Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

THƠ HỎI THƠ...

Lê Vĩnh Tài
Thứ ba ngày 6 tháng 1 năm 2009 10:04 PM

lời tựa

có một bài thơ cứ tưởng mình rất dễ vỡ, dù bài thơ không phải là món đồ bằng sứ hay pha lê. Nó đứng trong tủ kính, lơ đãng nhìn những người mua sách đi ngang qua. Các cô gái mơ mộng thường hay dừng lại khá lâu ngắm nó. Có một cô rón rén với tay lấy bài thơ ra khỏi tủ kính. Bài thơ gần như nín thở vì đã lâu nó chưa chạm vào da thịt của người con gái nào, bài thơ ngưng thở hoàn toàn khi cô gái chăm chú nhìn vào mắt của nó. Bỗng cô gái buông tay làm bài thơ rơi xuống. Cô gái xuýt xoa muốn khóc khi nhìn bài thơ đang nằm trên mặt đất. Vẹn nguyên một tập giấy lạnh lẽo
cùng lúc ấy, hình như có ai đó chạm vào cô gái, có lẽ nhà sách khá đông mà lối đi lại hẹp nên bài thơ thấy cô gái cũng ngã. Bài thơ thấy đau nhói vì cô gái vỡ tan. Bài thơ đến đỡ cô gái dậy và ngạc nhiên không hiểu vì sao cô lại vỡ. Cô gái cắm cúi nhặt các mảnh vỡ từ thân thể mình. Bài thơ thấy hơi rờn rợn khi cô gái vẫn cứ nhặt các mảnh vỡ trắng muốt của mình bằng đôi tay ngọc ngà vừa mới ve vuốt bài thơ. Trong chớp mắt cô gái đã trở lại bình thường. Bài thơ hỏi cô gái ơi sao lúc nãy cô lại vỡ tan như thế? Cô gái dịu dàng đáp thế anh chưa yêu bao giờ ư, có không lấy được nhau gặp lại vẫn chảy nước mắt. Bài thơ lúng túng vì nó chưa biết yêu là gì, nó cũng chưa bao giờ biết tha thứ, nó chỉ là một tập giấy được người ta viết chữ lên và thêu dệt nhiều hoang tưởng, nên nó cứ tưởng...
từ đó bài thơ mới biết chỉ cần yêu thương hay tha thứ một ai đó, con người ta có thể ngã nhào xuống đất và vỡ tan thành tro bụi mà tập giấy chỉ thích vặn vẹo bí hiểm như nó (là bài thơ) chưa bao giờ làm được

thơ 1
có một bài thơ không có chữ, không có dòng nào, chỉ những ký hiệu @%^&^$$$ và được gọi là thơ cụ thể
trên lý thuyết con người ta có thể không có miệng (câm), không có tai (điếc), không có mắt (mù) và cũng là những con người cụ thể
chỉ những người không có tự do (tù) thì không thể là người cụ thể, vì ngoài việc hít thở ra, ta không còn biết gì về họ
và ta cũng không nên nói gì về họ (*). Đỡ lo                                                         -
--------------------------------                                                                                       
(*): xanh xanh lá thuộc bài ơi  từ em áo trắng rong chơi không về...                                                                 
(tức là chưa biết khi nào về)                                                                                                                                                                                     
 
                                                             
thơ 2
 
có một bài thơ vì quá trớn đã té nhào ra trang giấy, vỡ tung ra những tiếng kêu, khóc, chửi bới, đau đớn... nhưng không thấy văng ra một chữ nào
một người tò mò lại xem, khen, chê... nhưng không nhìn kịp bài thơ (vì cũng không có chữ nào) cứ tha hồ bình luận khi chỉ cầm trên tay mảnh vỡ
một người nữa hùa theo cũng xem, khen, chê... và trên tay cũng là mảnh vỡ (nhưng vụn và nhỏ hơn mảnh vỡ hồi nãy)
thêm người nữa, người nữa, người người nữa... mọi người vào hùa xúm lại xem, khen, chê... và lần này chỉ còn là những hạt bụi trên tay
bài thơ quá chán (mệt) nên đã bốc hơi bay
đi hết => (thành mưa !!!! rơi xuống một khu rừng nào đó... thành gió --->>> cũng bay đến một đến một nơi nào đó...)
không ai thấy trang giấy nằm khóc oà (*)
[trang giấy nằm ở đâu? Nằm trên hai mi mắt, như một lá bùa cho những nỗi sợ đang thu nhỏ lại, tí xiu...]

--------------------------------
(*): loài hoa anh hái tặng em/ mùa hạ chẳng còn quay lại/ ngôn ngữ bay không về/ bây giờ anh tập nói/ ngọn núi nào Vũ Dy/ hoa Yên Cơ như nắng / bây giờ anh im lặng/ yêu em
hôm nay màu xanh gọi thu về/ như anh gọi em/ không bao giờ anh giữ được em đâu/ anh chỉ còn bức tranh tĩnh vật/ vẽ hoa vàng/ Yên Cơ rơi đâu mất/ rồi em
thôi chúng mình chờ mùa xuân/ hoa Yên Cơ nở suốt thời con gái/ cái thời ta tuổi dại/ đêm như hớp rượu say, ngày không nhớ/ những cuộc tình bắt đầu cùng lo sợ/ trái tim cứ ngang tàng và huýt sáo vu vơ
bài thơ anh đã viết tặng em/ bây giờ anh viết làm gì nữa/ mùa hạ không về còn mùa đông thương nhớ/ Yên Cơ lạnh nồng nàn như thở/ hoa lá hết rồi/ gai nhọn về đâu?
 
thơ 3
 
có một bài thơ vì cận thị (lại không đeo kiếng), nên không thấy người ta bây giờ không ai thèm nhìn hắn
nguời ta (đang) hát hú hù hu (âm nhạc Tây Nguyên)
người ta (đang) hát ứ ừ ư (âm nhạc dân gian đương đại)
người ta (đang) hát ò í e, á a... ò í e (không phải nhạc đám ma, mà là đương đại của đương đại hơn nữa)
...
mọi người khuyên bài thơ đeo kiếng
(sau khi đeo kiếng)
thơ cũng leo lên sân khấu  => xé giấy & trình diễn
ảo giác, nhảy múa, mở nhạc... và lên cơn đấm luôn vào mặt bạn (diễn)
và lần này thơ khóc hu hu
sau đó hắn hiền, nghe nói bài thơ đang đi tu
cứ như thể vòng tuần hoàn của thiên thu trời đất vẫn êm ru...
 
thơ 4
 
có một bài thơ muốn ngủ nhưng không nằm xuống được vì cứ nằm xuống thì người ta dựng hắn dậy để hoan hô sau đó hắn kiếm được một chỗ nằm xuống để ngủ nhưng người ta vẫn biết được và lại tìm đến dựng hắn dậy hoan hô sau sau đó hắn gượng được dậy và lết đến một chỗ trên sàn để nằm nhưng người ta vây lấy và tung hắn dậy cũng chỉ hoan hô hắn không đứng dậy nổi. Hắn suýt chết vì đói và mệt, hắn nói: “đói bụng quá chừng luôn, anh ơi...” 
                                                                                                   
thơ 5
 
có một bài thơ chưa kịp viết xong thì bị rơi xuống nước. Một bài thơ khác chưa kịp viết xong thì rơi vào lửa. Còn nữa... khá nhiều bài thơ tiếp tục rơi trên đường chạy tiếp sức của mình
sau này người ta mới biết nó không rơi mà bị người ta xô xuống
vì cần một tấm gương tuẫn tiết
vì cần hô: nhiệt liệt
vì cần một giai thoại anh hùng đốt chai xăng
vì vân vân...
chỉ có điều thơ hơi băn khoăn, chưa kịp viết xong (*) nên mấy chữ cuối cùng bị thiếu, kiểu giai thoại thì thành giai thọi, sức nén thành sức né, ..v..v... Nhưng thơ hỏi thì người ta kêu: ôi nhằm nhò gì ba chuyện nhỏ, lăn tăn
------------------------------
(*): bây giờ bài thơ mới hiểu lỗi chính tả hoá ra rất cần thiết cho thơ, nó là gương mặt tự do của thơ... bài thơ cứ tưởng: viết, cứ viết/ hát lên người ta nghe thấy cả tim mình...
 
thơ 6
 
có một bài thơ lấy cái tai của bài hát họ Trịnh, lấy con mắt của truyện ngắn họ Nguyễn. Cả Trịnh và Nguyễn đều không biết mình bị mất tai và mắt, nên hình như trong lịch sử đã lấy sông Gianh chia hai phe đánh nhau hai trăm năm có lẻ. Đứ đừ thơ ngạc nhiên vì nó không nghĩ là mình lại làm người ta đánh nhau đau (và lâu) như thế nó chả mất một ngón chân khi chỉ ngồi tưởng tượng nơi thung lũng giao tranh bằng cách lật ngửa một chiếc mũ nhựa và người ta cứ thế đổ máu vào
 
thơ 7
 
có một bài thơ một thời chỉ đứng, không được ngồi nên không biết quý cái mông của mình. Nó không bao giờ lấy tay sờ mông, cũng không biết mông của mình ở phía nào. Sai lầm lớn nhất của nó là nó quên làm dấu phía nào có mông nên sau đó, khi có quyền lấy ghế để ngồi nó không biết phải ngồi thế nào cho tiện, ồ quả là khó. Thế là nó leo lên nằm cuộn tròn trên chiếc ghế, nằm mãi không chịu về, cho đến lúc chiếc ghế mệt quá bị gãy chân. Sau đó, nó (bài thơ) tìm cách nhét tiếp một chân của nó vào, vặn xoắn lại bù loong thật chắc để nằm tiếp. Chỉ có điều làm như vậy nên bây giờ nó (bài thơ) mỗi lần dắt em dạo phố phải đi cà nhắc. Em cười nó lỏn lẻn. Tức mình đi khám, bác sĩ bảo: cũng may là nó gãy có một chân, và gây mê để mổ chữa chân cho nó nó vẫn còn bất tỉnh, ít ra là cho đến lúc này (nếu tỉnh chắc nó sẽ la ghê gớm, vì đau khi bác sĩ đóng đinh vào chân gãy của mình. Chắc người ta hay nói vui: “nay ở trong chân nên bắt vít” là vì cuộc mổ này đây)
 
thơ 8
 
có một bài thơ vì cứ hại điện, hại hậu điện, hại tốn điện vặn vẹo một hồi thấy mình đang đi trên trần nhà, chúc đầu xuống đất máu dồn lên chóng mặt. Người ta phải bắc thang cho nó xuống
nhưng do ứ máu lâu quá nên nó mất phương hướng. Thay vì bước đi như mọi người trên mặt đất thì bây giờ đi đâu nó cũng dùng thang. Nó có yêu không? Không biết. Thậm chí có những chuyện một tháng một lần nó cũng chẳng rời khỏi thang. Nó cứ leo lên leo xuống mà quên mất ở đời nhiều chuyện phải chạy lui chạy tới không cần thang, như phải ra phường chứng giấy khai sinh, xin cho con (*) đi học mẫu giáo...
nó cứ ở trên thang và tưởng người ta phải ngước mắt nhìn, trong khi người ta nghĩ nó khùng và lo nó té gãy chân lần nữa. Người ta mang tới cho nó một cây nạng tổ bố để phòng ngừa. Hình như bây giờ nó vẫn tiếp tục leo thang với một cây nạng
hình như nó không thể sống mà không leo cao chênh vênh, với cái chân gãy và với chút run run trong gió. Nó không thể không chơi trò chiều cao (và sau đó bị đốn hạ). Nó không thể không có tổn thương. Không làm sao mổ khỏi được. Dữ dội. Đau đớn. Mãi mãi...
thơ mà!                                                                                                              
--------------------------------------------
(*): cổ tích xưa có một nàng công chúa
con gái của cha/ bàn tay nhỏ xíu vẫy chào cuộc đời/ gấp chiếc thuyền giấy mong manh thả vào sông rộng/ dòng sông cha và mẹ đã từng bơi/ như một đám lục bình/ xanh buốt cho con
nỗi đau hạnh phúc khi mẹ sinh con/ cha cay mắt khi con ngậm vào vú mẹ/ mẹ mệt đến không còn mồ hôi/ nhưng vẫn còn dòng sữa/ trắng dịu dàng tã lót cho con
con ơi con gái của cha/ con giơ ngón tay như cánh buồm đón gió/ cuộc đời thêm một thiên thần bé nhỏ/ cha thả theo con câu thơ sóng vỗ/ đẩy chiếc thuyền con đi
cổ tích lớn lên với ngọn Ba Vì/ Mỵ Nương sẽ học bài, gió mây sẽ nhớ/ trong cổ tích tình yêu không đổ vỡ/ ngủ dịu dàng như mí mắt của con...
 
thơ 9
 
có một bài thơ thấy ngạc nhiên không biết bây giờ thơ đi đâu mất. Ở chợ, ở lớp học, ở quán nhậu... Ở đâu người ta cũng nói ra vi vút mà không có thơ. Nhất là ở quán nhậu, nè ông, hôm qua mưa quá, quán tôi mái lá, không bóng người qua...  Người ta phát âm véo veo không chút lạc giọng. Cứ như đó mới là điều duy nhất người ta cần nói với nhau. Nhưng ly rượu gạo (có hay không có tí thuốc sâu đều đục lờ đờ) càng về sau càng mờ, càng mờ càng nhạt, chỉ gây một cảm giác ngột ngạt nên nhiều người hay bỏ ra nôn ở phía sau quán. Ly cuối cùng trong cảm giác vỡ mộng vì cuộc nhậu đã kết thúc, người ta thường nôn chữ ra thành vòi, qua ánh đèn lấp lánh như cầu vồng bảy sắc, thỉnh thoảng có người còn bị sặc...
nhưng chữ ở đâu trong cổ họng mà người ta cứ nôn ra mãi? Cái ly của chữ chứa đựng những âm vang gì để người ta cứ nôn ra như thế? Người ta đã rót chữ vào ly bằng bóng tối phía sau của quán lúc nào? Thứ bóng tối của mái tóc người đàn bà vẫn trườn qua những tên đàn ông say rượu, tội nghiệp như những chú ếch con đáy giếng mỗi đêm... Những chữ tươi nguyên run rẩy bây giờ đã thành một đống tanh tưởi lầy nhầy. Cổ họng cũng không hiểu vì sao nó cứ nôn chữ ra mãi để làm gì?
thế thì chữ bị nôn ra như thế nào? Chuyện như vầy:
hàng ngày thơ phải ngồi nghe những thằng ăn cắp... giảng bài đạo đức sau một chiếc mặt nạ. Hàng giờ thơ phải ngồi nghe những người ăn cắp, hiếp dâm trẻ em... giảng bài đạo đức sau một chiếc mặt nạ. Hàng phút thơ phải ngồi nghe những vị ăn cắp, hiếp dâm trẻ em, điếm đực... giảng bài đạo đức sau một chiếc mặt nạ. Đến chiếc mặt nạ thứ 4 xuất hiện thì thơ hết chịu nổi
và thế là chữ cứ việc nôn ra. Đến đây thì cổ họng mới hiểu vì sao mình cứ mãi phải nôn ra chữ. Và thơ thì chìm mất tận đâu dưới một đống lầy nhầy, chắc là thơ chờ đến ngày nôn ra máu...   
                                                                                 
thơ 10
 
có một bài thơ chạy vào trong nhà vì sợ hãi. Nó nhận ra tất cả chữ của mình đã bị đánh cắp. Nó trần truồng trên trang giấy, mắc cỡ dùng tay che lại những gì phải che. Cùng quẫn và tuyệt vọng, nó nguyền rủa tên trộm khốn nạn. Thơ khóc đau khóc đớn. Những người biết chuyện nhìn thấy thơ như vậy ai cũng chép miệng thương, tội nghiệp
có một người không biết chuyện, cứ xen vào nguyền rủa thơ lõa thể khiêu dâm
càng lúc người không biết chuyện bu vào càng nhiều, người biết chuyện đâm ra thành thiểu số, không cãi lại được. Tức mình họ bật khóc còn to hơn bài thơ
chỉ có thằng trộm khốn nạn thì thích thú đứng mỉm cười, nó không sợ vì nó đã được bảo kê từ thằng trộm khác, còn bự con và khốn nạn hơn
phảng phất một cái gì đang bốc lên, chờn vờn...