Trang chủ » Tin văn và...

THƯ NGỎ KÍNH GỬI BAN CHẤP HÀNH HỘI NHÀ VĂN VIỆT NAM

Hà Văn Thùy
Thứ ba ngày 5 tháng 1 năm 2010 7:17 PM

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 5 tháng Giêng năm 2010
 

Nếu có nhiều con đường tới được La Mã thì chắc cũng có nhiều con đường để đưa văn chương Việt Nam tới bè bạn năm châu. Tuy chưa phải là tốt nhất, nhưng thiết tưởng Hội nghị này cũng là sự cần thiết mở màn cho cuộc vận động lớn mà tôi hy vọng sẽ thành công.
Bên lề Hội nghị của quý vị, tôi xin gửi đôi dòng tâm sự.
Năm năm nay, sau khi nhận được thông tin về việc con người tiền sử tới Việt Nam 70.000 năm trước, tôi đã dừng cuốn tiểu thuyết Triệu Vũ Đế để bắt tay nghiên cứu về thời kỳ chưa biết trong lịch sử dân tộc. Đầu năm 2005 tôi hoàn thành tiểu luận Tìm lại cội nguồn tổ tiên cội nguôn văn hóa. Từ những công bố mới nhất về di truyền học của thế giới, kết hợp với những tri thức khảo cổ học, cổ nhân học, văn hóa học… tôi nói với bạn đọc rằng: 70.000 năm trước, Người Khôn ngoan Homo sapiens từ châu Phi đã theo đường biển Nam Á tới Việt Nam. Gặp điều kiện thuận lợi, hai đại chủng Australoid và Mongoloid đã hòa huyết, sinh ra bốn chủng người Việt cổ. Khoảng 50.000 năm trước, từ Việt Nam, người Việt di cư tới châu Úc, Tân Ghinê, các vùng đất Đông Nam Á, sau đó lên chiếm lĩnh toàn bộ Trung Hoa rồi vượt eo Berinh sang châu Mỹ. Khoảng 15000 năm trước, người Việt mang văn hóa Đá mới Hòa Bình cùng giống lúa, giống kê, giống gà, giống chó lên xây dựng nền nông nghiệp lúa nước ở Trung Quốc. Cho đến thiên niên kỷ IV TCN, người Việt cổ với nhân số hơn 54% nhân loại, xây dựng trên địa bàn Đông Á nền văn hóa nông nghiệp rực rỡ… Khoảng 2600 năm TCN, người Mông Cổ xâm lăng đất Bách Việt. Lạc Long Quân dẫn đoàn quân dân Việt dùng thuyền vượt biển trở lại Việt Nam dựng nước Văn Lang. Ở Trung Nguyên, người Mông Cổ hòa huyết với người Bách Việt sinh ra người Hán. Là con lai Việt, người Hán tiếp thu nền kinh tế và văn hóa của Việt tộc, xây dựng văn hóa Trung Hoa. Vì vậy, văn hóa vật thể và phi vật thể trên đất Trung Hoa trước 2600 năm TCN là sản phẩm của Việt tộc. Văn hóa Trung Hoa được xây dựng trên cơ sở kế thừa, học hỏi văn hóa Việt. Tiếng Việt là chủ thể tạo nên ngôn ngữ Hán…
Nhờ có thêm tư liệu, năm 2006 tôi hoàn thành cuốn Tìm lại cội nguồn văn hóa Việt,  in vào giữa năm 2007. Sách được bạn đọc và báo chí quan tâm. Tuy nhiên tôi hiểu rằng, mình là một “tay ngang” không học hàm học vị, lại nói tới những chuyện động trời trái ngược với quan niệm truyền thống, sẽ khó lòng được giới khoa bảng ủng hộ. Vì vậy, ngay khi sửa trang cuối cùng của bản nhũ, tôi bắt tay viết cuốn Hành trình tìm lại cội nguồn và cho in vào giữa năm 2008. Nhờ bổ sung nhiều tư liệu mới, nhờ sự trưởng thành về nhận thức, cuốn sách này trở thành bức tượng đài hoành tráng tôn vinh cội nguồn cùng văn hóa Việt. Sau khi hai cuốn sách cọ xát với dư luận độc giả, tôi nhận thấy những gì tôi trình bày vẫn quá lạ lùng không chỉ với người đọc bình thường mà ngay cả giới khoa bảng. Điều này cũng dễ hiểu bởi lẽ hầu hết các nhà khoa học nhân văn tên tuổi của chúng ta thuộc thế hệ sinh học Mitchurin, xa lạ với di truyền học Mendel vì vậy nền khoa học nhân văn của chúng ta ở vào giai đoạn tiền di truyền học (pre-genetics). Không còn cách nào khác, tôi phải làm cuốn sách thứ ba: Tìm cội nguồn qua di truyền học, giới thiệu những khám phá di truyền học mới nhất của nhân loại về nguồn gốc và sự hình thành các chủng người trên hành tinh đồng thời vận dụng những phát hiện của khoa học nhân loại vào giải quyết những vấn đề cụ thể của Việt Nam. Một cuốn sách có ý nghĩa công cụ, trang bị tri thức cùng phương pháp luận cho những ai thực sự muốn nghiên cứu quá khứ dân tộc. 
 

Biết rằng, những vấn đề trọng đại như vậy mà chỉ nói với người Việt thôi, chưa đủ mà cần phải nói lớn lên cho cả loài người biết, nhất là trong năm tháng đất nước nghiêng nghèo này, vì vậy tôi tập hợp những bài viết tiêu biểu nhất của mình thành cuốn Cội nguồn và văn hóa của người Việt rồi dịch sang tiếng Anh Source and culture of  Vietnamese khoảng 300 trang in. Tôi định sẽ nhờ bạn bè vận động một Đại học hay nhà xuất bản bên Anh - Mỹ in, hoặc sẽ in trong nước rồi nhờ bạn bè phát hành ở nước ngoài để giới thiệu tổ tiên cùng nền văn hóa đặc sắc của chúng ta đến thế giới. Nếu biết khai thác, văn hóa và minh triết Việt mở ra con đường cứu nguy nhân loại.
 
Thưa quý vị,
Hôm nay quý vị đang họp về chuyện đưa văn chương Việt ra nước ngoài. Đấy là công việc lớn, chúng ta phải tận lực tác thành. Nhưng lớn hơn văn chương là cội nguồn văn hóa dân tộc. Hàng nghìn năm chúng ta bị áp đặt một tổ tiên cả ăn cướp lẫn ăn mày. Nay giữa thanh thiên bạch nhật, chúng ta tìm được tổ tiên chân chính của mình, một tổ tiên vĩ đại cùng một cội nguồn văn hóa vĩ đại. Vì quá mới nên những phát hiện này chưa tới được đông đảo người Việt. Bởi vậy, tôi cầu xin quý vị, cùng với bàn luận văn chương, hãy đọc sách của tôi để tìm về nguồn cội. Hy vọng rằng từ những trang sách này sẽ giúp ích cho quý vị trong trước tác văn chương. Và xin Ban Chấp hành Hội nhà văn Việt Nam đưa cuốn Source and culture of  Vienamese vào danh sách những tác phẩm giới thiệu với thế giới.
                               
Kính thư,
Hà Văn Thùy