Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

CŨNG LÀ MỘT BÀI HỌC

Trần Kỳ Trung
Thứ sáu ngày 27 tháng 11 năm 2009 9:44 AM
 ( Bình luận)
        Ông ấy là hàng xóm của tôi, làm một chức to trong chế độ Sài Gòn ( cũ). Sau năm 1975, đi học tập cải tạo mất hơn mười năm. Hết hạn cải tạo, ông được nhà nước ta cho đi định cư tại Hoa Kỳ.
         Với ông, tôi quý, vì ông về nước mấy lần, nhưng vẫn giữ được nếp gia phong từ chuyện dạy dỗ con cái đến việc đi thăm họ hàng, viếng mộ ông bà, cúi lạy trước bàn thờ tổ tiên. Một người Việt Nam không lẫn vào đâu được. Có một điều lạ, tuy bị học tập cải tạo hơn mười năm ở chế độ Cách Mạng, nhưng ông không hề oán thán hoặc có một thái độ chống đối Khi nói chuyện ông vẫn dùng những từ hơi cũ: “ ... Phe Cách Mạng, lúc đó, ngọn cờ dân tộc là rõ ràng nên dành thắng lợi là tất yếu. Còn bên Quốc Gia, không làm được điều đó, nên thất bại là điều không tránh khỏi”.
        Tôi nói với ông: “ Ông có thể giải thích cho tôi nghe được không ?”.
        Ông hàng xóm tâm sự:
               -... Bên Quốc Gia, có thể bên Cách Mạng tuyên truyền thế này ,thế nọ!!! Nhưng trên thực tế đó là một chính thể hợp pháp, có Thượng, Hạ nghị viện, có quân đội, cảnh sát, có một hệ thống hành chính hoàn chỉnh từ Trung ương đến địa phương, có Quốc ca, Hiến pháp, được hơn bảy mươi nước trên thế giới công nhận hoặc đặt quan hệ ngoại giao. Và hơn thế nữa, Chính thể đó cũng tôn thờ Vua Hùng là Quốc tổ, thừa nhận mình “ con Lạc, cháu Hồng”, coi Lý Thường Kiệt,Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung, Phan Đình Phùng... là anh hùng dân tộc. Nhưng tại sao chính thể đó không thể tồn tại trong cuộc đấu tranh mà cả hai bên đều gọi là “ Giành độc lập dân tộc, chống xâm lược”???
              Theo tôi, bên Quốc Gia, tính Dân tộc không có. Nếu có, duy nhất một người, đó là ông Ngô Đình Diệm, nhưng ông ấy lại sai lầm trong cách đối xử với những người Cộng Sản và Tôn giáo. Đến khi ông Diện phát hiện ra sai lầm của mình thì quá muộn. Người Mỹ đã giật dây cho những người lãnh đạo trẻ tuổi làm đảo chính lật ông ta. Ông ta cùng ông Ngô Đình Nhu chết thê thảm, bởi một nguyên nhân: Không muốn người Mỹ cho quân vào Việt Nam để mang tội là kẻ  “ bán nước”. Những người thay ông Diệm, anh nhớ hộ tôi, phần đông là đi lính tẩy cho Pháp, nay lại là “ đồng minh” nhưng thực ra vẫn là “ tay sai” của Mỹ. Kinh tế miền Nam lúc đó hoàn toàn lệ thuộc vào viện trợ Mỹ, nên làm điều gì họ cũng hỏi ý kiến của người Mỹ. Trong con mắt người dân, rõ đấy là chính phủ “ dân không ưa”. Chính phủ đó làm sao đọ được với chính phủ bên Cách Mạng mà hình ảnh của ông Hồ Chí Minh, ông Võ Nguyên Giáp, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng... đang có uy tín rất lớn. Các ông ấy là người giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc ngay từ hồi kháng chiến chống Pháp mà sau này, tiếp tục trong cuộc chiến chống Mỹ, nên dân theo. Có rất nhiều người trong kháng chiến chống Pháp theo Việt Minh, sau năm 1954 quay về với Quốc Gia, dù không thích Cộng sản cũng phải thừa nhận bên Quốc Gia không thể có hình ảnh những người lãnh đạo như các ông ấy.
           Bên Quốc Gia, mang tiếng là một chính phủ hợp hiến, nhưng sau ông Diệm, đa phần toàn những người trẻ trên dưới bốn mươi tuổi, hãnh tiến, ưa bổng lộc, chỉ giỏi đục khoét, không hề có ý thức dân tộc. Lợi dùng viện trợ của Mỹ để tham nhũng, tham nhũng ở mức độ tệ hại. Đến nỗi ông Trần Văn Hương, lúc đó là thủ tướng, chưa phải tổng thống sau này, khi điều trần trước Thượng nghị viện đã phải kêu lên: “ Nếu diệt hết người tham nhũng thì lấy ai để điều hành đất nước.”. Những kẻ này, ngoài miệng thì gào rất to: “ Bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chống cộng sản xâm lăng”, nhưng thực tế, họ hoàn toàn làm ngược lại. Quyền lợi dân tộc họ đâu có để ý, chỉ muốn làm giàu cho chính bản thân họ. Kẻ nào lên nắm quyền cũng có đồn điền, trang trại...Cuối tuần tổ chức ăn chơi đình đám, móc nối với mấy tay tư bản cỡ bự để làm những cú buôn lậu lớn, rồi tìm cách cho con cái đi học nước ngoài. Thậm chí có kẻ còn bí mật buôn bán với bên Cách Mạng để làm giàu lấy đô la, vàng đút túi,  gửi tiền vào nhà băng. Những cơ sở hạ tầng từ xã, quận thậm chí lên đến tỉnh, trông tưởng hoàn chỉnh, chặt chẽ chứ thực ra rất hỗn loạn. Chính quyền trung ương không quản lý được. Có xã ban ngày là của “ Quốc Gia” nhưng ban đêm lại là của bên “ Cách Mạng”. Không thiếu người tham gia chính quyền bên Quốc Gia là tay trong của bên Cách Mạng. Cứ tưởng họ cúc cung tận tụy với Chính quyền Quốc gia thực ra họ làm thế để dò la hầu hết các đường đi, nước bước bên này để chỉ điểm cho bên kia, bao nhiêu điều cơ mật của chính quyền bên Quốc Gia đã bị những người này moi tin ráo trọi. Những điệp viên nổi tiếng như Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Xuân Ẩn... là một ví dụ. Nên thế, đó là một nền chính trị hỗn loạn, tưởng là “ yên ổn” nhưng thực ra là sự đấu đá triệt hạ vây canh lẫn nhau, liên miên. Gần chục cuộc đảo chính trong vòng mấy năm ở miền nam là một minh chứng. Với thông tin báo chí thì họ đàn áp dã man, không cho nói sự thật đến nỗi báo chí đã tổ chức những ngày “ ký giả đi ăn mày “ để phản đối. Với các phong trào đòi dân chủ, chống một chính quyền chỉ còn hình thức, thực tế là tay sai ngoại bang... của sinh viên, học sinh, công chức liền bị đàn áp dã man. Không ít lãnh tụ sinh viên phải ngồi tù. Một chế độ không có dân chủ, không vì dân tất yếu dẫn đến nhân dân chán chường chế độ này ra mặt, quay ra ủng hộ Cách Mạng. Như vậy, về mặt chính trị, bên Quốc Gia có thể nói gần như mất hoàn toàn uy tín. Điều này dễ hiểu, khi miền nam sắp thất thủ vào tay Cách Mạng thì chính những kẻ từng to mồm “ sống chết với tổ quốc,. với đồng bào, với danh dự” bỏ chạy đầu tiên, theo máy bay, tàu chiến của Mỹ ra nước ngoài.      
        Trong khi đó, lực lượng Cách Mạng, cho dầu có lúc bị tổn hại nặng nề, nhưng họ vẫn âm thầm phát triển, ngày một lớn mạnh. Nhất là sự chi viện rất đắc lực của Miền bắc. Họ nắm giữ vùng rừng núi, vùng nông thôn. Đến năm 1972  phía bắc là Quảng Trị - Thừa Thiên...Quân Cách mạng đã áp sát, đánh chiếm, còn ở Tây Nguyên, một địa bàn chiến lược mà bên Quốc Gia không nắm được. Toàn bộ dãy Trường Sơn, kể cả Tây Nguyên gần như là căn cứ của quân đội Cách Mạng. Nên sau khi thất thủ Buôn Ma Thuột, ông Thiệu ra quân lệnh “ rút lui khỏi Tây Nguyên”. Tưởng như vậy sẽ giữ được phần đất đai còn lại của miền nam. Có ai ngờ... Khi mất Tây Nguyên, mất luôn cả miền nam. Có thể nói rõ hơn, mất Tây Nguyên, đó là giờ phút báo hiệu chế độ của ông Thiệu đã sụp đổ.  Cho dù trong tay ông Thiệu lúc đó, lực lượng quân sự còn rất mạnh, nhiều vị tướng sẵn sàng “ tử thủ”. Nhưng thất bại đã trở thành nhỡn tiền. Hoảng sợ, đớn hèn, không còn danh dự... đó là những từ chỉ những chính khách bên Quốc Gia khi Sài Gòn thất thủ. Họ sẵn sàng bỏ tất cả chỉ để cứu bản thân và gia đình.
             Lúc Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện  lực lượng Cách Mạng có nhiều vị tướng như thiếu tướng Nguyễn  Khoa Nam, chuẩn tướng Lê Văn Hưng, chuẩn tướng Lê Nguyên Vĩ, chuẩn tướng Trần Văn Hai, Thiếu tướng Phạm Văn Phú, đại tá Hồ Ngọc Cẩm...đã rút súng lục tự bắn vào đầu. Cái chết của họ, có thể thừa nhận sự thất bại không chống đỡ nổi sức mạnh quân sự của bên Cách Mạng, nhưng tôi nghĩ... điều đó chỉ đúng một phần, đó là cái chết để thấy rằng sự tôn thờ một lý tưởng bị những người cầm quyền phản bội. Họ tự chọn cái chết để giữ danh dự, phẩm giá của những người quân nhân khi bị những người lãnh đạo chính quyền đã bội ước lợi ích của dân tộc, đất nước và bội ước cả với những người lính đang hy sinh tính mạng để bảo vệ lãnh thổ...”.
              Tất nhiên, đây chỉ là lời nhận xét của ông hàng xóm, tôi ghi lại. Có thể lời nhận xét đó chưa chính xác, chưa giải nghĩa hết về sự sụp đổ, thất bại của chính thể Việt Nam Cộng Hòa trước đây. Nhưng dù sao, tôi nghĩ, những bài học về sự sụp đổ của một chính thể, một vương triều... Nhìn ở nhiều góc độ, cũng có thể rút ra những bài học. Những bài học đó, cho đến tận bây giờ vẫn mang đầy tính thời sự.