Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGUYỄN KHUYẾN CHẤM GIẢI THƠ VÀ CÂY HOA TRÀ CHÚC TẾT

Lê Hoài Nam
Thứ bẩy ngày 6 tháng 2 năm 2010 10:38 PM
Mùa xuân năm Ất Tỵ (1905), dưới sự bảo trợ của chính phủ bảo hộ Pháp, quan tuần phủ Hưng Yên, tên là Lê Hoan tổ chức cuộc thi Vịnh Kiều. Cuộc thi diễn ra rất rầm rộ, tạo thành một tao đàn, gọi là Tao đàn Hưng Yên. Lê Hoan muốn qua cuộc thi này để chứng tỏ mình là một viên quan có văn hóa chứ không phải thứ quan ô trọc, nhưng cái mục đích lớn vẫn là chính sách mỵ dân của chính thể thời ấy, muốn dân chúng bị cuốn vào cái ma lực của thi đàn xướng họa mà quên đi thực trạng đói khổ, nước mất nhà tan, mà làm nguội đi tinh thần chống Pháp của những nhân sĩ, sĩ phu.
Để cuộc thi có tiếng vang xa, ảnh hưởng rộng rãi tới nhiều tỉnh thành cả nước, thu hút được nhiều văn nhân – thi sĩ có tầm cỡ, Lê Hoan mời hai danh sĩ lừng danh là Nguyễn Khuyến và Dương Khuê chấm giải.
Thời điểm đó, cụ Tam nguyên Yên Đổ Nguyến Khuyến đã cáo quan về sống ẩn dật ở quê nội, trong một khuôn viên có tên là Vườn Bùi, xã Yên Đổ. Khi được mời làm giám khảo, Nguyễn Khuyến toan từ chối, vì thừa biết, trong ván bài này, cụ chỉ là một vật trang sức, một cái bình phong che chắn cho những mưu đồ danh lợi chứ hoàn toàn không nhằm mục đích trấn hưng đất nước, vinh danh dân tộc. Nhưng trước lời mời chào nhiệt thành cùng với áp lực của thời thế, cuối cùng cụ buộc phải nhận lời.
Quả thật, khi được biết giám khảo cuộc thi là hai danh sĩ lớn, các văn nhân – thi sĩ – nhân sĩ và các nhà nho của đồng quê gửi bài dự thi rất đông, trong đó có những nhân vật “tai mắt” cũng “xuất chiêu” như tiến sĩ Chu Mạnh Trinh – quan án sát tỉnh Hưng Yên; Nguyễn Tấn Cảnh – quan tri huyện Văn Giang; Nguyễn Chí Đạo – tri phủ Khoái Châu...
Riêng tiến sĩ – thi sĩ Chu Mạnh Trinh gửi tới hơn hai chục bài (sau này in thành tập có tên là Thanh Tâm Tài Nhân thi tập, hiện nay vẫn còn lưu giữ, tái bản). Với một tác giả có tầm cỡ, lại tham gia nhiệt tình như quan án họ Chu, đồng thời căn cứ vào chất lượng cụ thể của tác phẩm, cụ Nguyễn Khuyến và cụ Dương Khuê đã chấm giải nhất cho ông ta.
Tuy nhiên, trong quá trình chấm, Nguyễn Khuyến không thể không chỉ ra cho Chu Mạnh Trinh những điều mà cụ còn băn khoăn. Chẳng hạn như ở bài Vịnh Kiều bán mình, bản thảo ban đầu Chu Mạnh Trinh viết:
  Minh thịnh nay mừng đời thánh đế
  Ít phường gái hiếu, ối quan liêm...
Nguyễn Khuyến rất thích chữ “ối” vì nó hàm tính hài hước, mỉa mai cái sự “minh thịnh” của “đời thánh đế” đương thời. Nhưng đến khi bài thơ được vào chung khảo, sợ húy kỵ gì đó với nhà vua và các quan trong triều, thi sĩ họ Chu lại xin chữa thành:
  Minh thịnh nay mừng đời thánh đế
  Nào phường gái hiếu với quan liêm...
Chữa như thế sẽ là sợi dây an toàn cho tác giả, nhưng ý thơ trở thành nhạt, nhẹ bỗng. Nguyến Khuyến đã không hài lòng về động thái này, thì trong bài Vịnh Sở Khanh, thi sĩ họ Chu lại viết:
  Làng nho người cũng coi ra vẻ
  Bợm xỏ ai ngờ mắc phải tay!
Tránh húy kỵ với vua quan, nhưng lại mạt sát các nhà nho không hàm tước, điều này khiến cụ Tam nguyên thực sự nổi giận. Cụ hạ bút phê ngay bên lề bản thảo:
  Rằng hay thì thật là hay
  Đem “nho” đối “xỏ” lão này không ưa!
Chuyện này chẳng bao lâu đã bay ra ngoài. Dù lĩnh giải cao nhất nhưng Chu Mạnh Trinh vẫn để bụng giận cụ Tam nguyên, chờ dịp trả đũa.
Rồi dịp ấy đã đến. Đó là tết Nguyên Đán năm liền kề sau đấy, tết Bính Ngọ. Chu Mạnh Trinh sai người hầu mang một cây hoa trà vượt sông Hồng sang Vườn Bùi tết cụ Nguyễn Khuyến. Thi sĩ họ Chu quan niệm: hoa trà đẹp nhưng không có hương. Tết chậu trà, Chu Mạnh Trinh có ý chửi ngầm cụ Tam nguyên, rằng cụ thẩm thơ tôi mà chỉ biết có cái vẻ hào nhoáng bên ngoài chứ không thấy được cái hương vị sâu lắng bên trong, vậy thì cụ chỉ xứng đáng chơi cây trà hoa đẹp mà không có hương này thôi.
Dịp ấy, mắt cụ Tam nguyên đã chớm bị lòa. Mượn cớ ấy, cụ liền viết một bài thơ với ý tứ rất thâm hậu “phúc đáp” lại tiến sĩ – thi sĩ họ Chu:
  Tết đến người cho một chậu trà
  Đương say ta chẳng biết rằng hoa
  Da mồi tóc bạc, ta già nhỉ!
  Áo tía đai vàng, bác đấy a?
  Mưa nhỏ những kinh phường xỏ lá
  Gió to, luống sợ lũ dơi già
  Xem hoa, ta chỉ xem bằng mũi
  Đếch thấy mùi thơm, một tiếng khà
Khỏi phải nói khi thi sĩ họ Chu nhận được món lễ tạ này tâm trạng ông ta sẽ như thế nào. Cũng có thuyết nói rằng, vì bài thơ ấy mà Chu Mạnh Trinh đã làm đơn xin từ chức quan án sát. Nhưng nhiều người lại cho rằng, với một viên quan ham danh mà cũng không nhạt lòng với lợi như thi sĩ họ Chu, khả năng làm đơn xin từ chức vì lý do trên là rất ít. Khả năng ông ta từ chức vì sức khỏe là phần nhiều.
Trở lại chuyện Nguyễn Khuyến chấm giải thơ. Với một cuộc thi diễn ra trong một môi trường xã hội nhiều nghịch cảnh, đa tâm thế như vậy, dù cụ Tam đã chấm rất công bằng, đúng như lương tâm sai khiến, cụ vẫn thấy lòng dạ có gì đó bất an. Cụ không cảm thấy vinh hạnh gì cái chức giám khảo cuộc thi. Cho nên vào caí hôm diễn ra lễ tổng kết, trao giải, trong bữa tiệc liên hoan, các tân khoa cứ đua nhau chúc tụng khá ồn ào, thì cụ Nguyễn Khuyến đứng lên nói:
- Các quan, các thầy đã có thơ vịnh Kiều được giải, ta xin có lời mừng. Còn ta, được mời làm giám khảo ta cũng có mầy dòng vịnh Kiều đáp lễ như sau:
  Thằng bán tơ kia dở dói ra
  Làm cho bận đến cụ Viên già
  Muốn yên phải biện ba trăm lạng
  Khéo xếp nên liều một chiếc thoa
  Rước khách mượn màu son phấn mụ
  Đem thân chuốc lấy tội tình cha
  Có tiền việc ấy mà xong nhỉ
  Đời trước làm quan cũng thế a?
Mọi người xôn xao lên khen bài vịnh hay thật là hay. Riêng ông quan tuần phủ Lê Hoan, chủ xướng cuộc thi thì mặt có tái đi một thoáng, bởi ông này nhận ra cụ Tam mượn chuyện vịnh Kiều “đá xéo” mình. Đặc biệt ở hai câu: “Có tiền việc ấy mà xong nhỉ. Đời trước làm quan cũng thế a?”. Viết như thế cũng có nghĩa cụ Tam hỏi: Cái thời diễn ra trong truyện Kiều, làm quan cũng “có tiền việc ấy mà xong nhỉ” như thời ta đang sống này a? Bị cụ Tam đá đau nhưng quan tuần phủ Lê Hoan vẫn coi như không biết, bởi cái sự “thành công mĩ mãn” của cuộc thi, trong đó có vai trò trọng yếu của cụ Tam, mới là mối lợi to lớn y thu hái được qua canh bạc này.
Tài liệu tham khảo:
- Nguyễn Khuyến và giai thoại, Hội VHNT Hà Nam Ninh, 1984.
- Giai thoại làng Nho, sài Gòn, 1966.
- Đại Nam thực lục chính biên, nxb KHXH.
    Cổ Nhuế - Hà Nội, mùa đông 2009.