Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHỮNG CÁI TẾT TRONG CUỘC ĐỜI NHÀ VĂN NGUYỄN HUY TƯỞNG

Nguyễn Huy Thắng biên soạn
Chủ nhật ngày 7 tháng 2 năm 2010 9:56 PM
 
“Uống rượu tây rất khuya ở nhà Liên. Vặn máy hát, nghe những đĩa cô đầu. Nhớ những ngày hội mùa, những cảnh đình đám khi xưa.” – Đó là một đoạn nhật ký của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, ghi lại những kỷ niệm của ông với người bạn họa sĩ Dương Bích Liên đêm mồng Một Tết Canh Tý, 1960. Ngày ấy cách đây vừa đúng 50 năm, và đó cũng là cái Tết cuối cùng trong cuộc đời ngắn ngủi vừa trọn bốn con giáp của nhà văn!
Sinh thời, Nguyễn Huy Tưởng là người đặc biệt yêu Tết. Tết Đinh Dậu 1957, hòa vào dòng người đi chơi chợ Tết, phố Tết Hà Nội, ông hân hoan ghi lại trong nhật ký: “Những ngày cuối năm rạo rực. Phố Hoa: đào, mẫu đơn, quất, mai, cá vàng, thủy tiên, hoa giấy… Rực rỡ phố Hàng Mã. Gặp ở đây đông đủ các bạn văn nghệ. Mấy đồng chí quốc tế cũng đi. Làm sao mà tả được hết cái hương vị của Tết?”.
Không chỉ mong tả được cái “hương vị đặc biệt của Tết”, Nguyễn Huy Tưởng còn chú ý ghi lại những cảm xúc, trải nghiệm của mình trong những ngày Tết ông từng được hưởng. Sau đây xin được giới thiệu một số trang nhật ký Tết của Nguyễn Huy Tưởng, kể từ khi từ giã tuổi học trò đến không lâu trước lúc đi xa.
Tết năm Quý Dậu (1933), Nguyễn Huy Tưởng trở về quê hương Dục Tú sau những năm tháng xa nhà theo học dưới Hải Phòng:
“Hôm nay là ngày mồng một rồi đây. Giời đổ rét, gió thổi mạnh, nhưng thái dương soi sáng, cây cỏ đua vui. Cảnh nhà êm thấm, âu cũng cúi lậy Giời, Phật phù hộ cho...
Khai bút xin chúc non sông chóng được phú cường, mẹ tôi trường thọ, kinh tế mau tăng, chúc chị tôi, anh tôi, các người thân thích được mọi sự tốt lành. Đắc tài, đắc lộc. Tôi thì xin mau chóng có việc làm để có tiền phụng dưỡng mẫu thân.”
Tết năm Mậu Dần (1938), Nguyễn Huy Tưởng sau 2 năm đi làm
“Tôi đã 27 tuổi rồi đây. 27 tuổi, cái tuổi cũng đã to thay. Tôi thấy trong lòng mang mang, cảm thấy một thứ buồn vô hạn. Một năm đã qua, một tuổi thêm lên, người một già hơn, rồi lại già nữa. Tôi muốn bắt đầu viết nhật ký từ hôm nay, rồi viết mãi, để đánh dấu đường đời tôi đã qua. [Nhưng] tôi không biết nói gì. Hễ cứ cầm bút tự tả, y như là tôi lại phải phàn nàn về cái đời vô vị của tôi...
Mồng ba Tết, tôi gặp T., một người con gái cùng làng mà trước đây ba năm tôi đã cướp trái tim. Tôi trông thấy nàng ngồi trên cây đại ở ga. Không ai còn nhận được ở nàng cái người con gái mà ba năm về trước tôi gặp ở đình làng với một thứ sắc đẹp ngây thơ. Nay nàng với cái cử chỉ cứng cỏi càng làm cho tôi nhớ đến người đẹp thuở xưa.”
Tết năm Kỷ Mão (1939), Nguyễn Huy Tưởng nghĩ về chiến thắng Kỷ Dậu (1789)
“Ngày hôm nay hết Tết. Trong túi tôi còn đúng một đồng bạc. Tuy vậy, tôi đã bước sang năm mới, tôi thấy trong người hồi hộp, tôi thấy máu tôi mới mẻ, nhưng tôi không biết năm nay tôi có tiến bộ lên một chút nào không. Tôi chỉ biết rằng tôi đã bỏ qua một năm vô ích. Tôi cố tìm lấy năm ngoái một di tích gì trên đường đời của tôi, trên con đường văn chương của tôi, tôi không thấy một chút gì, toàn là những công việc bỏ dở, toàn là những cái vô ích. Năm mới này, tôi phải làm xong cái nhiệm vụ mà tự tôi đã phó thác cho tôi.
Ngày mai là ngày giỗ trận đây. Cũng ngày mai, mồng 5 tháng giêng là ngày tôi bắt đầu viết bài anh hùng ca về vua Quang Trung với cái lịch sử vẻ vang của dân tộc ta lúc đuổi Tôn Sĩ Nghị ra ngoài bờ cõi. Tôi tôi chưa có một ý tưởng gì về bài anh hùng ca ấy cả, tôi cũng chưa biết viết lối thơ nào cho hay. Công việc to tát, vĩ đại, gánh mà tôi mang thì nặng nề. Không biết cả năm nay, mà tôi định bỏ ra để cống hiến thân tôi cho công cuộc ấy, cho sự xa vọng là tặng nước tôi một bài ca hùng vĩ, không biết một năm nay, tôi có thể làm trọn cái thiên chức của tôi không? Nhưng tôi không sợ gì bằng sợ nửa chừng bỏ dở công việc. Tôi cầu nguyện linh hồn Quang Trung đại đế giúp tôi trong sự ca tụng công đức ngài. Ngài có khôn thiêng xin cho tôi cái khí mạnh mẽ, và câu văn diễm lệ để tôi chép trang sử oanh liệt mà ngài đã viết ra bằng những hành động bất hủ của ngài.”
Tết năm Canh Thìn (1940), Nguyễn Huy Tưởng mới lập gia đình
“Nghĩ nhớ tiếc mấy ngày xuân. Ngày ba mươi tết vui bao nhiêu, thì hôm đi làm buồn tẻ bấy nhiêu! Chỉ vì tết đi, là một tuổi của mình đã chôn sâu, một cái phần tuổi trẻ của mình đã bị mất. Nhớ tết, chẳng qua chỉ vì nhớ tuổi xuân. Trong khi vui, thì mình quên thời gian. Nhưng khi vui hết, cái áo đẹp bỏ ra, mình mới nhìn thấy cái thân hình thực của mình, nó đã già cỗi đi nhiều.
 Mồng hai Tết sang Du Lâm chúc tết cụ Tuần, ông ngoại vợ tôi. Lên tầu, vợ tôi lấy khăn lụa mỏng quàng đầu. Nàng xinh lạ lùng. Vào đến nhà cụ Tuần, còn sớm. Cụ Tuần thết cỗ. Khi ra đi, còn cho mỗi người 2 đồng mừng tuổi. Cùng anh Giáo và em Loan ra rừng chơi xuân. Cảnh u tĩnh và thanh nhã. Từ tạ cụ Tuần ra về. Trên đê. Trời đẹp. Cảnh sáng. Gió mát. Chị Giáo, em Tự và vợ tôi cười nô. Tôi thấy trẻ vô cùng. Áo nhung lam của vợ tôi, áo nhung đỏ của Tự, áo len xanh của chị Giáo thướt tha trong gió xuân. Chúng tôi pha trò. Cảnh sung sướng quá. Một bọn trẻ, giữa ngày xuân, ăn mặc lịch sự, cười cười nói nói, chỉ chỉ trỏ trỏ; tôi thấy trẻ lại, và lại tưởng tượng đến những bọn công tử tân thời nhà giầu khi xưa.
Mồng năm, sắp đến ngày đi rồi, phải hoàn toàn hưởng lấy thì giờ xuân. Vào chơi anh [Vũ Tuân] Sán nói chuyện văn chương. Hôm nay là ngày oanh liệt, là ngày vua Quang Trung phá 30 vạn quân Thanh, thêm một bức tranh rực rỡ cho lâu đài sử Việt. Chiều, cùng vợ ăn mặc lịch sự để đi chụp ảnh, không có ý gì, ngoài cái ý kỷ niệm ngày mồng 5 tháng Giêng [Chiến thắng Đống Đa].
Tết năm Canh Tý (1940), tết cuối cùng trong cuộc đời nhà văn
“Thủ tướng Phạm Văn Đồng mời lên ăn tiệc. Tiệc vui. Đặt nhiệm vụ nhà văn năm 60. Nhưng lại thấy phải làm việc nghệ thuật một cách thận trọng, không được vội vàng. Yêu cầu thì khẩn trương, mà sáng tác phải vững chắc, không nên hấp tấp. Thủ tướng lưu ý đến việc viết văn: cần phải trau dồi ngôn ngữ.
Buổi họp rất vui. Nhiều cảm tình với Thủ tướng. Nguyên Hồng: Chúng tôi ăn cơm, ăn thịt của nhân dân thì phải trả bằng cơm, bằng thịt, chứ không phải bằng giấy, bằng gỗ.
*
Những ngày áp Tết rét lạ lùng. So sưới. Củi thiếu. Mùn cưa không mua được. Trời giá buốt. Vợ ngồi suốt đêm luộc bánh.
*
Phát hành Kể chuyện Quang Trung.
Đêm mồng 1: Uống rượu tây rất khuya ở nhà [Dương Bích] Liên. Vặn máy hát, nghe những đĩa cô đầu. Nhớ những ngày hội mùa, những cảnh đình đám khi xưa.
Mồng 3: Cùng vợ đi chúc tết. Vào một hiệu mua Kể chuyện Quang Trung: cũng hết. Vợ vui sướng, nhìn thấy cuốn sách ấy không bày trên tủ hàng.
Ra Tết: bâng khuâng. Đọc Till Ulenspiegel xong. Nghĩ về cuốn Thủ đô: thấy mênh mang. Vốn sống còn ít. Sự hiểu biết về Hà Nội nông xờ.”
(“Cuốn Thủ đô” nói trên là tiểu thuyết Sống mãi với Thủ đô mà tác giả phải bỏ lại dở dang do ông đã qua đời sau đó không lâu. Nguyễn Huy Tưởng ra đi không thể nói là đã toại nguyện, nhưng ít ra thì trong cái tết cuối cùng này ông cũng có được một niềm vui: Hoàn thành được cuốn Kể chuyện Quang Trung cho thiếu nhi, đề tài mà ông từng theo đuổi từ hai mươi năm trước.)
Nguồn: Sự kiện và nhân chứng
Xuân Canh Dần, 2010