Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

ĐI TÌM MỘT CÁCH SỐNG HẲN HOI

Mai Thục
Thứ hai ngày 30 tháng 11 năm 2009 8:18 PM
 
           Ngày 24-11- 2009 tại cố đô Huế, Trung tâm nghiên cứu Văn hóa Minh triết Việt đã tổ chức Hội thảo khoa học lần II trong khuôn khổ đề tài “Minh triết trong tiến trình lịch sử Văn hóa Việt Nam”.
        Đây là cuộc hội ngộ tri âm tri kỷ giữa tâm hồn Phú Xuân- Huế và Thăng Long- Hà Nội. Giới nghiên cứu, giới đại học, giảng viên, sinh viên Huế, bạn trẻ, Phật tử, văn nghệ sĩ, cùng các vị thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Huế… nồng nhiệt tham dự và tham luận trong không khí “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”.
      Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Minh triết Việt, giáo sư Hoàng Ngọc Hiến Chủ tịch Hội đồng khoa học và chúng tôi tự nhận mình là “sái phu” cùng nhau giúp những ai muốn bạt núi vỡ đá tìm ngọc. Ngọc đó là minh triết chìm sâu trong đời sống Rồng- Tiên trên đất Việt trải nghìn năm, để “Đi tìm một cách sống hẳn hoi” cho chính mình và cộng đồng Việt Nam. (“Hẳn hoi” trong từ điển tiếng Việt: “Có được đầy đủ các yêu cầu, đúng tiêu chuẩn như thường đòi hỏi”)
       Minh triết là khái niệm của nhân loại Đông- Tây, kim cổ. Không có gì lạ. Cội rễ Minh triết Việt theo Đạo Việt An Vi mà triết gia Kim Định (1914- 1997) đã phát hiện. Nay chúng ta  thống kê, đãi cát tìm vàng từ trong đời sống Việt để “sống hẳn hoi”. “Minh triết là biết làm thế nào để sống hẳn hoi” (G.S Hoàng Ngọc Hiến)
       Ở Việt Nam, minh triết có thể tìm thấy trong ca dao tục ngữ, văn học dân gian, huyền thoại, cổ tích, nghệ thuật… trong tinh hoa tư tưởng thành văn của các bậc hiền tài, quốc sư, những vua hiền, tướng giỏi, nhà văn hóa lớn: Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du… trong Phật giáo, Khổng giáo, Lão giáo, Thiên chúa giáo, Ấn Độ giáo đã ăn sâu bám rễ vào hồn Việt Nam… trong lẽ sống đời thường ở các kinh đô, các vùng đất khác nhau, các dân tộc Mường, Thái, HMông, Tày, Nùng, Khơ Me, các dân tộc Tây Nguyên, Tây Bắc… Chúng ta góp mỗi người một cái nhìn, hợp thành “thông tuệ tập thể”, chắc chắn sẽ làm sống lại Đạo Việt An Vi để người Việt Nam, dù nơi góc bể chân trời nào cũng học được sống hẳn hoi.
        Với tiêu chí trên, Hội thảo lần này có nhiều tham luận tìm Minh triết Việt: Minh triết từ “dòng Folklore giữ nước”; Một tinh thần nhân đạo trong ứng xử Việt Nam; Minh triết Đạo Thánh; Minh Triết Kim Định; Ánh sáng tâm linh; Minh triết tam giáo; Tam giáo đồng nguyên; Minh triết Thiền đời Trần; Minh triết bình dân Việt; Minh triết gia đình trong bản sắc dân tộc; Minh triết và chính trị; Minh triết Nguyễn Trãi; Minh triết trong đời sống hằng ngày của Thăng Long- Hà Nội; Minh triết của người Mông…
         Bài viết này chúng tôi bày tỏ đồng điệu cùng PGS. Nguyễn Hữu Sơn (Viện văn học- Hà Nội) với Minh triết Nguyễn Trãi. Xin mượn Hữu Sơn, gửi lòng mình với bầu bạn bốn phương.
       Nguyễn Trãi (1380- 1442)- Danh nhân văn hóa thế giới và bi kịch Lệ Chi Viên nghìn năm còn rớm lệ. Nhưng Nguyễn Trãi đã để lại một nhân cách lớn, một tâm hồn lớn Việt Nam tự hào cùng các danh nhân thế giới.
      1. Nguyễn Trãi Minh triết trong những cuộc nhận đường:
         Đường đời trăm nẻo. Đầy cám dỗ. Đầy cạm bẫy. Ta một linh hồn cô đơn. Biết đi đường nào?
        Khơi trầm lên hỏi Nguyễn Trãi tiên sinh?
      Sáu mươi hai năm sống ở trên đời, Nguyễn Trãi đã trải  nhiều thăng trầm, chiến sự, màn đêm phủ dầy mặt đất. Nguyễn Trãi một mình, phải tìm đường đi, nhận đường, lựa chọn một con đường sống sáng đẹp cho cuộc đời mình.
     Nguyễn Phi Khanh dứt bỏ nhà Trần, theo tân nhà Hồ. Hồ Quí Ly mở khoa thi Thái học sinh Nguyễn Trãi thi đỗ và làm quan triều Hồ, đoạn tuyệt với một cơ chế xã hội suy tàn.
      Nguyễn Phi Khanh bị bắt, đưa sang phương Bắc. Nguyễn Trãi đã không đi theo cha, ở lại Đại Việt lo việc nước theo ý nguyện của cha. Chữ “Hiếu” của Nguyễn Trãi mang tầm xã tắc sơn hà. Nguyễn coi đó là lý tưởng và tư tưởng hành động của cả cuộc đời mình.
          Nguyễn Trãi sau nhiều trăn trở, viết Bình Ngô sách, sau mười năm sống dưới ách áp bức của giặc Minh, đã tìm Lê Lợi là minh chủ. Trên thực tế, trong suốt bảy năm, Nguyễn Trãi có thể đến với các cuộc khởi nghĩa khôi phục nhà Trần. Nhưng ông đã nhìn rõ con đường giải phóng dân tộc cùng Lê Lợi, dâng kế sách “Lấy đại nghĩa thắng hung tàn/ Lấy trí nhân thay cường bạo”.
        Thời hậu chiến, suốt gần hai mươi năm còn lại Nguyễn Trãi đã dồn hết tâm đức, trí tuệ xây nền bình trị Nho giáo Đại Việt, cả khi bị bỏ rơi, bị tống ngục, Nguyễn vẫn một lòng phục vụ vương triều, vì đại nghĩa, quốc gia, giống nòi.
      Cả cuộc đời, Nguyễn Trãi đã Minh triết trong những cuộc nhận đường, tìm đường, và sống hết mình cho con đường đã chọn. Ông vượt qua bóng tối, khúc quanh, ngõ ngách, rào cản của thói thường để làm một bậc chính nhân quân tử. Một người hiền. Một anh hùng giải phóng dân tộc và danh nhân văn hóa thế giới, tỏa sáng ngàn đời.
      2. Nguyễn Trãi Minh triết trong thế giới con người:
        Nguyễn là con người của thế kỷ XIV- XV thông kim bác cổ, thâu được kho tri thức thời đại, đúc kết được kinh nghiệm quá khứ, mở đường cho những giá trị nhân văn và tiến bộ xã hội.
      Giữa cõi nhân gian. Nguyễn Minh triết trong mọi ứng xử. Hóa giải những xung đột xã hội, giải tỏa những áp lực căng thẳng và bi kịch nội tâm (stress) bằng những lối thoát hiểm ngoạn mục, bằng sự khẳng định nội lực bản lĩnh con người cá nhân, khả năng chế ngự hoàn cảnh, chiến thắng và vượt lên chính mình…
       Trong sự đời khôn /dại, được/ mất, Nguyễn Trãi như đã dự cảm, tỉnh táo làm chủ được vận mệnh và đặt cược niềm tin vào con đường mình đã chọn:
                     Được mất tùy nơi sự tiếc mừng
                     Đạo ta thông biết hết lâng lâng
      Nguyễn Trãi thừa hiểu sự đời, thói đời, tự biết rằng tư chất và con người mình khác với thế tục, không thể cúi ngửa lừa đời và dối lừa, đánh mất chính mình:
                      Ưu du tha phục ngôn dư hiếu
                      Phu ngưỡng tùy nhân tạ bất năng
          (Ưu du lại bảo ta ưa thích
           Cúi ngửa theo người chịu chẳng nên)
       Nguyễn Trãi hiểu con đường làm quan, bổng lộc và cúi luồn, đức hạnh và bất nhân, phải chọn lấy một thứ. Và ông đã chọn làm quan nhân nghĩa, giữ danh thơm:
                    Mắt hòa xanh đầu dễ bạc
                    Lưng khôn uốn, lộc nên từ
        Chọn lẽ sống cao cả đó, Nguyễn Trãi tự hào thanh thản, luôn thấy mình dư dật, sung túc, cao sang, mãn nguyện, đầy tiềm năng, giàu có hơn thói thường, tạo lập một bản ngã, một nhân cách lớn sừng sững giữa đời:
               -  Thân xưa hương hoa chẳng còn ước
                  Chí cũ công danh đã phỉ nguyền
- Con cháu chớ hiềm sớm tối ngặt
    Thi thư thực ấy báu nghìn đời
- Áo dành một tấm cơm hai bữa
    Phần ấy chưng ta đã có thừa
- Một phút thanh nhàn trong thủa ấy
    Thiên kim ước đổi được hay chăng?
      Trong giới hạn của thực tại và mệnh trời, Nguyễn Trãi đã chủ động tạo ra một thế giới vật chất và tinh thần mới, một cảnh giới mới. Một cõi an lạc mới. Trong cuộc đối đầu giữa thiên mệnh và nhân định, Nguyễn đã chấp nhận thiên định nhưng đã vượt lên hòa giải với thiên mệnh, tạo lập thế quân bình với thiên mệnh bằng tinh thần minh triết và những ứng xử nhân văn ngay giữa cuộc đời trần thế.
         3. Nguyễn Trãi Minh triết vượt thời gian:
       Với vốn kiến thức uyên thâm, nội lực tâm linh sung mãn, Nguyễn Trãi dự cảm, dự liệu được bước đi của đời mình và những giá trị lớn của việc mình làm.
       Tháng bảy năm 1442. Nguyễn Trãi cùng Nguyễn Thị Lộ cứu mẹ con Ngô Thị Ngọc Dao, như một linh giác, phúc phận của người anh hùng. Nguyễn thừa biết hiểm nguy đang đợi, mà vẫn hành động quả cảm:
                  Họa phúc có nguồn đâu phải một buổi
                  Anh hùng để hận mấy nghìn năm.
         Nguyễn Trãi hiểu sứ mệnh cầm bút của mình. Tuy lo việc triều đình, nhưng Nguyễn không bao giờ ngưng bút. Nguyễn dùng bút để đánh giặc ngoại xâm. Nguyễn dùng bút để xây nền văn hiến, chăm dân, trị nước. Nguyễn dùng bút để vạch thói hư, tật xấu của bọn gian tà nắm quyền lực, tàn hại đồng bào. Nguyễn dùng bút để nâng sức mạnh nhân dân. Lấy dân làm gốc.
         Nguyễn tin những sáng tác của mình bất tử với thời gian: Bình Ngô đại cáo, Dư Địa chí, Lam Sơn thực lục, Ức Trai thi tập, Quốc Âm thi tập… Bởi từng câu từng chữ của Nguyễn đọng đầy nguyên khí quốc gia.
         Chỉ với cây bút và trang giấy, Nguyễn Trãi đã để lại kho di sản tinh thần vô giá cho hậu thế và khắc tên mình vào lịch sử nhân loại. Nguyễn Trãi tự khẳng định mình giống Tiêu Hà giúp Lưu Bang Hán Cao Tổ và trường tồn cùng sử xanh:
                   Nghiệp Tiêu Hà làm khá kịp
                   Xưa nay cũng một sử xanh truyền.
      Tinh thần Minh triết của Nguyễn Trãi tỏa sáng từ trong cuộc đời và những sáng tác văn thơ ông gửi lại. Đó là một bản lĩnh Việt Nam. Một cách sống cá nhân đầy trí tuệ, chan chứa tình yêu nước, thương nòi, kiên cường, bất khuất vượt lên thời đại bão tố, đêm đen.
         Thế kỷ XXI. Nguyễn Trãi vẫn hiện quanh ta, nhắc kẻ sĩ về một cách sống hẳn hoi cho bõ kiếp Con Người:
                    Vững bền mới phải người quân tử
                     Mạnh gắng thì nên kẻ trượng phu.
          Minh triết Nguyễn Trãi đã chỉ cho kẻ sĩ Việt Nam hiện đại, một con đường sống hẳn hoi. Thật đáng tự hào.

Huế- Hồ Gươm 29-11- 2009