Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Văn học 2008 - Hát tiếp bài ca hy vọng

Ngô Vĩnh Bình
Thứ sáu ngày 2 tháng 1 năm 2009 3:05 PM
Ngô Vĩnh Bình   

        Vậy là lại một măm văn học nữa trôi qua, có người nói năm 2008 là năm đìu hiu của văn chương Việt; lại có người bảo năm con chuột 2008 là năm mất mùa của thơ, năm u ám của lý luận - phê bình, năm chững lại của văn học trẻ…và người khác nói, 2008 đích thị là năm văn học dịch lên ngôi!
        Có lẽ đấy là những nhận xét đúng nếu ta chỉ căn cứ vào Giải thưởng Hội Nhà văn 2008 vì giải của Hội năm nay không trao cho một cuốn Thơ, một cuốn Lý luận - Phê bình, một tác giả 7X,8X, 9X nào trong khi đó xưa nay ta vẫn coi Văn xuôi là “rường cột”, Văn học dịch là “cửa sổ”, còn Lý luận - phê bình là” nền tảng”, Thơ là “hương sắc” và người viết trẻ là “tương lai” của một nền văn học…
        Nhưng vẽ chân dung một nhà văn, nhận diện văn học cho dù là cả một thời kỳ hay chỉ là một năm văn học mà chỉ căn cứ vào những giải thưởng e rằng sẽ phiến diện; bởi vì sao?, vì giải thưởng chỉ là giải thưởng. Là “chứng chỉ”, là “giấy thông hành” vào nghề văn, vào làng văn đấy song đôi khi giải thưởng chỉ là “bó đũa chọn cột cờ”, “cực đại địa phương”, chỉ có giá trị với năm ấy, thời ấy; thậm chí chỉ là của hội đồng nọ, giám khảo kia (như có người đã nói vui: “hãy cho tôi biết Hội đồng gồm những ai tôi sẽ trả lời ai sẽ là người được giảỉ!”).
       

Giải thưởng Hội Nhà văn năm nay, không có thơ, thiếu lý luận - phê bình, vắng bóng các cây bút trẻ…, theo tôi cũng là bình thường. Không hay thì không trao giải, giải của Hội không phải là thứ để phát chẩn, cũng không phải là cỗ Tết của người xứ Bắc phải có đủ mâm đủ bát, thế thôi!. Nhưng nhìn vào giải của Hội mấy năm vừa qua có người than: “rằng hay thì thật là hay…!”. Hay đấy, nhưng giá như Hội chịu lắng nghe ý kiến hội viên rằng, Ban chấp hành không đồng thời là Hội đồng Giải thưởng. Hội đồng Giải thưởng phải gồm các nhà chuyên môn, có uy tín do các Hội đồng chuyên ngành: văn xuôi, thơ, lý luận - phê bình, văn học dịch (không có các hội đồng đề tài - dân tộc, chiến tranh, thiếu nhi…các hội đồng này vẫn có nhưng làm việc khác) tiến cử lên và BCH ra quyết định thành lập. Hội đồng này chịu trách nhiệm trước Hội và thậm chí cả với dư luận, với lịch sử văn học nước nhà. Nó giống như một Hội đồng Khoa học, làm chuyên môn thuần tuý. Và, nếu có thể, theo tôi, Giải Hội Nhà văn nên học cách làm của Tự lực văn đoàn ngày  trước, các thành viên Hội đồng đồng ký tên trên tấm bằng chứng nhận giải
        Trở lại đời sống văn chương 2008, một gam màu dễ nhìn thấy trong bức tranh văn năm con chuột này là sự sống động. Hay dở gì bàn sau, nhưng đã thấy ở đây  những “dự án lớn” được đưa lên bàn nghị sự, văn học đang như một công trường bề bộn, ngổn ngang chứa đựng bao ước mơ về những cao ốc, buynhding văn học.
        Trước khi hoạch định xây dựng những toà nhà văn chương, phải thăm dò thực trạng văn chương hiện nay và thẳng thắn vạch ra những yếu kém. Nghị quyết 23  về Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành tháng 6 năm 2008, chỉ rõ bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận, văn học- nghệ thuật ta còn “tình trạng nghiệp dư” trong sáng tác biểu diễn, “lạc hậu”, “xơ cứng”, “giảm sút tác dụng” trong lý luận-phê bình, yếu kém trong quảng bá (nhất là giới thiệu ở vùng sâu vùng xa và nước ngoài ), chậm chạp và bất cập trong đào tạo xây dựng đội ngũ, hạn chế trong lãnh đạo, quản lý…
        Tiếp theo việc “bắt mạch” và chỉ ra đúng những “căn bệnh” hiện nay của văn nghệ, thành lập Hội đồng Lý luận - Phê bình văn học - nghệ thuật Trung ương (thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương), xuất bản Bản tin Lý luận-Phê bình văn học- nghệ thuật…Đảng còn cùng Hội Nhà văn và các văn nghệ sĩ, các nhà khoa học xã hội & nhân văn trong cả nước tiến hành hàng loạt các cuộc hội thảo, hội nghị như: Hội thảo “Nhà văn và cuộc sống” tại Quảng Nam (9/2008), Hội thảo về “Tính chuyên nghiệp của văn học nghệ thuật” tại Ninh Bình (10/2008), Hội thảo về “Văn học nghệ thuật trong cơ chế thị trường và hội nhập” tại Thành phố Hồ Chí Minh (11/2008), Hội thảo về “Văn học với xu thế hội nhập” tại Thanh Hoá (12/2008)…
        Bên cạnh các hoạt động trên, giới văn bút còn hưởng ứng một cách nhiệt tình cuộc vận động Sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; tham gia nghiên cứu quán triệt Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị; tiến hành các hoạt động  Ngày Thơ Việt Nam, Kỷ niệm 60 năm Báo Văn  nghệ, 60 năm Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, 60 năm Nhà xuất bản Văn học; khai giảng lớp Lý luận - Phê bình văn học (Trung tâm bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du - Hội Nhà văn Việt Nam )…
        Như vậy rõ ràng là năm 2008, Lý luận - Phê bình văn học rất được coi trọng, rất “xôm”, có gì mà “u ám” ?. Nó (LL-PB) được coi trọng là phải thôi bởi cho đến những ngày áp Tết vừa rồi các nhà lý luận của chúng ta còn “cò cưa” nhau về nhiều chuyện, ví như: viết phê bình để làm gì? lý luận phê bình có phải một sân chơi ?, ai viết phê bình ?, phê bình là ngợi ca, là PR hay là “đánh”?... Xem ra bộ môn này, ngành này còn lắm câu hỏi chưa được trả lời.
        Mà một gì các nhà lý luận - phê bình còn lúng túng, các nhà sáng tác cũng đang rất lúng túng. Mặc dù sau cuộc hội thảo ở Ninh Bình, dường như mấy từ “tính chuyên nghiệp” được nói tới rất nhiều, nhiều nhất là trên các báo của Hội Nhà văn, trên các trang website của giới cầm bút, cứ làm như không nói đến ba từ này thì không phải là nhà văn!
Nói nhiều đến tính “chuyên nghiệp” của nhà văn, nhưng nhiều người không hiểu nhà văn chuyên nghiệp là thế nào, có người coi hội viên Hội Nhà văn mới là nhà văn chuyên nghiệp giống như cứ phải là tiến sĩ, giáo sư mới là trí thức! thậm chí có người còn bảo “ít đọc”, “ít viết” cũng là “thiếu chuyên nghiệp”!
        Trên thực tế hiện nay chúng ta hiện nay làm gì có “nhà văn chuyên nghiệp”. Nếu coi nhà văn chuyên nghiệp phải là người có thể sống và làm nên tên tuổi của mình bằng nghề văn thì cả đến ông Chủ tịch hội cũng là nhà văn không chuyên nghiệp, vì ông đang ăn lương cỡ Thứ trưởng gì đó. Ông và đa số các nhà văn chúng ta đang ăn lương lương công chức chứ đâu đã sống được  bằng nghề văn như thời các cụ Tán Đà, Vũ Trọng Phụng, Lê Văn Trương, Vũ Bằng…ngày ngày, tháng tháng lo bán chữ, bán văn và “cứ phải viết mới có tiền mà sống, ngừng viết là chết đói ”. Sinh thời nhà văn Nguyễn Khải có lần tự khai trong “ trích ngang ”đi nước ngoài ở mục nghề nghiệp là cán bộ văn học của quân đội, và mới đây có một vị tướng nói vui với tôi đại ý, chúng tôi là cán bộ - nhà văn chứ không phải là “nhà văn-chiến sĩ” như thời chín năm. Là thế nên không thể cứ  “hô” lên hai tiếng “chuyên nghiệp” là có chuyên nghiệp. Tôi nghĩ, chúng ta nói nâng cao “tính chuyên nghiệp” của văn học là nói tới chất lượng của sáng tác, phê bình; nói tới tay nghề của người viết và, nói vậy cũng là thể hiện cái khát vọng, cái mong muốn của bạn đọc hôm nay.
        Để nâng cao chất lượng của văn học, nâng cao vị thế và phát huy thiên chức của nhà văn, trước mắt, ngay bây giờ văn học chúng ta phải vượt qua rất nhiều thách thức mà thách thức trực tiếp thường nhật nhất là mặt trái của cơ chế thị trường và internet. Hội thảo khoa học “Văn học nghệ thuật trong cơ chế thị trường và hội nhập” do Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội đồng Lý luận văn học nghệ thuật Trung ương tổ chức cuối năm 2008 tại Thành phố Hồ Chí Minh vừa rồi đã đề cập tới rất nhiều giải pháp trong đó vấn đề giữ vững “bản sắc cốt cách của một dân tộc văn hiến”, vấn đề “tự do tư tưởng, tư do sáng tạo và trách nhiệm của văn nghệ sĩ” được xem là then chốt. Phát biểu tại cuộc hội thảo Giáo sư Tiến sĩ Phùng Hữu Phú- Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Lý luận văn học nghệ thật Trung ương chỉ rõ: “rất nhiều vấn đề mới, khó và đang còn là ẩn số đối với chúng ta, cần tập trung trí tuệ, tâm sức và kinh nghiệm để lý giải, đánh giá, phân tích, từng bước giải mã, trong đó điều trăn trở nhất là, để đảm bảo định hướng XHCN trước sự tác động khắc nghiệt của cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế, chúng ta cần phải làm gì, làm như thế nào để văn học nghệ thuật nước nhà tiếp tục phát triển phong phú, đa dạng lành mạnh, bền vững.”
         Những cái “mới”, cái “ khó” mà Giáo sư Phùng Hữu Phú nêu ra, theo tôi thấy rõ nhất, thấy nhỡn tiền là vấn đề sản phẩm của nhà văn. Sản phẩm của nhà văn (tác phẩm) trong thời thị trường hội nhập cũng phải “dán tem” chất lượng và rất cần được bảo vệ bằng luật, các văn bản dưới luật cũng như các công ước, theo đó nhà văn thời nay cũng cần phải xây dựng “ thương hiệu”.
         Năm 2008, chúng ta nói nhiều về nguy cơ  xuống cấp của văn hoá đọc do sự bùng nổ của internet. Internet là phát minh vĩ đại của loài người nhưng với nhà văn thì nó là một thách thức. Có internet người ta có thể không cần bỏ tiền mua sách “hàng hiệu” của các nhà văn “xịn” mà vẫn có thể “xài”; có internet người ta có thể công bố những trang viết “bẩn”- như các tập hồi ký bêu xấu bạn bè đồng nghiệp, các sáng tác khó có thể in ra thành sách vì lý do này nọ, và có internet bản quyền, sản phẩm của nhà văn rất dễ trở thành “của chùa”…Rồi mai ngày, internet gõ cửa mọi nhà, đến tận thâm sơn cùng cốc rất có thể người ta sẽ không đọc sách, không mua sách nữa. Nhiều người lo vậy, nhà văn còn lo hơn. Nhưng lo đó là lo xa, “lo bò trắng răng”, cái lo trước mắt của người viết bây giờ là xuất bản và quảng bá tác phẩm của mình. Nhà nước và Hội Nhà văn phải làm thế nào để  nhà văn được không bị bóc lột sức lao động và tác phẩm của họ không bị “đạo”.
        Muốn thế phải giải quyết ngay vấn đề “sách lậu”- một vấn nạn của ngành xuất bản hiện nay. Năm rồi có một nguyên trùm “đầu nậu” sách đã kể ra các ngón nghề làm ăn trước đây của mình, nghe thấy tinh vi quá, táo bạo quá. Cũng theo anh này thì từ khi ta ký Công ước Berne đã nổ ra cuộc đua giữa sách lậu và các nhà xuất bản mà trong cuộc đua này sách lậu luôn luôn dẫn bàn trước! Trên thực tế, có thể nói mấy năm qua các “đầu nậu” đã khiến một số nhà xuất bản trở nên nhàn nhã vì họ chỉ phải làm có mấy việc: khai khống số trang in, bán giấy phép, in lịch bloc kiếm lời và… ký lệnh tự thu hồi nếu sách của mình có vấn đề.!
        Xin phép mở một ngoặc đơn nói về thu hồi sách, có thể nói chưa năm nào số sách văn học bị thu hồi nhiều như năm 2008.Tạm kể có: Trần Dần thơ, Nguyễn Đình Thi – bí ẩn một cuộc đời, Thời của thánh thần (tiểu thuýet của Hoàng Minh Tường), Rồng đá-hay là Mũi uốn ván (tập truyện ngắn của Vũ Ngọc Tiến và Lê Mai), Tột đỉnh tình yêu (tập truyện ngắn của Nguyễn Thuý Ái)… trong số này có cuốn nhà xuất bản tự thu hồi để chỉnh sửa, có cuốn phạm luật mà theo đó người chịu trách nhiệm xuất bản phải nhận kỷ luật (phạt tiền, về hưu sớm, tạm đình chỉ công tác…).
         Rõ ràng là có chuyện các nhà văn Việt Nam đang phải loay hoay tìm chỗ đứng, tìm con đường sống trong cơ chế thị trường và, năm vừa qua các nhà quản lý văn nghệ xuất bản đã nhìn thấy vấn đề. Dẫu là đã và dự báo sẽ gặp những khó khăn lớn như vậy, nhưng năm 2008 sách văn học Việt Nam vẫn “chiếm lĩnh thương trường”, gây được dư luận. Ngoài các cuốn được Hội Nhà văn trao giải như Tiếng khóc của nàng Út (Nguyễn Chí Trung), Sóng chìm (Đình Kính), Ngôi nhà xưa bên suối (Cao Duy Sơn), Tên tôi là Đỏ của Orhan Pamuk (Phạm Viêm Phương- Huỳnh Kim Anh dịch) còn phải kể đến nhiều cuốn lọt vào vòng chung khảo mà cá nhân tôi thấy xứng đáng trao giải như: Cõi lặng (thơ Nguyễn Khoa Điềm), Phía sau con chữ (tiểu luận phê bình Vũ Từ Trang ), Chợ tình (truyện ngắn Sương Nguyệt Minh).
         Nhưng đấy là những cuốn sách lọt vào mắt xanh Hội Nhà văn, mà là sách xuất bản năm 2007. Năm 2008 xem chừng “xôm” hơn. Không chỉ là “mỗi ngày một cuốn sách” thôi mà là nhiều cuốn sách được giới thiệu trên báo viết có, báo hình có, báo điện tử nhiều. Qua dư luận gồm những bài nghiên cứu phê bình đã được in báo hay post lên mạng, qua các cuộc thi bình chọn sách hay và theo thống kê của các công ty phát hành sách, các nhà sách tôi thấy nổi bật có các tác phẩm: Gió lẻ và chín câu chuyện khác (tập truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Tư ), Nháp (tiểu thuyết của Nguyễn Đình Tú), Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ (truyện của Nguyễn Nhật Ánh), Người đàn bà miền núi (tập truyện dài của Đỗ Bích Thuý ), Tiểu thuyết đàn bà (tiểu thuyết của Lý Lan )…
        Nhìn vào danh sách trên, thấy lớp nhà văn trẻ và rất trẻ năm nay đâu có kém cạnh gì. Nữ nhà văn trẻ (quê đất mũi Cà Mâu) Nguyễn Ngọc Tư vừa bay sang Băng Cốc (Thái Lan) ẵm Giải thưởng văn học ASEAN-2008 cho tác phẩm Cánh đồng bất tận trở về có luôn Gió lẻ và chín câu chuyện khác- một cuốn sách rất  hay và bán rất được. Nhà văn quân đội Nguyễn Đình Tú cỡ tuổi Nguyễn Ngọc Tư (nửa sau thập kỷ 70 thế kỷ XX ) năm vừa rồi cũng bận tối ngày vì những cuộc phỏng vấn, giao lưu với bạn đọc xung quanh cuốn tiểu thuyết thứ ba của anh có tên Nháp …Ở lứa “trẻ chưa qua, già chưa tới”, bên cạnh Cao Duy Sơn (dân tộc Tày quê Cao Bằng) giành Giải Hội Nhà văn-2008 vừa qua phải kể tới Nguyễn Nhật Ánh - một nhà văn quen biết của tuổi học trò nhiều năm nay. Năm 2007 anh có cuốn Tôi là Bêtô đứng đầu cuộc bình chọn sách hay do báo Người Lao động tổ chức và lọt vào tới chung khảo Giải Hội Nhà văn. Năm nay với cuốn Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, tên anh lại đứng đầu bảng trong cuộc bình chọn sách “hay nhất 2008” của báo Ngưòi Lao động, và theo FAHASA tập truyện này của Nguyễn Nhật Ánh được phát hành tới con số 60.000 bản!
           Như vậy là năm Tý- 2008 văn đàn Việt không hề đìu hiu bởi từ đầu đến cuối năm có rất nhiều sinh hoạt văn chương như: tổ chức ngày Thơ; mở các cuộc hội thảo, nghiên cứu nghị quyết, tổ chức các cuộc kỷ niệm; phát động các cuộc thi sáng tác; tiến hành nhiều cuộc bình chọn, trao giải văn chương; mở trại, mở lớp viết văn viết lý luận- phê bình; xét kết nạp hội viên…Từ những hoạt động này, nhiều vấn đề mới của văn học- nghệ thuật đã mới đã được đặt ra, sới xáo lên, trong đó có những nội dung rất nan giải mà tập trung là việc giải quyết các vấn đề của văn học- nghệ thuật trong cơ chế thị trường và hội nhập. Là thế nên có thể ví năm văn học 2008 là năm “giải phóng mặt bằng” và khảo sát, thiết kế chuẩn bị nền móng cho những năm văn học tiếp theo.
        Năm 2008 dẫu văn chương Việt còn ngổn ngang bề bộn giống như một đại công trường nhưng là một năm vui bởi chúng ta đang cùng nhau hát tiếp Bài ca hy vọng. Hy vọng năm Kỷ Sửu -2009 và ước mơ vào những mùa xuân sau chúng ta sẽ có những toà tháp văn chương được xây trên chính móng nền của năm con chột vàng 2008 vừa rồi! Tết đến, xuân về mà, ai cấm chúng ta hy vọng, ai ngăn được chúng ta mong ước, phải không các bạn?

    Thập Tam trại, đầu xuân 2009  

Cập nhật ( 02/01/2009 )