Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Thiên nhiên trong Tô tem sói

Nguyễn Thị Lan
Chủ nhật ngày 4 tháng 1 năm 2009 12:43 PM
(Tô tem sói - Khương Nhung NXB Công an nhân dân 2007)
                                                                                      Tặng N.D
1. Tô tem sói của nhà văn Trung Quốc Khương Nhung là một cuốn sách đặc biệt hấp dẫn, đem lại nhiều khoái cảm thẩm mỹ cho người đọc. Cuốn tiểu thuyết này được đánh giá là “một cuốn sách lạ, một bộ kỳ thư duy nhất trên thế giới mô tả về sói thảo nguyên Mông Cổ”, “một bộ sách viết về thảo nguyên với những trang huyền bí đầy mê hoặc”.
Sẽ còn tốn rất nhiều giấy mực của những nhà nghiên cứu, độc giả khi đọc cuốn sách không hề đơn giản này. Nhiều ýý kiến khen chê trái ngược trước những vấn đề tư tưởng của tác phẩm. Nhiều ý kiến phản đối gay gắt cho rằng cuốn sách cổ xúy cho chủ nghĩa phát xít, cho hành động bạo lực, cho chiến tranh, cho tư tưởng bá quyền qua việc tác giả tung hô “sói tính”. Thực ra, Khương Nhung đã nói rất rõ quan điểm của mình về “sói tính”, “cừu tính”…. “từ sau Tây chu, một quy luật về thịnh suy có tính chủ đạo cũng bắt đầu. Một khi cừu tính trong tính cách dân tộc Hoa Hạ mạnh hơn sói tính, Hoa Hạ liền bị dị tộc xâm lược, giang sơn đổ nát, bị người xâu xé, một khi sói tính trong tính cách dân tộc Hoa Hạ mạnh hơn cừu tính, Trung Quốc Hoa Hạ thực hành bạo chính, quân phiệt, hỗn chiến, dân chúng nổi lên như ong, loạn lạc không dứt, chỉ khi nào Hoa Hạ về tính cách dân tộc cừu tính và sói tính cân bằng, sói tính nhỉnh hơn cừu tính một chút thì khi đó cương vực được mở rộng, dân giàu nước mạnh, kinh tế văn hoá thịnh vượng phồn vinh” (Tô tem sói trang 508). Như vậy đâu phải Khương Nhung cổ xuýý cho chủ nghĩa phát xít, tác giả chỉ muốn tung hô tinh thần sói như một động lực của sự phát triển đất nước.
Sau này, trả lời phỏng vấn tạp chí Times nhà văn nói rõ: “Đây là cuốn tiểu thuyết ca ngợi tự do”. Phải chăng chính chủ nghĩa du mục (với tinh thần sói) có yếu tố tự do?
2. Ngoài chủ đề chính là tìm tính cách dân tộc của một quốc gia, Tô tem sói còn có một chủ đề khác đó là môi trường. Những trang viết về cuộc sống thảo nguyên là những trang tuyệt bút của tác phẩm, làm cho người đọc “đã đọc là không thể dừng lại nửa chừng”
Bối cảnh của tác phẩm là thảo nguyên ơlôn, một thảo nguyên bán hoang dã liền kề biên giới phía Bắc ở Nội Mông. Nơi đây nhà văn Khương Nhung trong những năm cách mạng văn hoá đã “tình nguyện” về lao động cải tạo cùng với những thanh niên trí thức. Mười một năm gắn bó với thảo nguyên, ông đã từng là một “dương quan” (người chăn cừu), đã từng đích thân nuôi một con sói nhỏ bắt từ hang sói về, từng chiến đấu với sói, từng chung sống với sói, thảo nguyên đã gắn bó với ông như một mối lương duyên, như những kỷ niệm đẹp nhất của cuộc đời ông. Sau này ông “sẽ kể lại nhiều lần cho bạn bè và người thân cho đến khi từ biệt thế giới này” về những năm tháng ấy.
Thế giới tự nhiên trong “Tô tem sói” hiện ra với tư cách là “một sinh mệnh” mà thảo nguyên ơlôn là tiêu biểu. Miền thảo nguyên này dưới ngòi bút của Khương Nhung thật tươi đẹp, phóng khoáng và được tác giả mô tả với tất cả cảm xúc và rung động.
Về một vùng thảo nguyên “mảnh đất còn trinh nguyên” nơi gần như còn vẻ đẹp nguyên thuỷ, hoang sơ, Khương Nhung đã ngây ngất trước cảnh vật nơi đây. Đây là một hồ thiên nga “đẹp đến nghẹt thở”, đẹp như trong mơ, làm cho nhân vật Trần Trận “mê mẩn”, “…mười mấy con thiên nga trắng, đẹp mắt, nhẹ nhàng bơi trên hồ rộng, thụ hưởng cảnh yên bình nơi thiên quốc. Xung quanh đám thiên nga là hàng ngàn, hàng vạn con nhạn, vịt trời và những con chim không rõ tên (….). Nước lặng, những chiếc lông vũ màu trắng bồng bềnh trôi” (sđd trang 205). Có lẽ đây là cái hồ thiên nga còn ở dạng nguyên thuỷ, con người chưa hề động tới ở Trung Quốc.
Còn đây là những bông hoa bạch thược trắng mà Trần Trận choáng váng, tưởng như gặp hoa thần tiên: “…ba bốn khóm hoa bạch thược đang nở rộ, mỗi khóm cao một mét, to một ôm, những cành thô bằng ngón tay út, thẳng đuột từ dưới đất chui lên khỏi mặt đất chừng một thước là lá rậm trên đó nở chục bông hoa trắng lớn như hoa mẫu đơn che khuất hết lá phía dưới. Khóm hoa như một lẵng hoa do một bàn tay thần cắm chi chít, chỉ trông thấy hoa không trông thấy lá, chả trách trông xa tưởng thiên nga” (sđd trang 239)
Và bầy thiên nga hiện ra lộng lẫy, êm ả như trong truyện cổ tích: “…Con thiên nga cong cổ như một dấu hỏi, hỏi trời, hỏi nước,  hỏi người, truy vấn vạn vật trên thế gian, những dấu hỏi lặng lẽ di chuyển trên mặt hồ, im lặng đợi câu trả lời. Nhưng đất trời lặng im, những hình ảnh lộn ngược run rẩy trên mặt sóng biến thành mấy chục câu hỏi lại. Một cơn gió thổi tới, những câu hỏi vỡ tan trong bước sóng” (sđd trang 245). Một đoạn văn rất giàu chất hội họa và chất thơ.
Thảo nguyên, cái “sinh mệnh lớn” không chỉ đẹp mà còn sống động, mãnh liệt với cuộc “đấu tranh sinh tồn” dai dẳng và tàn khốc, trong cuộc “chọn lọc tự nhiên” của các “sinh mệnh nhỏ” như: sói, dê, cừu, thỏ, chuột, rái cá…và người trong đó người và sói là cặp đối thủ hạt giống trong cuộc chiến đấu trên thảo nguyên Mông Cổ, một cuộc chiến cân sức, kéo dài hàng vạn năm. Những trang tả chó, tả cừu, tả dê, tả muồi là những trang hay của Tô tem sói.
Ngoài các “sinh mệnh nhỏ” các hiện tượng tự nhiên như: mây, gió, nắng, mưa, băng, tuyết làm nên cái “không quyển” của thảo nguyên mênh mông cũng được Khương Nhung miêu tả thật sinh động.
Nhiệt thành ca ngợi vẻ đẹp và sự sống động của thảo nguyên, Khương Nhung bộc lộ tình yêu say đắm, lòng sùng kính, ngưỡng mộ của mình trước “Người Mẹ thảo nguyên”: “vì đâu thảo nguyên có sức hút mạnh mẽ đến thế, khiến la bàn tình cảm của cậu chỉ về phương ấy. Trần Trận cảm thấy thảo nguyên đang run rẩy kêu cứu, khiến từ nơi sâu thẳm tâm hồn cậu vang lên cộng hưởng, thần bí hơn, sâu đậm hơn sự cộng hưởng tâm linh giữa mẹ và con. Đó là sự cảm ứng tâm linh với tổ mẫu, tằng tổ, thái tổ và thuỷ tổ xa hơn xưa hơn, tự đáy lòng, sự vị cảm tri bỗng bật lên thành tình cảm với tổ tiên xa lắc” (sđd trang 429).
Mẹ thảo nguyên - cái “sinh mạng lớn” ấy thật mỏng manh qua cái sinh mạng của cây cỏ bé bỏng. Khương Nhung đã có những trang viết về cỏ thật trìu mến yêu thương. “Cỏ tuy mạng lớn nhưng phận quá mỏng, quá khổ. Rễ thì nông, đất thì mỏng, sống trong đất, có chạy cũng không quá nửa thước, có bò cũng không quá ba phân, ai cũng có thế giẫm, có thể đạp, có thể ăn, có thể gặm, có thể hành hạ, một bãi nước đái ngựa cũng đủ chết cả một mảng! Cỏ mọc trên cát hoặc trong kẽ đá mới đáng thương làm sao, không nở được hoa, không gieo được hạt. Trên thảo nguyên đáng thương nhất là cỏ. Người Mông Cổ yêu thương nhất, đắm đuối nhất là cỏ thảo nguyên”(sđd trang 41,42). Chính cái cây cỏ nhỏ bé ấy làm nên cái “sinh  mạng lớn” của thảo nguyên mênh mông.
Hai mươi năm sau, nhân dịp kỷ niệm ba mươi năm ngày thanh niên tri thức Bắc Kinh về lao động ở ơlôn, Khương Nhung từ Bắc Kinh trở về thảo nguyên ơlôn. Lòng buồn vô hạn khi ông chứng kiến cảnh thảo nguyên “khô héo do bị khai thác cạn kiệt”. Và đến mùa xuân năm 2002, 80% đồng cỏ ở Paolicơ đã bị sa mạc hoá, mục dân sẽ từ chăn thả tại chỗ biến thành nuôi trong chuồng, không khác gì nuôi trâu bò ở nông thôn dưới xuôi. Khương Nhung đau đớn nghĩ: “Tăng cơ li (trời) muốn khóc mà không có nước mắt” (sđd trang 504)
Thảo nguyên giờ đây đã trở thành kỷ niệm. Văn minh du mục đã chấm dứt hoàn toàn. Thảo nguyên bị tàn lụi là sự tàn lụi của cái Đẹp trong con mắt nhân loại. Những trang viết của Khương Nhung về thảo nguyên sẽ là một kỷ niệm Đẹp và Buồn về một cái Đẹp mãi mãi lùi xa.
Giữa bao “sinh mạng nhỏ” của người Mẹ thảo nguyên, Khương Nhung đặc biệt ham thích con sói - con vật được coi là “vật tổ” của người Mông Cổ. Từ công việc nghiên cứu Tô tem sói của họ ông đã tìm hiểu về sói và từ đó gắn bó với sói. ông tìm hiểu tại sao người Mông Cổ lại sùng bái sói đến tột đỉnh coi sói là ông tổ, là tổ sư và là tấm gương sáng của người thảo nguyên, bởi sói có nhiều “phẩm chất” đáng quý mà con người phải học tập: tinh thần trách nhiệm với dòng họ và tinh thần đồng đội của sói; tính cách ngoan cường và nghiêm cẩn của sói, tình mẫu tử của sói. Trong cái tinh thần sinh tồn, dũng cảm, hy sinh của sói người Mông Cổ thấy được cái khát vọng tự do của chính họ.
Những trang sống động và hoành tráng về cuộc chiến đấu của sói để giành miếng ăn, tiếng hú của sói, tai sói, mắt sói, thức ăn của sói, khói sói và cả cờ sói….là những trang viết hấp dẫn lạ lùng.
Đây là tiếng hú của sói. Tiếng hú đó được tác giả liên hệ với dân ca Mông Cổ, nó “ngân dài và run rẩy (…). Tất cả những con vật khác trên thảo nguyên như bò cừu ngựa chó dê vàng chuột cáo….tiếng kêu không kéo dài như sói, chỉ bài ca của sói và dân ca Mông Cổ mới thế” (sđd trang 349).
Đây là tiếng tru của sói con đang bị xiềng xích gọi bầy: “Sói con sửa lại tư thế, nó cúi xuống phát ra “u…u…u” là âm chủ lực của tiếng tru. (…) “u…âu!), tiếng “âu” dài mênh mông như tiếng trẻ con còn hơi sữa, như tiếng tiêu, tiếng chuông nhỏ, tiếng tù và ngắn, tiếng ngân chưa dứt, dư âm kéo dài” (sđd trang 348)
Tiếng hú còn non tơ của sói con khác hẳn tiếng đáp lại của con sói đầu đàn: “đột nhiên từ đỉnh dốc phía tây vọng lại tiếng tru mạnh mẽ trầm đục, oai nghiêm chỉ có thể là của sói chúa hay sói đầu đàn, khẩu khí như ra lệnh, vĩ thanh rất dài, khi dừng dứt khoát”. Qua tiếng tru, Trần Trận cảm nhận được đó là một con sói chúa cường tráng, ngực nở vai rộng, âm vực rất sâu” (sđd trang 350).
Nếu như tiếng tru của sói đầu đàn đầy “nam tính” thì tiếng tru của sói mẹ lại rất “nữ tính”: “Bỗng có tiếng tru dài vẳng tới, hình như của một con sói mẹ. Tiếng tru thân thiết êm ái, dịu dàng, bi ai, mang nỗi đau của tình mẹ, tiếng ngân run rẩy và dài lê thê, có lẽ đây là ngôn ngữ của sói, đầy ýý tứ và tình cảm sâu nặng (…) con sói mẹ lại tru lên thê thảm, lát sau có nhiều sói mẹ tham gia đội ngũ gọi con. Thảo nguyên vang lên tiếng ca bi thương (…) lời ca đau thương nhất trên đời của người mẹ xuyên qua năm tháng, rung chuyển thảo nguyên ngàn đời hoang vu” (sđd trang 351,352).
Những tiếng tru mãnh liệt và cảm động với những giai điệu khác nhau hoà âm thành một bản nhạc “tiếng hú của sói” mang nét đặc trưng của thảo nguyên Nội Mông xa xưa. Không có sự hiểu biết và tình yêu với loài sói không thể có những trang viết sinh động và rung động lòng người đến thế.
Tình yêu ấy, Khương Nhung bộc lộ sâu sắc ở những trang viết về sói con, con vật mà ông đã vào tận hang bắt và mang về nuôi; ông đã chăm sóc nó tận tình, thậm chí còn nhường cả khẩu phần ăn của mình cho nó, cùng sống với sói con, cùng hoạn nạn với sói và sau này sói con chết Khương Nhung thương tiếc vô hạn. Những trang viết về việc “thiên táng” sói con đầy bi tráng làm xúc động sâu xa trái tim người đọc. Suốt 2 trang viết Khương Nhung nhiệt thành ca ngợi cái oai thừa của sói con khi đã được thiên táng: “gió tây bắc ào ào căng ngang tấm da sói giữa trời, chải cho chiếc chiến bào sạch sẽ mượt mà như lên trời dự tiệc. Khói trắng tuôn ra từ ống khói trên nóc lều luồn dưới tấm da sói bay đi. Sói con như đang đằng vân giá vũ tự do thả sức tung bay, lúc này trên cổ sói không còn dây xích, dưới chân sói không còn cảnh giam cầm (…). Đó là ngoại hình sói con để lại cho đời, trong cái ngoại hình oai nghiêm đẹp đẽ ấy hình như vẫn còn ôm ấp linh hồn tự do và bất khuất của sói con” (sđd trang 475, 476).
Hai mươi năm sau, trở lại hang sói ngày xưa (nơi Trần Trận bắt bảy con sói con), thực sự coi sói như một sinh mạng có linh hồn, anh lấy đồ cúng thắp hương, hy vọng linh hồn sói và ông già Pilíc trở về “…dõi theo làn khói đi tìm linh hồn ông già và sói con, Trần Trận muốn kêu lên rõ to: “Sói con ơi! Bố ơi! Con đến thăm sói con và bố đây!...”. Nhưng anh không dám, anh không xứng đáng được phép gọi như thế. Anh cũng không dám đánh động linh hồn ông già và sói con, chỉ sợ họ thức dậy nhìn xuống “thảo nguyên” khô héo” (sđd trang 504).
Đây là một trong những trang trữ tình thống thiết nhất của tác phẩm. Những tình cảm ấy Trần Trận dành cho sói con “người bạn”, “bậc vương tôn công tử” của anh.
Yêu mến thế giới động vật, hoài nghi con người, tình cảm ấy lên đến điểm đỉnh khi Khương Nhung để hai nhân vật của mình đối thoại
- Dương Khắc: Thời bây giờ càng không thể tin vào tình cảm con người (…) mình ngày càng thất vọng về người Trung Quốc (…) tiếng khóc thật sự não lòng ở thành phố hiện nay là khóc con chó thân yêu bị chết… Sau này người ta chỉ có thể tìm chân, thiện, mỹ ở thế giới động vật.
- Trần Trận: đâu chỉ có chân, thiện, mỹ mà thôi.
3. Như vậy qua những trang bát ngát về thảo nguyên, Khương Nhung muốn gửi một thông điệp tới người đọc đó là “môi trường” - cái “sinh mạng lớn” của trái đất.
Trong hệ sinh thái của chúng ta, khác với những động vật ăn cỏ, động vật ăn thịt, con người ăn tạp. Về cơ bản con người ít có tác động tích cực tới môi trường sinh thái. Con người chỉ biết khai thác và phá hoại môi trường. Trong hoàn cảnh ngày nay, để phát triển kinh tế với tốc độ nóng bỏng hơn lúc nào hết con người càng đẩy nhanh quá trình khai thác tài nguyên đến cạn kiệt, thiên nhiên ngày càng bị tàn phá, các loài vật bị giảm đi nhanh chóng, môi trường sinh thái bị mất cân bằng nghiêm trọng, trái đất ấm dần lên, sự sống của trái đất trở nên mong manh do sự ứng xử thiếu văn hoá của con người. Những trang viết của Tô tem sói như một lời cảnh tỉnh nhân loại: hãy bảo vệ môi trường thiên nhiên, hãy sống hoà hợp với thiên nhiên, hãy dừng tay phá hoại thiên nhiên trước khi tất cả còn chưa quá muộn.
Chính vì lẽ đó Tô tem sói thấm đẫm một giá trị nhân văn.
Hải Dương đầu hạ 2008