Trang chủ » Tin văn và...

BAN NHÀ VĂN NỮ CHIA TAY VỚI CÁC NHÀ VĂN LÀO

Nguyến Thị Mai
Thứ tư ngày 13 tháng 1 năm 2010 12:54 PM
 
Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam đã kết thúc tốt đẹp. Các nhà văn từ hơn 30 nước đến Việt Nam sau 5 ngày hội thảo, giao lưu, tham quan, gặp gỡ đã lên đường về nước.
  Buổi sáng ngày lên đường (11/1/2010), Ban Nhà văn nữ - Hội Nhà văn Việt Nam do Nhà thơ Phan Thị Vàng Anh – Trưởng Ban chủ trì đã tổ chức cuộc chia tay thân mật, ấm tình hữu nghị với nữ nhà văn Phiulavanh Luangvanna (bút danh Đa Chăn) – Phó Chủ tịch Hội Nhà văn cùng 2 nhà văn nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào.
Tuy những ngày qua cùng tham gia nhiều hoạt động nhưng đến buổi chia tay  chúng tôi mới có điều kiện hỏi thăm, trao đổi với nhau những gì cần chia sẻ. Nhà văn Thi Đa Chăn – cảm động cầm tờ báo Văn nghệ Việt Nam số Tết dương lịch do nhà văn Thành Đức Trinh Bảo tặng, phát biểu cảm nghĩ của mình về Việt Nam. Chị kể đã từng sang Việt Nam giảng dạy trường Lào ở Hà Bắc thời chống Mĩ, đã được đến thăm Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam với tư cách là Trưởng Ban Tuyên giáo - Hội Phụ nữ Trung ương Lào, đặc biệt vinh dự chị đã sang nhận giải thưởng văn học Sông Mê Kông tổ chức tại Việt Nam. Vì vậy từ lâu Thi Đa Chăn coi Việt Nam như quê hương thứ hai của mình. Những tình cảm yêu thương, gắn bó, nghĩa tình với người Việt Nam chị gửi gắm cả trong cuốn truyện Tình yêu không biên giới – cuốn sách đã đạt giải thưởng văn học Sông Mê Kông năm 2007. Chị bảo tiếc không có điều kiện lên diễn đàn để phát biểu tình cảm của mình với các bạn văn chương Việt Nam. Qua Ban Nhà văn nữ, chị gửi lời cảm ơn Hội Nhà văn đã tổ chức Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam để các nhà văn Lào được gặp gỡ bạn bè mình ngưỡng mộ, được chia sẻ, học hỏi những kinh nghiệm viết và dịch thuật của các nước bạn. Thi Đa Chăn thổ lộ: Nữ nhà văn Lào có 22 chị trong tổng số hơn một trăm hội viên, điều ước mong của các chị là được đón các nhà văn nữ Việt Nam sang thăm Lào vì lý do các chị đã được đón đoàn nhà văn Việt Nam nhiều lần mà chưa bao giờ có nhà văn nữ.
Cùng với chị Thi Đa Chăn là hai nhà thơ nam. Thanongsack Vongsackda và Othong Khamminsu - Tổng biên tập báo Văn nghệ Lào.
Hai nhà thơ này hình như còn ngây ngất trước vẻ đẹp của Vịnh Hạ Long sau chuyến lênh đênh trên biển nên khi được hỏi cảm tưởng về Việt Nam các anh chỉ xin đọc thơ để nói thay lời. Thanongsack đọc trước. Bài thơ của anh vừa viết khi lênh đênh trên Vịnh với nhan đề: Trái tim tôi rơi ở Hạ Long. Tạm dịch ý là: Tôi đã đến Hạ Long, được nhìn thấy hai hòn đá đứng bên nhau. Một hòn đá giống như người con gái Việt Nam, còn hòn đá kia lại giống như người con trai Lào. Trái tim tôi từ đó đánh rơi ở Việt Nam. Còn bài thơ của Othong lại như một tiếng thở dài về nỗi cô đơn trước vẻ đẹp của đá Hạ Long. Anh viết: Hỡi thiên nhiên! người đã biết tạo ra cặp đá đứng bên nhau, không để cho đá phải lẻ loi. Dù nắng mưa, gió bão… đá vẫn sóng đôi cùng nhau chống đỡ dưới trời. Nhưng thiên nhiên hỡi! sao người lại tạo ra tôi một mình cô lẻ? Tôi nhìn ra xung quanh, mọi hướng mà chẳng thấy người nào đứng bên tôi như đá. Em gái Việt Nam ơi, em có trả lời được vì sao không?Thiên nhiên ơi! Người có tạo ra cô gái nào đứng một mình như tôi không?
Thật thú vị khi nghe những ý thơ ấy. Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn hứng khởi bình luận: “Nghe xong các bài thơ về đá của các anh, tôi chỉ muốn trẻ lại vài chục tuổi để trả lời cho câu hỏi đó và muốn hóa thành sóng biển để ôm tất cả các hòn đá cô đơn giữa biển khơi”. Nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát thì hỏi: “Ai đã nhặt được trái tim đánh rơi của anh Thanongsack thì cho anh ấy xin?
Giá như các anh cũng biết tiếng Việt và chúng tôi cũng biết tiếng Lào thì buổi chia tay sẽ biến thành buổi đọc thơ triền miên quên giờ ra về. Thôi đành lòng vậy. Hát cũng là cách giao hòa ngôn ngữ. Chúng tôi và các nhà văn Lào cùng hát bài Hoa Chăm pa trong vũ điệu minh họa của nhà văn Trần Thị Trường.
Vui, cười, đầm ấm và lưu luyến. Các bạn Lào luôn chắp tay nói lời “Sa ma ki”, chúng tôi thì bắt tay hẹn ngày gặp lại. Buổi chia tay ngắn ngủi nhưng đã góp vào ấn tượng tốt đẹp của các bạn Lào về một đất nước Việt Nam yêu văn chương và giàu lòng hiếu khách.