Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

NGƯỜI THẦY CỦA TÔI

Đàm Lan
Thứ bẩy ngày 5 tháng 12 năm 2009 5:06 AM
Tuỳ Bút
 
         Khi bắt đầu những bước đi chập chững cho một ngành nghiệp nào, thì điều đầu tiên có sức ảnh hưởng và đóng vai trò củng cố và định hướng là một người đi trước mà bạn gặp. Có thể đó là một người bạn không gặp trực tiếp, nhưng qua những thành tựu đáng kể của họ, cũng cho bạn một sự xác tín định nghiệp. Tôi là một người thật may mắn, tự thấy mình có đủ duyên hạnh mà cuộc đời đã ưu đãi ban tặng. “Không Thầy đố mày làm nên”. Câu châm ngôn bất hủ không chừa bất kỳ ai. “Thầy” Một cuộc đời, con người ta có thể được gặp rất nhiều người Thầy. Không chỉ là những người Thầy nơi trường lớp, mà tất cả những ai cho ta một chút kiến thức bổ ích cũng đều là Thầy ta cả. Với một sự nghiệp đã chọn, nhất lại là một sự nghiệp thuộc lĩnh vực nhiêu khê, thì cần biết bao sự chỉ dẫn tận tình và tâm huyết. Nếu gặp được một người Thầy có đủ Tâm-Tài-Tình, thì ta sẽ vững tin mà bước tiếp trên con đuờng mà ta đã chọn, và sự lĩnh hội cộng với tất cả cố gắng của khả năng ít nhiều cũng sẽ đem lại cho ta một kết quả.
         Tôi bước vào văn nghiệp một cách tự phát, không hề qua một trường lớp đào tạo nào. Trình độ học vấn lại dừng ở một nấc quá khiêm tốn (cấp hai), nên ngoài viêc tự mày mò, viết nhiều, đọc nhiều thành quen khả năng tư duy, tiếp xúc và biểu đạt, thì tôi cần lắm những sự chỉ bảo của người di trước. Tuy cũng đây đó nhận dược đôi lời khích lệ, góp ý, nhưng phải đến lúc gặp được “Anh” thì tôi mới thực sự có niềm tin một cách vững vàng cho công việc và niềm đam mê của mình. Tôi muốn bày tỏ chút tâm tình của mình về Nhà văn Ma Văn Kháng. Một người Thầy, một người Anh lớn mà tôi thật may mắn hữu duyên được gặp.
         Vào tháng tám năm 1997. Tôi được Hội Văn Học Nghệ Thuật địa phương cho đi dự một lớp bồi dưỡng tại Hà Nội. Chúng tôi có tất cả hai mươi bốn người từ mười hai tỉnh thuộc miên núi tập trung về Trường Đảng bên dòng sống Tô Lịch. Trong hai mươi bốn ngày dự lớp, chúng tôi được chào đón các Bác, các Thầy đến thỉnh giảng như : Bác Nông Quốc Chấn, Bác Nguyễn Đình Thi, Bác Hà Xuân Trường, Bác Cù Huy Cận, Bác Lê Phức, Cô Vũ Giáng Hương, Thầy Bằng Việt, Thầy Nguyễn Xuân Tấn, Thầy Tạ Ngọc Liễn, Thầy Hoàng Nam, và đặc biệt nhất với tôi là Thầy Ma Văn Kháng. Đặc biệt là bởi, duy nhất Thầy Kháng giảng đúng mạch tôi cần : Văn xuôi. Tôi còn nhớ rất rõ. Hôm ấy ngày giảng của Thầy Kháng đúng vào ngày Hà Nội mưa như trút. Ngồi trong lớp nhìn ra ngoài trời sậm sịt, gió luồn tê tê ren rét. Nhưng điều dó không làm tôi bận tâm. Bởi những gì Thầy đang truyền dạy kia cứ như là nguồn nước mạch ngấm vào tôi vậy. Tôi nghe hết sức chăm chú, sự chăm chú của tôi không vuột khỏi sự tinh nhạy của Thầy, mà về sau khi đã chuyển sang cách xưng hô thân tình và gần gũi hơn, Anh đã nói “Lúc đó, anh cảm giác em như một cái cần ăng ten, hút hết sóng của anh vào vậy.” Vâng, có thể nào không chứ, khi niềm khao khát được thoả đáp. Trong giờ giải lao, tôi không còn chút e dè gì của một cô học trò tỉnh lẻ, đã trò chuyện, bộc lộ những ưu tư về nghiệp, Anh đã rất chan hoà, vui vẻ, thân tinh mà trao đổi cùng những lời vũ động đầy nhiệt huyết. Anh lại càng có vẻ chăm chút khi hỏi tôi “Em học trường nào ra ? Đại học Báo chí hay Xã Hội Nhân Văn?” “Dạ, cổng trường đại học xa vời với em lắm” “Vậy chắc cũng hết mười hai hả?” “Dạ, mười hai cũng chưa bước tới” “Trời! Vậy em học đến lớp mấy ?” “Dạ đến lớp chín thôi ạ” “Uổng quá, giá em được học cao lên chút nữa thì tốt quá.” Chắc lúc đó anh rất thương một cô học trò miền xa, học ít mà lại đa đoan nghiệp phận. Cuối buổi giảng, tuy mưa đã tạnh nhưng sân trường thì ngập nước. Anh trong chiếc sơ mi màu xanh nhạt, dắt chiếc xe Chaly bì bõm đi ra khỏi cổng trường. Tôi đứng nhìn theo, lòng vô cùng xúc cảm. Không chỉ là tình cảm lưu luyến và sự lo âu, mà còn là một niềm hối tiếc vì nghĩ sẽ khó có dịp gặp lại Anh. Mặc dù tôi đã có xin số điện thoại nhưng cũng tự biết mình không nên quấy rầy. Điều bất ngờ mà tôi không hề mảy may đoán trước được. Hôm sau, Anh đến trường, không phải là buổi lên lớp, cũng không phải có việc liên hệ với nhà trường, mà là “Anh đưa tặng tôi cuốn sách Trăng soi sân nhỏ” có chữ ký của Anh được gói trong một tờ giấy báo. Trời ơi ! Niềm hạnh phúc tuyệt cùng vỡ oà trong tôi, (cho đến giờ nhắc lại, tôi vẫn dậy lến cảm xúc ấy). Ngay từ lúc đó, tôi đã biết, Anh là ngọn đuốc soi đường cho tôi. Sau đó, tôi còn được gặp lại Anh khi đến thăm Hội Nhà Văn, ngôi nhà chung cho nền văn học Việt, Anh ra hiệu bảo tôi ngồi cạnh. Ngày tổng kết lớp Anh có đến dự. Tôi vui biết mấy, và rồi trước khi chia tay, Anh bảo cứ thường xuyên liên hệ với Anh.
         Giếng mối Thầy-Trò, Anh-Em càng bền chặt qua những lá thư, cuộc điện. Và cũng nhờ anh đốc thúc và hết sức chăm sóc từ khâu bản thảo, làm bìa và in ấn, tôi mới ra được tập truyện ngắn đầu tiên, không đến đâu với một tác phẩm đầu tay, nhưng sự tiếp sức và củng cố niềm tin thì rõ ràng có hiệu quả. Anh luôn truyền đạt và chỉ dạy cho tôi những gì then chốt nhất của chuyện văn, chuyện đời. Không chỉ qua trao dổi, mà còn qua những tác phẩm của Anh. Tôi từ từ sưu tập hầu hết những tác phẩm của Anh. Văn Anh  dung dị mà súc tích, giàu hình tượng và ngồn ngộn chất sống. Đọc văn Anh không chỉ thêm hiểu biết về con người và vùng đất anh miêu tả, mà còn thấu được nhiều cái lẽ ở ăn của người đời. Qua đó toát rõ phong thái cốt cách của Anh, cho dù có rất nhiều tác giả không thể ứng với câu “Văn tức người”, nhưng với Anh thì đúng thế. Anh với lối sống hài hoà giản dị mà đường hoàng tư cách. Anh rất thật tình, và cái thật tình của Anh không tìm thấy sự thô vụng, tuế toá, mà thể hiện rất rõ sự chừng mục, tĩnh tại, khiêm nhã. Tôi nhớ lắm cái lần vào tháng sáu năm 1998, Anh vào mở trại sáng tác ở Đồng Đế-Nha Trang.Trại nằm bên một bờ biển, rất thơ, rất đẹp và rất tiện cho người tham dự muốn ra biển. Tôi nhận được tin, vội từ Banmê xuống thăm Anh. Anh em gặp nhau vui quá là vui, và trước khi tôi được ghép phòng với con gái anh Xuân Hàm, lúc đó chưa vào đến, thì Anh đã phải nhường phòng cho tôi sang ở cùng phòng chú Hữu Thỉnh. Chiều ấy khi anh Tô Đức Chiêu đi đón các nhà văn từ Hà Nội vào dự trại, anh bảo tôi đi cùng vì có ông Tô Hoài và một vài vị tên tuổi khác, ý anh muốn tạo cơ hội cho tôi tiếp xúc. Nhưng tôi bảo “Em về đây là để thăm Anh chứ không phải để gặp người nổi tiếng.” Và rồi, bên chiếc bàn con, anh với manh áo nâu sọc, chiếc quần đùi dài, nói với tôi những chuyện đó đây. Với tôi, đó là những phút giây giá trị. Chiều hôm sau thì tôi đi cùng Anh ra ga để đón những nhà văn, thơ ở khu vực miền Trung vào. Ai bảo là làm việc ở Hội Nhà Văn là sang cả. Cũng chỉ là một cảnh làm dâu thôi, lại còn lắm lắm những ong ve nữa chứ. Hình ảnh Anh ngồi trên gờ thành một bãi cỏ ở nhà ga để chờ tàu đến, sao mà…tôi không biết điền từ gì vào cho hợp cảnh nữa, chỉ biết dáng ngồi ấy, ánh mắt ấy cứ đọng mãi trong tôi. Ngày hai mươi tháng sáu, là ngày khai mạc trại, cũng là ngày tôi phải trở về. Vì anh và các anh trong Hội sau đó lại lên mở tiếp một trại ở Đà Lạt, mà tôi thì không tiện tháp tùng. Phút chia tay giữa cái nắng ban trưa đầy bịn rịn. Anh nắm chặt tay tôi “Cố lên em nhé, cứ viết, viết nhiều đọc nhiều sẽ chắc tay dần lên thôi, nhớ thư từ cho anh luôn nhé.” Tôi tạ từ Anh, từng bước từng bước xa dần mà cảm giác đôi mắt Anh vẫn ánh theo sau. Cũng trong năm 1998 ấy, có một Hội nghị các nhà văn trẻ được tổ chức tại Hà Nội, trong đó có một số người cùng lớp bồi duỡng ấy. Tôi nhận được một lá thư của Anh, đại ý Anh bảo không nên tự ti và cũng không nên vội vàng, điều gì có giá trị thực sự thì sớm muộn gì cũng đến lúc được thừa nhận, và rằng người nhanh chân chưa hẳn là người thắng cuộc, nhất lại trong cái việc tay không đào quặng này. Tôi rất hiểu cái tình và lời nhắn nhủ của Anh. Tuy tôi cũng không có gì cấn cái chuyện Hội nghị ấy cả, nhưng được nhận sự quan tâm của Anh, tôi thấy mình lớn lên thêm một chút. Và cho tới bây giờ, tôi cũng đã dọn cho mình một tâm thế tĩnh tại và cần mẫn với những gì mình có thể làm, bằng tất cả khả năng và lòng say mê, tôi cứ lặng lẽ đi theo lối riêng mình, mà không phải chộn rộn nghiêng ngó.
         Những tâm tình về Anh trong tôi đã lâu, cũng đã những lầm muốn thốt lên thành câu, xong lại ngại mình ra trò quen biết, dựa hơi bắt quàng, mà có lẽ Anh cũng không vui nếu những điều tôi viết có phần cảm tính thái quá. Nên cứ gói cất trong lòng. Gần đây, Anh ra hai cuốn sách, Một mình một ngựa và Hồi ký. Tôi đọc xong hai cuốn, nhất là cuốn Hồi ký, thấy nao nao tâm cảm. Bởi chặng đường đời Anh đi qua sao quá nhọc nhằn. Có những đoạn kể, mà chắc rằng Anh đã cố chiết tự, nhưng vẫn đáu đẫm một đoạn đời vật vã. Có phải vật vã vốn là một yếu tố cần có cho một tài hoa. Bởi gần như là một mẫu số chung, những bậc tài hoa xưa nay đều có cuộc đời không bằng phẳng, mà hầu hết phải chịu những cảnh đời khắc nghiệt, không thế này thì cũng thế khác, có những người còn hết sức trầm luân khổ hạnh. Hoá công cơ cầu, bắt người tài phải chịu đau, như một người mẹ khi sinh con, phải đau, đau đến kiệt cùng thì đứa bé mới được ra đời khoẻ mạnh. Phải chăng đó vẫn là tính hệ quả của được-mất ? Nhưng có một cái may cho Anh, cái may mà rất ít người cùng nghiệp gặp được, đó là Anh có một người phối ngẫu thật tuyệt. Chị là người cùng Anh đi qua hết những tháng ngày khúc nôi, đắng dót, mà vẫn hết lòng hỗ trợ và ủng hộ công việc sáng tác của Anh. Nếu Chị không phải là một người như thế, chắc rằng những nghịch cảnh Anh gặp sẽ còn nhiều hơn. Và chắc cũng không dễ có một số lượng tác phẩm dày dặn đến vậy.
         Giờ đây, Anh đã bước vào một chặng đường êm ả, an hoà với một tâm thế bằng an, thanh thoả, tuy thể chất không còn nhiều sức lực như xưa, nhưng Anh vẫn yêu từng ngày, vẫn sống từng ngày với từng chiu chắt niềm vui quanh mình. Vào mỗi lúc thời tiết khắc nghiệt, rét quá, Anh lại bảo “Giá còn trẻ thì chuyển vào Nam”, nhưng đó là nói vui thế thôi, làm sao Anh có thể giã từ mảnh đất đã có cùng Anh biết bao ngọt đắng. Lào Cai và Hà Nội. Hai chốn quê thân thiết của Anh, đã cùng Anh đi qua bao biến động thăng trầm, cũng là nơi níu giữ mảnh hồn và trái tim đa cảm của một Tâm-Tình. Vẫn biết tạo luật không bao giờ hoán đổi một chu trình thời gian, vẫn biết có những điều người ta không muốn mà vẫn đến, nhưng tôi chỉ thiết tha khấn nguyện một lời “Xin cho Thầy, xin cho Anh, xin cho Người những tháng ngày viên an, đủ để bôi xoá những gập ghềnh xưa ấy.” Anh Kháng ơi ! Nhớ ngày đầu gặp Anh, em đã nói vui rằng “Chịu khó làm học trò của Ma văn Kháng, may ra khá.” Và mãi mãi, em là một học trò nhỏ bé của Anh, không chỉ với nghiệp mà cả với đời. Người Thầy thân thương kính mến của em ạ !
 Nhân sinh nhật thứ 73 của Nhà văn Ma văn Kháng
 1-12-1936 – 1-12-2009
 ĐÀM LAN