Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Văn học với xu thế hội nhập

Hữu Thỉnh
Thứ bẩy ngày 10 tháng 1 năm 2009 5:49 AM
 Từ khi mà sự diệu vợi của không gian trở thành nỗi ám ảnh hãi hùng đối với người xa xứ thì cha ông ta vẫn tìm mọi cách để vượt qua giới hạn của dân tộc. Giao hảo với bên ngoài dù có lúc được khai thác từ lợi thế địa chính trị, địa kinh tế, địa văn hoá hay nghiêng về ý thức hệ, cách thức có thể hoành tráng hoặc đơn sơ, nhịp điệu có thể xô bồ hoặc tiệm tiến thì cuối cùng vẫn chỉ xoay quanh lợi ích cơ bản của nó là bổ sung và phát triển. 

Rõ ràng, kết quả của tiếp biến văn hoá Nam Bắc hoặc Đông Tây đều thúc đẩy xu hướng cách tân trong văn học, tạo nên những bước phát triển đột phá như chúng ta đã từng biết. 

Nhưng quá trình hội nhập trong quá khứ đều vấp phải những giới hạn, dẫn đến một tất yếu: chúng ta mới hội nhập với một phần của nhân loại. Giờ đây, sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước ta, với chủ trương làm bạn với nhân dân tất cả các nước không phân biệt chế độ chính trị, đã đem đến một vận hội mới: Đó là sự hội nhập đầy đủ với thế giới với toàn nhân loại. Về nhiều mặt, chúng ta chưa có sự chuẩn bị đầy đủ để đón nhận thời cơ này cả về cơ sở vật chất, cơ sở pháp lý, quan niệm về quan điểm nhận thức, và đặc biệt là năng lực và trình độ. Cũng như mọi lĩnh ực khác, hội nhập là một cơ may, nhưng cơ may đó không chia đều cho tất cả mọi người. Có không ít người nhỡ tàu trong khi cũng có  không ít người thành đạt. Có người ngộ độc kháng sinh và cũng có người ngộ độc đạm. ở Nhật Bản quy trình tiếp nhận công nghệ của thế giới đều nhất thiết tuân thủ theo trình tự 3 giai đoạn như sau: 

-Nhái lại
-Phỏng tác
-Cải tiến

Thực tế cho thấy, trong văn học không ít người chỉ dừng lại ở giai đoạn 1 hoặc 2 tức là nhái lại hoặc phỏng tác, chỉ có những tài năng thực sư mới bước sang giai đoạn thứ ba là cải tiến. 

-Nhưng cải tiến theo xu hướng nào?
Câu trả lời chỉ có thể là:
-Phải đứng vững trên nền tảng di sản văn hóa dân tộc. 

Trong kinh tế, để tiếp nhận đầu tư từ bên ngoài thì anh cũng phải có ít nhất 1 đồng  trong nước làm vốn đối ứng. Như vậy muốn tiếp thu tinh hoa văn học nhân loại, phải có đủ vốn văn hoá dân tộc, làm chủ di sản dân tộc, nếu không hoặc là rơi vào tình trạng mất phương hướng, vàng thau lẫn lộn, cũ người mới ta hoặc là mô phỏng nhái lại, cam phận làm cái bóng của người khác. Và dù xu thế hội nhập có phát triển đến đâu, cái quan trọng  nhất là phải được Việt hoá.Về học tập di sản văn hoá dân tộc, về Thanh Hoá nhớ đền nhà Lê, tôi xin lấy một dẫn chứng rất thú vị và bất ngờ khi tôi đọc Luật Hồng Đức (Quốc Triều Hình luật). Chúng ta từng nghe biết bao câu chuyện phân biệt đối xử với phụ nữ rất đau lòng dưới chế độ phong kiến; Còn cái điều tôi sắp đọc sau đây có lẽ là điều hiếm đối với Luật thì phải. Điều 308 Bộ luật Hồng Đức nguyên văn như sau:

 Điều 308: “Phàm chồng đã bỏ lửng vợ 5 tháng không đi lại (vợ được trình với quan sở tại và xã quan làm chứng, thì mất vợ. Nếu vợ đã có con thì cho hạn 1 năm. Vì việc quan phải đi xa thì không theo luật này. Nếu đã bỏ vợ mà lại ngăn cản người khác lấy vợ cũ (của mình) thì phải tự biếm. 

Khi biên soạn Luật Phòng chống tham nhũng, tôi không thấy ai tham khảo đến tác phẩm “Từ  thủ yếu quy” (Quy định những điều người làm quan không được nhận của .của  Đặng Huy Trừ, vị quan đầu tỉnh của Thanh Hoá thừa Tự Đức) và  đặc biệt Luật Hồng Đức, trong đó có chế tài rất tỉ mỉ sau đây:

Điều 577: “Những người làm việc trong ngự trù (bếp của vua) và bếp các nhà quyền thế mà ra chợ ức hiếp lấy không hàng hoá hay mua rẻ, thì người coi chợ và người trong chợ đều được phép bắt đem nộp quan để xử phạt vào tội đồ, chủ nhà thì phải tội phạt”. 

Nếu một ví dụ như vậy, tôi muốn nói đến căn bệnh dễ gặp hiện nay là bệnh sùng ngoại, vồ vập quá đáng với các giá trị ngoại nhập, quay lưng ghẻ lạnh với di sản văn hoá dân tộc. 

Hội nhập văn hoá là một quá trình tiếp nhận và chuyển hoá, công phu, không phải đơn giản là sự thẩm thấu, hoà trộn cơ giới, sống sít, vội vã. 

Cần phải có bản lĩnh văn hoá để thuận theo người mà không để mất mình. Xin nêu một ví dụ để chúng ta cùng suy ngẫm: Năm 1994, người ta dự định tổ chức cuộc Hội thảo “Bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc” tại một quốc đảo giàu có ở châu á. Chính phủ nước chủ nhà buồn bã đưa ra câu trả lời sau đây “Chúng tôi không thiếu tiền, chúng tôi có đầy đủ điều kiện vật chất để đáp ứng Hội thảo đạt tiêu chuẩn quốc tế cao nhất, nhưng thảo luận chủ đề gì thì được, còn bảo tồn văn hoá dân tộc thì không thể, vì chúng tôi mất hết văn hóa dân tộc, đã phương Tây hoá hoàn toàn rồi, chúng tôi không còn để nói với khách về văn hóa dân tộc. 

Ví dụ trên minh hoạ sinh động cho chủ đề cuộc Hội thảo này. Hội nhập văn hoá chứ không phải toàn cầu hoá văn hoá. Quan điểm được nhiều nhà văn hoá đồng tình là coi hội nhập văn hóa là bổ sung chứ không phải thay thế và dám tự coi mình không có nền văn hóa nào có thể thay t hế các nền văn hóa khác. Mọi toan tính thôn tính văn hoá, xâm lăng văn hoá, thay thế văn hoá đều đi trái với bản chất của hội nhập. 

Hội nhập văn hoá cũng không phải diễn ra theo nguyên tắc bình thông nhau, nền văn hóa cao giót xuống cho nền văn hoá thấp, để tạo ra sự quân bình theo kỷ vật lý học. Do đó thái độ nước lớn, tự thị, vênh váo đáng phê phán bao nhiêu thì thái độ tự ti, thụ động cũng đáng phê phán bấy nhiêu. 

Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị coi văn hoá là bộ phận rất quan trọng và đặc biệt tinh tế của văn hoá, gắn bó sâu sắc với cuộc sống dân tộc. Một câu hỏi được đặt ra, vậy văn học cần hội nhập như thế nào? Làm thế nào để tiếp tục đẩy mạnh tiến trình mở cửa mà vẫn có khả năng chế ngự được những rủi ro, vẫn bảo tồn và phát huy được truyền thống, bản sắc văn hoá dân tộc? Trong công việc khó khăn này, để hội nhập được định hướng, chủ động, lại một nần nữa chúng ta trông cậy vào vai trò hướng dẫn, soi sáng của lý luận, phê bình và đặc biệt là một tầm nhìn bao quát để việc giới thiệu các trường phái nghệ thuật thế giới chưa có ai làm. Chúng tôi hy vọng rằng vấn đề này sẽ được Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương sớm đưa vào chương trình hoạt động sắp tới. Việc nghiên cứu các trào lưu văn học thế giới vừa qua, tuy đã xuất hiện một số công trình nhưng còn nhiều bất cập, thiếu tính hệ thống. Tác phẩm ra mắt không được giới thiệu, thảo luận phần lớn rơi vào im lặng. Việc đầu tư còn nhỏ giọt, không tương xứng. Cần tôn vinh xứng đáng công lao của các nhà dịch văn học và cộng tác dịch văn học. Chúng ta cần phải biết ơn họ. Trước yêu cầu mới của hội nhập, Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị nhấn mạnh đến trau dồi ngôn ngữ đầu tư xứng đáng cho công tác giao lưu văn hoá. Được biết, trong chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị, Ban Tuyên giáo đã có kế hoạch xây dựng chín đề án chuyên đề cần sớm được thể chế hoá, trong đó có đề án tăng cường, đầu tư công tác giao lưu văn học nghệ thuật trong tình hình mới. Cho đến nay công tác dịch thuật văn học căn bản vẫn là tự phát, mạnh ai nấy làm, việc lớn nhất là quy hoạch thì không cơ quan nào đứng ra làm và được giao cho làm. Đây là một  vấn đề rất đáng được thảo luận. 

Một trong những khó khăn lớn nhất của giao lưu văn học là sự vướng cản của hàng rào ngôn ngữ. Việc đào tạo các chuyên gia về các ngôn ngữ lớn là việc của Bộ Giáo dục - Đào tạo, vượt khỏi tầm tay của Hội Nhà và các cơ quan văn học. Sau khi Trung Đức mất, chuyên gia về tiếng Tây Ban Nha rơi vào tình trạng đốt đuốc đi tìm. May mắn thay, trong đợt kết nạp hội viên năm nay chúng ta được bổ sung Vũ Thanh Bình ở Bìa Rịa – Vũng Tàu.

Thấy được vấn đề và nếu thực bắt tay vào việc, tôi tin rằng việc đào tạo thế hệ dịch văn học kế cận sẽ được khắc phục. 

Cái khó nhất, còn lại là mối lo về sự tụt hậu về cách nhìn, tầm nhìn. Khả năng phát hiện vấn đề có tầm phân loại. Trong văn học không có đề tài lớn hay đề tài nhỏ, chỉ có tài năng lớn và tài năng nhỏ. Có thể viết về đề tài rất nhỏ, rất bình thường nhưng nhà văn có tài lại có thể phát hiện ra những vấn đề có tính phổ biến toàn nhân loại. Tình trạng khai thác những vấn đề vụn vặt, quẩn quanh không mấy ý nghĩa trong sáng tác mà nhiều người đã chỉ ra là một sự lạc lõng rất đáng được thảo luận sâu thêm góp phần làm chuyển động tình hình sáng tác của chúng ta ta hiện nay. Bởi vì nói cho cùng hội nhập văn hoá, giao lưu văn hoá là để làm giầu cho mình, để nâng mình lên, đó là lợi ích, nguyên tắc của hội nhập. 

Điều cuối cùng chúng tôi muốn được Hội thảo tập trung thảo luận đó là khắc phục một cách đặt vấn đề từ điểm đứng của hội nhập. Nói đến hội nhập có người đặt dân tộc và nhân loại ở thế đối lập, như hai vế đối, dẫn đến những lệch lạc trong ứng xử văn hoá. Về bản chất dân tộc và nhân loại là thống nhất. Đi đến tận cùng dân tộc ta bắt gặp nhân loại, vì dân tộc là bộ phận không thể tách rời của nhân loại. Tiếp thu tinh hoa của nhân loại, làm cho văn học dân tộc phát triển đó cũng là cách làm giàu cho nhân loại. Trên ý nghĩa đó xin thay mặt Ban Tổ chức khai mạc cuộc Hội thảo. Kính chúc sức khoẻ các vị khách, các bạn đồng nghiệp. Chúc Hội thảo thành công. 

Bài đã đăng báo Văn nghệ
Nguồn:Phongdiep.net