Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BIỂN ĐẢO - HIỂU BIẾT ĐỂ BẢO VỆ CHỦ QUYỀN

Nguyễn Vĩnh
Chủ nhật ngày 29 tháng 11 năm 2009 2:21 PM

Tuần này có người bạn đưa cho cuốn sách và bộ tài liệu khá dày. Nội dung là các vấn đề liên quan đến biển đảo. Đều là những trang viết lý luận và luật pháp khô khan. Nên đọc cũng phải “huy động” công lực. Nhưng nghĩ thấy cần nên cố gắng đọc cho đến những trang cuối cùng.

Lại mới được biết trong giới nghiên cứu, các học giả Việt Nam và quốc tế vào ngày hôm nay (26/11) vừa nhóm họp tại một hội thảo quốc tế về Biển Đông - do Học viện Ngoại giao thuộc BNG Việt Nam và Hội Luật gia Việt Nam, hai cơ quan này đồng chủ trì hội thảo. 

Trở lại cuốn sách và các tài liệu, thì hầu hết các trang nghiên cứu là những vấn đề khá thiết thực mà nhiều anh em lâu nay hay bàn tới trên không gian mạng. Và đây cũng đều là những trăn trở suy nghĩ của nhiều người Việt mình, ở trong nước và trên khắp thế giới, luôn nghĩ về chủ quyền,

lãnh thổ, lãnh hải, hải đảo của chúng ta suốt thời gian qua. (Báo chí chính thức, nhất là báo giấy rất ít đề cập đến vấn đề biển đảo, đấy là điều đáng tiếc. Có thể do ở nước ta có xu hướng đồng nhất dư luận với chính trị – cụ thể ở đây là hoạt động ngoại giao. Trong khi thực tế, vai trò của hai hoạt động này là khác nhau, nếu biết vận dụng lại bổ sung tốt cho nhau, nên thiết nghĩ ở chỗ này cần có sự "phân vai" rõ ràng).

Về phần mình, tôi nghiệm ra rằng, cuộc đấu tranh giành-giữ chủ quyền biển đảo trong thời đại hội nhập quốc tế ngày nay, suy cho cùng phải có kiến thức, có lý có lẽ. Phải chuẩn bị thật tốt mọi hiểu biết về vấn đề phức tạp và tế nhị này. Bởi biên giới, biển đảo là những vấn đề sống còn, an nguy quốc gia, cần vận dụng những hiểu biết và chứng cớ đã qua – là lịch sử và các hoàn cảnh lịch sử rất cụ thể, đa phần không lặp lại lần thứ hai.  

Về kiến thức này, không những người có trách nhiệm với đất nước phải trang bị, mà cả công dân bình thường cũng cần tìm hiểu, tiếp cận. Có hiểu biết thì khi cần sẽ lên tiếng đúng lúc đúng chỗ, sẽ là sự hỗ trợ đắc lực và cần thiết cho chính giới, cho nhà nước.

Nói về biên giới lãnh thổ, về lãnh hải biển đảo – với chủ quyền của nó - là phải nói đến chứng cớ, đến các thực tế lịch sử. Những chứng cớ như vậy cần phải dựa vào cơ sở pháp lý vững vàng, vào các thông lệ của luật pháp quốc tế quy định.

Dù có người bảo, thì rồi cũng là “mạnh vì gạo bạo vì tiền” cả thôi, chứ lý lẽ ai nghe!

Đúng là nước lớn nước mạnh thì thường áp đặt ý muốn của họ đối với nước nhỏ nước yếu... Tuy nhiên thời đại ngày nay, chúng tôi cho rằng không thể luôn luôn và mãi mãi là như thế. Trong lúc sự liên thuộc giữa các quốc gia ngày càng có xu hướng tăng lên (tức “tính phụ thuộc lẫn nhau” ngày càng chặt chẽ trong thời đại ngày nay) thì việc dùng sức mạnh, sự đe dọa và có tính "bắt nạt" của nước lớn với nước nhỏ không bao giờ nhận được sự đồng tình của cộng đồng quốc tế. 

Thế giới giờ đây “nhỏ bé” lắm, thông tin qua lại rất nhanh. Khó cái gì giấu nhẹm, tảng lờ không biết không hiểu như các thời trước. Và không lẽ cứ nhất thiết to xác là lấn át tất thảy, phi nghĩa chà đạp chính nghĩa. Cái cách cá lớn nuốt cá bé như xưa kia đã lỗi thời.

Có thể đồng tình ở quan điểm “phải có sức mạnh quốc gia” (ở đây hiểu hẹp hơn là tiềm lực quân sự), nhưng đâu chỉ có thể dựa vào sức mạnh là muốn làm gì cũng được trong thế giới hiện đại. Còn phải có lẽ phải, có chính nghĩa, có luận cứ từ pháp lý hẳn hoi. Thời nay các yêu cầu yêu sách về lãnh thổ lãnh hải khi các nước không thương lượng được với nhau, thì vấn đề có thể đưa ra quốc tế, tức một dạng “quốc tế hóa” vấn đề (bằng nhiều hình thức, trong đó có hình thức khởi kiện trước một tòa án quốc tế).  

 

Chính vì thế mà Liên hợp quốc đã dành nhiều công sức hàng thập niên để soạn thảo ra Công ước về luật biển - mà năm 1982 tổ chức quốc tế uy tín toàn cầu này đã quyết định thông qua. Đến nay đã cả trăm nước chuẩn y tham gia Công ước. Và với nước ta, Quốc hội cũng đã phê chuẩn việc tham gia toàn phần Công ước quan trọng này.  

*

Nhân nói về chuyện những tranh chấp, bất đồng trong các vấn đề về lãnh hải, về biển đảo, tôi lại nhớ lại câu chuyện cách đây hơn 30 năm. 

Là vào năm 1978, ta ký với Liên Xô một loại hiệp ước hữu nghị, được hiểu là tăng cường mối liên minh chặt chẽ hơn về chính trị và an ninh với quốc gia đàn anh cùng phe xã hội chủ nghĩa lớn nhất khi đó.

Kể ra thì điều ấy cũng chỉ là một hoạt động cam kết quốc tế thông thường của một quốc gia có chủ quyền. Thế nhưng Trung Quốc lại không muốn chúng ta làm điều đó. Và họ bật dựng lên như chiếc lò xo nén lâu ngày. Nhà cầm quyền Bắc Kinh khi đó chuyển ngay lập tức sang lập trường thù nghịch với nước ta.

Ban đầu là công khai tuyên chiến trên thông tin truyền thông.

Rồi kế đến các hành động chống Việt Nam đã diễn ra. Bước thứ nhất xúi giục Polpot gây sự với nước ta trên vùng biên giới phía Tây Nam (đến 1978 là đỉnh điểm các vụ khiêu khích, tiếp đến tập kích võ trang vào đất ta, giết hại dã man đồng bào ta vùng ven biên giới đó). Bước thứ hai Trung Quốc cho tay chân xúi giục, hù dọa gây nên một vụ động trời, như thể chúng ta “xua đuổi Hoa kiều”, kế đến khiêu khích ngày càng trắng trợn hơn tại vùng biên giới. Và cuối cùng là cuộc tấn công tổng lực và bất ngờ vào 6 tỉnh biên giới phía Bắc nước ta (17/2/1979), tàn sát biết bao thường dân vô tội của chúng ta...

Những năm cuối thập kỷ 1970 kéo dài tới cuối thập kỷ 1980, Trung Quốc đã chống đối chúng ta hết sức gay gắt và quyết liệt trong vấn đề Campuchia trên tất cả các diễn đàn quốc tế.

Cơ quan tôi hồi đó là tờ báo ngoại văn làm công tác tuyên truyền đối ngoại nên được Bộ Ngoại giao đặt hàng, xuất bản những tập sách mỏng (gọi là brochure) để phục vụ cuộc đấu tranh ngoại giao. Tôi rất nhớ anh Vũ Cận, người đã chủ trì làm nhiều tập sách loại này. Tuổi tác như thế hệ Vũ Cận, chúng tôi phải gọi là chú là bác mới đúng “vai vế tuổi tác”.

Nhà báo Vũ Cận mất đã được hơn chục năm nay. Sinh thời bác Vũ Cận là một nhà báo rất có tài. Ông làm việc nghiêm túc, nhất là ở khâu chuẩn bị tư liệu cho những bài viết. Giỏi ngoại ngữ, ông có thể viết bài trực tiếp bằng tiếng Pháp và tiếng Anh. Ông tâm đắc với vấn đề chủ quyền biển đảo nên viết tập sách về Hoàng Sa và Trường Sa trong một thời gian kỷ lục, tức là rất nhanh, chưa đến ba tháng đã hoàn thành bản thảo.

Lúc sưu tầm tài liệu viết tập sách này, bác Vũ Cận không ngần ngại “gặp đi gặp lại” những chuyên gia lão luyện ở Ban Biên giới Chính phủ, như cụ Lưu Văn Lợi, cụ Lê Minh Nghĩa... Rồi ông còn vào thư viện nhiều lần lục tìm sách vở và các tư liệu lịch sử, khảo cổ.

Không yên tâm về tư liệu, kiến thức, bác Vũ Cận còn dành thêm nhiều buổi khác để tìm gặp, chuyện trò với các vị trí thức tên tuổi khác, như các nhà sử học, nhà dân tộc học, cùng một số  nhà quân sự, để tìm hiểu hỏi han them về những tư liệu, nhưng chi tiết chuyên môn mà bác Vũ Cận cho là cơ bản và quan trọng, thậm chí là những vấn đề tế nhị, nhạy cảm mà một nhà báo - một người viết sách cần phải hiểu thật rõ, thật rành mạch.

Bác Vũ Cận có lần nói với tôi, viết về những điều quan trọng như chủ quyền lãnh thổ, phải hiểu “tối đa” vấn đề. Hiểu cho ra “ngọn ngành” chứ muốn viết nên bài vở tốt cho một vấn đề quan trọng như thế này, người viết tuyệt đối không được tắc trách, qua quít kiểu cưỡi ngựa xem hoa trong các khâu chuẩn bị, tập hợp các tài liệu các chứng cớ cụ thể.

Trong cơ quan tôi thuộc lớp thanh niên trẻ may mắn được bác Vũ Cận dành chút cảm tình riêng. Nên hay được gọi đi theo nhà báo đàn anh “học việc, học nghề”.

Hồi đó máy ghi âm máy ảnh chưa thông dụng, tôi thấy các cuốn sổ tay ghi chép của bác Vũ Cận đầy ắp chi chít những chữ là chữ tôi cũng hoảng. Cả những hình vẽ và sơ đồ bản đồ nếu gặp bác cũng không ngại sao chép lại. Những nét chữ thì đến lạ, lúc nào cũng đều chằn chặn, không mấy khi viết tháu viết ngoáy.Đủ hiểu bác Vũ Cận rất công phu dành cho việc ghi chép, bác cho khâu lấy tư liệu như vậy là "cần thiết số 1" cho nghề viết báo (dĩ nhiên ngày nay khi máy ghi âm ghi hình thông dụng thì vấn đề có thể khác).

Có buổi quan sát ông chăm chú với cuốn sổ tay và cây bút bi, tôi có cảm tưởng như ông muốn ghi hết tất cả các ý nói ra của người đối thoại.

Sách đó viết ra chỉ hơn trăm trang, nội dung cô đọng, đã nêu bật được chủ quyền thực tế, chủ quyền pháp lý của nước ta đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Sách có 2 bản riêng nhau, in thành 2 cuốn: một cuốn tiếng Pháp và một cuốn tiếng Anh. Tôi rất nhớ bản tiếng Pháp, khi nhắc các ý liên quan đến chủ quyền của ta đều viết rất rõ “les deux Archipels du Vietnam: Paracel et Spratly” nghĩa là hai quần đảo của Việt Nam: Hoàng Sa và Trường Sa. "Paracel" và "Spratly" là tên quốc tế của các ngôn ngữ có gốc chữ La-tinh gọi hai quần đảo trên Biển Đông của chúng ta.

Trong sách còn in kèm nhiều tấm bản đồ cổ, những hiện vật và những “chứng thực khảo cổ học” khi khai quật được trên đảo. Tất thảy chứng minh nhiều thế hệ ông cha chúng ta đã từng sinh sống, đánh cá trú mưa bão, kể cả việc đóng quân canh giữ đảo trong suốt bao thế kỷ kế tiếp nhau, một quá trình lịch sử lâu dài và liên tục trên các hòn đảo của hai quần đảo này.

Hồi ấy chưa có Công ước luật biển Liên hợp quốc như bây giờ, nhưng cách thức lập luận của cuốn sách đã rất chặt chẽ về mặt pháp lý. Theo những thông tin phản hồi về nước của nhiều Sứ quán của ta thì hai tập sách này rất có tiếng vang. Nó nhận được sự đồng tình của cả chính giới cũng như những học giả, những nhà báo nước ngoài lúc ấy. Và người ta, bằng cách này cách khác, đã giới thiệu lại vấn đề này cho nhiều độc giả các nước phương Tây. Hồi chiến tranh, đối tượng thông tin tuyên truyền là nhằm tới các nước tư bản chủ nghĩa ở phương Tây và một số nước độc lập dân tộc tiêu biểu.

Đáng tiếc những năm gần đây người ta không nhắc gì về hai ấn phẩm này nữa. Cũng không có một hình thức xem lại, san định hoặc sửa chữa bổ sung tái bản thế nào đó. Lại cũng ít thấy các cuốn sách, các tài liệu có nội dung tương tự xuất bản bằng ngoại văn để chuyển ra nước ngoài,  tranh thủ dư luận quốc tế.

Có thể chăng, đang tồn tại vấn đề gì đó tế nhị và nhạy cảm ở đây? Nhưng dù có vậy, chúng tôi nghĩ cũng phải tìm ra cách để nói, để trình bày các vấn đề này “ra ngoài biên giới” qua một hình thức tuyên truyền nào đó, để thuyết phục dư luận quốc tế đồng tình và ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa vấn đề chủ quyển biển đảo của ta.   

Phải nói thêm, trong suốt quá trình lịch sử lâu dài của Việt Nam, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa luôn luôn gắn chặt với chủ quyền pháp lý và thực tế của nước ta. Đáng tiếc là vào năm 1974, trong khi chúng ta dồn sức lực tập trung chống Mỹ cứu nước, Trung Quốc đã đưa hải quân của họ xâm chiếm đảo Hoàng Sa lúc đó do chính quyền Sài Gòn quản lý. Xin nói thêm ở đây khi viết và xuất bản hai cuốn sách nói trên,chưa diễn ra sự kiện Trung Quốc tấn công chiếm mấy đảo ở quần đảo Trường Sa, sát hại gần sáu chục cán bộ chiến sĩ hải quân Việt Nam vào năm 1988.

Có thể nói cả hai sự việc trên thật sự là những sự kiện, những khúc quanh bi phẫn đau buồn của lịch sử Việt Nam hiện đại.

Nhưng mặt khác, chính những thực tế tàn nhẫn này (chủ quyền của chúng ta bị tước bỏ, bị chà đạp thẳng thừng trước lực lượng quân sự nước ngoài đến mức trắng trợn như thế), đã làm toàn dân tộc chúng ta bừng tỉnh và cảnh giác hơn. Cũng là hiểu thêm cái giá của chủ quyền quốc gia mà cần đoàn kết chặt chẽ hơn nữa, để bằng mọi phương cách giành và giữ lấy chủ quyền toàn vẹn cho non sông đất nước.

Con đường đấu tranh có thể quanh co khúc khuỷu, tuy nhiên bất kể thế nào, dân tộc Việt Nam vẫn phải đạt được mục tiêu cuối cùng là giữ vững chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, cả trên đất liền và trên biển cả.

*

Sau khi đọc cuốn sách và tài liệu liên quan đến vấn đề biển đảo mà ở trên bài tôi nhắc đến, cùng với ký ức một thời được chứng kiến cuốn sách Hoàng Sa và Trường Sa của bác nhà báo Vũ Cận viết  từ những năm 1980 của thế kỷ trước, tôi tập hợp về đây ít tài liệu liên quan. Như một cách gom góp dần dần những tư liệu quý, những lập luận minh bạch rõ ràng và chính nghĩa của giới nghiên cứu nước nhà hoặc của quốc tế đối với vấn đề biển đảo, vấn đề Biển Đông, vấn đề chủ quyền lãnh thổ lãnh hải. Tôi nghĩ việc này là có ích cho tất cả các lớp hậu thế chúng ta. 

Hồi tháng 5 năm nay, Tiến sĩ Nguyễn Quang A có gửi bức thư ngỏ đề nghị lập một Quỹ nghiên cứu các vấn đề biển đảo ở nước ta. Khi đó tôi có bài viết ủng hộ rất sốt sắng Sáng kiến này. Các bài viết đều đã công bố trên Website của nhà văn Trần Nhương.

Gần đây, tháng 10/2009, nhà báo Đinh Phong ở miền Nam cũng nêu ý kiến lập một Quỹ vận động cho Hoàng Sa và Trường Sa, tức dành cho công việc nghiên cứu biển đảo mà ông được gợi ý từ những công trình hất sức có giá trị của nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu về Hoàng Sa - Trường Sa.

Đúng là “xã hội hóa” các vấn đề nghiên cứu Hoàng Sa và Trường Sa, nghiên cứu về biển đảo ở nước ta là một hướng đi rất đúng. Đương nhiên nó cần được sự ủng hộ rộng rãi của toàn xã hội.

Nhưng nó cũng cần tới sự quan tâm và động viên đúng mức của Nhà nước.

Dưới đây tôi ghi giữ lại cho blog mình một số tài liệu, bài viết có giá trị về chủ đề biển đảo và chủ quyền biển đảo. Bạn nào quan tâm có thể tham khảo.

Nguyễn Vĩnh
Nguồn:http://vn.myblog.yahoo.com/nguyenvinh-nguyenvinh