhớ người anh hùng đã anh dũng hy sinh vì dân vì nước. Đặc biệt một nhà nho đã lập bài vị thờ cùng câu đối được nhân dân khắp nơi truyền tụng: “Vị dân quyên sinh, vị Quốc quyên sinh, vị đảng nghĩa quyên sinh, thệ bất câu sinh đối thủ tặc/ Kỳ tâm bất tử, kỳ danh bất tử, kỳ tinh thần bất tử, quyết tương nhất tử khích đồng bào”. Có nghĩa là: Vì dân quyên sinh, vì nước quyên sinh, vì đảng nghĩa quyên sinh, thề chẳng tham sinh nhìn giặc nước/ Lòng ông không chết, danh ông không chết, tinh thần ông không chết, quyết đem cái chết giục đồng bào.
Ngày nay nhiều con đường, ngôi trường trên đất nước ta được vinh dự mang tên Nguyễn Khắc Nhu. Ông sống mãi trong lòng dân tộc.   
  
         Trần Vân Hạc