Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NHỚ VAN-ĐAI CỔ KÍNH VÀ MỘNG MƠ...

Vân Long
Thứ bẩy ngày 23 tháng 1 năm 2010 10:19 PM
 
              Hội nghị quốc tế giới thiệu Văn học Việt Nam dẫu có một số điều đáng tiếc như một vài phương tiện truyền thông đã lên tiếng ( và ban tổ chức đã có sự “phản biện của phản biện” ), cũng như ghi nhận được một số ý kiến xây dựng: cùng kinh phí và công sức đó, có thể có cách làm thiết thực hơn chăng?  Nhưng nhiều nhà văn có mặt ở Hội trường Mỹ Đình hôm khai mạc đều có chung  nhận định: có lẽ đây là lần đầu tiên, công việc của nhà văn ta được coi trọng với tổ chức quy mô và “hoành tráng” như vậy, xứng đáng là hoạt động mở đầu cho kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long, với sự chứng kiến của một số bạn bè quốc tế. 
             Với riêng tôi, có một chút áy náy do không theo đoàn ra Quảng Ninh để có thời gian gặp lại nhà văn Ôlếch Bavưkin, nhất là khi đã nghe ông phát biểu trên diễn đàn, ông nhớ lại mấy lần  tiếp các nhà văn Việt Nam, vào thời gian đầu cơ quan ông mang tên Hội nhà văn của Cộng hoà Liên bang Nga: Năm 1994 có các anh Thuý Toàn, Trần Nhương, Tô Đức Chiêu. Năm 1996 có Lò Ngân Sủn, Nguyễn Đức Hiền, Vân Long và chị Đào Kim Hoa, cán bộ đối ngoại. 
       Ôlếch có gài ý: sang Việt Nam lần này còn để “học” các bạn Việt Nam, làm thế nào để nhà nước tài trợ cho hoạt động Hội   được như vậy! Điều này càng làm tôi nhớ lại những kỷ niệm được chứng kiến các nhà văn Nga “bơi” trong cơ chế mới, những năm đầu như thế nào…                  
           Khác với hình dung của tôi, lần đầu được làm khách của Hội nhà văn bạn, nước Cộng hoà Liên bang Nga, 1996, sau khi rời sân bay, hẳn là sẽ được đưa đến một khách sạn ba bốn sao gì đó. Nhưng hóa ra trưởng ban đối ngoại Olếch Bavưkin và đồng chí ở Sứ quán ta lại đưa chúng tôi về thẳng nhà khách của Sứ quán. Lý do: Cơ chế đang xáo trộn, không chỉ là “xóa bao cấp”, các Hội tự lo lấy kinh phí hoạt động mà Ngân quỹ của khoảng hai ngàn nhà văn hội viên Liên Xô truớc đây  không thể trở thành sở hữu của mấy hội nhà văn (vừa bị phân hoá ) chưa xác định được cả con số hội viên! Do vậy, kinh phí tiếp khách (kể cả vé cho lộ trình xe hoả đưa đoàn đi St.Peterbourg cũng khó khăn).  Khi đã thân mật, Olếch còn cho biết 4 tháng nay anh chưa có lương, và đây là đoàn khách thứ năm, cán bộ Hội phải bỏ tiền riêng ra tiếp khách!
           Nếu được hỏi trong chuyến đi Nga năm ấy, nơi nào gây cho anh ấn tượng sâu đậm nhất, tôi không phải nghĩ ngợi mà trả lời ngay: Đó là Van-đai  một thị trấn cao nguyên, nơi khởi nguồn mấy con sông lớn như Volga, Đơnhíep và nhiều sông khác mà nếu bạn có tiền mua vé xe hoả, ngủ một đêm đã thấy Lê-ningrát thì sẽ chả biết gì về cảnh sắc đồng đất nước Nga xưa và nay.  Van-đai ở km 386 trên đường Matxcơva – St.Peterbourg, còn là một thị trấn trung tâm của nước Nga cổ bởi nó trực thuộc Nôpgôrôt kinh đô của các sa hoàng tử hơn một ngàn năm trrước.
Sau một hành trình dài bằng ô tô (chiếc Lada cũ kỹ, xe riêng của trưởng ban đối ngoại kiêm lái xe, hậu cần từ ổ bánh mì, chai nước ngọt…),  luôn hỏng hóc, khói um, dừng lại ở các trạm  sửa xe, đến nỗi ở chặng cuối, Ôlếch phải nói thực đã tiêu hết số tiền dự trữ, phải…vay tạm khách.
Khi Ôlếch lo lắng trách nhiệm tiếp khách thì chúng tôi say mê ngắm nhìn hai bên đường toàn những cây phong, cây bạch dương, cây thông mọc thành những cánh rừng. Mùa thu vàng của nước Nga đã bắt đầu nhạt đi ánh rực rỡ,  báo hiệu một mùa đông xám lạnh gần kề. Mỗi khi  đến gần một thành phố hay thị trấn rừng cây mới chịu thưa ra nhường cho những ngôi nhà  gỗ điểm vài nét tươi vui bằng sơn xanh, sơn vàng, hầu hết là nhà một tầng giữa các vườn cây…
Cảnh sắc đã bắt đầu đơn điệu gây mệt mỏi thì xe chúng tôi ngoặt vào một thị trấn, và một hồ nước lớn đột ngột mở bừng ra trước mắt chúng tôi. Sao lại có một mặt nước sáng  trắng trong sạch đến như vậy! Sau chúng tôi mới  biết Van-đai theo ngôn ngữ một bộ lạc cổ cũng có nghĩa là sáng và trắng. Đóng khung lấy mặt nước sáng trắng ấy là cánh rừng thưa vàng rực trong nắng chiều.  Mùa thu vàng đặc sắc của nước Nga ở đây vẫn chưa nhạt bớt.  Ngược lại những chiếc lá phong nhuộm nắng chiều lại ánh thêm mầu đồng đỏ.
    Một khách sạn lấp lánh những cửa gương nằm im lặng trên bờ nước vì không thấy một bóng người nào. Dưới nước là đàn vịt trời đang bơi lội, phía trên ngọn cây là những con quạ đen bay đi bay lại nghe rõ cả tiếng đập cánh.
Cảnh hồ Van- đai vào thời điểm chúng tôi đến sáng lạnh và hoang sơ như một cô trinh nữ xinh đẹp ở nơi thâm sơn chưa ai biết tới.
    Thực ra, từ 1990 nơi đây đã thành lập công viên quốc gia. Đây là nơi nghỉ dưỡng lý tưởng cho khách du lịch, đây cũng là nơi lý tưởng cho các họa sĩ tới vẽ tranh bởi những vẻ đẹp thiên nhiên rất Nga! Hèn nào  vừa bắt gặp hồ nước tôi đã  liên tưởng đến những bức tranh của  Lê-vi-tan.  Nước Nga vừa qua một cơn khủng hoảng ghê gớm, đồng tiền khan hiếm cộng với thời tiết đã chuyển lạnh, bắt đầu có tuyết, nên vắng khách, nên chúng tôi mới được hưởng cảnh sắc“trinh nguyên”, vắng vẻ đến thế! Nhờ không đi xe hỏa mà chúng tôi được thăm nơi mà các bạn ở Nga lâu năm cũng khó có dịp đến!  
 Hồ Van-đai có cả một chuỗi đảo, tất cả rộng khoảng 20 km2. Còn cả vùng Van-Đai “nước sạch” thì rộng tới 158.000 ha gồm đến 70 hồ và hai chục con sông.
 Dọc đường ra đảo, không gặp một bóng người, xe luồn qua cánh rừng thưa, qua một chiếc cầu ghép kiểu công binh cho xe tăng vượt sông để thăm   một tu viện cổ. Nhà văn Rômanốp chủ tịch Hội nhà văn Nôpgôrôp đến đón chúng tôi ở đầu cầu. Ông đưa chúng tôi vào sân tu viện, vừa đi ông vừa giới thiệu, không giấu được niềm tự hào về quá khứ của vùng đất còn lưu giữ những chứng tích của một trung tâm văn hoá cổ :
 -- Cuốn sách giáo khoa đầu tiên của nước Nga đã được in ở tu viện này. Hồi đó, ở đây cũng hình thành một trong những nhà xuất bản đầu tiên của nước Nga…-- Bằng giọng trầm trầm sâu lắng, Rômanốp đưa chúng tôi ngược dòng thời gian, hình dung về những thế kỷ xa xưa…
 Năm trăm năm trước đây, quanh hồ đều là rừng rậm. Hai bố con người  nông dân Đêmêkhốp là hai người đầu tiên đến khai phá, lập ra làng Van-đai, ở bờ phía Tây hồ này. Đến khoảng đầu thế kỷ 16, làng đã có gần 300 nhân khẩu, sống bằng hai nghề làm thợ và đi buôn. Ngay gần con đường Matxcơva-Nốpgôrốp nên làng thuận lợi phát triển nghề rèn, tiện gỗ và đồ gốm. Đầu thế kỷ 18 có cả một  quảng trường thợ rèn với hàng chục xưởng rèn, xưởng đồ gỗ và lò nung gạch. Nghề cổ truyền nổi tiếng là nghề đúc chuông. Có thể nói, những quả chuông lớn trong các tu viện cổ của trung tâm nước Nga đều được đúc ở đây, từ lớn đến nhỏ như các cụm chuông cho xe tam mã, chuông báo cháy, chuông nhà hát, các loại chuông tín hiệu đều do trung tâm này sản xuất…
         Đọc tiểu thuyết Nga viết về thời kỳ này còn nhớ được Sa hoàng Pierre I thất trận trước quân Thụy Điển vì thiếu quân dụng: đường xá lầy lội, những khẩu súng cối còn tụt lại ở Van-đai, chưa kịp đưa lên mặt trận thì trận đánh đã nổ ra…Rồi Sa hoàng ra lệnh thu hồi các quả chuông tu viện để đúc súng đại bác, đánh trận phục thù, chiến thắng người Thụy Điển.  Những người thợ rèn Van-đai ngày ấy chưa thôi xót xa thấy sản phẩm của mình biến thành vũ khí thì vinh quang nước Nga đã được xác lập. Đến nửa sau thế kỷ 18, việc sản xuất chuông mới được phục hồi. Lần đầu tiên, người thợ đúc (vốn vô danh) đã khắc tên mình lên sản phẩm: Phi-líp 1802. Năm 1816, Van-đai xây dựng nhà máy sản xuất chuông, nổi tiếng nhất là nhà máy của anh em nhà Usacốp. Chuông ở đây được nhiều giải thưởng cao ở trong nước và trên thế giới. Tu viện Ivecxki này do Tổng Giám mục Nikôn của Nôpgôrôp chọn vị trí xây dựng. Sau ông trở thành Đại giáo chủ của nước Nga.
 Năm 1770 nữ hoàng Êkatêrina II xuống chiếu cho Van-đai hưởng quy   chế thành phố, lúc đó mới có 2.000 dân. Ngày nay dân số đã trên 20.000 người. Quảng trường Tự Do, nơi xe chúng tôi vừa đi qua là Trung tâm thị trấn, có nhà máy sản xuất đồ hộp, sản xuất dụng cụ lâm nghiệp, ống kính máy ảnh, bơm ly tâm, các sản phẩm gỗ…
 Rời khu đảo và tu viện, nhà văn Rômanốp và Ôlếch Bavưkin đưa chúng tôi về thẳng Thư viện Van-đai. Đó là ngôi nhà hai tầng xinh xắn nằm    thanh thản dưới bóng hai cây thông lớn. Nếu không có tấm biển đồng gắn cạnh cửa, tôi ngỡ là một căn nhà của thị dân.
 Điều làm chúng tôi cảm động là ở giữa phòng đón khách có để một cái bàn, trên có một giá sách, trên giá bầy hơn chục đầu sách của các nhà văn Việt Nam đã được dịch sang tiếng Nga. Trên tường treo chiếc băng đỏ với dòng chữ vàng Việt Nam xa xôi mà gần gũi. Hơn chục đầu sách Việt Nam cho hai vạn dân ở nơi xa trung tâm này thật đáng trân trọng!
 Sau buổi tối giao lưu Nga-Việt, đêm ấy tôi có một giấc mơ  đẹp: Cùng   cô thủ thư Nga xinh xắn bơi thuyền trên hồ Van-đai…Và buổi sáng tỉnh dậy, qua cửa kính khách sạn, bắt gặp lớp tuyết đầu tiên như muối rắc trên chiếc Lada phong trần của trưởng ban đối ngoại Ôlếch Bavưkin -- tuyết của vùng Van-đai, nơi lạnh nhất nước Nga, giữa mùa đông có thể tới 52 độ âm.                                 
 Ôlếch rất quan tâm tới đời sống người Việt: Khi đến St. Peterbourg, đưa tôi tới ký túc xá sinh viên con trai tôi học ở đó, anh đòi cùng tôi lên tận phòng để xem sinh viên Việt Nam ăn ở ra sao, cậu con trai tôi bảo sợ phiền cho anh vì thang máy bị hỏng, phải leo bộ lên tầng 13. Anh cười lắc đầu bảo không hề gì, và leo lên thoăn thoắt như một sinh viên. Vào phòng ở, anh chú  ý đến ô tủ để đĩa nhạc của con tôi, gật gù lật giở khi thấy có hầu hết những đĩa giao hưởng cổ điển nổi tiếng. Anh bảo sinh viên Nga yêu nhạc cũng chỉ mong một tủ đĩa đầy đủ thế này!
 Sau gần chục năm qua đi, gần đây nhất, tôi tình cờ đọc bài báo của một ký giả người Việt cũng được anh đưa đi thăm Van-đai, mới biết anh đã có nhà riêng ở nơi lý tưởng đó, lại mới sắm chiếc xe 7 chỗ, vẫn thích đưa bạn văn đến nơi anh yêu thích và định cư lâu dài…