Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NỖI BUỒN HOA CẢI

Vũ Hữu Trác
Thứ ba ngày 9 tháng 2 năm 2010 9:30 PM

Theo Cải ngồng. Nguồn Vanvn.net.
 
Ám ảnh đầu tiên là vườn cải, Gọi là vườn nhưng chúng mọc vung vỉt lung tung, vùng cao mà. Những cây cải tổng ngổng nơi biên giới, vươn lên ngẩn ngơ, trổ hoa vàng rực mà chẳng thể ăn được, chẳng để làm gì. Chiều về nhiều hơn, càng buồn hơn. Nghe đâu bà con trên vùng cao này thoảng thỉnh vẫn quải Anh túc lẫn vào trong vườn cải. Anh bạn cười hềnh hệch, bảo đấy là xen canh tăng vụ, còn tay Hoàng hâm dạy văn bên khối cấp hai dưới phố bảo chúng đang đua nhau vì thành tích đấy. 
Chiều, ngó ra trước lán tênh tênh buồn. Ngô trổ hoa đực trong các kẽ đá, tản mác chẳng ra hàng ra lối, cứ bạ đâu mọc đấy, bắp cái ra râu nhưng thưa quá không thụ phấn được. Hoàng hâm nhăn nhở: “Ô hô, cái nỗi lô nhô, râu ngô chẳng có làm gì”.  xong lại “ Tiếc quá”. Buồn vì cải, buồn vì ngô, buồn vì lạnh, không gì buồn hơn mỗi buổi chiều.
Mùa hạ sang rồi, trời vẫn lạnh. Đêm sơn cước sương giăng giăng u u. Sáng trăng, càng muốn khóc. 
Thủy lên điểm trường lúc Hạ đi vắng. Lán có mấy tấm liếp phập phành gió, có khóa cũng như không, lấy dây buộc tạm. Gió cứ thông thốc thổi vào. Hạ về, bươn bả, người hơi cu cũ trông chẳng giống ai, chịu khó, chăm chỉ.
- Mới lên à? - Hạ hỏi.
- Vâng. Em lên từ chiều.
- Ở đây buổi tối đừng ra ngoài, ban ngày cũng đừng đi xa, nhất là chỗ giáp biên.
- Sao hả chị?
- Bị hiếp đấy.
Một ý nghĩ thoáng qua gợi về kí ức Hạ, khiến Thủy rùng mình.
Thủy và Hạ thân nhau từ một thứ bình thường. Ngày Thủy được điều lên điểm trường xa nhất gặp Hạ. Hạ hơn Thủy khoảng vài tuổi, hiền như đất, mẹ mất sớm, Hạ và em trai theo theo bố lên miền núi Cao Quang này.
Đêm. Hai chị em ngủ cùng một phên giường bằng tre. Thủy hỏi:
- Ở đây chị còn ai không chị?
Một tiếng thở dài:
- Còn.
- Ai ạ?
- Con chị. Nhưng nó ra ở Cao Quang rồi.
Thủy biết Hạ không có chồng, nhưng vẫn hỏi liều:
- Thế anh ấy đâu?
- Làm gì có anh nào, ma nó lấy chị. Chị bị hiếp đấy - Thủy lại rùng mình.
- Xinh như Thủy phải cẩn thận. - Rồi chị khẽ thở dài.
Thủy gốc Hà Nam, gia đình khó khăn, bỏ quê đi làm kinh tế mới Bắc Bình. Bố là người ham lao động. Hơn chục năm lên thị trấn vùng cao, mới có một cơ ngơi gọi là kha khá kiểu Bắc Bình. Vườn, ao, chuồng gia súc tất cả đều bé tí. Nhớ ngày đi thi vào khoa Văn trường Đại học Sư phạm Xuân Hòa, một chiều mưa mùa hạ, ướt như chuột lột. Thế rồi thi đỗ, rồi lên đây làm cô giáo. Kì lạ, thị trấn nhỏ bé hoang vu này báo trước sẽ có một tâm hồn phù hợp với nơi sơn cước là Thủy. Vài cây xà cừ, vài cây long não cứ đứng lặng im. Mấy con bò ngẩn ngơ nằm giữa đường, giữa trưa mùa mưa vắng. Trong chúng, hình như chỉ cõi người là mông lung. 
Đêm nào cũng cứ chuyện, chuyện chẳng ra chuyện gì cũng chuyện. Thân thiết như chị em ruột, đi đâu cũng mong nhau, nhưng chị Hạ chẳng bao giờ nói chuyện riêng tư với Thủy. Chuyện Hạ bị hiếp, Thủy càng không dám hỏi. Ngày đầu lên đây đi dạy học, thấy Thủy khóc dòng vì đi lại khổ quá, Hạ động viên “Rồi em quen đi, cô thành thị ạ !”. Không có Hạ thì không biết sẽ thế nào.
Lát sau quay sang, đã thấy chị Hạ kéo chăn ngủ rồi. Tiếng côn trùng trong đêm ran ran u u, não nuột, thêm tiếng ngáy của chị Hạ nghe ghê chết, không ngủ được. Lơ mơ buồn, buồn vì cải vì ngô, vì  đám đá tai mèo trèo lên trèo xuống đến thủng cả giầy ba ta. Nỗi buồn về sau thấm đẫm hơn, có cái gì xa xăm thi thoảng cứ se sắt quặn lòng. Buồn ơi những nỗi chiều. Tối về cố ngủ cho nhanh. Gần mười năm ở vùng cao chị ấy vẫn vậy. Thủy chỉ mong làm sao được ngủ nhanh được như chị. 
Nhớ ngày đầu lên lớp ở điểm trường, bọn trẻ chạy tán loạn. Chị Hạ bảo : “Thấy em mặc áo trắng, chúng tưởng em là bác sĩ lên tiêm đấy”. Hạ phiên dịch mỏi tay chúng mới quay lại. Chị Hạ bảo : “Dạy đám mầm non còn chết nữa, chúng nó không biết tiếng phổ thông, khổ lắm”.
Ngày vào dân vận động cho học sinh đến lớp, mẹ chúng giấu con, đẻ năm thì bảo có ba. Còn chúng bảo “Chả thích đi học đâu !”.
Học vì có tiền hỗ trợ. Đầu năm lõm bõm, cuối năm tái mù cả. Mẹ chùng đến bảo : “Xin cô giáo cái chữ ký, để lấy hỗ trợ thôi. Xấu hổ lắm”.
Rất nhiều đứa không có giấy khai sinh, cũng chẳng có tên. Cô hỏi : “Cháu sinh năm nào?”. Mẹ cháu bảo : “Nó sinh năm con ong ” – sinh vào mùa ong. Có bà lại nói : “Nó sinh năm con trâu” - vì nhà năm đó trâu nó đẻ. Kì thật.
 
Học trò đến lớp, ngày được hai, ngày được ba đứa, nhiều nhất thì một chục. Những chiếc áo lâu ngày không giặt, hở vai, hở rốn. Mũi rãi ai ai, tanh tanh. Dạy lớp ghép, quay bàn lại, chéo môn, hai đầu dạy lại. Tài thật, thế mà được.
Có hôm học trò mang sắn tươi, có hôm cả con cá chết đến biếu. Chả gói bọc gì, cầm tay đưa luôn. Cô giáo nhìn theo, không hiểu gì.
Hoàng hâm lắc đầu:
-  Dân ở đây bẩn lắm. Hôm tớ đi thực tế, phải ngủ lại, bọ chó diệt cho nát chân.
Chị Hạ lại kể :     “Cô chào các con”.
Trò cũng bảo :     “Cô chào các con”.
Cô bảo:                “Không được bảo thế”.
Trò cũng bảo :     “ Không được bảo thế”.
Cô lại phải bảo :  “Đấy là nói các con, không được bắt chước”.
Trò vẫn bảo :       “Đấy là nói các con, không được bắt chước”.
Cô cáu tiết, đập tay xuống bàn :
- Thế chúng mày không hiểu cái gì à?
Trò cũng đập tay xuống bàn :
- Thế chúng mày không hiểu cái gì à?
Thủy phì cười, vui lên một tý. Bà Hạ hài ra phết.
Ở trường chính, tình hình khá hơn. Lần đầu họp Hội đồng trường, ông Hoàng nhêu nhao đọc bảng cửu chương theo kiểu học trò :
-  Một lu-ồn một là hai. Hai lu-ồn hai là rốn…
Thủy ôm bụng cười. Rồi cũng quen dần.
Được mấy hôm, Thủy mới dám hỏi Hạ về thằng Tản, cũng vì sợ tọc mạch, chẳng có duyên cớ gì mà hỏi. Hạ bảo nó đang ở với ông chú ruột dưới Cao Quang. Đúng vào lúc họp bình xét thi đua, Hạ nói to cố ý để mọi người nghe tiếng.
-  Để mà còn ăn học chứ, ở đây thì chết à. Năm nay nó lên lớp ba, năm nào cũng được tiên tiến đấy ! 
Ông Hoàng thính tai ngoái lại, nhe răng cười:
-  Thế các cô xem ti vi chưa? Thời sự nói ở miền Trung, có học sinh tiên tiến lớp bảy không mà đọc được chữ đấy! Mà các cô có đếch ti vi đâu mà xem.
Chị Hạ bảo:
-  Thôi ông hâm nó vừa vừa thôi! 
-  Này, ăn ở như các cô mà gặp bọn tự nhiên chủ nghĩa, nó mà tả cho, thì chỉ có mà buồn nôn!
-  Dạo này ông có tác phẩm gì mới không đấy?
Hoàng trễ môi:
- Anh đang tìm chất liệu thực tế. Tác phẩm lớn cần phải thai nghén, nghiền ngẫm.
Hạ quay sang bảo Thủy:
-  Em đừng nghe cái mồm ông Hoàng.
Hạ vẫn vui, chẳng lúc nào thấy buồn. Chị em bảo chị Hạ hồn nhiên. Thủy bảo chị là người có tâm hồn đơn giản. Nói đúng chị đã thành người vùng cao rồi.
Đầu năm, trường mở thêm điểm mới, phân công người qua đó dạy. Hai chị em xin ở lại nhưng không được. Hạ bảo :
-  Mình không đi thì người khác lại phải đi. Thôi để chị đi cũng được.
Thế là cách nhau ngót hai chục cây số đường hẹp toàn khe núi, nhưng tuần nào không về với con là Hạ lại sửa đôi ba ta đi bộ sang chỗ Thủy. Dép ở đây chóng hỏng, ba ta cứ phải khâu luôn trông cứ như quấn cái rẻ rách, chẳng ra hình giầy. Chị em lại xì xụp nấu ăn. Có lúc dỗi Thủy cũng túc tắc qua chị chơi, rủ nhau ra chợ đường biên sắm đồ. Mang tiếng là vùng cao dễ sống như mọi người ở dưới xuôi cứ nghĩ, cái ít dùng nhiều, cái hay dùng thì ít. Cá mú, rau cỏ đắt đỏ quá. Một cân cá chép cả trăm nghìn. Lắm lúc muốn ăn nhưng tiếc tiền, tiết kiệm mãi mà có được bao nhiêu, đành nhịn, động viên nhau, cái thứ ấy lắm chất độc lắm.
Hôm gặp Quang người gốc Thái Bình, thấp lùn, dạy cấp một, tạp phí lù các môn, lên đây từ lâu đã thành ma bản. Chị Hạ thấy Quang là bảo : “ Ma bản đến đấy!”.Quang háu gái, vừa lúc liên hoan tổng kết xong, Thủy ra ngoài, tự nhiên thấy có người ôm cứng lấy mình từ đằng sau. Quay lại thì ra Quang, răng đen đen, mặt đỏ tía rượu. “Anh thích em mà”. Thủy sững người, vùng chạy. Quang cứ giữ chặt khư khư. Thủy kêu to: “ Buông ra”. Quang bực tức: “Cứt!”. Nhưng lâu không thấy Quang ngỏ lời xin lỗi, thấy vẫn tức, cũng nhớ.
Thủy bảo: “Em thích “Hạ trắng” của Trịnh Công Sơn nhưng chị Hạ ơi, chả thấy… thấy chị trắng gì cả, gót sen đen quá, chỉ mắt là trắng thôi”.
Hạ đấm Thủy.
-  Con điên. Bài hát ấy thế nào?
Thủy trêu:
-  Gọi nắng cho em phơi quần...Quần em gió bay, áo em mất rồi, còn em mỗi đây…  
Thế là cười.
Năm ngoái ti vi đưa tin một chị hiệu trưởng bên Lao Cai chết bởi lũ cuốn giữa ngày khai trường. Vụ lũ quét ngay trong tỉnh, một thầy giáo cứu được năm trò, rồi thầy bỏ mạng. Vụ sạt đồi, lật xe bao nhiêu người chết. Bao lần nhắc nhau, kể với nhau, thế mà mấy chị em vẫn không biết phải làm sao. Điều không ngờ, không mong vẫn đến.
Bàng hoàng. đau đáu. Về tới nhà. Miệng đắng ngắt, mặt Thủy tái nhợt, trán và lưng rịn mồ hôi, nằm vật ra giường, thở. Thế thêm một người ra đi, thế là mất chị Hạ, Đôi giày ba ta hất chỏng đế lên. Xon xót dưới gan bàn chân. Đầu óc tê dại, ù đặc. Chị Hạ ơi, sống thì khốn khó lao lung, sao chết lại giản đơn vô nghĩa đến thế?
Tiếng kèn đưa đám Hạ vẫn váng vất bên tai. Chỉ một cú trượt chân ngã xuống khe núi. Thế là Hạ nằm lại đây với biên cương. Vĩnh viễn.
Ông chú ruột ngoài Cao Quang sấp ngửa dắt thằng Tản con Hạ vào, chú khóc Hạ như khóc con. Thằng Tản khóc, mũi nhãi ròng ròng. Nhìn ông, Thủy cũng khóc to lắm, không nín được. Nhìn thằng Tản, Thủy thấy thót nhói nơi con tim bóp chặt.
Sau hôm Hạ chết, Thủy cùng mấy chị em lúi húi dọn đồ thì trông thấy trên bán, trong giáo án chị một dòng vừa ghi vừa gạch:
-  Sao chẳng thấy con Thủy nói chuyện chồng con hay người yêu gì nhỉ ?...
         Thủy nghĩ, chắc chị thử bút. Thở dài.
      
        Bên ngoài trời những cây cải vẫn ngồng tướng lên, già không ăn được, trổ hoa cờ thật vàng, thật đẹp mà chẳng làm gì. Ngô cũng vậy râu cứ mượt mà quá, đang mất dần cái óng ánh kiêu kỳ, cứ lố nhố chỗ khe đá. Kì thật.
                                                                               (Theo Đan Tâm).
Anh về ra bậc cầu ao,
Nhặt con ốc vặn bỏ vào trong chum.
Chờ đêm mưa gió bão bùng,
Cho anh rình nấp phập phồng ngoài hiên.
Chờ khi bỗng vụt sáng lên,
Em trong vỏ ốc hiện trên sân nhà.
Anh ào cướp áo em ra.
Giấu sâu ngực áo chỗ tà bên trong
Để thôi mưa gió bão bùng,
Để trăng thôi lạnh, để lòng ấm êm.
Để ngô ra bắp quanh năm.
Để cải thôi ngồng, để gió thôi reo.
 ( VHT).