Trang chủ » Bầu bạn góp cổ phần

BÚT KÝ CHÂN DUNG CỦA NHÀ THƠ VÂN LONG

Vân Long
Thứ tư ngày 2 tháng 12 năm 2009 7:48 AM
    Trannhuong.com vừa nhận được cuốn bút ký, chân dung văn học Những người…”rót biển vào chai”  (NXB Phụ nữ - Quý I – 2010) của nhà thơ Vân Long gửi tặng. Trannhuong.com xin giới thiệu với bạn đọc Lời nói đầu của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh kèm theo bài ngắn nhất và bài dài nhất của cuốn sách viết về nhà thơ Quang Dũng và nhà văn Tô Hoài: 
 
  Lời nói đầu
      
 Nhà thơ Vân Long nổi tiếng về thơ, lại có một biệt tài thứ hai là viết bút ký chân dung văn học.
 Cuốn sách trước: Những gương mặt - những trang đời của ông đã được giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2002. Vẫn  tiếp nối mạch văn ấy, cuốn    Những người…”rót biển vào chai” này của Vân Long đã rất thuyết phục tôi.
          Văn học Việt Nam chúng ta vốn có truyền thống ở thể loại này. Đó là những Vũ trung tùy bút, Tang thương ngẫu lục, Lan Trì kiến văn lục…và đến thời đại chúng ta là Chuyện cũ Hà Nội của Tô Hoài.
 Đây là những bút ký, ghi chép, giai thoại, chân dung, ký sự…đầy ắp những   chi tiết sống động, hóm hỉnh thú vị do chính tác giả gặp gỡ các nhân vật ghi lại, chứ không phải nghe gián tiếp. Do vậy, ưu điểm của tác giả là tính chân thật cao.
 Ở đây ta bắt gặp rất đông những nhà thơ, nhà văn của thời đại chúng ta: Tô Hoài, Quang Dũng, Trần Dần, Vũ Cao, Nguyễn Khải, Ngô Quân Miện, Hữu Ngọc
…Những nhạc sĩ như Đoàn Chuẩn, Trần Hoàn. Những hoạ sĩ như cụ Nam Sơn, Phan Kế An…
 Nói chung, khi đọc sách này, chúng ta một phần được tiếp xúc với văn hoá   thời hiện đại. Văn phong tác giả nhuần nhụy, nhẹ nhàng. Cuốn sách nhiều tư liệu giúp ta suy ngẫm. 
         
  Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh
 
                
Đôi nét về nhà văn Tô Hoài 
Vân Long

I - Trang viết bậc thày
          Trước những năm 60  của thế kỷ trước, tôi cư ngụ ở một nhà số chẵn phố Nguyễn Gia Thiều . Bên dẫy số lẻ trước mặt có một ông già nhỏ bé, luôn mặc bộ quần áo màu chàm. Nhờ đi họp khu phố, nghe bà con xì xào, tôi mới biết đó là cụ Vi Văn Định, từng là Tổng đốc Hà Đông, Tổng đốc Thái Bình khét tiếng một thời về tính hách dịch. Khi làm quan ở Thái Bình, buổi trưa ai lê guốc ngoài đường mà trong dinh nghe được là quan Tổng đốc cho lính bắt vào đánh, còn ở Hà Đông, quan ghét bèo Nhật, đến làng nào trông thấy bèo Nhật là quan bắt nọc lý trưởng, phó lý ra đánh đòn giữa sân đình. Cho nên nghe giai thoại Nguyễn Thế Truyền (một nhà trí thức Tây học) dám bạt tai “cụ lớn” ở bến phà Tân Đệ, mọi người đều thấy hả dạ (duyên do con phà chở Nguyễn Thế Truyền đã sắp cặp bờ bên kia, lại phải quay đầu lại vì lệnh cụ lớn, không muốn phải chờ đợi ).  Nhân vật như từ “cổ tích” ai hay lại nhỏ bé, hiền khô, rất chăm đi họp với bà con dân phố chúng tôi. Tôi rời khu phố ấy đi ở nơi khác, nhân vật   “cổ tích”  ngỡ mất dạng, chỉ còn le lói trong ký ức, không ngờ, tôi vẫn được gặp lại cụ trong trang văn của Tô Hoài với một sắc thái  lạ:
        “ Tôi trông thấy trong nhà thường đi ra một ông lão người nhỏ thó, mặt và râu nhợt nhạt, áo sơ mi trong áo vét tử tế nhưng đã cũ. Cụ ra vỉa hè, ngồi xuống vén ống quần. Mấy đứa trẻ như đã rình đằng kia, vừa chạy lại vừa la “Chúng mày ơi! Lại xem cụ đái... cụ sắp đái...” Nghe chúng nó gọi nhau thế, cụ lại đứng lên, thong thả đi vào trong. Nhưng quả là có hôm khác tôi trông thấy cụ ngồi xuống, vạch quần ra đái tự nhiên. Người già cũng như trẻ con, đứng đâu đái chẳng được. Ta nhìn nhiều cũng đã quen. Chỉ còn ngượng, nếu khi nào đưa khách nước ngoài từ sân bay vào thành phố, thỉnh thoảng trông thấy các chị đi trên đê, đương gồng gánh tong tả, lại xắn quần, đứng giạng háng ra.
       Cô Đàng công an hỏi tôi:
- Cụ ấy trước là cán bộ cao cấp đấy, bác đã bảo các cháu phải lễ phép chưa?
- Cô biết cụ là cán bộ gì...
- Trong sổ hộ khẩu tên cụ là Vi Văn Định...
- À thế thì cụ là quan đế quốc không phải cao cấp ta.
         Ra cái cụ gầy còm lù khù ấy là Vi Văn Định. Cụ lại ra vỉa hè, lừ đừ thong  thả đi.
- Chào cụ Vi!
Ông cụ nguớc mặt. Tôi nói:
- Tôi đã đuổi đám trẻ con hỗn với cụ, cụ cứ đái tự nhiên.
                 (trang 219- 220 Chiều chiều của Tô Hoài, NXB Hội nhà văn, 1999) 
         Cách viết của nhà văn Tô Hoài cứ tưng tửng như đùa mà ý nghĩa nhân văn thật lớn. Cô công an hộ khẩu  quá trẻ, chưa biết Vi Văn Định là ai, đồng nghiệp của cô thấy cũng không quan trọng gì với ông “quan đế quốc”, mặt và râu đã nhợt nhạt  như dĩ vãng của ông ta nên chưa cần nhắc nhở đó là “kẻ thù giai cấp ngày xưa”, nên chắc cô cũng nghĩ được như nhà văn “Người già cũng như trẻ con, đứng đâu đái chẳng được.”  cho nên không lề luật gì với ông cụ đã lẫn, (căn nhà tử tế như thế, có toa lét tiện nghi là tất nhiên, việc gì phải đái đường!), cô  chỉ quan tâm sự hỗn láo của trẻ nhỏ với người già nên nhắc nhở ông đại biểu dân phố Tô Hoài “bác đã bảo các cháu phải lễ phép chưa?”
         Cả hai vị có trách nhiệm với việc đẹp nhà sạch phố đều đặt sự tôn trọng người già lên trên hết. Ý nghĩa nhân văn lớn, nhưng ngôn ngữ giản dị, ngắn gọn đời thường của nhà văn khiến ta phải bật cười: “À! Thế thì cụ là quan đế quốc, không phải cao cấp ta! “ ông Đại biểu dân phố lại còn mời cụ ...đái bậy “Tôi đã đuổi đám trẻ con hỗn với cụ, cụ cứ đái tự nhiên!” Nào phải chữ nghĩa to tát gì mới nói được điều nhân ái, nét đẹp thường ngày của người dân!
        
II – Bài học từ hai trang giấy nhỏ
          Bên cạnh sự nổi tiếng về viết, nhà văn Tô Hoài còn nổi tiếng với sự đọc khá rộng các cây bút trẻ “mình đang bơi nên cũng muốn xem chung quanh các bạn bơi như thế nào?”  Và hễ có dịp là nhắc nhở về sự tuỳ tiện chữ nghĩa cụ gặp phải. Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn đã được cụ hỏi “ Nếu đảo câu Tôi và Lâm Thị Mỹ Dạ đến thăm... bằng Lâm Thị Mỹ Dạ và tôi đến thăm... thì có khác gì không? Thanh Nhàn (và tôi) giật mình: Ừ nhỉ! Đặt bạn lên trước, rõ ràng là tôn trọng Mỹ Dạ hơn, mình khiêm tốn hơn chứ!
         Nhưng việc ấy chỉ thành ấn tượng, khi tôi được nhà văn đàn anh đích thân chỉ bảo.  Tôi biết thì giờ của cụ rất quý nên khi tặng sách cụ, tôi phải nói thêm
“ Vì được  bác hỏi thăm đến cuốn sách nên mới dám tặng, lúc nào rảnh bác hãy đọc...”   
       Quả thật tôi cũng không dám mong đợi hồi âm gì. Thế mà chưa tới  mười ngày, đã nhận được hai trang giấy nhỏ, tôi đếm được đúng mười cái gạch đầu dòng, tức mười ý kiến cụ chỉ ra cho, cụ mở đầu:
       “Tôi đã đọc xong Những gương mặt - những trang đời (*). Tôi đã được biết thêm nhiều chi tiết thú vị của các bạn văn dưới ngòi bút tình cảm của Vân Long. Có một số chi tiết bàn thêm với Vân Long , có thể nếu có cái đúng thì tốt cho khi tái bản” Thật cảm động về sự chí tình, sự khiêm tốn và cách động viên của    nhà văn đàn anh. Sau đó, cụ nhặt ra từng hạt sạn ở từng chữ, từng dòng:
     --Trang 39, trích câu của Trần Lê Văn: khăn xếp thay bằng khăn quấn, phải bỏ chữ bằng đi thì mới chính xác và rõ nghĩa, vì khăn xếp ra đời sau khăn quấn. Nhưng câu văn ấy lại không phải của Vân Long. (Quả nhiên khi tôi kể lại với nhà thơ Trần Lê Văn, ông thừa nhận ngay: Đúng! Tôi viết chữ bằng là thừa, ông này (Tô Hoài) tinh thật!)    
- Trang 152:  Báo Vệ quốc quân sư đoàn 304, tiền thân báo Quân đội Nhân dân (là chưa ổn) báo của sư đoàn, của quân khu chỉ có thể góp phần là tiền thân báo Quân đội Nhân dân, mà chỉ có báo Sao Vàng, báo Vệ Quốc đoàn ở Trung ương mới trực tiếp là tiền thân của Quân đội nhân dân...”
 - Trang 212, tôi biết, theo tôi biết thôi, có thể không đúng: hoà bình lập lại, Sao Mai ở Nhà thờ Tin Lành  thì chưa có bà hai, khi sắp đi khai hoang bà hai mới lên, (sau Thôn Bầu thắc mắc 1957 và trước ký sự Tìm đất 1966).
      -  Trang 104: mười năm tôi ăn nằm với Hải Phòng, nếu Vân Long đã rõ chữ dân gian ăn nằm là giao hợp thì tôi không có ý kiến gì.
        Có nghĩa là cụ không bắt lỗi, nếu người viết đã hiểu nghĩa chữ dân gian mà cố ý dùng khác đi để làm mới nghĩa chữ đó thì chấp nhận được, do dốt mà dùng sai thì cụ nhắc v..v... 
III - Hiện thực và ...hiện thực
   
         Ngày  25 tháng 11 - 2005, tôi dự buổi hội thảo khoa học Để có tác phẩm hay do Hội Văn Nghệ và Chi hội nhà văn Hải Phòng tổ chức. Nhiều nhà văn  cho rằng sang giai đoạn mới, phương pháp hiện thực XHCN và cách viết hiện thực chưa đủ để các nhà văn sáng tạo. Có người nhắc đến một tổ chức quốc tế đã bình tác phẩm Đôn Kihôtê của nhà văn Xecvăngtét là tác phẩm hay nhất mọi thời đại. Thế mà nhân vật Đôn Kihôtê được nhà văn “bịa” hoàn toàn từ đầu thế kỷ 17, nhà văn cần phải thông qua cái nhìn thấy để víết cái cảm thấy v...v..
       Về Hà nội, gặp nhà văn Tô Hoài, tôi kể sơ sơ tình hình hội thảo. Cụ cười hóm hỉnh, đại lượng: “Ông Xecvăngtét có được Đôn Kihôtê cũng nhờ làm nghề thu thuế đi khắp đất nước. Hiện thực bao giờ chẳng là cái gốc của đời sống. Cao Hành Kiện có Linh Sơn cũng do chuyến về thăm vùng phía bắc Trung Hoa. Có ngồi một chỗ mà bịa được đâu! ..Vả lại, người ta có thể biến tôi với ông thành...quỷ cũng được, nhưng phải có cái gì nhận ra Tô Hoài, Vân Long chứ!”
        Rồi cụ nhận xét tình hình văn học của mình đang “phá ra” như Trung Quốc, nhưng khác Trung Quốc là chưa có được những tác phẩm định hình.
        Dẫu có cuộc trao đổi đó, khi đọc Ba người khác (NXB Đà Nẵng, 12/2006) tôi vẫn ngạc nhiên vì sự mới mẻ trong  bút pháp này của Tô Hoài), ông tả thực đến mức tàn nhẫn, miêu tả nhục cảm rất tự nhiên…
          Khi đến đặt bài cho số báo Tết Đinh Hợi, tôi hỏi ông:
      - Thưa bác, phải chăng, cuộc CCRĐ đã có đủ độ lùi cần thiết, hoặc khi người ta mạnh lên (như văn học Trung Quốc đã mạnh dạn thừa nhận những sai lầm dĩ vãng ...)mới dễ nhìn thẳng vào những khiếm khuyết đã qua? Có lẽ chỉ sau APEC 2006, sau khi nước ta gia nhập WTO mới dễ xuất bản cuốn đó chăng? Bác viết xong cuốn đó từ đầu những năm 90, vậy có phải chỉnh lại cho hợp với nhãn quan mới?
        Nhà văn Tô Hoài thủng thẳng:
       - Nếu những điều ông đoán định là đúng thì nó thuộc về khâu xuất bản, còn nhà văn thì cứ ghi chép đời sống trung thực theo cách của mình, tôi chả phải sửa lại gì... Cải cách ruộng đất là cuộc Cách mạng rất lớn, đã nhiều người viết về nó, tôi là đội phó đội cải cách kiêm phụ trách tòa án đến 3 năm. Đó là điều tôi khác các nhà văn cực đoan không hiểu gì về CCRĐ mà lại lên án nó... nhất là khi họ đã ở nước ngoài!
        Phòng viết của cụ ở Nghĩa Đô là căn phòng xây thêm ra ngoài vườn, trông ngoài như cái lô cốt, mùa rét đóng cửa trông bịt bùng lắm. Nhưng khi ngồi bên bàn viết tiếp tôi, cụ mở cánh cửa sổ phía trong,  hoá ra bên ngoài là một con phố nhỏ, bên kia đường là một quán nước có mấy người công nhân xây dựng quần áo lấm lem vôi vữa, đang tranh luận gì hăng hái lắm. Nếu cụ mở nốt cửa kính, chắc sẽ nghe được họ nói gì. Hóa ra nhà văn vẫn “đặt bàn viết giữa cuộc đời” như nhà phê bình văn học Vương Trí Nhàn đã viết về cụ, mặc dầu cụ không còn tham gia công tác đường phố như trước.  
           Có lẽ cứ từng chút, từng chút một, bắt đầu bằng Dế mèn phiêu lưu ký niềm say mê thuở nhỏ của chúng tôi, qua giai đoạn hiện thực có xen bút pháp sử thi (như Vợ chồng A Phủ) trên 150 tác phẩm. Tưởng như vậy đã xum xuê tàn tán lắm rồi, cuối đời lại bật ra một nhành mới thật riêng và lạ: Cát bụi chân ai, Chiều chiều, bây giờ là Ba người khác, viết cứ như chơi, tưng tửng, đùa cợt ... làm khuynh đảo cả những cách viết cũ mà vẫn hiện thực đến tận cốt lõi đời sống. Giai đoạn này, nhà văn thực sự là một nhân chứng lớn của lịch sử, viết trực diện về con nguời xã hội, con nguời văn học, tôi cảm thấy cây cổ thụ Tô Hoài vẫn phủ bóng rợp lên thế hệ nhà văn chúng tôi. 
         V.L.
  (*) Những gương mặt - những trang đời (chân dung văn nghệ sĩ, XB Thanh Niên 2001. Giải thưởng Hội nhà văn Hà nội 2002, tái bản có sửa chữa, bổ sung   2006 quý III/2006).                                                                     
                                                      
  Nhà văn Tô Hoài Bơi giữa dòng đời…ở tuổi 90
Vân Long
  

 Cứ mỗi lần muốn đến thăm nhà văn Tô Hoài, tôi cứ phải gọi điện cho một trong hai địa chỉ, hoặc ở phố Đoàn Nhữ Hài, trung tâm Hà nội, hoặc ở nhà C3 Nghĩa Tân. Khi biết cụ ở đâu là tôi xác định được tình trạng sức khoẻ của cụ. Nếu ở Nghĩa Tân có nghĩa sức khoẻ của cụ bình  thường ở mức “lai rai”, nghĩa là vẫn chung sống với hai bệnh mãn tính: bệnh gút và bệnh tiểu đường giai đọan 2. Ở Nghĩa Tân là nhà Thành phố cấp cho khi cụ rời Hội Nhà Văn về làm chủ tịch Hội Văn Nghệ Hà nội (1966-1996),  cụ nhường cho gia đình con gái, chỉ giữ lại một buồng để làm việc cho yên tĩnh. Khi sức khoẻ bình thường thì cụ ở đây, vừa để viết, vừa để cô con gái dược sĩ hàng ngày có thể tiêm thuốc, điều chỉnh lượng đường trong máu. Còn những lần sức khoẻ trục trặc đáng lo hơn như tim mạch, huyết áp cao thì cụ lại về Đoàn Nhữ Hài với cụ bà, gần bệnh viện Hữu Nghị hoặc những bệnh viện có chuyên khoa giỏi. Lần này đến đặt bài báo Tết, tôi được đến C3 Nghĩa Tân thăm cụ,
nghĩa là có thể lợi dụng tình trạng sức khoẻ ổn định của cụ để ngồi hầu chuyện cụ lâu hơn.
 Hoá ra năm 2007 vừa qua cho đến nay là thời điểm cụ có thể tạm tổng kết cuộc đời hoạt động cách mạng và văn học nhân kỷ niệm ngày sinh tròn tuổi 90. Đó là căn cứ vào tấm bảng mừng thọ của Thành Ủy Hà nội, còn theo tiểu sử văn học của cụ trong Từ Điển Văn Học thì cụ sinh ngày 7 tháng 9/1920.  Nhân dịp này cụ còn được Huy hiệu 60 năm  tuổi Đảng, rồi Huân chương Độc Lập hạng Nhất.
 Tôi hỏi:
--Thưa bác, cũng nên là dịp tổng kết về tác phẩm đã được xuất bản?  Tôi không làm sao có được con số chính xác này  nếu chỉ căn cứ   vào phần  Cùng tác giả sau mỗi cuốn sách của bác.
Tô Hoài nở nụ cười hiền hậu:
--Thì chính tôi cũng không biết được chính xác: sách cho người lớn khoảng 150 cuốn, sách cho thiếu nhi khoảng 70 cuốn gì đấy! Với lại số đầu sách xuất bản lại không ứng vào số tác phẩm mình viết, có nhiều cuốn tái bản riêng, lại có những cuốn tái bản in gồm cả mấy tác phẩm làm một đầu sách.
Tiện tay, cụ rút mấy cuốn đang đặt trên bàn làm ví dụ.
                         Ba pho sách kỷ niệm
             Nghìn năm Thăng Long- Hà Nội
 
Thì ra, từ nay đến kỷ niệm Nghìn năm Thăng Long- Hà nội 2010, cụ có đến 3 pho sách dầy dặn gồm toàn những cuốn tái bản mà in gộp theo thể loại: Cuốn thứ nhất,NXB Kim Đồng đang in ghép 3 tiểu thuyết lịch sử: Nhà Chử, Đảo Hoang và Chuyện nỏ thần, khoảng hơn 700      trang, gợi người đọc nhớ đến vùng đất cổ Phong Châu, Cổ Loa với những truyền thuyết vừa mang tính huyền thoại vừa đậm màu sắc dân gian.
Cuốn thứ hai NXB Đà Nẵng đang in: Miếu Đồng Cổ gồm 62 truyện ngắn viết từ 40 năm trở lại đây, khoảng 700 trang, hầu hết là phản ảnh,  ghi nhận cuộc sống ngoại thành Hà nội mà nay đã thuộc địa phận Hà nội mới.
Cuốn thứ ba in ghép 3 tiểu thuyết Quê nhà, Quê người và Mười năm,
860 trang, có thể nói đó là bộ ba tiểu thuyết cụ viết về cái làng  thợ dệt ngoại ô Hà nội: làng Nghĩa Đô, nơi cụ được sinh ra và lớn lên. Quê nội thì ở làng Cát Động, Thanh Oai - Hà Đông, 20 tuổi cụ mới về quê nội. Đọc chúng, ta sẽ hình dung được  những năm sôi nổi của phong trào dân chủ và tiền khởi nghĩa cùng với những tư tưởng mới mẻ tràn đến với nhà văn trẻ đang hăng hái bồng bột tiếp nhận nhiệm vụ cách mạng, cụ hoạt động Văn Hoá Cứu Quốc (1943), viết báo bí mật, tuyên truyền Cách mạng và đau xót chứng kiến nạn đói khủng khiếp năm Ất Dậu, càng thảm khốc với làng Nghĩa Đô của cụ chỉ cách Thụy Khuê bên kia con đường Bưởi mà Thụy Khuê được phát bông gạo, Nghĩa Đô là ngoại tỉnh (lúc đó thuộc phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông) thì gần như cả làng chết đói.
 Nhắc đến cụm tác phẩm này và thời kỳ đó, cụ bảo:
-- Ấy! Ở làng Vạn Phúc thị xã Hà Đông, có cái bia đá ghi công các nhà hoạt động Cách mạng tiền khởi nghĩa, có cả tên tôi. Nhưng như vậy không có nghĩa là họ tin tưởng tuyệt đối ở anh nhà văn hay rắc rối này   (cụ cười hóm hỉnh).
-- Có lần mấy đồng chí Tỉnh Uỷ Hà Đông về Hội Văn Nghệ 51 Trần  Hưng Đạo để phản ứng với Hội về nhân vật Hai Tâm, một nữ cán bộ cách mạng xinh đẹp mà lại lẳng lơ. Dân làng gặp tôi cũng phê bình:
 “ Làng chúng tôi không có kiểu cán bộ cách mạng lẳng lơ như vậy!”
Tô Hoài thủng thẳng với nụ cười hóm hỉnh thường trực, đôi mắt nheo    lại càng tinh quái hơn:
--Ấy! Tự truyện và hồi ký đều ở 3 cuốn đó! Tác giả cũng phải được ký thác một chút vào nhân vật chứ! Cách mạng thì vẫn cách mạng, lẳng lơ  thì vẫn lẳng lơ!...Cát bụi chân ai bị cấm, lại được ra, lại Chiều chiều... 
Tôi hơi ngạc nhiên, khi Tô Hoài cho biết: nhân vật Hai Tâm là ký thác con người tác giả Tô Hoài? Ít ai liên hệ xa đến vậy!
Tôi nhớ đến nhận định về nhà vănTô Hoài của giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh: “…nhất là sau 1986, (Tô Hoài) mới thực sự là Tô Hoài với Chiều chiều, Cát bụi chân ai, Ba người khác, Giấc mơ ông thợ    dìu…
Rồi trong Từ điển Văn học (bộ mới, 2004), mục từ Tô Hoài được  ghi nhận: “…Tô Hoài biết dựng lên những mặt thật và giả, mặt phải và trái, mặt tưởng chừng đúng mà lại sai và ngược lại, tưởng chừng sai mà lại đúng…trong mỗi sự việc và con người sống giữa những năm ngổn ngang , phức tạp với bao nhiêu là chuyện suốt ba thập kỷ  đằng     đẵng ấy!” (Nguyễn văn Long - Nguyễn Huệ Chi).
Cuốn sách bộ ba này thật gắn bó thật chặt chẽ với nội dung lịch sử cách mạng của thành phố Hà nội, nhất là khi cả tinh Hà Đông cũ đã   trở thành Hà nội mới. Cuốn này NXB Hà nội sẽ xuất bản.
                      Từ chuyện nhỏ đến…chuyện nhỏ
 Vui chuyện, nhà văn ôn lại cả thời kỳ  cụ làm giám đốc nhà xuất bản Văn Học giai đoạn đầu tiên (2 phó giám đốc Đoàn Giỏi và Hoàng Cầm), cụ bị coi là hữu khuynh khi ứng tiền cho Nguyễn Bính để in lại    Nước giếng thơi, ứng tiền cho nhà báo Trương Uyên (nhà báo sống trong Hà nội tạm chiếm hay viết tản văn kiểu nhàn tản như Nguyễn Tuân) để ông này viết sách về Hà nội.
 Nhà văn Tô Hoài nhiều năm làm bí thư Đảng ủy Hội Nhà văn (trong khi Hà Huy Giáp làm bí thư Đảng đoàn) cùng với thời kỳ đánh bạn với giới nhà văn trước cách mạng nên ông hiểu giới này từng người từ chân tơ kẽ tóc. Khi tôi kể, vì sưu tầm tư liệu viết về cụ Nam Sơn, đồng sáng lập trường Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương mà tôi được biết: nhà văn Nhất Linh tức Nguyễn Tường Tam đã đỗ đầu trong kỳ thi vào trường Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương ngay từ khóa đầu tiên. Thì cụ bổ sung thêm: Đúng! Nguyễn Tường Tam còn ký tên Đông Sơn,  minh họa cho các báo Phong Hoá, Ngày Nay. Cụ còn cho biết: Quang Dũng hồi lãng du ở Quảng Châu, họp ở Liễu Châu với cánh Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam , mê Nguyễn Tường Tam lắm! Sau thấy họ Nguyễn chỉ uống rượu khoẻ, ông chán, về đến Hà nội là bỏ hẳn đám này, về Sơn Tây học trường võ bị của ta. (*) Khi tôi khen Phùng Cung sau khi được tự do, có tập thơ Xem đêm rất hay, nhờ vậy mà còn lại được tên tuổi Phùng Cung, chứ Con ngựa già chúa Trịnh thì người đọc quên ngay. Cụ bổ sung: Không phải cậu ấy viết sau khi bị tù, mà ngay trước khi bị…, Cung đã bảo tôi Em sẽ viết cái Dạ ký… Cứ thế, ông già tuổi 90 nhớ chuyện gì cũng rất thấu đáo, nhớ từng chi tiết. 
 Tôi xuýt xoa nhìn những bộ sách tái bản và bản thảo dự kiến tái bản:  “Trời! Có lẽ cụ chẳng cần viết gì nữa, chỉ tổ chức xếp sắp, tái bản   những tác phẩm đã viết, hoặc làm các tuyển tập là đủ tiêu hết quãng thời gian còn lại…”
Cụ bảo: “Ấy chết! Còn sống còn phải viết chứ! Tôi đang định viết cuốn tiểu thuyết về thời bao cấp, lắm điều thú vị lắm! Tôi có 7 năm làm tổ  trưởng dân phố ở Đoàn Nhữ Hài ( 1965-1972) mà!  Cụ chỉ vào một chồng tiểu thuyết dịch mà đặt trên đầu là  cuốn Đôn-kihôtê của Xécvăngtét, cuốn tiểu thuyết được một tổ chức quốc tế bình là cuốn sách hay nhất mọi thời đại. “ Trước khi bắt tay vào cuốn đó, tôi phải nghiên cứu xem thiên hạ dùng những võ gì, hoặc để tránh người, hoặc để học người…”       
 Rõ ràng là cả đời văn của  Tô Hoài đều bám rất sát những chuyện đời thường. Qua việc thường, người thường, chuyện vặt vãnh đời  thường mà tìm ra cái lạ, cái mới của đời sống, của văn học. Tự ông cũng luôn tạo điều kiện để mình được dấn sâu thêm vào đời sống, làm cán bộ đường phố, làm cán bộ cải cách ruộng đất, hết tổng kết cải cách ở Thái Bình, Thanh Hoá lại về làm đội phó phụ trách tòa án ở Hải Dương…
     

          Chú thích bài Nhà văn Tô Hoài bơi giữ dòng đời ở tuổi 90
             (In trên trang 15 báo Sức khoẻ Đời sống số Tết Kỷ Sửu)
        Phần viết thêm, bổ sung khi đưa lên mạng báo Điện tử của Hội Nhà văn VN
“ Trước khi in, người viết bài này đã đưa nhà văn Tô Hoài đọc xem có chi tiết nào không chính xác để sửa. Sau đó tôi đọc lại cho nhà văn nghe từng chữ về nhà thơ Quang Dũng xem hành trạng của nhà thơ có cần thêm bớt, chỉnh lại chữ nào không: “ Khi tôi kể, vì sưu tầm tư liệu viết về cụ Nam Sơn, người đồng sáng lập trường Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương mà tôi được biết: nhà văn Nhất Linh tức Nguyễn Tường Tam đã đỗ đầu trong kỳ thi vào trường này ngay khoá đầu tiên, thì cụ bổ sung thêm: Đúng! Nguyễn Tường Tam còn ký tên Đông Sơn khi minh họa cho các báo Phong Hóa , Ngày Nay. Cụ còn cho biết: Quang Dũng hồi lãng du ở Quảng Châu, họp ở Quảng Châu với cánh Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam ( Việt Nam Cách mạng Đồng minh hội) mê Nguyễn Tường Tam lắm! Sau thấy họ Nguyễn chỉ uống rượu khoẻ, ông chán. Về đến Hà nội là bỏ hẳn đám này về Sơn Tây học trường võ bị của ta.)   
  Và  nhà  văn Tô  Hoài đã xác định tôi ghi như trên là chính xác. Sở dĩ có chú thích này vì không chỉ một lần, có bạn đã hỏi tôi về nhà thơ Quang Dũng (có lẽ do biết tôi có thời gian hay đàm đạo với bộ ba Quang Dũng, Trần Lê Văn, Ngô Quân Miện) liên quan với nhóm Nguyễn Tường Tam hồi ở Quảng Châu và sau đó, ở mức nào ? Tôi nghĩ: Ngoài cơ quan đặc trách, có lẽ chỉ nhà văn Tô Hoài (với cương vị từng là Bí thư Đảng ủy Hội Nhà Văn trong thời điểm lý lịch cán bộ là yếu tố cực kỳ quan trọng) mới có thẩm quyền trả lời những câu hỏi trên một cách chính xác. Vậy xin các bạn đọc hãy coi những dòng ghi trên chính là câu trả lời của nhà văn Tô Hoài. Và dùng nó để bác bỏ những chuyện thêu dệt, ảnh hưởng không hay đến một nhà thơ được mến mộ một cách đặc biệt. Ngày 18 tháng Giêng Mậu Tý (Tết năm ngoái), Trung đoàn 52 Tây Tiến đã tổ chức kỷ  niệm 60 năm bài thơ Tây Tiến, tại Hội trường trường Đại học Y Tế công cộng (đường Giảng Võ, Hà nội). Có lẽ đây là lần đầu tiên, tuổi một bài thơ được tổ chức kỷ niệm! (Bạn đọc có thể tham khảo bài tường thuật của Nguyên Phương về cuộc mít tinh này trên tạp chí Thơ 3/2008 ).  “              
Vân Long

CỤ THỢ VẼ VÀ CHỊ ĂN MÀY
Vân Long

           Mùa đông năm ấy, nhóm ăn mày ngụ ở hiên chùa Bà Đá thấy một ông cụ  tóc hoa râm, cao to như tây, khuôn mặt rất hồn hậu, vác giá vẽ đến đặt ở sân chùa. Ông ngắm nghía cây hoa đào đang ngậm nụ, lơ thơ vài bông nở sớm, rồi nheo mắt gật gù. Lúc đầu, những người ăn xin còn e dè. Sau, thấy ông thợ vẽ nghỉ trưa, rút bắp ngô luộc ra ăn, họ “à” lên một tiếng: chắc cũng   nghèo như cánh ta! rồi sán lại, cùng ông ngắm nghía bức tranh đang vẽ.
Bức tranh vẽ đến mươi ngày không xong. Một chị chạc ba mươi tuổi    bế đứa bé đang bú, lân la hỏi:
 -- Cụ thợ vẽ ơi! Cụ vẽ đến mươi ngày không xong một bức, thế bán     thì được bao nhiêu tiền ?
Ông lão ầm ừ cho qua chuyện :
 --À! Cũng tuỳ! Có khi không bán được, có khi được vài trăm      ngàn...
Chị ăn mày nghĩ ngợi ,rồi tắc lưỡi ái ngại:
 --Khổ ! Thế thì thu nhập còn kém chúng cháu!
Sau hàng tuần lễ ở đây, ông lão biết điều ấy lắm chứ! Đây là  một địa bàn chiến lược của nhóm ăn mày.
Cứ sáng chủ nhật, chị cùng cả nhóm khoác tấm áo cũ rách ra Nhà thờ lớn,  chỉ vài bước chân. Còn ngày rằm mồng một thì hành  nghề ở ngay chùa này.
Tết đến, trong khi ông lão thợ vẽ bận hoàn thành bức tranh thì chị  ăn mày nghỉ tết, chị đưa con về quê ăn tết. Mãi đến mồng mười chị mới ra. Trông thấy cụ thợ vẽ, chị reo lên hồ hởi:
--Cháu chào cụ! Cụ ăn tết có vui không? Sao cụ làm việc sớm  thế ?
Chị thu xếp qua hành lý rồi lấy ra tấm bánh chưng, bóc ra đưa   đôi đũa tận tay cụ thợ vẽ, vồn vã mời:
--Cụ! Cụ nghỉ tay nếm miếng bánh nhà cháu gói, rền lắm!
Cụ thợ vẽ nhìn tấm bánh thật dầy dặn, nhân thịt mỡ thòi cả ra    một góc bánh, Cụ ăn thử một miếng rồi xuýt xoa :
--Trời ơi!Chưa bao giờ tôi được ăn miếng bánh ngon đến thế !
Chị ăn mày không dấu được vẻ tự hào, nhưng chị vẫn nửa đùa, nửa khiêm tốn:
--Cụ quá khen! Bánh của mẹ con nhà ăn mày chúng cháu ấy mà !
Cụ thợ vẽ nhìn lên trời, thốt lên:
      --  Chúng ta đều là ăn mày của trời đất cả cháu ạ!
Chị ăn mày không bao giờ biết cụ thợ vẽ hồn hậu đó là nhà thơ Quang Dũng!

(trong tập chân dung văn học Những người…”rót biển vào chai”
của Vân Long –NXB Phụ nữ quý I – 2010)