Trang chủ » Tin văn và...

KHI TQ NÓI NGOẠI GIAO VỀ VẤN ĐỀ BIỂN ĐÔNG

Nguyễn Vĩnh
Thứ năm ngày 7 tháng 1 năm 2010 5:35 AM
Tại một cuộc họp báo sáng nay (6/1/2010) ở Hà Nội, ông Đại sứ Trung Quốc đã trình bày và nhận định về mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua, sau đó đã trả lời các phóng viên Việt Nam về các vấn đề liên quan đến quan hệ hai nước đặc biệt là cuộc tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông cũng như cách thức giải quyết vấn đề đó nên như thế nào trong tình hình hiện nay.
Cuộc họp báo, theo Đại sứ quán Trung Quốc cho biết trước đó là một trong những hoạt động nằm trong tiến trình tiến tới năm 2010, được gọi là Năm Hữu nghị Việt - Trung mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã trù liệu.
Thấy những vấn đề mà ông Đại sứ Trung Quốc nêu ra lần này là hết sức quan trọng ở khía cạnh quan hệ hai nước. Ông đại sứ cũng không né tránh nói lên những bất đồng trong vấn đề Biển Đông giữa hai nước khi đề cập tới các câu hỏi của phóng viên ta nêu.
Nếu chỉ theo sát từng câu chữ ông đại sứ phát ra, thì đại thể chúng ta vẫn thấy chưa có điều gì là nổi bật, là mới so với đường lối và quan điểm công khai mà CHND Trung Hoa lâu nay vẫn chính thức truyền đi từ thủ đô Bắc Kinh về cả quan hệ Trung - Việt và các vấn đề biển đảo liên quan đến hai nước.
Duy chỉ có một ý mới (hoặc với bản thân tôi hiểu là thế và cũng chỉ biết đến như thế) là ông nói với đại ý: TQ khuyên VN chúng ta nên chờ đợi các điều kiện chín mùi hãy tính đến chuyện giải quyết. Còn hiện tại quan hệ hai nước đang tốt đẹp, thì hai nước hãy cứ theo tinh thần hợp tác phát triển mà tiến hành công việc quan hệ với nhau như bình thường lâu nay là tốt là có lợi cho cả hai bên...
TQ nói thì như vậy, nhưng hành động thì chưa phải như vậy.
Không kể suốt từ hồi giữa năm đến gần đây, trên mặt biển có biết bao sự kiện tàu vũ trang Trung Quốc bắt bớ, giam hãm tàu thuyền và ngư dân ta đánh cá hợp pháp trên vùng biển của mình, chỉ kể mới hôm trước thôi, người phát ngôn bộ ngoại giao VN đã phải lên tiếng phản đối việc TQ chủ trương đẩy mạnh du lịch ra quần đảo Hoàng Sa.
Trở lại ý về quan hệ hai nước, nếu như các thông tin từ bài tường thuật của báo điện tử VNNet là chính xác (xin xem trong phần dưới đây), thì với tinh thần và lời văn của ông ĐS Trung Quốc nói, người VN ta có thể hiểu ý tứ như sau:
Một là TQ công nhận có những bất đồng trong vấn đề Biển Đông giữa hai nước, và vấn đề đó cần được giải quyết;
Tiếp đến là TQ "nhắn gửi" một ý tứ khuyên can (mà cũng đầy ý răn đe trong đó) là qua kinh nghiệm quan hệ hai nước từ 60 năm nay, là "hợp tác sẽ phát triển", còn "đấu tranh sẽ thất bại";
Cuối cùng, đây là sự nhắn gửi cho phia ta, là hãy chờ cho các điều kiện chín mùi thì hai nước sẽ bàn đến cách giải quyết vấn đề tranh chấp Biển Đông, khi ấy giải quyết mới tốt đẹp được. 
Trong ba điều thì hai điều có nhiều sự lạ. Mà lạ nhất là ở điều thứ ba này. Bởi tại đây, TQ tịnh không nói rõ điều kiện chín mùi là gì, hay là được hiểu nó là như thế nào. Và nhất là "bao giờ" thì xuất hiện điều kiện chín mùi kia? Tất cả đều như "kín bưng", chắc là để muốn hiểu thế nào thì hiểu...
Là người có những năm làm việc trong ngành ngoại giao, ở môt cơ quan làm công tác thông tin tuyên truyền đối ngoại, tôi cũng hiểu đôi phần về các chức phận, chức trách ngoại giao và ý tứ câu chữ phát đi từ các nhân vật có thân phận ngoại giao. Nó có những ý nghĩa có thể lúc này là rất cụ thể, lúc khác lại nhắm tới đích chung chung chung, mơ hồ. Miễn là bảo vệ cho được lợi ích quốc gia.
Ở trường hợp này là qua một phát ngôn cụ thể của vị đại sứ tại nước sở tại (có quan hệ trực tiếp với nhau) nên chúng ta càng phải dõi theo và phân tích một cách nghiêm túc và thận trọng nhất có thể.
Tôi nghĩ với chức trách có chừng mực nào đó của một vị đại sứ, thì khi phát đi một ý như đã kể ở trên (tóm tắt qua ba ý) là ông đại sứ TQ cũng là làm hết chức trách của mình.
Chúng ta không thể đòi hỏi điều gì cao hơn thế, rõ hơn thế được đâu. Vì đây là vấn đề chỉ thị, vấn đề "khoanh lại" chỉ đến như thế. Tức là vấn đề mới "mở ra" cho biết đại thể là vậy, cấp trên cấp lãnh đạo ở trong nước cho ý kiến việc này là như thế, được nói đến một chừng mực như thế, đến mức độ như thế.
Cho nên cái điều mà ta quan tâm nhiều hơn - và cần quan tâm hơn ở thời điểm hiện nay - là cái ý tứ gì ẩn sau những động thái ngoại giao (qua ông đại sứ TQ phát biểu trên)? Và thực chất điều đó có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh quốc tế, bối cảnh khu vực và bối cảnh quan hệ hai nước vào thời điểm lúc này mới là vấn đề hệ trọng bậc nhất.
Đương nhiên đây là một công việc lớn không nắm bắt được một cách dễ dàng. Cần có những thông tin, sự tìm hiểu và nghiên cứu một cách thật sự nghiêm túc mới tìm ra được cách tiếp cận và mới hé lộ những lời giải.
Dù sao một tín hiệu ngoại giao đã được đánh đi. Chắc chắn nó muốn tìm địa chỉ gửi tới và chờ đợi ỏ sự hồi âm hoặc cáh thức hồi đáp như thế nào đó của đối tượng mà nó muốn gửi đến.
Xin gửi công việc "quốc gia đại sự" đó đến những cơ quan, tổ chức, con người có thẩm quyền, có trách nhiệm cao với đất nước này.
Còn với những công dân bình thường như chúng ta, cái tín hiệu ngoại giao đã đánh đi kia - nghĩ thế nào thì nghĩ - cũng không hẳn đã làm chúng ta hoàn toàn yên lòng về mối quan hệ được trưng ra là khá tốt đẹp, mà không khéo ba ý toát lên từ trả lời của ông đại sứ còn khiến chúng ta băn khoăn, lo lắng thêm là đằng khác.
Vì sao vậy? Đơn giản, vì nó ẩn chứa các vấn đề tranh chấp Biển Đông còn vô cùng phức tạp, nước lớn lại có tranh chấp với ta quyết liệt nhất là Trung Quốc hình như vẫn chưa sẵn sàng và bày tỏ thiện chí để giải quyết công việc này với chúng ta?