Trang chủ » Tin văn và...

NÓI THẲNG BỊ ĐUỔI VỀ QUÊ

Phan Duy Kha st
Thứ hai ngày 18 tháng 1 năm 2010 5:22 AM
- Bùi Sỹ Tiêm (1690 - 1733) đỗ Hoàng giáp khoa Ất Mùi (1715), người làng Kinh Lũ, huyện Đông Quan (nay là làng Kinh Hào, xã Đông Kinh, Đông Hưng, Thái Bình). Vì 10 điều nói thật mà ông đã bị cách chức đuổi về quê.

Tháng 5 Tân Hợi (1731), chúa Trịnh Giang ra chỉ dụ cho các quan lại cầu lời nói thẳng. Lời dụ nói: Từng mong nghe lời trung trực, khuyên bảo ân cần, lo mở rộng kiến văn để mở mang đạo đức.

Hỡi các bề tôi chầu hầu lớn nhỏ, hãy trình bày hết những điều thiết thực cốt yếu, cho thích hợp với thời cuộc, ta sẽ tự chọn lấy để thi hành (1).

Trước lời kêu gọi tha thiết ân cần này, Bùi Sĩ Tiêm đã viết 10 điều khải chúa:

1 - Gắng tôn phù để tiêu tan biến dị. Điều mở đầu này, ông khuyên chúa nên một lòng thành thực tôn phù vua Lê. Có như thế, sự nghiệp nhà chúa mới được lâu bền. Sở dĩ có điều này vì các đời chúa Trịnh thường ức hiếp vua Lê. 

2 - Dứt hẳn cầu cạnh để cho đúng đắn tiêu chuẩn. Hiện tượng các quan lại cấp dưới quà cáp hối lộ để cầu cạnh cấp trên (sử sách xưa gọi là thỉnh thác). Bùi Sĩ Tiêm yêu cầu: Kẻ nào lén lút làm chuyện thỉnh thác thì chiếu luật trị tội, người ăn của đút cũng phải khép vào luật...(2).

3 - Chăm đời sống của dân để bền mệnh mạch. Dân là mệnh mạch của nước. Chia đều ruộng làng, lập quân bình phú dịch, đều là chính sách lớn để nâng cao đời sống của dân.

4 - Thận trọng chính sách dùng binh để mạnh nanh vuốt. Lính là nanh vuốt của quốc gia. Chú trọng đến đời sống của binh lính và vợ con của họ, có như thế thì binh lính mới một lòng một dạ phục vụ.

5 - Giảm bớt chức quan để đỡ phiền nhiễu. Đặt quan chia chức đều là vì dân. Cần liệu việc mà bổ quan, xem đất mà chia trị. Nay quan thì nhiều mà dân thì ít, không tránh khỏi nhũng nhiễu. Vì vậy, cần phải xem xét giảm bớt những chức quan không cần thiết.

6 - Bỏ nhũng lại để dập tắt nạn chài dân. Thanh lọc nhũng lại. Bỏ nhân viên thừa không cần thiết.

7 - Chấn chỉnh thể văn để khích lệ hiền tài. Dốc lòng tôn sùng đạo học chính thống, chấn hưng phong thái nhà nho, khôi phục lối văn hồn hậu thời Hồng Đức (tức thời Lê Thánh Tông). Có như thế mới đào tạo được nhân tài.

8 - Làm rõ lệ xét xử để cho thanh thoả việc từ tụng. Chấm dứt tệ nạn trong xét xử kiện tụng. Nêu rõ thể lệ hình án để xử kiện sáng suốt. Có như thế thì  mới tránh khỏi oan khuất.

9 - Liêm phỏng cẩn thận để phân biệt người hiền kẻ gian. Điều tra thực tế tình hình dân chúng ở địa phương để thấu được dân tình. Phân biệt người hiền kẻ xấu để khuyến thiện và trừng ác. Quan lại biết giữ phép, dân không bị nhũng nhiễu thì nước được yên.

10 - Phân biệt nòi giống để chặn sự dòm ngó. Không để người nước ngoài đi lại tự do, có như thế mới ngăn ngừa bọn trinh thám lợi dụng để làm gián điệp.

10 điều kiến nghị của Bùi Sỹ Tiêm, có thể nói là 10 chính sách lớn trong việc trị nước an dân. Tiếc thay, chúa Trịnh Giang là kẻ u mê, hôn ám, chỉ thích ăn chơi.

Chúa ra lời chỉ dụ là muốn để nghe lời ca ngợi, tâng bốc, không ngờ tờ khải của Bùi Sỹ Tiêm lại nói quá thẳng. Tờ khải dâng lên, chúa cho rằng ông phạm thượng, lợi dụng góp ý để nói xấu bề trên. Thế là 10 chính sách của Bùi Sỹ Tiêm chẳng những không được thi hành mà ông còn bị đuổi về quê.

Sau khi bị cách hết chức tước, Bùi Sỹ Tiêm về quê, sống trong buồn chán, hai năm sau thì mất, hưởng thọ có 43 tuổi. Ông là người có tài, có tâm mà không gặp được minh chúa.

Chú thích: (1), (2): Trích dẫn từ Đại Việt sử ký tục biên.

Phan Duy Kha
Nguồn: