Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

Điếu thuốc lá đêm giao thừa và câu chuyện của ông Phó Chủ tịch tỉnh

Dương Đức Quảng
Thứ hai ngày 5 tháng 1 năm 2009 3:26 PM


hspace=12
Có những chuyện rất thiết thân nhưng nhiều khi người ta lại hay  lãng quên. Nhưng lại có những chuyện tưởng chẳng liên quan gì đến mình mà sao mình cứ nhớ mãi.
Tôi không bao giờ hút thuốc lá và rất dễ bị “dị ứng” với những người hút thuốc. Thế nhưng,  câu chuyện về một điếu thuốc lá và những người lính hút điếu thuốc lá ấy tôi được nghe kể từ gần 40 năm trước đến nay vẫn dai dẳng bám theo tôi, nhất là mỗi khi giao thừa tới.

“Đồng đội chuyền nhau điếu thuốc
 Lập loè đốm lửa rưng rưng…”

Tôi quen Phan Viết Dũng cách đây gần 40 năm. Khi ấy anh là chiến sĩ công vụ của Đội phẫu thuật tiền phương 45 ở Quảng Bình, còn tôi là phóng viên VNTTX (nay là TTXVN) tại Phân xã Đặc biệt VNTTX Nam Khu 4, thường trú tại Quảng Bình và Đặc khu Vĩnh Linh.
 Sau Tết Mậu thân 1968, một số thương bệnh binh từ các chiến trường miền Nam được chuyển ra Bắc chữa trị. Quảng Bình, Vĩnh Linh là hai địa phương đón khá nhiều thương bệnh binh từ mặt trận Trị - Thiên gửi ra, nhất là số thương binh trong các đơn vị chiến đấu “ăn cơm Bắc, đánh giặc Nam” dọc hai bờ sông Bến Hải.
Hôm đó tôi khoác ba lô đi bộ gần một ngày đường tìm đến Đội phẫu thuật tiền phương số 45 đóng trong rừng sâu Ba Rền, Quảng Bình để viết bài về những tấm gương hết lòng cứu chữa thương, bệnh binh của các chiến sĩ quân y thuộc Đội phẫu thuật tiền phương này. Đồng chí bác sĩ, trung uý Đội trưởng Đội phẫu thuật giao cho một chiến sĩ công vụ “chăm sóc nhà báo” trong suốt thời gian tôi về công tác tại đây. Người chiến sĩ đó là Phan Viết Dũng, quê Quảng Bình, vừa từ chiến trường Lào trở về, được bổ sung vào Đội phẫu thuật tiền phương 45.
Đêm cuối cùng, trước khi chia tay, hai anh em mắc võng giữa rừng Ba Rền, nhìn trăng chênh chếch qua từng tán lá, kể cho nhau nghe biết bao nhiêu là chuyện. Một trong những câu chuyện mà Dũng kể, đến nay tôi vẫn còn nhớ mãi.
Năm 1965, Dũng là chiến sĩ trinh sát thuộc một Đại đội của Trung đoàn 927, Quân khu 4 làm nhiệm vụ giúp bạn tiễu phỉ ở tỉnh Khăm Muộn, Lào. Hàng tuần lễ luồn rừng, “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, mọi người quên cả ngày tháng. Cho đến một buổi tối, chợt một người sực nhớ, thốt lên: “Đêm nay là đêm giao thừa!” thì tất cả mới sững sờ: Đêm 30 Tết Bính Ngọ đã đến! Giữa cánh rừng khộp ở huyện Ma-xây thuộc tỉnh Khăm Muộn, cả đại đội ai cũng nao nao khôn tả. Không bánh chưng, không dưa hành, thịt mỡ, chỉ có vài mẩu lương khô và lá rừng xào xạc cùng nỗi lòng của các chiến sĩ đêm 30 Tết xa quê nhớ về đất nước, gia đình, bè bạn.
Chợt Đại đội trưởng Trần Bôi nhớ ra trong chiếc ba-lô của mình còn sót một điếu thuốc lá Điện Biên mà từ bữa cùng đơn vị bước vào chiến dịch anh không được hút vì phải giữ bí mật chiến đấu. Anh lấy điếu thuốc duy nhất còn lại trong bao thuốc đã thấm mồ hôi sau bao nhiêu ngày luồn rừng, lội suối, nói với các chiến sĩ của mình:
- Còn điếu thuốc này ta liên hoan mừng năm mới. Tôi đề nghị ta chia nhau hút, nhớ chụm tay lại để không lộ ánh sáng ra ngoài!
Thế là điếu thuốc lá Điện Biên thấm mồ hôi được truyền tay các chiến sĩ. Không ai nỡ hít sâu, hít nhiều vì còn để dành cho anh em sau hút! Hút lần thứ nhất không hết, lại quay vòng hút lần thứ hai, lần này “ưu tiên” cho chiến sĩ làm nhiệm vụ canh gác đêm giao thừa hút trước. Hút xong điếu thuốc, cả đại đội không ai ngủ được. Một người đề nghị mỗi người làm một câu thơ để sáng hôm sau Mùng 1 Tết sẽ chép vào vỏ bao thuốc lá làm kỷ niệm. Đêm hôm đó Dũng đã làm hẳn một bài thơ, trong đó có hai câu như không phải viết về điếu thuốc mà viết về một trận đánh mà cuộc đời người lính nào cũng đã từng trải qua:
“Vẫn như đội hình ra trận
C trưởng khai hoả mở đầu…”
Bài thơ lắng lại bằng bốn câu thơ như rút từ gan ruột của những người lính từng sống chết có nhau:
                “ Đồng đội chuyền nhau điếu thuốc
Lập loè đốm lửa rưng rưng
Thương nhau không ai dám hít
Sợ hơi khói hết nửa chừng…”

Gói khoai xéo và lọn tóc dài

Câu chuyện về điếu thuốc lá cả đại đội hút hai lần trong đêm giao thừa ấy và mấy câu thơ của Dũng cứ ám ảnh tôi mãi, theo tôi suốt trong những năm tháng xa Đội phẫu thuật tiền phương 45, xa Quảng Bình. Một ngày đầu tháng 10-1984 tôi gặp lại Dũng khi anh đang theo học tại trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc. Dũng cho biết, sau khi Đội phẫu thuật tiền phương 45 giải thể, anh về Quân y viện 41, làm công tác chính trị, bắt đầu viết báo, trở thành cộng tác viên của báo Quân khu IV và báo Quân đội Nhân dân. Năm 1974, Dũng thi vào khoa Sử, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tốt nghiệp đại học, Dũng được chọn đi học tiếp 2 năm ở trường Đảng cao cấp, trở thành một cán bộ lý luận chính trị của Đảng! Sau đó anh về dạy tại trường Đảng của tỉnh, ít năm sau là Giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin, rồi là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình.
Một người khá thành đạt, thuộc vào hàng “quan to” ở tỉnh, ít nói, hơi khô khan và khó gần - có người nhận xét về Dũng như thế. Nhưng tôi biết anh là một người giầu tình cảm, khá lãng mạn và cuộc đời không phải chỉ đạt được toàn những điều tốt đẹp. Có điều rất lạ, như một câu hát nào đó, “người yêu đã bỏ ta đi”, đối với Dũng, những người con gái mình yêu đều bỏ anh đi, không phải do dỗi hờn, trách cứ mà là do anh không có duyên, có sức để giữ họ lại với anh, với cuộc sống thế gian này…
Người con gái đầu tiên làm rung động trái tim đa cảm của Dũng là một cô bạn học cùng trường phổ thông. Lúc Dũng vào bộ đội, thì cũng là lúc cô thi đỗ vào trường Đại học nông nghiệp ở Hà Nội. Giống như chàng trai và cô gái trong bài thơ Hương thầm của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, hôm tiễn Dũng lên đường nhập ngũ, cô gái lặng lẽ trao vào tay Dũng một chiếc khăn tay có thêu một mảnh trăng tên mình mà không nói được một lời hò hẹn. Suốt mấy năm biền biệt ở chiến trường, đến ngày trở về, chưa kịp gặp lại thì vần trăng ấy đã khuất, người con gái ấy đã ra đi mãi mãi trong một tai nạn đắm đò!
Năm 1965, đơn vị của Dũng tập kết tại Lệ Sơn một làng quê nhỏ của Quảng Bình để huấn luyện chiến đấu trước khi vào chiến trường. Dũng cùng hai người bạn là Lung và Bao ở trong một gia đình theo đạo Thiên chúa. Gia đình có hai người con, trong đó có một người con gái lớn là Hiếu, 18 tuổi, được cả ba chàng trai yêu quý. Một lần Hiếu đưa Dũng đi bẻ bắp giúp gia đình ở gần chân núi Lệ Sơn, Hiếu đã kể cho Dũng nghe sự tích về tên của ngọn núi này. Có một người thiếu nữ ngày ngày lên núi dõi mắt về phương trời xa chờ người yêu nơi chiến trận mà mãi người yêu không về. Nước mắt nhớ thương của người thiếu nữ chảy mãi thành suối, thành sông, còn người thiếu nữ đau buồn hoá thành đá. Vì thế ngọn núi này mới có tên là Lệ Sơn, nghĩa là nước mắt của núi. Câu chuyện Hiếu kể cứ buồn da diết, như đôi mắt của Hiếu nhìn Dũng xa xăm.
Hôm Dũng và đơn vị chia tay gia đình và bà con Lệ Sơn để vào mặt trận, cả xã tập trung tại sân kho của Hợp tác xã nông nghiệp đưa tiễn. Dũng thấy Hiếu dúi vào tay Lung và Bao mỗi người một gói cơm nếp, còn mình thì không. Chỉ có đôi mắt của Hiếu là luôn nhìn theo anh. Nửa đêm hành quân, đến nơi nghỉ, mở ba-lô lấy võng mắc, Dũng thấy một gói khoai khô xéo với đỗ xanh, món ăn mà anh rất thích đang nằm gọn dưới đáy ba-lô. Trong gói khoai khô xéo ấy có một phong bì thư đựng một lọn tóc nhỏ, đen huyền, cuốn gọn như một “chiếc vòng tay cầu hôn” được kẹp trong một tờ giấy học trò, vỏn vẹn có mấy chữ: “Em chờ anh. Hiếu”.
Từ hôm đó, lọn tóc và mảnh giấy có lời của Hiếu đã theo Dũng suốt dọc đường chiến đấu, kể cả những năm tháng nằm rừng, lội suối tiễu phỉ ở bên Lào. Năm 1972, Dũng mới có dịp trở lại Lệ Sơn tìm Hiếu. Anh đau buồn được tin sau ngày đơn vị Dũng vào chiến trường, Hiếu cũng vào thanh niên xung phong, ra mặt trận và hy sinh tại cua chữ A, trên đèo Pu-la-nhích đường Trường Sơn.
Sau này, câu chuyện về gói khoai khô xéo và lọn tóc đen huyền cuốn gọn như một “chiếc vòng tay cầu hôn” mà Hiếu tặng anh trước ngày ra mặt trận đã được Dũng viết lại hưởng ứng cuộc vận động sáng tác “Chuyện tình dưới đáy ba-lô” do báo Quân đội Nhân dân tổ chức.

Còn lại với nhau một chút tình

Mùa hè năm 2006, tôi có dịp trở lại Quảng Bình và đến thăm Phạm Viết Dũng. Sau mấy năm làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực văn hoá xã hội, anh được bầu vào Thường vụ Tỉnh uỷ, làm Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Quảng Bình. Năm 2006, bước vào tuổi 60, anh được nghỉ hưu.
Gặp lại sau nhiều năm xa cách, không phải mắc võng nhìn trăng như gần 40 năm trước mà là bên tách cà-phê nhàn nhã vào một buổi sáng bên dòng sông Nhật Lệ, chúng tôi kể cho nhau nghe biết bao nhiêu chuyện mới cũ, chuyện nhân tình thế thái bây giờ. Nhiều năm “làm quan” cũng thuộc vào hàng “quan to” ở một tỉnh, sao tránh được kẻ yêu, người ghét, nhưng đối với ai tôi biết Dũng đều trọng chữ tình. Dũng kể cho tôi nghe những chuyến anh và các bạn chiến đấu cũ sang Khăm Muộn tìm hài cốt đồng đội, đến nay vẫn canh cánh trong lòng vì còn hài cốt của một vài người bạn vẫn chưa tìm được. Cầm tấm ảnh anh đang thắp hương bên mộ một người bạn cũ nằm giữa bạt ngàn bia mộ trắng xoá trong nghĩa trang Trường Sơn, tôi lại nhớ những người bạn của tôi cũng đang còn nằm đâu đó không chỉ trong nghĩa trang này!
 Trước đó mấy năm, tôi được tin chị Diệp Trúc, vợ anh bị trọng bệnh mà không sao có thể vào thăm anh chị được, thì nay chị đã không còn. Cô giáo Diệp Trúc mà Dũng gặp từ những ngày chiến tranh, khi cô đưa các em học sinh K.8 từ Quảng Bình ra Nghệ An học, mấy chục năm vất vả lo cho chồng cho con, đến khi cuộc sống khá lên thì cũng như những người con gái khác mà anh rất mực thương yêu đã bỏ anh ra đi mãi mãi.
Tôi hỏi thăm anh về những người quen cũ ở Đội phẫu thuật tiền phương 45, thì nay cũng kẻ còn, người mất, mỗi người một ngả, chẳng mấy khi gặp được nhau.
Dạo Dũng còn đang là Phó Chủ tịch UBND tỉnh, một lần ra Hà Nội họp, anh đi xe ôm tới chợ Xanh trên đường Thanh Xuân tìm gặp một bà bán rau ở chợ. Tương, cô y tá quê ở “Thạch Kim, Thạch Nhọn” Hà Tĩnh, người có tài đánh cờ tướng mà tôi và Dũng đều từng thúc thủ ở Đội phẫu thuật tiền phương năm xưa, ngỡ ngàng khi Dũng đến thăm. Có lẽ đến bây giờ bà bán rau ấy vẫn không biết Dũng làm gì, vì khi hỏi thăm, anh dấu không nói chức vụ của mình. Còn cô con gái của bà khi ấy đang học đại học, thật sự cảm động trước món tiền của một người đồng đội cũ của mẹ đã giúp cô ít nhiều bớt khó khăn trong những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường…
Dũng đưa tôi đến thăm Liễu, cô y tá xinh đẹp, hát hay của Đội phẫu thuật tiền phương 45 nhưng rất tiếc không gặp Liễu ở nhà. Thấy Dũng, bà mẹ của Liễu vừa mừng vừa buồn báo tin Liễu vừa được mấy người quen đưa vào bệnh viện xem lại đôi chân mấy hôm nay đau trở lại. Năm 1972, trong một lần đi xem phim, Liễu bị tai nạn sập hầm, một khúc gỗ to đè ngang người, gãy sống lưng, tưởng chết. Tuy được cứu sống, nhưng từ đấy, cô gái xinh đẹp mới 20 tuổi trở thành người tàn phế, quanh năm liệt giường, liệt chiếu. 34 năm trời cha mẹ Liễu, một gia đình nghèo có lẽ ít gia đình nào nghèo hơn, thay nhau vất vả lo từng thìa cháo, viên thuốc cho con. Nay người cha đã khuất núi, chỉ còn bà mẹ đã 87 tuổi, cái tuổi gần đất xa trời mà đêm ngày vẫn phải vất vả chăm con. Bà mẹ Liễu coi Dũng như con trong nhà, còn Dũng tự thấy mình vẫn chưa làm tròn bổn phận của một người con được bà tin cậy. Anh biết, anh cũng như  các bạn chiến đấu cũ của Liễu không sao có thể chia sẻ, bù đắp và làm dịu đi những đau đớn, mất mát mà Liễu đang phải chịu đựng. Riêng anh, từng ở cương vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh, phụ trách lĩnh vực thương binh xã hội, cũng không thể làm khác được các quy định của Nhà nước để chứng nhận cho Liễu hưởng chế độ thương binh, chỉ biết lặng lẽ cùng các bạn chiến đấu cũ làm được gì là làm hết lòng, hết sức giúp Liễu vượt qua những thiệt thòi và đau đớn này. Anh bảo, mỗi lần đến thăm Liễu, nhìn cô bạn xinh đẹp năm xưa nay đã thành một bà già suốt ngày gắn mình với chiếc giường nhỏ và chiếc xe lăn, anh không khỏi chạnh lòng nghĩ đến một ngày Liễu không còn giữ được bà mẹ già bên mình thì không biết cuộc sống của Liễu sẽ ra sao?
Một ngày gần Tết năm nay, nhớ Dũng, nhớ điếu thuốc lá mà Dũng cùng đồng đội hút trong đêm giao thừa Tết Bính ngọ cách đây hơn 40 năm, tôi gọi thăm Dũng. Dũng bảo từ ngày về hưu càng nhớ tới bạn bèg, đồng đội cũ. Ngày 22-12-2008 vừa rồi, Dũng lại có chút quà đến thăm Liễu, nay đã yếu lắm rồi, còn bà mẹ Liễu đã 90 tuổi vẫn lụi cụi hàng ngày chăm con, thật tội.
Bất giác tôi lại nhớ tới buổi cùng Dũng đến thăm Liễu cách đây 3 năm mà không gặp. Hôm ấy, nhìn chiếc đài và chiếc ti-vi mà Dũng mang đến đã cũ lắm rồi để bên cạnh chiếc giường nhỏ và chiếc xe lăn đang đợi Liễu từ bệnh viện về mà lòng tôi cứ miên man. Còn lại với nhau một chút tình, dù chỉ là một chút tình thôi, đâu phải ai đã từng trải qua những năm tháng chiến tranh cũng giữ được như thế trong cuộc sống vẫn còn không ít cạm bẫy và bon chen này?

       Tháng 1=2009

Cập nhật ( 05/01/2009 )