Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHÀ VĂN ĐỖ HOÀNG DIỆU: KHỔ THÂN TÔI CHƯA ?

Thuỷ Anna
Thứ hai ngày 8 tháng 2 năm 2010 6:38 AM


 - Sau khi "Bóng đè" làm mưa làm gió trên thị trường văn học, bẵng đi rất lâu, không thấy Đỗ Hoàng Diệu xuất hiện. Bee đã có cuộc trò chuyện với Đỗ Hoàng Diệu về thời gian "yên ắng" vừa rồi của chị.     
Được nhà chồng nuông chiều
Ngay từ lần đầu gặp Alec, gần như chị hiểu Alec chính là “bến đỗ” của đời mình. Điều gì ở Alec khiến chị có niềm tin liều lĩnh đó?
Tôi thấy mến Alec ngay từ cái nhìn đầu tiên. Alec cũng vậy. Cả tôi và Alec giống nhau một điều, chúng tôi tin vào sự mách bảo, tin vào cái nhìn đầu tiên, chính vì thế chúng tôi yêu nhau và kết hôn.
Alec là người đàn ông hiền và sống rất tình cảm, đó là điều dễ nhận thấy đầu tiên. Khi chúng tôi yêu nhau, bạn bè Alec bảo: Trời! Đỗ Hoàng Diệu kinh khủng lắm, làm sao mà sống chung được. Nhưng Alec đã không quan tâm. Anh ấy chỉ làm những gì mà trái tim và lý trí ra lệnh…Có thể sau này, anh sẽ thấy hối hận chăng?
 
Lúc đó, chị là một nhà văn đang “hot” nhất ở Việt Nam, điều ấy có góp phần tăng thêm chất xúc tác cho Alec, một người tốt nghiệp cử nhân văn học Anh và đang say mê nghiên cứu về lịch sử Việt Nam?
Nổi tiếng, danh vọng trong văn chương thật hão huyền. Tôi nhận thức điều ấy từ khi còn nhỏ. Và tôi mừng vì chúng tôi yêu nhau, lấy nhau không vì những điều ấy. Khi tôi và Alec gặp nhau lần đầu tiên, anh chỉ thấy tên tôi nghe quen quen, có thể vì anh ấy hay đi đường Hoàng Diệu!
Đúng là tiến trình giữa tôi và Alec diễn ra khá nhanh, từ yêu đến cưới chỉ có 6 tháng. Nhưng đó là khoảng thời gian rất đẹp cho cả tôi và Alec. Tháng 1/2007, Alec về Việt Nam đón tôi sang Mỹ cùng anh. Nguyễn Bính viết "lá sang ngang", còn tôi nghĩ mình sang đường, và cuộc sống sau lưng, trước mặt vẫn ồn ào…
Nàng dâu Việt, mẹ chồng Mỹ, có điều gì khó khăn đối với một nhà văn mà tiếng Anh của chị không phải là trôi chảy?
Tôi không sống cùng bố mẹ chồng, không có điều kiện gặp ông bà nhiều. Bố mẹ chồng tôi là trí thức, nghệ sĩ, quan niệm sống khá hiện đại. Chúng tôi là bạn của nhau, tôn trọng nhau trong cuộc sống. Tôi chẳng biết chuyện mẹ chồng nàng dâu là gì! Nhà bố mẹ chồng tôi có treo một tấm bản đồ Việt Nam rất đẹp, ông bà đã đề nghị tôi đánh dấu Tĩnh Gia - Thanh Hóa (quê của tôi) lên đó.
Nhà chồng tôi rất coi trọng việc đọc sách và gần như sùng bái người viết văn. Thành ra, tôi cũng được nuông chiều đôi chút.
 
 
Mắt Diệu giờ "thuần" hơn rồi!

Lúc “vượt cạn” nơi xứ người, chị có gặp khó khăn gì không?
Sinh con xong, tôi chẳng kiêng khem lấy một ngày. Có cái hay mà cũng có cái dở. Hay vì tự tay mình chăm sóc em bé, cảm nhận được tất cả sự thiêng liêng những ngày mẹ con đầu tiên. Bây giờ, có hai người giúp việc nhưng tôi vẫn tự tay mình chăm sóc con. Không may vì sức khỏe của tôi sau này không tốt, chắc là bị hậu sản!
Bé Asa, một bé gái mang đậm vẻ đẹp phương Tây, xinh xắn và thông minh. Chị có gửi gắm điều gì trong cái tên của bé cũng như mong muốn cho tương lai của bé sau này?
Asa là một tên cổ trong kinh thánh, một tên gọi khá đặc biệt, ít người đặt. Ngắn gọn, dễ viết, dễ nhớ, rất tiện cho người thân của tôi khi gọi cháu.
Có người nhận xét, khi chưa làm mẹ, đôi mắt của Đỗ Hoàng Diệu “đầy lửa”. Nhưng bây giờ chị “thuần” hơn rồi. Nhận xét ấy có đúng với con người thật của chị?
Có anh bạn họa sĩ bảo lần đầu tiên gặp tôi, anh ấy cứ nghĩ tôi đang bị sốt vì mắt …sáng quắc. Còn bây giờ gặp lại, anh ấy nghĩ tôi bị thiếu ngủ vì mắt lờ đờ… Lần đầu tiên, anh ấy phải lẩn tránh. Còn bây giờ thì không buồn để ý. Tội nghiệp tôi chưa!
 
 
Từ khi đến với Alec, chị khá “im hơi lặng tiếng”, chị vẫn theo sát đời sống của văn chương Việt đấy chứ?
Trong nước, gần đây tôi có đọc sách mới của Đoàn Minh Phượng, Tạ Duy Anh, hai giọng văn tôi ưa thích cùng vài cuốn có vấn đề gần đây như “Thời của thánh thần” của Hoàng Minh Tường. Tôi cũng đọc một vài tác giả trẻ và có cảm nhận của riêng mình. Gần đây nhất, tôi đọc “ Phiên bản” của Nguyễn Đình Tú, thấy anh viết khá chắc tay.
Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện.
Thuỷ Anna