Trang chủ » Tin văn và...

NGUYỄN AN TỔNG CÔNG TRÌNH SƯ XÂY DỰNG HOÀNG THÀNH và TỬ CẤM THÀNH BẮC KINH

Huyền Viêm
Thứ ba ngày 19 tháng 1 năm 2010 4:48 PM
NGUYỄN AN (1381-1456) sinh năm Tân Dậu, quê vùng Hà Đông (Bắc Bộ), từ nhỏ đã nổi tiếng thần đồng và có biệt tài về kiến trúc. Ông chẳng những có công xây dựng hoàng thành và Tử cấm thành Bắc Kinh, mà còn có tài trị thủy sông Hoàng Hà (Trung Quốc). Khi chưa đầy 16 tuổi, năm 1397, dưới đời vua Trần Thuận Tông ở nước ta, ông đã tham gia xây dựng cung điện nhà Trần, một công trình kiến trúc nguy nga tráng lệ.
Minh sử ghi rằng: Vào những năm cuối đời Minh Thái Tổ (Chu Nguyên Chương) và mấy năm đầu Minh Thành Tổ (Chu Lệ), Trương Phụ thường đi sứ sang nước ta, buộc triều đình nhà Hồ phải cống nạp những người tài, thợ giỏi và nam nhân tuấn tú. Những nam nhân này sang đến Trung Hoa thì bị buộc phải thiến đi để trở thành hoạn quan phục vụ ở cung đình, trong số đó có những người nổi tiếng như Nguyễn An, Phạm Hoằng, Vương Cẩn…
 
* CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG TỬ CẤM THÀNH

Nguyễn An bị đưa sang Trung Hoa và không lâu sau đã trở thành thái giám. Ông sống dưới năm triều vua nhà Minh: Thành Tổ, Nhân Tông, Tuyên Tông, Anh Tông và Cảnh Tông. Sau khi cướp ngôi của cháu là vua Huệ Đế (1403), vua Thành Tổ (niên hiệu Vĩnh Lạc) dời đô về Bắc Bình là kinh đô cũ của nhà Nguyên, đổi tên là Bắc Kinh, còn kinh đô cũ là Kim Lăng thì gọi là Nam Kinh.
Năm Vĩnh Lạc thứ tư (1406) vua Thành Tổ sai xây dựng Tử cấm thành (nay gọi là Cố cung). Nghe tiếng Nguyễn An là người có tài kiến trúc lại cương trực và liêm khiết, nhà vua giao cho ông trọng trách “Tổng công trình sư” xây dựng mới khu Tử cấm thành Bắc Kinh gồm ba điện lớn: Phụng Thiên, Hoa Cái và Cẩn Thân (đến đời Thanh đổi tên là Thái Hòa, Trung Hòa, Bảo Hòa) và hai cung Càn Thanh, Khôn Ninh. Đây là công việc hết sức to tát.
Điện Phụng Thiên (Thái Hòa) có qui mô lớn nhất, dài 37m, rộng 64m, cao gần 40m với bộ kiến trúc khung gỗ đồ sộ gồm 84 cột và 182 dầm xà ngang dọc chạm khắc tinh vi, sơn son thiếp vàng rực rỡ còn lại đến nay. Hai điện Hoa Cái, Cẩn Thân ở phía trong thì nhỏ hơn. Ba tòa điện này đặt trên một bệ đá cẩm thạch khổng lồ hình chữ I. Công trình này hoàn thành sau 15 năm (1420). Nhưng thật đáng tiếc, khoảng nửa năm sau, cả ba tòa điện bị sét đánh cháy rụi.
Mãi đến 20 năm sau (1440) vua Minh Anh Tông (niên hiệu Chính Thống) mới giao cho Nguyễn An 7 vạn thợ để trùng tu ba điện và hai cung. Sách Chính Thống thực lục ghi:“Ngày 10 tháng 2 năm Chính Thống thứ sáu (1441) hai cung ba điện xây dựng hoàn thành”. Như vậy, Nguyễn An đã trùng tu hai cung ba điện chỉ trong vòng hơn một năm. Vua ban thưởng cho ông 50 lạng vàng, 100 lạng bạc, 8 tấm lụa và 1 vạn quan tiền (1).
 
* CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG HOÀNG THÀNH BẮC KINH

Tháng tư năm 1442, vua Anh Tông lại khởi công lớn về thổ mộc, xây dựng lại hoàng thành Bắc Kinh, thực hiện chí của vua Thành Tổ còn dang dở. Công việc đầu tiên là xây dựng lầu thành 9 cửa và giao cho Bộ Công chủ trì. Khi lệnh ban ra, viên Thị lang Bộ Công là Sái Tín cho rằng khối lượng công việc quá lớn, tâu xin tới 18 vạn dân phu giỏi nghề và rất nhiều vật liệu, mà nói phải làm trong 5 năm mới xong. Thấy quá tốn kém và quá lâu, vua giao cho Nguyễn An đảm nhận công việc.
 
Trước hết, Nguyễn An sai xây vòng thành bao quanh cung điện. Thành ngoại gồm chín cửa: cửa Chính Dương có một chính lâu và 3 gian Nguyệt thanh lâu (lầu ngắm trăng) và các cửa Sùng Văn, Tuyên Vũ, Triêu Dương, Phụ Thành, Đông Trực, Tây Trực, An Định và Đức Thắng, mỗi cửa này đều có một chính lâu và một Nguyệt thanh lâu. Bốn góc thành đều có xây vọng gác, bên ngoài các cửa đều dựng nhà bia (Anh Tông chính thống thực lục, quyển 26, trang 8). Tất cả công việc này được Nguyễn An chỉ đạo thực hiện trong hai năm thì xong. Trong chín cửa thành lầu nói trên, ngày nay còn tồn tại cửa Chính Dương, cũng gọi là Tiền Môn ở phía nam Quãng trường Thiên An môn.
Thành trì Bắc Kinh thời đó có chu vi 68 dặm. Dưới đời Minh Thành Tổ (Vĩnh Lạc 1403-1424) và Minh Tuyên Tông (Tuyên Đức 1426-1435) thành được xây phía ngoài bằng gạch nhưng bên trong vẫn còn đắp bằng đất nên khi mưa dầm, lụt lội, tuyết rơi lớn thì tường thành hay bị sạt lở. Nguyễn An cho xây dựng lại, cả phía trong lẫn phía ngoài đều bằng gạch chắc chắn nên tránh được cảnh lầy lội dơ bẩn mùa mưa lụt. Thành cao 3 trượng 5 thước, nền dày 6 trượng 2 thước, mặt thành rộng 5 trượng. Ngoài ra còn phải đào một hệ thống hào để thoát nước và xây chín chiếc cầu đá bắc qua hào dẫn vào thành.
Nguyễn An đã chỉ đạo xây lại công đường, nha môn gồm phủ Tôn Nhân, Bộ Lại, Bộ Lễ, Bộ Hộ, Bộ Binh, Bộ Hình, Bộ Công, Hồng Lô Tự, Khâm Thiên Giám, Viện Thái Y, Viện Hàn Lâm và Quốc Học Viện (Quốc Tử Giám). Trong các công trình này hiện còn lại Quốc Học Viện tức là Thư viện thủ đô Bắc Kinh ngày nay.
Sách Kinh kỳ ký thắng của Dương Sĩ Kỳ viết: “Về việc xây dựng thành Bắc Kinh ngày ấy, Nguyễn An tự tay vạch kiểu, thành hình là lập được thế, mắt ngắm là nghĩ ra được cách làm, tất cả đều đúng với qui chế. Bộ Công và các thợ thuyền đành chịu khoanh tay bái phục, nghe ông chỉ bảo, sai khiến. Thật là ngưòi đại tài, xuất chúng”. Như vậy, từ vẽ đồ án thiết kế đến chỉ đạo thi công đều do một tay Nguyễn An cả. Nếu là ngày nay thì không biết phải cần bao nhiêu kiến trúc sư tài danh và bao nhiêu thợ giỏi có tay nghề cao mới làm nổi công việc ấy.
Tên tuổi Nguyễn An cùng các bậc tiền bối có công xây dựng thành Bắc Kinh được ghi ở một tấm bia trên đồi Thạch Cảnh Sơn Bắc Kinh.
 
* TÀI TRỊ THỦY CỦA NGUYỄN AN

Những trận lụt lịch sử trên sông Hoàng Hà vào các năm 1444-1445 gây tổn thất nặng nề về người và của cho nhân dân Trung Hoa. Các vua Minh đều cử Nguyễn An đến hàn khẩu đê điều ở những nơi xung yếu nhất. Ông chỉ huy việc hàn khẩu thành công, để lại tấm gương lao động quên mình trong lòng hàng triệu người dân Trung Quốc.
 
Năm 1444, một trận lụt lớn khiến đê sông Bồ Cầu vỡ hơn 20 đoạn, đời sống nhân dân vô cùng nguy khốn. Vua Anh Tông buộc phải cử Nguyễn An cùng quan Hữu Thị Lang bộ Công là Vương Hựu đi cứu đê. Nguyễn An đến nơi, trực tiếp chỉ huy nhân công cấp tốc hàn khẩu các đoạn đê vỡ và thành công tốt đẹp. Hàng triệu người dân ở đây thoát khỏi nạn thủy tai, coi ông là vị cứu tinh của họ và vô cùng biết ơn ông.
Nguyễn An còn trị thủy sông Tắc Dương (có sách ghi là Tái Dương) ở thôn Dịch, nạo vét sông Trạch Chư ở thôn Dương. Năm Chính Thống thứ 14 (1449) dưới triều vua Anh Tông, ông còn được cử đi tuần tra các kênh đào từ Thông Châu đến Nam Kinh.. Ông đích thân chỉ đạo đào đắp các công trình thủy lợi rất lớn.
Theo Minh sử, năm Cảnh Thái thứ bảy (1456), dưới triều vua Minh Cảnh Tông, có lụt lớn trên sông Hoàng Hà. Đê ở vùng Sơn Đông bị vỡ. Triều đình đã tốn rất nhiều tài vật mà không hàn khẩu được. Cả một vùng Sơn Đông rộng lớn chìm trong biển nước. Vua Cảnh Tông lại phái Nguyễn An đến chỉ huy cuộc hàn khẩu. Trên đường đến Sơn Đông, ông bị ốm vì tuổi cao sức yếu và những vất vả nhọc nhằn trong chuyến đi nên đã mất ở dọc đường, hưởng thọ 75 tuổi.
 
Minh sử liệt truyện, truyện thứ 129 ghi rằng: “Khi ông mất, trong túi còn không quá mười đồng tiền. Trước khi mất, ông chỉ mặc áo vải, đắp chăn vải” . Ông còn trăng trối rằng đừng xây lăng cho ông như những người có công mà tốn kém, tiền của riêng ông còn được bao nhiêu hãy đem giúp những dân bị lụt nơi ông đi mà chưa đến ( Hoàng Minh Thư quyển 13). Tài năng và phẩm hạnh của ông khiến người đương thời rất khâm phục và cảm mến.
Nguyễn An mất đi, để lại những công trình đồ sộ, những cung điện nguy nga tráng lệ là dấu ấn của một tài năng kiệt xuất. Ông đã đem tài riêng của mình ra làm đẹp hoàng thành Bắc Kinh vĩ đại, lưu lại cho đời sau đến nay đã trải qua sáu thế kỷ mà vẫn còn hoành tráng và diễm lệ (2). Một số người Trung Hoa đến tham quan Tử cấm thành Huế cho rằng Việt Nam đã mô phỏng cách kiến trúc của Tử cấm thành Bắc Kinh, nhưng họ có biết đâu rằng Tử cấm thành Bắc Kinh cũng do một người Việt Nam vẽ kiểu và chỉ huy xây dựng.
 
* NHỮNG Ý KIẾN VỀ NGUYỄN AN

Ở Trung Quốc, Nguyễn An được nhắc tới trong nhiều thư tịch từ thời trung đại tới thời hiện đại, từ những cuốn Hoàng Minh thông kỷ, Anh Tông chính thống thực lục đời Minh tới cuốn Trung Việt quan hệ sử luận văn tập của nhà sử học Trương Tú Dân xuất bản tại Đài Bắc (Đài Loan) năm 1992.
* Sách Thủy Động nhật ký của Diệp Thanh (có sách ghi là Diệp Thịnh) đời Minh ghi rằng: “Nguyễn An, cũng gọi là Á Lưu, người Giao Chỉ, thanh khiết, giỏi tính toán, có biệt tài về kiến trúc. Trong các công trình xây dựng thành trì Bắc Kinh và 9 cửa thành lầu, 2 cung, 3 điện, 5 phủ, 6 bộ ở Bắc Kinh và nạo vét sông Trạch Chư ở thôn Dương đều có nhiều công lao to lớn. Các nhân viên thuộc hạ của Nguyễn An ở Bộ Công chẳng qua là chỉ là những người thừa hành, thực hiện những công trình do Nguyễn An qui hoạch, thiết kế ra đó mà thôi”.
* Ở Việt Nam, nhà bác học Lê Quý Đôn (1726-1784) đã viết trong Kiến văn tiểu lục:
“Nguyễn An trải năm triều vua: Thành Tổ, Nhân Tông, Tuyên Tông, Anh Tông và Cảnh Tông, làm quan đến chức Thái giám. An là người giản dị, khắc khổ, cứng rắn, liêm khiết, giỏi về mưu lược tính toán, rất sở trường về công việc xây dựng. Những việc tu tạo thành hào Bắc Kinh, 9 cửa, 2 cung, 3 điện, 5 phủ, công đường, nha môn, 6 bộ và các trường sở, nhà trạm, An đều thân hành sắp đặt, tỏ ra rất có công lao. Các ty tào trong Bộ Công chỉ theo kế hoạch của An mà thành lập mà thôi. Bình sinh vua ban cho thứ gì đều lấy ở kho công, sau đó An lại đem nộp vào kho công không sót một ly nào cả. Việc này thấy chép trong Hoàng Minh thông kỷ”.
* Căn cứ vào sử liệu Trung Quốc, nhà sử học Trương Tú Dân, từng làm việc tại thư viện Bắc Kinh đã công bố bài viết nhan đề “Thị dân Bắc Kinh nên kỷ niệm Nguyễn An, người An Nam, Thái giám nhà Minh, Tổng công trình sư tạo dựng lầu thành Bắc Kinh thế kỷ XV” đăng tải trên tờ Ích Thế báo số ra ngày 11-11-1947 (trang 8b).
Sau khi kể các công lao của Nguyễn An, trong đoạn cuối, ông viết: “Hoạn quan là chế độ tội ác của thời đại phong kiến chuyên chế. Từ xưa đến nay, người tốt trong hoạn quan thì trăm ngàn người không được một. Còn An thì hết lòng vì việc công, thanh bạch, liêm khiết, khắc khổ, khi lâm chung không còn được một nén vàng trong túi, là người cao thượng, chỉ để lại công đầu ở Bắc Kinh. Nguyễn An cùng thời với Tam Bảo thái giám Trịnh Hòa (ba lần sang Tây Dương) đều là những người kiệt xuất trong hoạn quan, có công với quốc gia không thể phai mờ.
 
Ngày nay, tên Tam Bảo thái giám (Trịnh Hòa) thì đàn bà, trẻ con đều tỏ tường, còn tên của nhà đại kiến trúc Nguyễn An – Á Lưu thì ngay học giả, chuyên gia cũng ít ai hay biết. Thật bất hạnh thay! Tôi nghĩ với An, không chỉ riêng giới công trình sư ngưỡng mộ, mà 1 triệu 60 vạn dân Bắc Kinh cũng nên uống nước nhớ nguồn, kỷ niệm chớ quên”.
* Tại Hoa Kỳ, một tờ báo viết về Nguyễn An như sau: “Sinh ra ở Việt Nam, ông bị đưa sang Trung Quốc như một cống phẩm, về sau trở thành hoạn quan và kiến trúc sư phục vụ dưới các triều vua Trung Quốc” (Born in Vietnam, he was taken as tribute from Vietnam to China and later became an eunuch and architect in service to the Chinese emperors). Trường đại học Cambridge đã kể rõ công trình của kiến trúc sư trưởng Nguyễn An trong phần sử về nhà Minh của Trung Hoa, nhan đề cuốn sử: The Cambridge History of China, volume 7, The Ming Dynasty (1368-1644), Part I.
* Mới đây, vào tháng 9 năm 2008, trong tác phẩm Việt Nam, suối nguồn văn minh phương Đông, nhà văn Du Miên Lê Thanh Hoa cũng đề cập đến việc này một cách chi tiết. Được biết tác phẩm này đang được dịch sang Anh ngữ, phổ biến khắp các thư viện Hoa kỳ và thế giới để đến tay các bạn trẻ Việt Nam ở nước ngoài không đọc được tiếng Việt.
 
* Gần đây, Đài truyền hình ZDF Dokukanal của Đức Quốc đã cho chiếu 2 tập phim tài liệu “China Verbotene Stadt – Das Vermachtnis des Despoten” (Trung Hoa Tử cấm thành – Bản di chúc của các bạo chúa) trong đó xác quyết công trình kiến trúc này do một tù binh Việt Nam thực hiện. Đó là ông Nguyễn An (Ruan An). Giáo sư Nguyễn Văn Nhiệm, tác giả cuốn “Đường vào triết học Việt Nam” , hiện định cư tại Đức, đã thu lại toàn bộ hai tập phim tài liệu này.
* Một số sách vở và bài báo của Trung Quốc và Đài Loan cung cấp cho chúng ta tư liệu về Nguyễn An như sau:
- “Dân chúng Bắc Bình (tức Bắc Kinh) nên kỷ niệm Thái giám Nguyễn An, người An Nam” đăng trên Tuần san Sử Địa Cái Thế, xuất bản ngày 11-11-1947 tại Thiên Tân.
- “Nguyễn An, nhà kiến trúc thiên tài xây dựng Đại Bắc Kinh” đăng trên nhật báo Tiến Bộ ngày 2-2-1950 tại Thiên Tân.
- “Sự đóng góp cho Trung Quốc của người Giao Chỉ đời Minh” trích trong tạp chí Học Nguyên của Hồng Kông, sau này được đưa vào sách Minh sử luận tường xuất bản tại Đài Loan.
___________________________________
(1) Sử sách Trung Hoa có ghi tên ba viên đốc công người Hoa là Khoái Tường, Lục Tường và Ngô Trung cùng tham gia xây dựng hoàng thành Bắc Kinh nhưng không phủ nhận công lao của Nguyễn An.
(2) Ba điện Phụng Thiên, Hoa Cái và Cẩn Thân, dưới đời vua Gia Tĩnh triều Minh (năm 1559) có trùng tu và đổi tên là Hoàng Cực, Trung Cực và Kiến Cực trước khi đổi tên một lần nữa dưới đời Thanh là Thái Hòa, Trung Hòa và Bảo Hòa như đã nói ở trên.
 nguồn Newvietart.com