Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

1000 NĂM THĂNG LONG HÀ NỘI.

Vũ Hữu Trác
Thứ hai ngày 8 tháng 2 năm 2010 3:52 PM
 
Sông Hồng thẳng một sợi chỉ chảy về châu thổ đồng bằng, bên bờ hữu ngạn Hoàng Liên Sơn cùng đồng hành từ Lào cai như không muốn rời xa. Sông đỏ nặng phù sa ra đến biển, trên thuyền trôi tập nập ngập trong sóng, sáng bừng lên gương mặt người. 
Đến thượng nguồn Phú Thọ đất tổ bốn ngàn năm dựng nước, sông uốn ngược hẳn lên dưới chân núi Phong Châu, cúi đầu chào Tiên vương Hùng Vương, đoàn thuyền ai cong cong qua đoạn Việt trì xuôi về phía khoảng trời đang mở ra rộng rãi, xanh ngắt.
Cánh đồng hai bên vàng rơm mới rực lên. Hương lúa tràn lên vụ gặt, hương say cả làng quê, cả Đường Lâm ngập trong nắng. Sông lấp lánh vàng, hướng mặt trời hắt đổ lên thành cổ Sơn Tây vuông vức bốn mặt, hắt lên trên mái chùa Thày, Tây Phương. Chỗ nhà Hành cung, nơi chay tịnh dăm ba ngày trước khi vào lễ Trời, thỉnh Phật những mái ngói đang sẫm đỏ lại. Nắng soi lên cổng Tam quan ba cửa Tam không, như ngẫm nghĩ trong cái có có, không không luân hồi, ai lại để hồn sau chén lâng lâng giữa dòng tấp nập.
Con người cùng đoàn thuyền đầy lâm sản, trái cây đang hòa vào dòng sông xuôi về Hà Nội. 
Bờ tả ngạn, một phần dòng rẽ sông Đuống thăm vùng Kinh Bắc hội Lim, qua phía Đông Bắc chỗ cả năm dòng sông chụm đầu ở Phả Lại, rồi về với sông Cầu. Điệu múa cùng tiềng đàn cầm cất lên, Sông một dải bóng nước lẫn trong sóng gợn lơ thơ, lẻ loi chờ đợi bóng người. Câu hát thuyền quyên chưa nên uyên ương, thì ở đừng về, lời ca trôi về bến Đáp Cầu. 
Chỗ Quy thành cổ sáu cánh Bắc Ninh, trên cột cờ xưa,  lá cờ lễ hội đuôi nheo to lớn bay phấp phới. Chỗ diễn ra cuộc đọ sức quyết liệt trên sông Cầu giữa quân nhà Lý, Đại Việt đánh quân Tống nhừ tử, kinh hoàng rút chạy. Phòng tuyến Như nguyệt ngày ấy vẫn vang vang lời thơ của Lý Thường Kiệt “Nam quốc sơn hà” trong đêm trăng nào. Nhà bia Văn Miếu ghi danh sáu trăm học sỹ và biết bao danh nhân Kinh bắc cứ bừng sáng lên.
Đình Bảng, các cụ bô lão ngồi trên chiếu trải sàn gỗ cao ngất trong đình lại đang khuyến dụ lũ con gái phải têm trầu cánh phượng, làm cánh xòe cho đẹp, mặc áo tứ thân cho nâu thật sậm, che vạt những tà ngũ sắc rực rỡ bên trong. Liền anh hội Lim ngân nga câu quan họ thương nhau. Liền chị tay ngà, nghiêng nón rộng quai thao, tà áo xanh như cây trúc bên đình.
Bà chúa Chè trông chờ chẳng thấy Trạng Bựu đem trầu cau sang, buồn vui xen lẫn, làm đồi Chè xanh lục cả Bắc Ninh, trải dài nỗi nhớ đến xanh cây  tới tận Bắc Giang. Nhưng xanh sẫm mãi vẫn là nỗi nhớ trong lòng từ một tình say cùng về Hà nội.     
Không ai để ý thấy cái hồ hởi của một ánh cười, thoáng trong đôi mắt đang ngước lên nhìn trời. Hà Nội nơi Kinh kỳ thứ nhất, cánh chim trời loáng bay cùng cơn gió, để trời rộng mãi ra. Mây trắng muốn lại dừng chỗ sóng nước đang dạt dào dưới bến thuyền Long Biên. Sông khát khao cho đến lúc Con người đã lớn đầu. Vẫn cứ muốn nhảy ào xuống dòng sông cho phù sa thấm đẫm cái lạnh mát vào da thịt, để thoả thuê nỗi nhớ sau mỗi chuyến xa nhà. Thuyền đậu lại ngóng lên bờ, trông về phía Hoàng thành, Ai đấy bỏ  quên con thuyền, bỏ quên mất cả đoàn đông đúc đang tiếp xuôi về phía hạ lưu. Con người nhảy ùm xuống vẫy vùng, ngụp lặn cho hả cơn thèm nhớ. 
       Dưới Thanh trì dài đến bến Chương Dương, cửa Hàm tử bên Hưng Yên, dòng sông mê hoặc vòng dải thắt lưng hồng quanh eo nàng tiên nữ Hà thành, mơn trớn ước ao dăng mắc tình si. Bên kia bờ, chốn thứ nhì nổi tiếng phố Hiến, Hưng Yên miền Đông Nam, tập nập tầu bè bến Yên Lệnh, Triều Dương. xưa kia đầy những thuyền buôn nước ngoài. Một nhánh dòng sông Hồng, bị quyến rũ ở lại tạo nên hồn Phố Hiến trong mát. Chỗ Bãi Đê, Bãi Sậy giờ ngút ngàn vải Thiều, quả nâu sẫm mầu thiền, Lệ chi đằm đằm ngọt lịm, dâng trào nỗi khát khao. 
Cầu Đông, đình Bắc, chùa Đoài níu giữ, nhưng lòng nhớ phương Nam. Sông Đáy đong đầy tấm lòng trong xanh, cùng mãi với mây trời. Gặp nhau trên Chùa thơm Hương sơn, mà e thẹn không nói. Lẫn trong sương chiều rừng hoa mơ trắng ngát hương, thấp thoáng bóng tóc đuôi gà. Cô gái hái mơ, đẹp đến lạ lùng, sao cứ lặng đi rồi khuất bóng, để rừng chiều hiu hắt lá mơ rơi.
Từ cao xa, dãy Hoàng Liên sơn ra khỏi lớp sương mờ che lấp Sa Pa chạy theo thuyền trên sông Hồng về, thấp dần xuống. Tưởng như đã dừng chân lại chốn đèo Phù Yên, Sơn La, lại tiếc nuối chạy theo, qua đường 6 Hòa Bình để dừng lại chỗ sông Đáy, Hà Nam. Trên đỉnh cao, phía Bắc sườn khuất lẫn trong mây, Chùa Hương ngập trong rừng trắng hoa mơ. Dưới chân bên suối Yến Vĩ, dãy núi như đàn voi đông đúc đang chạy hướng về, một con chỗ núi Mâm Xôi quay đầu chạy lại, sét đánh sạt mất một bên sườn.  Núi đứng lặng nhìn, ngay sườn phía Nam, sông Hoàng Long, Ninh Bình uốn khúc, chỗ Cố đô Hoa Lư đang vào lễ hội. Núi nhấp nhô cùng sông bao bọc cả một vùng rộng lớn. Phía đầu rồng Hoàng long hướng thẳng lên phía Bắc đến kinh thành Thăng Long nơi khí lành bảo phủ, mây ngũ sắc trùm về. Trường Yên cố đô, thế mà đã sắp ngàn năm.   
Phía Nam sông Hoàng Long nơi Đinh Tiên Hoàng đóng đô, dựa theo lợi thế trùng điệp của núi, làm nên thành trì chất ngất, căn cứ địa quân sự một người địch cả trăm người. Lễ hội rước Dương Vân Nga ở đền vua Đinh, vua Lê tràn về các thung lũng. Tiếng trống kỳ lân dục dã vang các thung lũng hồ, mặt nước rộng ra, xuyên qua chân núi, thông liền lại với nhau. Hồ Cửu Sơn uốn lượn qua lại, luồn qua chân núi giữa hang Ba giọt. Chỗ chân núi đang soi bóng, nước trong không thể xiết. Cả đoàn thuyền tam bản, cờ xí rợp trời như bồng bềnh  trong mây. Các loài rong thủy sinh uốn ượn đùa rỡn với đàn cá con loang loáng những chiếc vảy hồng chào đón kẻ lãng du. Hang Rượu, hang Ba giọt ở cố đô Đại Cồ Việt, nước hứng từ bầu tiên nhũ đá, uống mà say mềm lòng hơn rượu. Khi xưa Lý Công Uẩn mang theo ruợu bầu tiên về chốn Thăng long để uống, mỗi lần nhớ về dải đất cờ lau Tiên đế tập trận, lập lên các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần, Hồ, Lê, Nguyễn cả gần nghìn năm tự chủ về sau.
Trên đồi Bái Đính (Đinh bái), nơi người con trai của Thứ sử Châu Hoan Đinh Công Trứ - Đinh Bộ Lĩnh lập đàn lễ trời, lạy mẹ trước lúc ngồi lên ngai rồng. Nắng vàng đọng trên Chùa Đại thừa Bái Đính sát gần, bên trong có ba pho tượng đồng Tam Thế nặng cả sáu mươi tấn, sáng vàng lấp lánh lên pho tượng đồng đức Phật Di Đà nặng cả trăm tấn phía trước chùa, sáng lên năm trăm hai mươi vị La Hán bằng đá khối đặt ở bên ngoài, thẳng bên con đường xếp hàng một trăm lẻ tám cây cổ thụ. Chẳng thể nơi nào một vùng sông nước như Hạ Long mênh mông trời núi, một vùng giao hoà trời đất lại thấy ở giữa miền đất duyên hải như thế. 
 Núi trập trùng rẽ sang, thấp hẳn xuống đèo Tam Điệp, Ninh Bình nơi cửa ải, đỉnh cuối đồng bằng Bắc bộ, như lần nghênh đón, tập hợp binh quyền đoàn quân chủ lực do đích thân vua Quang Trung chỉ huy qua Hàm Rồng, sông Mã, trước trận đánh quân Thanh ở Hạ Hồi.
Theo đường những chiến binh huyền thoại xưa tiến đánh Ngọc Hồi, Thăng Long. Con người cùng về Hà Nội.
 
Hà Nội trưa thu. Con thuyền đậu lại ngóng lên bờ chờ trông về phía Hoàng thành. Thướt tha bóng người con gái mịn trắng, cơn gió lộng, tà áo bay làm thấp thoáng những căn nhà, dịu mát trên phố. Trong man mác người đi lẫn trong màu xanh cây lá bên Hồ Tây. Có kẻ đang đứng trông, không khỏi vấn lòng. Ai đã làm ra cái mà đến nay ta mới thấy?  
Thoáng cái đã hơn hai nghìn năm. Điểm tụ cư đầu tiên, giữa đồng bằng châu thổ sông Hồng. Bên bờ tả ngạn, còn đấy tòa kinh thành Cổ Loa hùng vĩ. Bên bờ phải, dòng Tô Lịch chảy giữa mênh mông trời nước um tùm cỏ cây. Nổi cao lên một gò đất có tên là núi Nùng - “Mượt mà”, tươi tốt, cốt lõi linh thiêng gọi là Long Đỗ - “Rốn Rồng”.
Vua Lý Công Uẩn viết trong chiếu dời đô:
 “…Ngắm xem khắp nước Đại Việt, thấy đây là vùng đất có phong cảnh tốt đẹp nhất, thực là nơi trọng yếu cho bốn phương hội tụ,  là đất kinh sư của kinh sư muôn đời”.
Núi đất đó, nay chỗ vườn Bách Thảo, “làng Tô Lịch”, làng trồng hoa Ngọc Hà phần chính thuộc bên trong kinh thành phía Tây, gọi theo tên người đứng đầu chốn tụ cư Tô Lịch, mà nhân cách xứng đáng để chuyển gọi thành tên làng, tên sông, sau thành nơi Kinh kỳ tụ hội. Chùa Trấn Quốc chỗ đảo Cá vàng “Kim ngư”, Hồ Tây kia, năm 544 người xưng đế đầu tiên Lý Nam Đế - Lý Bí, (Vạn Xuân) đã xây dấu gọi là chùa Khai Quốc từ đó. Kinh kỳ đã chứng kiến cả một nghìn năm trăm năm mùa xuân về, một nghìn năm trăm lần hoa đào nở. Thành La Thành có tên Thăng Long đã cả nghìn năm khi Lý Thái Tổ - Lý Công Uẩn, (Đại Việt) dời đô Hoa Lư về từ 1010. Tên Hà Nội cũng sắp tuổi hai trăm, bắt đầu từ 1831.  
Thời gian ngưng đọng bên cổng đền Trấn Vũ cây cao bóng cả. Xốn xang, sóng nước lóng lánh dát hồng cạnh đường Thanh niên, Ai đang tìm cái tĩnh lặng, bình yên bên hồ xinh xắn chỗ gò đền Cẩu Nhi đời Lý, ai từ trong nhà hàng nhâm nhi món bánh tôm thơm ròn bên hồ. Còn ai nhộn nhịp trên đường, có nhớ cuối năm 1959, thanh niên thủ đô hoàn thành đắp con đường trên nền đập “Giữ vững” - Cố Ngự có từ đầu thế kỷ XVII, (sau gọi là Cổ Ngư). Khi đó Bác Hồ đã nói một câu rất giản dị với Chủ tịch thành phố Trần Duy Hưng : “Thế thì nên đặt tên là đường Thanh Niên”. Con đường mang tên Thanh niên từ đấy. 
Hoa nắng nhuộm vàng trên hè đường qua kẽ lá bên hồ Trúc Bạch, bóng những nam thanh nữ tú, ánh mắt long lanh như mặt nước gương soi. Những con thuyền thiên nga nho nhỏ nằm im chỗ bến đợi trắng lên như đang lúc đêm trăng. Con thiên nga ngủ thiếp đôi mắt mơ màng. Người chắc quên vì đang mải bận, bỏ lại một mình hiền lành, xếp lại những cánh  bay cùng giấc mơ ngày nào vỗ cánh giữa khơi xa, giữa trời xanh nắng chói trang gió mát. Chẳng cả ngắm bóng mình soi dưới mặt hồ, con thiên nga không sao nuôi nổi giấc mơ khi vắng bóng người. Những cơn gió nhẹ cũng không muốn khuấy động cả cái mơm man ấy. Đường Thanh niên ai đâu dễ nhớ, dễ quên.
Ai như nàng công chúa biết trồng dâu dệt lụa, chỗ đảo Cá vàng nhô ra phía Hồ Tây nơi chùa Trấn Quốc. Nàng đang cùng những cung phi dệt dải lụa xanh bằng mây trời mát mắt, trải dài ra, rộng mãi ra đến mất trong tầm mắt nơi cuối hồ. Trời đã sắp hoàng hôn. Hương đưa mặt nước, ngân nga tiềng chuông chùa. Một trăm lẻ tám tiếng chuông, điểm thu không mỗi buổi chiều về, xóa đi mỗi ngày cả ngần ấy cái ham muốn của con người, trong cả ba kiếp vị lai. Quá khứ, hiện tại hay tham vọng cho tương lai, tài lộc nào ở chốn bảy mươi hai Thiên cương và ý định nào xấu xa ở ba mươi sáu vùng Địa sát, được thu về. Tiếng vang ngân trong mỗi buổi kẻ lắng nghe, sẽ được xoá đi, để rồi thôi trầm luân, để lại trong veo cái bản ngã hồn người.  
Những du thuyền tao nhân, mặc khách dừng lại giữa chuyến lang thang hướng sang phía Thụy Khuê như nghe kể chuyện về một thời, về dòng Tô trong xanh bao chảy kinh thành. Nơi bắt đầu chỗ đền Bạch mã, Hàng Buồm, chảy về Bưởi xuôi dần xuống Láng, xuống Ngã tư Sở. Thủy chế dòng Tô vốn là nước từ sông Cái đổ vào tạo thành một chiến luỹ. Có những lần Tô Lịch báo điềm đảo ngược thế sự. Mùa mưa, nước trong đồng dâng đầy, đảo chiều đổ nước ra sông Cái. Quân xâm lăng bị đánh tan tác, có lần quan quá sợ hãi mà chết, quá sợ mưa tên mà phải chui ống đồng trồn chạy về biên ải. Sông Tô có hai đoạn eo nối liền vòng với Hồ Tây khi xưa rộn tiềng đàn ca, soi bóng thuyền rồng nhà vua vi hành, thăm thú. 
Đã cả hai nghìn năm miền đất này, Hồ Tây vẫn nhớ về con trâu vàng, con cáo trắng biệt tăm. Bên hồ kia Thị lộ cười vui, trêu chọc Nguyễn Trãi, người đã nổi danh là Sao Khuê mà sao gẹo cô thiếu nữ chưa chồng, hỏi đã mấy con? Có là con mắt của ai đang nhìn đấy! Nguyễn Du vẫn gẩy đàn cầm Thăng long, tiếng khoan tiếng nhặt, lúc như gió thoảng, lúc dồn dập mưa sa, còn Cao Bá Quát thì sang sảng thơ phú vọng đến từ căn nhà ở phố Đình  Ngang. Bà Huyện Thanh Quan, Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương quây quần chơi đố chữ, cười chê thứ quà tặng nàng Nguyệt Nga của kẻ tham lam Phạm Đình Hổ tuy hay chữ, nhưng e quà bằng cả cành đa lẫn củ đa, thì thật chẳng ra gì! Bên gốc cây bồ đề Trấn Quốc bà chúa Liễu đoan trang vóc dáng tiên nương, đang hoạ thơ cùng chàng trẻ tuổi kỳ tài, trạng nguyên Phùng Khắc Khoan, làm khuấy lấp cả cái nhìn, ai đang chăm chăm bóng đàn chim sâm cầm cổ đen má bạc, chân xanh lục phớt ánh chì, bay về tìm bạn đỏ mắt chờ nơi chân mây chìm trong sóng bạc phía Tây hồ.
Vẫn không có ai nói lấy cho ta được một lời !  
 Ven đường làng đào hoa. Có tiếng người lao xao chợ bán hoa tươi, như cảnh bán cành đào, chợ hoa đón tết chiều nào gió bấc xuân về, dẫn ta đi trong hoàng hôn. Những mái nhà ngói sẫm màu ẩn trong vườn hồng xiêm quả ngọt đến dằn lòng tuổi thơ, muốn trộm thử.
Chân ai bước theo lối thành xưa, đường Hoàng Hoa Thám, đường Bưởi. Khói nhà ai chả nướng thơm lừng món ngon, làm ơ hờ mọi thứ ngắm nhìn. Đền Voi Phục Thủ Lệ, đê La Thành, đường Giảng Võ, Nguyễn Thái Học đường thành lũy xưa vòng về đến Quốc Tử Giám.
Đó đâu phía Ba Đình rực hồng và khúc hát hùng tráng. Tiếng người khí tiết hào sảng, có men rượu bùng say giữa những chiến binh sau cơn lốc chiến thắng. Câu ca khải hoàn vang vang. Gương mặt người dãn ra, những bắp thịt trên tay trùng lại. Cạnh cửa sông Đống Mác phế nát, nơi Đông Bộ Đầu - Hàng Than, sau trận chiến của Thái sư Trần Thủ Độ đánh tan quân Nguyên Mông còn cháy đỏ, trào sôi mặt sóng. Nước non rầm rập bước chân, những bóng chiến bào áo vải, nhuộm đen thuốc súng. Tiếng gươm khua lẫn tiếng chiến mã hí dài. Tiếng voi chiến gầm vang cả một vùng rộng khắp Thăng Long. Lời ca bi tráng  từ chỗ quân Quang Trung vọng đến cả những oan hồn ngoại bang nhà Thanh bại trận chồng chất nơi đồi mộ Đống Đa, Đống Thây.
Trước sân Văn Miếu, ai đang đằm mình sửa sang mũ áo chỉnh tề, nơi ghi dấu hàng nghìn tiến sĩ, để một lần được đến gặp bậc tiền nhân nguyên khí, văn hiến Việt Nam.
Viếng thăm cảnh sắc nơi dựng nền đại học đầu tiên. Nhóm con trai lớn vừa mới qua xong đại học, vẫn nguyên mũ cao Bình thiên, đỉnh bằng ngang trời đất, áo thụng rộng xanh, kéo nhau theo Kinh thành xưa Hoàng Thành, thăm phía Nam thành. Thành xưa 5 cửa, hai Cửa Nam trên đường Trần Phú tấp nập người đang ngược về, kéo lên chỗ cửa Đông, Phùng Hưng. Nhóm nữ sinh, xe máy đi trước cũng mũ áo màu xanh dịu nắng ấy, vòng tiếp Phan đình Phùng về Cửa Bắc Hoàng thành, ngắm nghía những vết đạn Pháp trên cổng “Chính Bắc môn” thành chỗ cửa Bắc còn ghi nhiều vết tích chiến trận. Nhóm con gái vòng quanh những đường thành nội Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Hoàng Văn Thụ về cửa Tây nơi chính diện trên đường Hùng Vương sát trước Lăng Bác Hồ nay là khán đài Quảng trường Độc lập, viếng thăm lăng Bác hồ, rồi về đến Văn Miếu chờ đợi. 
Nhóm cử nhân tri lớn đi tiếp ra phía Tây thành nơi vòng thành ngoài chỗ đường Bách Thảo, định theo con đường trong Ngọc Hà về chỗ Trần Phú, nhưng lại đố nhau tìm lối thành xưa tìm theo bản đồ Thăng Long thế kỷ XV rẽ đường Làng Ngọc Hà, chỗ ngõ 15 Đội Cấn, năm xưa ngay gần chỗ xác pháo đài bay Mỹ B.52 rơi chỗ ao làng Ngọc Hà.
Người mẹ con gái Hà thành gốc làng hoa xưa thành nội Kinh đô, ngày nào tiễn con lên đường đánh Mỹ. Chàng tân binh có khuôn mặt thiên thần khi đó đã cao hơn bố, người mẹ quàng chiếc vòng dây bằng bạc vào cổ đứa con để kị gió như lúc còn bé. Anh lính trẻ, ria mép còn đầy lông tơ, ngắm nghía vòng dây bạc gắn cả chiếc chìa khóa cửa nhà ấy, rồi cho hẳn vào bên trong áo quân phục, hiểu ra điều từ đáy lòng mẹ sẽ mãi mang theo con ra trận, như một lời cầu ước. Sẽ chờ con sau chiến tranh trở về, con cứ lấy chìa khóa mà mở cửa vào nơi vẫn ngóng đợi con.
Nhóm con trai loay hoay hồi lâu luồn lách cuối ngõ nhỏ Vạn Phúc về đầu đường Hoàng thành Trần Phú, đến Văn Miếu lúc trời cũng đã xế chiều. 
Nắng nhẹ Quốc Tử Giám, những gương mặt trẻ hơn, còn hồng trong xúc động vẫn đượm chút ngượng ngùng, sợ kẻ cạnh bên dèm pha lời cầu xin đăng khoa, đỗ đạt trong kỳ thi sắp tới. Mắt trẻ đăm đăm về hướng Nam phía trước, xưa là Đại hồ ngay trước đảo nổi Quốc tử Giám, nước nối dài một dải đến hồ Văn, xa dần Ba mẫu, sang Bảy mẫu, ngóng trông thẳng cổng Đại học đường - Bách Khoa ao ước.
Hà Nội đã mấy lần thay tên vì nhớ, vì tình. Không ai một lời đáp cho ta, chẳng ai cho ta biết được từ đâu?
Có ở nơi đâu, có chỗ để quên, để ta không còn đau đáu. Hãy chỉ cho ta? Ngôi sao kia lấp lánh ánh sáng lung linh mà chẳng thể sẻ chia, cho dù, sao là một tinh cầu lạnh giá. Uớc gì ta như hổ dữ, chỉ mãi say đứng uống ánh trăng tan, bên suối reo ngàn vàng lấp lánh. Uớc gì ta như nai tơ mơ, ngơ ngẩn trong rừng thu lá vàng đầy, để quên, để cố không nhớ cái không thể nào quên - Hà Nội.   
Đường phố dài, bớt rộn bước chân, ai đó còn đang chờ bên bữa cơm chiều. Mùi xôi nếp mới, chiều thả bay từ đôi bàn tay nhỏ. Một bóng thoáng cười, xoa xuýt nóng bừng đôi môi, đôi má đã hồng như quả anh đào mà vẫn còn đọng mùi thơm hương sữa ngọt. Nước hồ vẫn xanh màu trời, bồng bềnh say lên con sóng cứ lăn tăn mỗi khi cơn gió thổi, thỉnh thoảng lại phẳng lì cho cây soi bóng nước. Vẫn thướt tha bóng người con gái mịn trắng ấy. Bước chân chiều tà, vương vít cây lộc vừng chín gốc quây quần thả những chùm hoa lấm tấm xuống hồ. Nét hoa sẫm cùng màu môi thiếu nữ hé nở đến hồng đỏ cả bóng trong gương nước Hồ Gươm.
Đài Nghiên, Tháp Bút ngắm nhìn màu mực nào, tô đậm xanh đến lạ lùng cả hồ Lục Thuỷ, đang lan hết bóng nước còn chấp chới chút nắng vàng. Hoa sưa nở trắng ngần, trắng tuyết. Hoa sữa vi vút lòng, trả hương say trải trong gió chiều. Đôi ba cây gạo vốn nhớ gốc gác quê xa, gợi chút lửa hồng rực đỏ thu sang. Bằng lăng tím ngát nao nao, cây tếch oai phong mải mê ghi dấu thời gian đọng trong từng thân gỗ đã ôm không xuể. Cây cọ xoè tán lá mặt trời xanh trung du đung đưa, cây sung đứng trên dốc đá núi Độc tôn, cây nhội, cây bàng, cây sấu tất cả, đứng nhìn theo một kẻ đang kiếm tìm, lơ mơ lạc bước, mong được gặp một lần biết có nên duyên.  
Trăng lên, nơi gặp gỡ thân quen, vẫn chỉ điểm trang nhẹ nhàng như nàng Nguyệt nga xuống trần, ngượng ngùng xõa dài mái tóc. Liễu mềm đua nhau rủ cành lá, che gót sen ai đang nhẹ bước bên bờ. Cả trái đất này ở nơi nào có được, nỗi nhớ đến giật mình đêm Ngọc Sơn trong tết đào hoa, nụ hoa hồng phấn trắng còn phong kín những cánh mong manh.
Ngửa cổ lên, trăng Kinh kỳ lấp lánh trên cao xa, hắt trên đỉnh tháp Rùa xưa phong trần ngay đấy. Lục Thuỷ khi xưa nối liền với Sông Cái chỗ đường Hàng Khay, Bà Triệu, với cụ Rùa chỉ còn là kỷ niệm. Tháp Rùa yêu dấu còn đó trong mơ. Kỷ ước xa xứ từ nhỏ, lúc sinh thành, lúc chưa hiểu được hồn ngời, đã nhìn đã thấy, đã tạc khắc vào nơi sâu thẳm. Kỷ vật đượm nỗi nhớ cả triệu kẻ lãng du, dù ở đâu trong dằng dặc mưa bay tuyết trắng, hay trong cát bụi lôi cuốn cuối trời xa. Tiếng lòng đâu sâu thẳm thinh không. Chỉ Rùa cụ vẫn bình thản bơi. Không nơi đâu có được, một chút nhô lên trên mặt nước cái đỉnh mũi Rùa khổng lồ so với đàn con cháu nước ngọt. Trách nhiệm Rùa đã hoàn thành đúng vào ngày rằm tháng tám tròn trăng đẹp nhất. Gươm báu đã trả, đã chấm đứt chiến tranh. Rùa lên nơi tháp nghỉ ngơi, nhắc nhở minh chứng cho một thời. 
Từ đâu đang tới, những đám mây trời tung bờm trắng thiên mã trên cao, cùng Thăng long uốn khúc trong bao la, bay cao vùng vẫy giữa đất trời, để cùng thăm bên thú nơi Biển Đông rộng trùng khơi sóng vỗ, để Hạ Long tắm mát, ngắm nhìn. Cái Rồng âu yếm nhìn con đang cúi lạy trước lúc được trả vào Biển Đông. Kẻ bái Tử long đứng trước mẹ, đang ước được tung mình trong những con sóng nước oai hùng. Kẻ nhiều lần nghịch dọa bên người em gái Bạch long vốn kín đáo e lệ, làm một chút đuôi trắng hồng nhô hẳn lên cao trên sóng Hải Nam.
Lẩn thẩn bước chân vòng quanh, đếm mãi. Đếm trọn đủ cửa ô năm cánh sao bay. Đếm cả đến con đường hoa sữa Nguyễn Du, đường sấu biếc bốn mùa mướt xanh Trần Phú, Phan Đình Phùng, đường sao đen vuơn giữa trời đêm Lò Đúc, đường chò nâu Hùng Vương, đường muồng vàng hoa nắng Huỳnh Thúc Kháng, đường phượng rực đỏ hè Lý Nam Đế, tím ngát cả bóng bằng lăng Hàng Bông, Thợ Nhuộm. Có lẽ nhớ nhớ quên quên trong đời sống con người, cũng là lẽ thường tình.
Đêm thu lạnh, bóng trăng in lồng bóng nước, có cả bóng người và tiếng xuýt khà. Vài bóng co ro trên ghế đá Hồ Gươm bên chén trà nóng hổi. Hỏi ra mới biết chỉ vì xa lâu ngày, chỉ vì nhớ cái rét đêm thu Hà nội mà ở trần uống trà Bắc Thái cho nóng, ngồi co ro uống cho hả cơn khát lúc về đêm.
Tiếng xe muộn về Ô Quan Chưởng, ai chia tay về Ô Đống Mác. Ngõ nhỏ nghiêng xe tạm biệt nhau, phố nhỏ nhà ta ở đó, đang sáng lên đèn cửa sổ.  Thinh không lắng lên một tiếng đàn. Nghe dư âm trong gió, tiếng hát ai trên lầu cao đê mê đêm Hà Nội nhớ nhung, phố phường còn đỏ mắt đèn đêm, chờ đợi người thương chưa về.
Từ lâu nơi cái vòng xoáy ốc Hà Nội cứ mở rộng dần vòng, nền mặt rộng mãi ra, cái lõi vẫn nguyên tròn một cốt xưa cao thẳng, cứ mãi lên.
Hồn người, tình cũ truyền đời cứ vậy. Tình yêu Hà Nội vẫn một làn hương không đóng kín e ấp, mỗi ngày một dâng cao lên, giao hoà nga ngất, tròn trặn nồng nàn, suốt chiều dài hai nghìn năm ấy.
 
Hà Nội có đến bốn mươi chín người con của Lạc Long Quân, Âu Cơ tụ hội về thành. Quá đủ những đôi lứa, nhưng vẫn còn lẻ một. Năm mười mốt nơi khác nối về, gặp gỡ kết liền, giúp sức lên thành người Hà Nội. Tứ xứ tụ về, phong tục, lề thói mỗi nơi theo cả. Hà nội nhân ái, chung sống quần cư, dần dà thành láng giềng hàng xóm, nương tựa hòa đồng. Những cái còn từ sự chọn lọc, những cái tốt đẹp là cốt lõi cho sự sống Hà Thành, những cái dở đi theo rơi rụng, bào mòn. Nơi đây phát triển tốt hơn nơi khác là một sự hiển nhiên. Hà Nội còn là nhân ái trong cả đa sắc diện, đa phương.
Từ xưa một thời Kẻ chợ, có đến trên sáu chục phố nhà mang chữ “hàng”, gọi khuyết đi thành Ba sáu phố phường. Nghệ nhân bốn phương tài hoa khéo tay tụ về. Cái phi thể được chứa đọng trong cái hữu hình. Hà Nội tạo nền vật chất cho văn hoá trở nên đậm đà. Câu ca, điệu múa Hà thành tím sẫm chất dân gian. Tượng đồng đen Trấn Vũ đền Quán Thánh, chỗ móng chân tượng ai cũng lấy khăn xoa lên mà lau mặt, ấy là sẽ qua hết mọi khổ đau, xoá hết những ám ảnh ma quỷ, giờ đã bóng nhấy mà càng đẹp đến mê hồn. Thợ đúc đồng Ngũ Xá đã làm lên từ thế kỷ XVII không biết sau, ai còn có thể theo cùng. Cái tài hoa Kinh kỳ thật lạ, cái sắc thái đất Thăng long bao lần biến động không lai tạp, mà càng tinh xảo, hoàn mỹ đến tuyệt vời.
Từ lâu con người đã lên với phố, thì sống với phường. Vòng xoay cứ mở rộng địa giới. Nhưng mà có ai đó vẫn sợ bị đem nước mắm pha lẫn với đường. Còn ra thể thống thế nào, thì trước hết cũng phải không ích kỷ mới được.
Người chọn Hà Nội thì nhiều, Hà nội được chọn người thì ít. Người Hà Nội ít nhất có hai quê, không đời cha thì có đời con, đời cháu, hai quê còn là ít. Nhiều nhà Hà Nội đóng cửa cả ba ngày tết, về hẳn quê cũ hưởng tết.
Hiển nhiên khi tiếp nhận vốn văn hóa dân trí bốn phương, sự pha trộn nào chẳng còn mang cả cái văn hóa bản địa quen thuộc, có cả cái thiếu tôn trọng các giá trị tinh thần, đạo lý trong ứng xử. Hà Nội không thiếu “nhà quê”. Mà thật lạ, năm nào cũng có, đời nào cũng có. Ấy thế mà tranh Phố Phái, thử vẽ bỏ cô gánh hàng rong ở quê lên phố, thử bỏ chiếc xe đạp tồng tộc, xe xích lô lỉnh kỉnh, hay thử thay mấy cái mảng tường gạch đã có chỗ bong vữa ấy đi, thì còn có ra gì! Người Đan Phượng “tâu tắng” cố uốn cong tiếng cho thành “trâu trắng”, khó học thành thạo tiếng Tràng An nói lộn chữ “lờ”, Con gái ngườì Thái Bình chuyên “ranh rới, rổ rá” lên Hà Nội lại thích học chữ “dổ dá” của người Tràng An.
Tất nhiên còn không thiếu cả thứ quen, có cơ duyên từ chỗ cái sân gạch nhà mình. Quen thứ phóng xe giữa đường làng hay rẽ ngoặt gấp, không cần nhìn. Đang phóng xe lạng lách vù vù, tự nhiên dừng phịch giữa đường, chống chân gọi bạn. Đường quê không có ngã tư, không quen đèn đỏ phải dừng, có kẻ nói đùa, đèn đỏ là để dành ưu tiên cho cán bộ đi trước, còn làng nước đi sau. Khi phóng xe lên một đoạn, quay lại nhìn “ Thủ đô Hà Nội ta mà cũng ít cán bộ, hề !”. Hễ thấy gì lạ, là hỏi liền. Thấy biển hiệu trên phố, hỏi luôn “Nó viết cái chi ?”. Nhà cao chất ngất, ngửa mặt hỏi “Cái nhà gì thế?” khi biết cái là nhà để ở, lại lè lưỡi “ Thế thì ở với chim à, nó đổ vào đầu thì chết”. Thấy đám tang đi qua, con gái người quá cố đẹp, đang khóc, chỉ tay khen “Đẹp dữ dzậy, ngon quá ta!”. Chốn rượu bia, kẻ quen ăn sóng nói gió ở quê, cứ kiên trì ầm ầm  thứ tộc ngữ “Con mõi nó cắn vào chin tau ngá xót”, ít người hiểu là con muỗi nó cắn vào chân không giầy, không tất làm tao ngứa sót, mà chắc nhiều người bên cạnh còn phải ngỡ ngàng. Đành rằng là thể thống, nhưng ở đâu đó Hà Nội ai thấy gì hay, dễ giao hòa thì cũng nên theo, mà lời nói thuyết phục không nhất thiết phải cứ ầm ầm, nói năng dấn dố cướp ngang.  
Dòng đời được chắt lọc trau chuốt, cái gì không biết thì rồi sẽ biết. Có cái được nâng niu, đặt vào trong khung cảnh văn hóa Kinh kỳ mà thành ra nếp sống Tràng An. Không ai người Hà Nội bảo phở họ Cồ Nam Định dở hơn, bảo lươn Nghệ An, bún bò giò heo Huế là kém. Ai bảo bảy món cầy tơ, món cá sông Hà Nội hơn hẳn Việt trì, món vịt Cỏ Vân đình, món ốc hấp gia vị thuốc Bắc không bằng. Tất nhiên những món ấy cùng với bún thang, bánh cuốn Thanh Trì, cốm làng Vòng, bánh cốm Hàng Than, giò chả Uớc Lễ xôi xéo, xôi vò được làm ra đến độ tinh tế, thì cứ như vậy mà thành Hà Nội.
Hà Nội từ trang điểm phục sức, đi lại giao tiếp, ứng xử thưởng ngoạn nghệ thuật đều tề chỉnh, không buông tuồng. Vui đùa mà không tếu táo, thô tục. Nói trước cười sau, cô gái Hà Thành tiếng nói trong ngần, môi chúm chím hồng nụ Hải đường mơ ước. Hàm răng trắng trong đều tắp cánh Trà mi, thế mà vẫn bị mẹ nhắc nhở vì vừa quên sơ ý. Cũng là vui ồn ào nhưng vẫn rõ cái thanh tao.
Hà Nội cũng đặc biệt như con đê thần thánh được xây đắp từ đời nhà Trần, bằng sức mạnh thần kỳ Sơn tinh. Thăng Long từ hai ngàn năm lắng đọng hồn sông núi, sẽ ngăn lũ xây thành, tạo dựng văn minh bằng nghị lực và cả tâm trí của người Hà Nội.
Hà Nội còn lắng lại ký ức gắn bó máu thịt, ngàn vạn sinh linh, ngàn vạn lần kiếp con người, những cuộc chiến tranh tuy đã xa rồi, nhưng câu chuyện năm xưa người mẹ gốc con gái làng hoa Hà thành, cùng người bố miền trong tiễn con lên đường đánh Mỹ vẫn nguyên còn. Người bố vừa dặn dò vừa kể “Bữa ni, có hai cấy tàu bay cảnh tày (cánh bằng), hẳn mần hai cấy tên lả, xuống kẹ cấy nhà máy nác. Rứa là hẳn mần chết hai con tru với một ngàì”. Thế rồi cả ba ôm lấy nhau lặng im trước lúc chia tay.
Chàng trai năm nào đã cùng đồng đội chiến thắng, nhưng có người không về gặp lại mẹ. Tượng đài không thể ghi hết tên những người chiến sỹ chân dép cao su anh hùng ấy, họ đã đứng lên bất khuất, tên họ đã thành Hà Nội . Đài tưởng niệm những anh hùng Vô danh Bắc Sơn, Ba Đình, hương trầm thơm ngát, họ thành tên đất nước, thành Hà Nội bất tử.
Hà nội muôn đời, Kẻ chợ vẫn đây. Ơi Thăng long, Đông đô vẫn thế.
Chiếu dời đô viết:
“…Huống chi thành Đại La đô cũ của Cao Vương ở khu vực giữa trời đất, có được thế đất rồng cuốn, hổ ngồi, chính vị đông, tây, nam, bắc, tiện nghi, phía trước là sông, phía sau là núi. Khu vực ấy rộng rãi, bằng phẳng. Đất ở đấy cao ráo, sáng sủa, dân cư không bị ngập chìm tối tăm khổ sở, muôn vật thịnh vượng, tốt tươi…
Thế là đã một nghìn năm Thăng Long rồi. Kể từ khi thuận theo lẽ trời, theo lòng dân, vua Lý Công Uẩn đã dời đô, lập lên một nhà nước thống nhất ở Thăng Long. Thăng Long cũng là nhân chứng lịch sử khẳng định công cuộc chấm dứt thời kỳ những tiểu vương quốc thế kỷ thứ thứ X, với các hoạt động quân sự chống phá lẫn nhau, để lập nên một nhà nước vĩ đại thống nhất. Trong đó phải kể đến vai trò của Phật giáo và Thiền sư Vạn Hạnh có vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh và chính trị ở Việt Nam - bắt đầu từ Hà Nội.
Hà Nội mạch thủy tụ hội về, mây lành bao bọc, khí chất giao hòa tinh tuý. Trục Kiến tạo Nam - Bắc thuận. 
Đúng giữa Kinh thành Thăng Long xưa, giờ xây Nhà Quốc Hội, thẳng tắp hướng Nam trên cùng một Kinh tuyến là Bái Đính, Hoa Lư, (cùng tọa độ kinh Đông 105,50 E), trước Bái đính cùng kinh độ ấy là Thiên trù, Chùa Hương (Bếp tiệc trời). Chỉ cần quay mặt theo hướng la bàn chính Nam, tĩnh tâm, nhắm mắt là ta đã có cố đô ở ngay trong lòng mình. 
Hà Nội như một ước ao bao đời người, ai ai cũng thế, chỉ một lần gặp mà tương tư mãi, mà thấp thỏm chờ mong đến si mê.
Bình minh một ngày mới. Cố đô, phố nhỏ, ngõ nhỏ nơi chiêm nghiệm ấy, phía xa những căn nhà vươn cao lên chọc trời. Khuôn mặt thành phố mới trai tráng rực rỡ sắc màu, đang lộ rõ những bộ ngực phẳng như khối đá tảng. Mây lỡ bay tạt vào cửa sổ, những khung kính ẩn hiện sẫm màu trời như chốn Sa Pa lưng chừng núi. Ở nơi ấy, trên những con đường rộng lớn, đoàn ô tô đèn xe phản chiếu cùng những tia nắng đầu tiên, bừng đỏ cả một chân trời. 
Chẳng thiêng liêng sao được! Khi ai xa cao, bay lên trên cả chín tầng mây. Mỗi lần nghiêng cánh bay chào cái lô nhô yêu dấu đang sáng lên những tia nắng sớm, phải chia xa những thứ phía bên dưới kia, ai chẳng khỏi nức lòng trong mỗi chuyến công du.
Sáng rồi, hồng rực nét tô son trên những mái lô xô thâm nâu, trên những công trình mới nguy nga. Mộng ước kiếm  tìm lời giải đáp đã theo đi cùng chút sẻ chia đêm đắm say, đang trôi trên những đám mây bồng bềnh, lấp loáng những vệt hồng tía. Biết là không thể trả lời, không thể hỏi ai, nhưng sẽ có một ngày Thăng Long, Hà Nội trả lời tất cả. Chỉ biết từ trong lòng mình Tình yêu cứ thế dâng lên. Từ nơi cửa sổ ngôi nhà thân thuộc, từ con sóng hồng mặt nước thân quen, từ cơn gió thoảng sớm mai đang tràn vào cửa sổ. Từ cả ngàn năm, là tất cả hồn mình.  
                                                           
  Tháng 11 năm 2009.