Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐỌC THỤY ANH

Nguyễn Văn Thọ
Chủ nhật ngày 7 tháng 2 năm 2010 10:18 PM

  Cuộc thi truyện ngắn VNQĐ kết thúc. Tác giả Thuỵ Anh chỉ đoạt giải ba. Trong cuộc thi này hai TN Lusia và cây cải Tashkent lại „bay“ tới báo Văn nghệ và nó, hai truyện ngắn này lại rơi vào Topten hai năm  do Văn nghệ tuyển chọn. Thật là đáng tiếc.        


Năm ngoái, Tết xong, nhiều người mới có thời gian đọc Top 10 truyện ngắn hay trong năm do báo Văn Nghệ bình chọn. Bắt gặp truyện Lusia(1) khá ấn tượng của Thuỵ Anh - một bút hiệu lạ hoắc,  nhiều bạn đọc tò mỏ hỏi tác giả này là ai?
Thực ra, tôi cũng mới làm quen với Thuỵ Anh trước đó, hơn một năm nay, các bài viết ngăn ngắn, tạp văn hay bút kí lẫn lộn và thơ trên Người bạn đường (Website của Hội văn học nghệ thuật người Việt ở Liên bang Nga), trên Thi viện. Thơ thì miễn bình, vì tôi là người ngoại đạo. Tôi chú ý tới đoản văn, tản bút của Thuỵ Anh, vì dù ngắn, hoặc rất ngắn, bao giờ cũng “có chuyện“. Với nhiều chi tiết trải nghiệm cảm động, tác giả làm bạn đọc phải ngẫm ngợi. Đoản văn Tình yêu người điên rất gần một văn bản truyện cực ngắn. Tiếc là, những đoản văn tương tự như thế, tác giả chưa có ý thức, cho cảm xúc lắng xuống, đắp thêm da thịt, biến nó thành một văn bản hoàn thiện hơn, để cùng là một công mài nó sáng lên, xếp vào tầng nấc cao hơn.
Lusia không phải truyện đầu tiên của Thuỵ Anh in ở Việt Nam. Trước đó, chị đã có vài truyện dự thi trên Tạp chí Văn nghệ quân đội, song lực hút của số Tết topten Văn nghệ, lạ thay, lại làm gương mặt Thụy Anh hiện ra sáng rỡ hơn. Lấp lánh!
Trước tiên xin nói về Lusia(1), câu chuyện về con chó nòi Kavkaz sống với một gia đình Việt ở Nga. Một gia đình tha hương, những mảnh đời tan vỡ dính vào nhau. Cha dượng của Yến- người kể chuyện - mua con chó Lusia về canh trang trại trồng rau, song con cô gái  lại gắn bó, yêu quý nó. Lusia đánh nhau với mafia Việt bênh vực chủ, bị thương nặng, Lusia bị bán đi cho một chủ trại ở vùng quê nào đó nuôi Lusia, hay không phải như vậy…câu chuyện kết mở, với sự xuống dòng, nốt nhấn man mát buồn:
“Lusia, / Ô ô ô ô/ Lusia…”
Tôi lẩm bẩm hát theo, mỉm cười nhìn thấy dáng to lớn lồng lộng của Lusia qua hàng nước mắt.(2)
Cốt chuyện rất đơn giản, không thắt mở nút đột ngột. Với Lusia của Thuỵ Anh, trước  hết bạn đọc thấy được hiện thực của cuộc kiếm sống không giản đơn, thậm chí lầm than của người Việt ở nước ngoài. Gia đình trồng rau ở Nga cũng như gia đình buôn bán quần áo tại Đức, họ không chỉ chống lại sự khắc nghiệt của thiên nhiên, phải vật lộn kiếm miếng cơm manh áo, mà phải đối phó với cái ác, từ bản thân mình và hơn nữa từ ngay chính đồng bào của mình. Người chú dượng - tuy không là người xấu, thực ra chỉ đáng thương, thậm chí có nét đáng yêu - do đời sống bức bách, nên hết sức thực dụng. Loại người nhan nhản hôm nay, chỉ biết có lợi hay không có lợi, không nhận ra cái cao cả đẹp đẽ xung quanh, trong đời sống của họ. Trong truyện ngắn này, người chú dượng đã ứng xử với Lusia như với một phương tiện, trong khi mà con chó lại hết sức trung thành và xả thân vì những kẻ nuôi nó. Ở đây, tác giả đặt các nhân vật cạnh nhau, người và chó ngang hàng với nhau mà vẫn không gây phản cảm, dù theo thói thường, do có những nét văn hoá khác biệt so với các sắc tộc Châu Âu, người Việt có cách nhìn nhận khác hơn. Sự xếp đặt ấy làm nhoà đi ranh giới người và vật, không gây phản cảm cho người Việt, nhờ Lusia được chuẩn bị xây dựng lớp lang nhân vật, gây thiện cảm cho bạn đọc, để tới khi họ chợt nhận ra có một tâm hồn ở con vật - chó Lusia – và điều ấy vẫn được chấp nhận tự nhiên. “Tính nhân văn hợp lí“ tìm thấy ở súc vật, không phải là súc vật hơn người, mà từ tập tính vật. Trong truyện ngắn này tác giả dùng chính tâm hồn người, cô gái kể chuyện, với cái nhìn sự đời, sự kiện trong sáng đẹp đẽ để làm cho tâm hồn Lusia hiện ra có lí. Đây là một vấn đề trong thi pháp văn xuôi nói chung và truyện ngắn nói riêng, một vấn đề hết sức kinh điển và ở chỗ này ngòi bút Thuỵ Anh đã tỏ ra nhuần nhuyễn.
Lusia xứng đáng được đặt vào Topten Báo Văn nghệ Tết năm 2008, không chỉ ở tư tưởng, ở tính nhân văn của chuyện, mà còn nhờ ở văn phong và bút pháp. Lusia được tạo nên bởi nhiều đoạn văn sống động, tả người, tả vật và tả cảnh.
Tả chó: toàn thân trắng muốt, to lớn như một con gấu vùng Bắc Cực. Mặt nó hiền và ngây thơ kỳ lạ, chẳng khớp với dáng vóc kỳ vĩ của nó. Tôi nhớ mãi hình dáng đẹp lồng lộng của Lusia khi lao từ xa, trên đồng cỏ vàng xanh điểm đầy hoa cúc kim trắng và oải hương tím xanh, dưới ánh nắng chiều hắt rực ửng hồng một góc trời. Và : Mắt Lusia lấp lánh, hình như vui, hình như hạnh phúc lắm. Nó rít lên nho nhỏ, dúi cái mõm ướt rượt vào mặt tôi. Cô nàng Lusia của tôi.
Có thể khẳng định, nếu tác giả không trải nghiệm qua đời sống lâu năm tại Nga, không quan sát kĩ càng cuộc sống khắc nghiệt cuồn cuộn ở Nga với đồng bào của mình, thì không thể dựng được những chi tiết sống, nhiều hồn dáng. Văn phong Thuỵ Anh trong Lusia điềm tĩnh, quan sát tinh tế, không mầu mè. Không giả, ví dụ:
…Đến giờ, tôi chỉ còn nhớ dáng cha ngồi im lìm bên bàn nước có miếng vải giải bàn bị cháy mép do tàn điếu cày của cha sém vào…
 Nhiều câu văn như thế ở Lusia, chắc nịch! Nó dứt khoát không phải thứ văn mực tím như lời giới thiệu ở đầu cuốn sách Topten Văn nghệ 2008 (Nhã Nam ấn hành sau đó).
Truyện ngắn Cây cải Tashkent là truyện ngắn tôi thích nhất. Câu chuyện kể về các nhân vật người bản xứ, một cô gái Ukraina và hai chàng trốn lính, nhân vật chính Andrei cùng cô gái Ukraina, được tác giả cho chạy xoay quanh cái vườn rau của một người Việt, cũng vì mưu sống mà tha hương trong thân phận làm thuê. Lấy bối cảnh Liên bang Xô Viết tan rã, nước Nga sau biến loạn, cuộc chiến tranh cục bộ vùng Tiểu Á cuốn vào con người ta, nhiều dân tộc và lớp trẻ vào guồng quay tàn nhẫn của nó. Cây cải Tashkent trở thành kì dị, vì những chi tiết  bất ngờ: Cô gái Ukraina chôn lông chim cạnh cây cải, vì phải ăn lén thịt loài chim mà dân tộc cô cũng như dân Châu Âu nói chung, rơi vào thảm cảnh mới phải ăn; cậu trốn lính mồ côi, anh bộ đội Andrei thì lấy nước mì tưới vào đó. Tác giả lấy ngôi thứ nhất: tôi, thản nhiên kể chuyện, không một lời cảm thán. Các tình huống cứ  tự nhiên chạy trong tuyến truyện, giống như cuộc sống vốn thế. Sự dị dạng của cây cải qua hai chi tiết không bình thường làm người ta nhức nhối. Nhức nhối như khi tác giả cho nhân vật tôi lại bắt gặp một ai đó, na ná như anh lính trẻ trốn lính, nay lại bị bắt vào lực lượng vũ trang, bị đói và… có thể chết. Sự quái dạng của cây cải, như một biểu tượng, là sự quái thai mang tính biến nếu biến loạn, chiến tranh, sẽ đẩy con người có những hành vi khác biệt với nhận thức hay văn hoá truyền thống (đói khổ phải ăn cả thịt chim câu, và vùi chôn tuổi xanh ở chiến tranh, phải tọng vào dạ dầy thứ mì ăn liền - tất không ngon thơm như bánh mì Nga và phó mát hoặc trứng cá hồi). Sự bất thường của đời sống, hệ quả là có cây cải dị thường, là sản phẩm tất yếu của xã hội không bình thường, không nên có. Ở đây, với chi tiết bình dị, thái độ của tác giả được xác định, dù là dưới cái tôi, nhân vật mang tâm thế của người Việt tha hương. Cây cải Tashkent mang tính triết luận sâu sắc, nhưng lại biểu hiện bằng vỏ bọc ngôn ngữ văn học tinh tế, kín đáo nhẹ nhàng, không lên gân, đạt tính thẩm mĩ cao. Thuỵ Anh phát biểu một vấn đề hết sức phức tạp, lớn lao của con người bằng lời giản dị!
Thuỵ Anh tránh được lối viết truyện ngắn triết luận bằng vài câu triết lí ngây ngô. Sử dụng chi tiết đời thường của cuộc sống, với ngôn ngữ văn học có tính ẩn dụ như vậy, làm truyện ngắn Cây cải Tashkent có một sức vóc không thường, tạo thêm sức nặng cho văn chương Thuy Anh.
Gió trắng là truyện ngắn thứ ba tôi muốn nói, nó dầy dặn nhất trong số truyện ngắn dự thi ở cuộc thi hiện nay của Tạp chí Văn nghệ quân đội. Cốt chuyện Gió trắng cũng đơn giản. Nhân vật tôi, một cô gái dẫn chuyện, kể về cuộc gặp gỡ của cô với một người đàn ông Việt ở Nga. Cô gái là sinh viên, đã có người yêu tên Dương nay ở vai trò hướng dẫn viên du lịch cho người đàn ông tên Phong. Cuộc du lịch của họ trở thành cuộc quay về dĩ vãng. Nói đúng hơn, là tìm về một vẻ đẹp trong sáng, mối tình xưa của người đàn ông với  cô gái Nga Tania nào đó. Cũng như những câu chuyện lãng mạn thoáng chốc, tác giả cho nhân vật gặp gỡ rồi tan biến ngay, nó sẽ chẳng tạo nên dư vị gì, nếu cô gái trân trọng vẻ đẹp ấy không tìm lại người đàn ông này, khi quay lại Việt Nam và, cô gái thất vọng! Cái kết không vui và chẳng buồn, nhưng để lại dấu hỏi cho người đọc:
…Bụi lau trồng sát hàng rào bỗng rạp mình nghiêng ngả. Trong lòng tôi, hình như gió trắng tràn về…
Thực ra vấn đề ở Gió trắng không mới. Cuộc sống bề bộn, và sự thúc ép của nó làm người ta biết là nhàn chán, đơn điệu, song vẫn phải sống chung không thoát ra khỏi hoàn cảnh. Do thế nhiều người tự dánh mất đi những vẻ đẹp mà khi nhớ lại ai cũng nuối tiếc, để mà nuối tiếc. Các nhân vật nam và nữ đều là những nhân vật bình thường, một kiểu sống trôi xuôi, không quyết liệt. Câu chuyện như tiếng thở dài bất lực. Có lẽ truyện ngắn hiện đại chỉ cần tới thế, nó không cần nhà văn phải tỏ ra minh triết, để có thể ứng giải tức thời với đời sống vốn phức tạp. Ở Gió trắng, tuỳ theo từng người, ở tâm thế khác nhau, có thể tìm thấy câu trả lời của mình: có nên sống như vậy để mà chi nuối tiếc, bằng lòng với cả cái nham nhở, đơn điệu của chính mình? Cũng như hai truyện trên, Thuỵ Anh lần nữa chinh phục bạn đọc bằng nhiều câu văn tỏ ra quan sát tinh tế. Cô ngửi mùi của nước Nga thật khó thể viết hay hơn:
Cái mùi trong trong, hình như có chút hương hoa cuối mùa đang vội vàng khoe sắc lần cuối khi cành lá đã xiêu vẹo tả tơi vì mưa thu. Hình như có cả mùi của lá mục vẫn bị chổi rễ cây tấp lại đâu đó cuối vườn, giờ những cơn mưa lôi chúng lên, bắt chúng rón rén tỏa hương, không thơm, nhưng không khó chịu. Hình như có cả mùi hăng nồng thoáng qua của con bọ nào đó trên cây. Và mùi hương không lời của bầu trời sũng ướt len lỏi trong lá phổi của tôi, đang khiến tôi run khe khẽ.
Cũng vẫn cái nhìn về tâm lí có suy ngẫm cẩn thận và trải nghiệm: 
Tôi có cảm giác, với anh, mình đã tàng hình. Anh nhìn xuyên qua tôi, hướng về những chiếc cột đèn cũ kỹ nặng nề màu đen, đỡ những chao đèn tròn đang chạy dần về phía chúng tôi.
Nói chung văn xuôi Thuỵ Anh không có nhân vật xấu để người đọc căm ghét. Dù ở bất cứ trạng thái sống nào, các nhân vật dẫu có dị tật bản năng hay dị tật sinh ra từ hoàn cảnh sống đều đáng thương, thậm chí có cả nét đáng yêu, như người dượng ở truyện cây cải cố gắng xoay chuyển, năng động kiếm tiền cho vợ con chả đáng yêu sao? Cuộc sống  ở xứ người, cái ác của đồng loại, thậm chí của chính đồng bào mình không thiếu, tác giả cũng không né tránh nó, khi phản ánh điều ấy vào tác phẩm. Như chi tiết bọn Mafia Việt ở Cây cải Tashkent…Song ở Thuỵ Anh, hình như đào xới cái ác không phải chủ đích của chị (cũng là của nhiều nhà văn khác hiện nay). Các câu chuyện ở văn xuôi Thuỵ Anh, từ đoản văn tới các sáng tác dầy dặn ở cấp độ cao hơn, dầy công hơn, đều cố gắng đánh thức tính thiện của con người. Đọc Thuỵ Anh xong, dù có man mác buồn, người đọc vẫn thấy không quá bi quan. Dường như ở đâu đó, quanh ta tâm hồn con người, kể cả người bình thường nhất, vẫn lấp láy vẻ đẹp còn có thể sinh sôi, nảy nở. Các nhấn nháy của tác giả rõ rõ ràng có chủ đích thiên về cái đẹp tâm hồn, dù trong hoàn cảnh mà người ta thèm khát vật chất nhất. Đây là một giá trị -  tính thẩm  mĩ Thuỵ Anh. Trường hợp Thuỵ Anh làm tôi nhớ lại lời ý kiến của cố nhà thơ Bế Kiến Quốc, khi anh còn sống, phát biểu, đại ý: Thơ phải hướng bạn đọc vào phần sáng của cuộc đời. Tôi tin chắc rằng, những người lao động, thợ khách, hay sinh viên, lưu học sinh v.v… hiện đang còn ở Nga, Đức hoặc ở đâu đó trong thân phận tha hương… trong hoàn cảnh tương tự, như các nhân vật trong văn xuôi Thuỵ Anh, sẽ đồng cảm với tác giả và ít nhiều bớt đi mặc cảm thân phận. Và ai đó đau khổ sẽ vượt qua hoàn cảnh mà đứng dậy bằng đôi chân của mình. Đây là điều đáng ghi nhận nhất, ở một cây bút mới, tuổi đời chưa nhiều, viết từ chính đời sống mình và của đồng bào quanh chị. Nó cũng góp một tiếng nói, tăng thêm sức nặng của dòng văn học di dân trong thế giới toàn cầu hoá hiện nay, mà Việt Nam là đất nước sau cuộc chiến tranh lạnh, hứng chịu không ít đau thương, tan nát.
Trong số các cây bút mới xuất hiện ở vài năm gần đây, Thuỵ Anh là người hiện ra trong văn đàn, chỉ hơn năm nay, nhưng đã tỏ ra có sức vóc và nội lực. Hơn 1 năm viết hơn chục truyện ngắn, in rải rác ở ba bốn báo, Văn chương Thuỵ Anh không phải là thứ mỏng mảnh, dựa vào kĩ xảo để tồn tại trong giới xa-lon, thứ văn nhạt hoét, dù được đánh bóng một cách ầm ĩ trên báo chí…Thuỵ Anh trầm lặng và luôn nụ cười tươi rói trên môi khi gặp bạn bè đồng nghiệp.
Nói như thế, không phải Thụy Anh không có khuyết tật.
Khảo sát một loạt truyện ngắn của chị trên Văn nghệ và Văn nghệ quân đội gần đây, thấy tác giả còn đôi khi tham lam, thiếu kiềm chế cảm xúc, để cho các chi tiết còn lan man. Thậm chí có chỗ câu văn thừa thãi, vì trước nó, những hình ảnh được tác giả tạo nên đã có nội dung của câu văn mà tác giả cố thêm vào:
Ví dụ: trong Lusia:…Chân trước chồm lên vai tôi, hất tôi ngã xuống cỏ. Hai chúng tôi đùa giỡn một hồi. Mắt Lusia lấp lánh, hình như vui, hình như hạnh phúc lắm. Nó rít lên nho nhỏ, dúi cái mõm ướt rượt vào mặt tôi. Cô nàng Lusia của tôi. Âu yếm và ấm áp làm sao!
Ở đây, theo tôi Âu yếm và ấm áp làm sao là thừa
Thứ hai, về tiết tấu, hầu như các truyện Thuỵ Anh đều đều, không thay đổi. Khi không thay đổi về tốc độ, không tạo thêm sự hấp lực làm mới, tạo không khí truyện, phù hợp với đời sống hiện đại. Cuộc sống không đều đều như vậy. Văn chương không phải là sự chụp hình đời sống, song văn chương phải mang hồn cốt của tinh thần thời đại. Trao đổi với dịch giả Kim Hiền, người theo dõi từng bước văn chương Thuỵ Anh và cũng là người am tường văn học kinh điển Nga, chị nhận xét: “Tính nhân văn và sự miên man trong tiết tấu truyện là nét riêng để nhận ra Thuỵ Anh và cũng là do ảnh hưởng sâu sắc (có thể vô thức) của nền văn học Nga kinh điển vào văn chương của tác giả này.“  Tôi đồng ý với nhận xét đó.
Thứ ba, hơi văn Thuỵ Anh ít thay đổi. Điều này có thể tạo nên một sắc thái Thuỵ Anh, song lại bất cập ở những trạng huống khác nhau, trong cấu trúc và xây dựng nhân vật, đòi hỏi bắt buộc thay đổi giọng điệu. Ta hãy quan sát, khi giọng cô gái ở Lusia chẳng khác gì với giọng cậu trai ở Cây cải Tashkent là một điều nhà văn phải ý thức hơn để hết sức tránh. Nó làm cho văn chương thiếu đi sự giàu có của sắc điệu.
Song dù có vậy, Thuỵ Anh là một giá trị đáng chú ý để hy vọng, khi chỉ hơn một năm, chị đã nhanh chóng tự khắc hoạ một khuôn mặt văn chương không lẫn vào ai, khuôn mặt đôn hậu và cười rất tươi mỗi lần bắt gặp. Những nhược điểm mà tôi nêu lên là thủ pháp, kĩ năng viết. Điều này khắc phục không khó và tôi tin là tự chị sẽ nhanh chóng nhìn ra  để tự hoàn thiện
Vĩ thanh
Trong báo cáo của ông Châu Hồng Thuỷ, chủ tịch Hội văn học nghệ thuật Liên bang Nga tại Hội nghị Việt kiều lần thứ nhất vừa qua có đoạn nói rằng, văn xuôi người Việt tại Nga mờ nhạt hơn lĩnh vực thi ca. Sự xuất hiện của Thuỵ Anh trong hơn một năm qua ở đời sống văn học trong nước, chứng tỏ sự nhận xét của Châu Hồng Thuỷ chỉ là sự đánh giá của quá khứ. Tôi tin rằng, tại nước Nga với ảnh hưởng của một nền văn học Nga vĩ đại và hết sức nhân ái, với hàng vạn người Việt đang bận rộn với mưu sống, còn nhiều Thuỵ Anh tiềm ẩn sẽ xuất hiện.
.
      Hà Nội- Tháng 12.2009
Chú thích :
1-Theo Thuỵ Anh cho biết, nguyên tác tựa đề  là: LUSIA, khi gửi đến Văn nghệ, biên tập đổi thành Vĩnh biệt Lusia, tôi thấy tên cũ đúng hơn. Tựa Vĩnh biệt Lusia ngay từ đầu đã lộ câu chuyện là cách đặt tên thiếu tính toán cẩn trọng.
2-Những dòng in nghiêng là trích từ T.N Thuỵ Anh